Đến Đồng Tháp Mười

Ngày đăng: 19/10/2011 - 16:10

Lê Hồng Lĩnh*

Tháng 9-1948, Bác Hồ và Trung ương Đảng cử một phái đoàn cấp cao vào Nam Bộ. Phái đoàn gồm các đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Thường vụ Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lãnh đạo; Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Chủ tịch phủ; Dương Quốc Chính, Thiếu tướng Chính uỷ Khu Việt Bắc.

ablDT8

Đồng chí Lê Đức Thọ chụp ảnh lưu niệm với đại diện các tỉnh giáp giới

với Đồng Tháp Mười sau cuộc họp của Xứ ủy Nam Bộ tại Kinh 4 Bis, năm 1949

(Đồng chí Lê Đức Thọ - người ngồi đầu tiên, hàng sau, từ phải sang)

Cuối tháng 9, đi từ Việt Bắc, phái đoàn đã đến chợ Xêu, huyện Mỹ Đức thì dừng lại mấy hôm để anh Thọ làm việc với Khu uỷ Khu 3 và tỉnh Lưỡng Hà (Hà Nội và Hà Đông) và làm lễ cưới cho anh Lê Quang Đạo với chị Nguyệt Tú.

Phái đoàn Trung ương đến Thanh Hóa thì tổ chức lễ thụ phong quân hàm Thiếu tướng cho Khu trưởng Khu 4 Nguyễn Sơn. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Chính phủ làm chủ lễ và trao danh thiếp của Bác Hồ gửi Nguyễn Sơn.

Vào cuối tỉnh Hà Tĩnh, tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, phái đoàn dừng lại mấy ngày chuẩn bị lương thực, thực phẩm mà vượt Trường Sơn và cũng để nhận 80 kg vàng ở Sở Tài chính Trung Bộ đưa vào chi viện cho Nam Bộ.

Cuối năm 1948, phái đoàn gặp đồng chí Phạm Văn Đồng và phu nhân khi đến Tam Kỳ trên đường đồng chí ra Trung ương nhận nhiệm vụ Phó Thủ tướng.

Phái đoàn đến căn cứ Liên khu 5 ở An Sơn, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi thì đúng vào năm mới 1949. Phái đoàn ở lại đây một thời gian để các đồng chí lãnh đạo Đoàn làm việc với Liên khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 gồm các đồng chí Nguyễn Chánh, đồng chí Trần Lương, đồng chí Nguyễn Đôn...

Vào đến Bắc Khánh Hòa thì phái đoàn tạm thời thôi đi bộ. Anh Cả Khâm (Nguyễn Văn Khâm), Trưởng ban Liên lạc miền Nam thu xếp cho phái đoàn đi thuyền ven biển để vào Nam Bộ. Cả phái đoàn chia ra làm ba đoàn cho gọn nhẹ để đi vào làm ba đợt cách nhau, bảo đảm an toàn. Đoàn một gồm các đồng chí lãnh đạo, có thêm anh Lê Toàn Thư, anh Vũ Quang Triệu, anh Hồng Châu, anh Tiệp, anh Ban y tá và hai đồng chí bảo vệ là anh Thành và anh Trụ. Đoàn hai do tôi - Lê Hồng Lĩnh - phụ trách, có các anh Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Văn Mẫn, Nguyễn Phổ và ba đồng chí liên lạc. Đoàn hai mang ít tài liệu và 40 kg vàng. Đoàn ba do anh Trần Quang Lê phụ trách gồm anh Lê Văn và anh em nhân viên liên lạc, mang rất nhiều tài liệu và 40 kg vàng.

Tháng 4-1949, đoàn các đồng chí lãnh đạo đã đến Đồng Tháp Mười và cơ quan Xứ uỷ ở vùng Gò Tháp. Tháng 5, đoàn hai chúng tôi mới tới nơi. Tháng 6, đoàn ba mới tới. Đoàn ba bị địch phục kích ở Cà Ná, Ninh Thuận khi mới từ thuyền lên bờ. Nhìn anh Trần Quang Lê quần áo bị rách, ba lô lỗ chỗ mấy vết đạn mới biết anh em đã phải gian nan lắm mới vượt được vòng vây.

Đoàn các đồng chí lãnh đạo đến Đồng Tháp Mười chưa được mấy hôm thì một cuộc lễ chưa từng có được tổ chức ở đây.

Đây là lễ đón tiếp phái đoàn Trung ương Đảng và Chính phủ và là lễ chính thức thụ phong quân hàm Trung tướng cho Tư lệnh Nam Bộ Nguyễn Bình.

Cuộc lễ diễn ra trên một vùng đất khô ráo phía nam kinh Dương Văn Dương vào cuối tháng 4-1949. Tham dự cuộc lễ, thay mặt Xứ uỷ có đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Ung Văn Khiêm, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, đồng chí Thượng Vũ, đồng chí Nguyễn Thị Thập. Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ có Chủ tịch Phạm Văn Bạch, Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Thuần, Uỷ viên Nội vụ Ung Văn Khiêm, Uỷ viên Ngoại vụ Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Công an Diệp Ba, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Đình Chi, Giám đốc Sở Thông tin Huỳnh Tấn Phát, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hưởng. Về phía Bộ Tư lệnh Nam Bộ có Tư lệnh Nguyễn Bình, Chính uỷ Phạm Ngọc Thuần, Phó Tư lệnh Lê Duẩn, Tham mưu trưởng Nguyễn Chánh, Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Long. Về các đoàn thể cách mạng có Đoàn Thanh niên do anh Trần Bạch Đằng phụ trách, Đoàn Phụ nữ Nam Bộ do chị Mười Thập đứng đầu. Đại diện nhân dân ba xã Tháp Mười, Hậu Thạnh, Nhơn Hòa Lập cũng có mặt tham dự. Cả Tiểu đoàn 404 chủ lực của Nam Bộ do anh Nguyễn Đức Hinh làm Tiểu đoàn trưởng, anh Nguyễn Văn Sơ làm Chính trị viên với đội ngũ chỉnh tề đã có mặt từ đầu.

Phái đoàn Trung ương Đảng và Chính phủ có các đồng chí lãnh đạo Lê Đức Thọ, Phạm Ngọc Thạch, Dương Quốc Chính và đồng chí Lê Toàn Thư, Vũ Quang Triệu.

Sau lễ chào cờ và cuộc duyệt binh trang nghiêm, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Chính phủ long trọng đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Gửi các Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ, các tỉnh, quận và xã ở Nam Bộ", đề ngày 15-9-1948, trong đó Người khẳng định: "Trong mọi việc, chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm, là chí công vô tư"[1].

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đọc tiếp "Thư gửi nam nữ thanh niên và nhi đồng Nam Bộ" của Bác Hồ. Bác động viên: "Các cháu phải dũng cảm tiến lên, làm cho xứng đáng là con cháu của Phù Đổng Vương, của Trần Quốc Toản. Cho xứng đáng là thanh niên và nhi đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất và độc lập"2.

Sau tiếng hô vang: Nghiêm! Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ long trọng tuyên bố chính thức phong tặng quân hàm Trung tướng cho Tư lệnh Nguyễn Bình, đặt lòng tin của Chính phủ và quân đội vào vị trí Trung tướng đầu tiên và độc nhất của quân đội lúc này trong sự nghiệp chỉ huy lực lượng vũ trang nhân dân Nam Bộ, Thành đồng Tổ quốc, đánh thắng thực dân Pháp ở nơi địa đầu đất nước.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đọc tiếp Thư gửi các tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích Nam Bộ cũng đề ngày 15-9-1948 của Bác Hồ, trong đó Bác căn dặn: "Trong phong trào Thi đua ái quốc, luyện quân lập công ngày nay, tôi mong các đồng chí cố gắng phát triển các ưu điểm, sửa chữa các khuyết điểm, để làm cho bộ đội ta thật xứng đáng là bộ đội của một nước Dân chủ Cộng hòa, xứng đáng với nhiệm vụ vẻ vang là giải phóng Tổ quốc và bảo vệ nhân dân"[2].

Trung tướng Nguyễn Bình đã rất xúc động, hết lòng cảm tạ Bác Hồ và Chính phủ đã trao tặng quân hàm Trung tướng, nhận rõ nhiệm vụ nặng nề của người thứ hai trong hàng ngũ tướng lĩnh của toàn quân, hứa sẽ không ngừng trung với nước, hiếu với dân, kiên quyết dẫn dắt quân đội và dân quân toàn Nam Bộ đánh thắng quân Pháp ở địa bàn xa Trung ương nhất. Trung tướng hiệu triệu toàn quân ra sức luyện quân lập công, miệt mài luyện tập xây dựng lực lượng, dũng cảm và mưu trí chiến đấu bảo vệ nhân dân, giải phóng Tổ quốc, làm vẻ vang Nam Bộ đi đầu trong kháng chiến.

Những tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy với những tiếng kèn đồng thúc giục, càng làm náo nhiệt cuộc lễ lịch sử này giữa căn cứ Đồng Tháp Mười bao la.

Phải đến 15 ngày sau cuộc lễ, đoàn hai chúng tôi mới tới Đồng Tháp Mười. Chúng tôi chuyển tài liệu cho phái đoàn và 40 kg vàng cho ngân khố Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ xong thì về ở tạm tại trụ sở Phụ nữ Nam Bộ ở xã Hậu Thạnh trên bờ kinh Dương Văn Dương. Trụ sở đang vắng chủ vì các chị đang đi công tác và xuống cơ sở.

Trong khi chúng tôi chờ đợi để nhận phân công công tác mới, anh Lưu Quý Kỳ có nhã ý là tổ chức cuộc nói chuyện về Đường lối cách mạng văn hóa Việt Nam cho các đồng chí nhà văn, nhà báo và các nghệ sĩ ở Đồng Tháp Mười. Cuộc nói chuyện đã diễn ra trong một hội trường tranh tre lá, có những hàng ghế làm bằng các tấm ván thô. Các văn nghệ sĩ đã đến khá đông, có tới năm, sáu chục người. Anh Ba Lê Duẩn nghe nói có cuộc nói chuyện về Đường lối cách mạng văn hóa Việt Nam cũng tới dự. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được gặp anh Ba. Anh mặc bộ bà ba nâu, người cao hơi gầy nhưng có đôi mắt đặc biệt sáng. Tôi và anh Lưu Quý Kỳ đến chào anh Ba, anh ra hiệu cho anh Kỳ cứ tiếp tục nói chuyện và ngồi vào một cái ghế ở gần phía cuối.

Anh Lưu Quý Kỳ đã được thảo luận nhiều về Đường lối cách mạng văn hóa Việt Nam, khi ở vùng tự do Khu 4 tại Thanh Hóa. Anh đã được nghe anh Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng nói về Đường lối cách mạng văn hóa Việt Nam. Bản thân anh Lưu Quý Kỳ cũng là một nhà hùng biện. Với vốn lý luận về văn hóa rất dày, anh Kỳ nói chuyện rất hấp dẫn và thuyết phục. Tóm tắt lại anh nói văn hóa phải có nội dung khoa học, hình thức dân tộc và phục vụ đại chúng... Văn hóa phải: Khoa học - Dân tộc - Đại chúng.

Anh Lưu Quý Kỳ vừa nói xong, anh Ba ở cuối hội trường giơ tay phát biểu: "Dân tộc chỉ hình thức thôi à?". Ý của anh Ba là văn hóa phải có nội dung dân tộc, dân tộc là nội dung, không phải chỉ là hình thức.

Về nhà, anh Kỳ nói với tôi: "Khi nghe anh Ba hỏi vậy, mình toát mồ hôi ra, anh Ba nói đúng, dân tộc không chỉ là hình thức của văn hóa. Phải là nội dung của văn hóa".

Anh Kỳ đưa cho tôi quyển sách Luận văn nghệ vấn đề của Mao Trạch Đông viết bằng chữ Hán, tôi cũng biết võ vẽ chữ Hán. Tôi đọc thấy: Văn hóa nội dung khoa học, hình thức dân tộc, phục vụ đại chúng, mới thấy rằng anh Ba Lê Duẩn có sự độc lập suy nghĩ rất sâu sắc, đúng đắn.

Ý kiến của anh Ba được anh Lưu Quý Kỳ báo cáo ra Trung ương. Dự thảo Đường lối cách mạng văn hóa Việt Nam đã được chấn chỉnh và ghi rõ nội dung dân tộc.

Cuộc nói chuyện của anh Lưu Quý Kỳ ở bên bờ kinh Dương Văn Dương vào giữa tháng 5-1949 dẫn tới sự góp ý độc đáo của anh Ba Lê Duẩn là cái mốc dẫn tới sự hoàn thiện của Đường lối cách mạng văn hóa Việt Nam của Đảng ta.

Đến tháng 6-1949 thì tất cả Phái đoàn Trung ương Đảng và Chính phủ từ các đồng chí lãnh đạo đến các cán bộ, nhân viên, liên lạc đều đã đến Đồng Tháp Mười. Đoàn quân báo có Cục phó Hoàng Minh Đạo và anh Nguyễn Quế (Nguyễn Hồng Quân), anh Phạm Dân - Hoa kiều vụ đã đến kịp. Cả đoàn gồm bốn mươi cán bộ tiểu đoàn, đại đội do các đồng chí Hùng Thế Bằng, Trung đoàn Phó, đồng chí Phạm Hồng Sơn, Tiểu đoàn trưởng phụ trách - đoàn mà Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh cho đi theo Phái đoàn Trung ương để tăng cường cho Nam Bộ, đi suốt dọc Trường Sơn cũng đã tới Đồng Tháp Mười.

Từ thời gian ấy, công tác kiểm tra của Phái đoàn được triển khai rộng rãi. Các đồng chí lãnh đạo  phân công nhau, anh Sáu Thọ làm việc với anh Ba và Xứ uỷ, anh Tư Thạch làm việc với Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính, anh Dương Quốc Chính làm việc với Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Cán bộ của Phái đoàn chúng tôi cùng một số cán bộ của đoàn Bộ Tổng tư lệnh được phái đi các địa phương và đơn vị bộ đội ở Khu 7, Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Khu 8.

Sau một thời gian gần hai tháng đi kiểm tra các địa phương, đơn vị, chúng tôi, cán bộ chính trị hay quân sự đều tập trung báo cáo với anh Sáu Thọ.

Ngày 9-9-1949 đã diễn ra cuộc hội nghị lớn chưa từng có ở Nam Bộ: Hội nghị cán bộ quân sự toàn Xứ. Hội nghị được tiến hành tại một hội trường mới dựng lên ở giữa hai xã Hậu Thành và Nhơn Hòa Lập phía bờ nam kinh Dương Văn Dương.

Dự hội nghị về Xứ Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Nam Bộ có: đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ Quân uỷ, Phó Tư lệnh Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Bình, Tư lệnh Nam Bộ, đồng chí Phạm Ngọc Thuần, Chính uỷ Nam Bộ. Cơ quan Tham mưu có đồng chí Nguyễn Chánh, cơ quan Chính trị có đồng chí Nguyễn Long, cơ quan Phòng Dân quân có Lê Thám, Lê Dũng.

Phái đoàn Trung ương Đảng và Chính phủ có đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Phạm Ngọc Thạch, đồng chí Dương Quốc Chính và một số cán bộ tuỳ tùng Lê Toàn Thư, Lê Hồng Lĩnh...

Khu 7 và Khu Sài Gòn - Chợ Lớn có các đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Văn Trị, Tô Ký, Phan Trọng Tuệ, Huỳnh Văn Một, Nguyễn Văn Dung, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Lung, Vũ Huy Xứng, Bùi Thanh Khiết. Cán bộ các trung đoàn có các đồng chí Nguyễn Văn Thi, Hứa Văn Yên, Trần Văn Đẩu, Nguyễn Văn Hượt, Nguyễn Văn Truyện, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn Bảo...

Khu 8 có các đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Đăng, Đinh Ngọc Thủy. Cán bộ các trung đoàn có các đồng chí Đồng Văn Cống, Nguyễn Văn Thời, Nguyễn Hữu Xuyến, Dương Cự Tẩm, Lê Quốc Sản, Phan Vân, Nguyễn Thông, Nguyễn Quang Việt, Nguyễn Văn Sĩ.

Khu 9 có các đồng chí Nguyễn Văn Trấn, Võ Quang Anh, Nguyễn Xuân Hoàng. Cán bộ trung đoàn có các đồng chí Tào Tỵ, Hứa Bá Lộc, Huỳnh Thủ, Nguyễn Văn Sa, Hồ Hùng, Bửu Vinh, Đào Công Tâm.

Đồng chí Lê Duẩn đã đọc một báo cáo rất quan trọng. Đồng chí chỉ ra đế quốc Pháp đã thực hiện chiến tranh tổng lực từ càn quét đàn áp khủng bố, đến phá hoại kinh tế và tổ chức bộ máy gián điệp để bình định cho được Nam Bộ, nhưng có đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và được nhân dân ủng hộ, ta đã duy trì và đẩy mạnh chiến tranh du kích tiến lên đánh một số trận lớn ở Khu 7, Khu 8 và Khu 9. Đồng chí đã tổng kết: "Nam Bộ ít rừng núi, bộ đội ta phải dựa vào căn cứ do rừng người chiến đấu tạo nên và dùng phương pháp xoay vòng tròn để đánh giặc". Nhắc nhở các cán bộ khắc phục tư tưởng cá nhân, cục bộ địa phương cản trở sự thống nhất tập trung nhằm xây dựng bộ đội chủ lực lớn mạnh để học tập đánh vận động, đồng chí động viên: "Các đồng chí có muốn mưu đại sự nghiệp không? Mưu đại sự nghiệp cá nhân là tầm thường".

Sau Hội nghị quân sự Xứ, Bộ Tư lệnh Nam Bộ được tổ chức lại. Trung tướng Nguyễn Bình vẫn làm Tư lệnh nhưng anh Ba Lê Duẩn chuyển sang làm Chính uỷ Nam Bộ. Thiếu tướng Dương Quốc Chính làm Phó Tư lệnh. Tôi được giao nhiệm vụ Bí thư Văn phòng Chính uỷ Nam Bộ và làm Thư ký riêng cho anh Ba.

Báo cáo của đồng chí Bí thư Xứ uỷ được toàn thể cán bộ hoan nghênh nhiệt liệt. Các đồng chí lãnh đạo của phái đoàn kiểm tra của Trung ương Đảng và Chính phủ hết sức khen ngợi.

Ở Đồng Tháp Mười, vào giữa năm 1949 diễn ra Hội nghị cán bộ toàn Xứ. Hội nghị được tổ chức ở phía bờ bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp. Lúc hội nghị đang tiến hành thì địch càn vào phía nam kinh Nguyễn Văn Tiếp kéo dài. Bộ đội ta ở phía này, nòng cốt là Tiểu đoàn 307, đã ngăn chặn và đẩy lùi địch ở Ba Sao, bảo vệ cho hội nghị được tiến hành bình thường và suôn sẻ. Trong cuộc chiến đấu đẩy lùi quân giặc, đồng chí Đỗ Huy Rừa, Tiểu đoàn trưởng 307 đã anh dũng hy sinh.

Dự hội nghị, về phía Xứ uỷ có các đồng chí Lê Duẩn, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thanh Sơn, Thượng Vũ, Mười Cúc, Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Văn Trí. Các khu uỷ có các đồng chí Hoàng Dư Khương, Nguyễn Văn Dự, Vương Nhị Chi. Hội nghị cũng có mặt các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính hoặc Uỷ viên Thường vụ các Tỉnh uỷ, Thành uỷ Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An, Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Châu Tiền, Long Châu Hậu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá...

Phái đoàn Kiểm tra Trung ương Đảng và Chính phủ có các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Ngọc Thạch, Dương Quốc Chính và bốn cán bộ Lê Toàn Thư, Trần Quang Lê, Lê Hồng Lĩnh, Vũ Quang Triệu.

Thay mặt phái đoàn Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ đọc bức thư của Ban Thường vụ Trung ương Đảng gửi Xứ uỷ Nam Bộ và đọc báo cáo kiểm tra của phái đoàn.

Trong thư của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh viết: "Cuộc kháng chiến Nam Bộ thật có tính chất nhân dân kháng chiến, tự dân đứng dậy xông lên để tự vệ bằng mọi cách, với mọi sáng kiến, mọi khả năng...", "Cuộc kháng chiến Nam Bộ mạnh chính là ở tự động, không ỷ lại, tự lực cánh sinh", "Chiến tranh du kích Nam Bộ mạnh chính là ở chỗ lấy dân làm gốc", "Từ không có núi rừng hiểm trở mà tạo nên rừng người, núi người".

Phát biểu đánh giá phong trào cách mạng và kháng chiến và sự lãnh đạo của Xứ uỷ, đồng chí Lê Đức Thọ đã khen ngợi phong trào cách mạng và kháng chiến từ tình hình phức tạp đã được sàng lọc và cải tạo trở nên thuần nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự phát triển ngày một rộng mạnh.

Đồng chí Lê Đức Thọ phát biểu rằng Xứ Đảng bộ đã đoàn kết được đông đảo công nhân, nông dân và đặc biệt gia tăng trí thức tin tưởng và tự nguyện chịu sự lãnh đạo của Đảng. Đảng bộ đã thực hiện tốt chính sách đoàn kết tôn giáo, nổi bật là đối với Công giáo và Phật giáo.

Bộ đội Nam Bộ đặc biệt dũng cảm trong chiến đấu và với sự mưu trí, sáng tạo đã làm nòng cốt cho phong trào dân quân được xây dựng phát triển, đã tạo thành phong trào toàn dân đánh giặc, duy trì và phát triển chiến tranh du kích rộng rãi ở rừng núi, đồng bằng và cả ở đô thị, đồng thời đã có những trận đánh lớn Cổ Cò, Giồng Dứa, Mộc Hóa, La Ngà, Tầm Vu, Sóc Xoài, thực hiện đúng phát triển du kích chiến, học tập đánh vận động trong điều kiện thuận lợi.

Về thiếu sót, trong việc thực hiện chính sách dân tộc, ta chưa tiến được vào các vùng sâu, vùng xa ở vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ để đồng bào còn chịu sự đàn áp và lừa gạt của đế quốc Pháp. Đối với chính sách đoàn kết của Đảng, vụ "thanh trừ Bình Xuyên" mặc dù đặt mục đích là diệt trừ những tên phản động trong lực lượng Bình Xuyên, là sai lầm cả về chủ trương và biện pháp. Hậu quả không chỉ là chuyện Bảy Viễn mang một số quân chạy theo Pháp mà còn di họa vào phong trào đô thị Sài Gòn.

Trong một thời gian dài, Xứ Đảng bộ đã không nắm cương vị lãnh đạo, để cho Xứ uỷ Đảng dân chủ đòi chia quyền lãnh đạo với Đảng ta, với tư cách là một Đảng lãnh đạo trong Mặt trận Việt Minh, đã để cho Đảng Dân chủ mở rộng lực lượng quần chúng tổ chức Thanh niên Dân chủ, Phụ nữ Dân chủ như tổ chức Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc. Mặc dù Xứ uỷ đã khéo lãnh đạo thuyết phục và giải quyết xong, nhưng đây là một bài học cần nhớ.

Chủ trương đấu tranh kinh tế với địch, bao vây kinh tế địch là đúng nhưng cũng phải có tổ chức giao lưu kinh tế giữa vùng ta và vùng địch thích hợp với tình hình vì lợi ích của kháng chiến và của nhân dân vùng giải phóng.

Chỉ thị 4/NV có mặt tích cực là kêu gọi được nhiều người, nhiều nhân sĩ, trí thức ra kháng chiến, nhưng có thiếu sót là tạo sơ hở cho địch đưa tay chân vào phá nội bộ ta, nhất là làm hỏng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi trong thành phố.

Về mặt khuyết điểm, đồng chí Lê Đức Thọ còn có một số nhận xét khác khá nghiêm khắc.

Sau khi đồng chí Lê Đức Thọ phát biểu, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Xứ uỷ đứng ra nhận hết những khuyết điểm, kể cả những nhận xét nghiêm khắc mà đại diện Trung ương đã vạch ra, hứa sẽ tìm cách khắc phục.

Đây là bài học tôn trọng và phục tùng sự lãnh đạo của Trung ương Đảng.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị Xứ uỷ lần này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Chợ Lớn đã gặp anh Ba và nói: "Từ khi anh Thọ vào, các đồng chí các tỉnh về cứ đến thăm gặp gỡ và nói chuyện với anh Thọ, không thấy mấy ai đến với anh Ba". Anh Ba mới nói: "Chú này tầm bậy! Anh em đến thăm đông và gặp gỡ anh Thọ là việc rất tốt, tỏ lòng ngưỡng mộ, tin tưởng Trung ương, sao chú lại có chuyện so sánh kỳ lạ như vậy".

Sau một thời gian tìm hiểu sự lãnh đạo của Xứ uỷ và trao đổi với anh Ba Lê Duẩn, anh Lê Đức Thọ đã nói với chúng tôi đại ý: "Người thay thế anh Trường Chinh chỉ có thể là anh Lê Duẩn".

Đây là một phát hiện rất quan trọng của con người dường như nắm rường mối tổ chức của Đảng. Sau này, khi mới chớm phát hiện những sai lầm trong cải cách ruộng đất, đồng chí Lê Đức Thọ đã đề nghị Bác gọi anh Ba đang làm Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ ra giúp Bác. Và anh Ba đã đảm nhiệm tuyệt vời nhiệm vụ Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1960 đến năm 1986, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong thư đề đạt về nhân sự cho Đại hội II của Đảng, anh Thọ viết về anh Nguyễn Văn Linh như sau: "Mười Cúc thì triển vọng lắm, nhưng còn quá trẻ...".

Anh Lê Đức Thọ cũng phát hiện ra là anh Phạm Hữu Lầu đã là một đồng chí Trung ương nhưng khi ra tù, Trung ương không nhớ để đồng chí tham gia Trung ương. Thời gian Đại hội II sắp đến, anh Thọ chỉ có thể đề nghị anh Lầu vào danh sách các ứng cử viên của Trung ương mới. Trước mắt, anh Thọ đề nghị Xứ uỷ cử anh Phạm Hữu Lầu làm Bí thư, Chủ tịch tỉnh căn cứ Đồng Tháp lớn, sau đó làm Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh Mỹ Tho lớn gồm ba tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Gò Công. Khi anh Phạm Hùng - Uỷ viên Trung ương đang làm Giám đốc Sở Công an chuyển về làm Bí thư Phân Liên khu miền Đông, anh Phạm Hữu Lầu đã thay thế làm Giám đốc Sở Công an Nam Bộ.

Anh Phạm Hữu Lầu là một đồng chí lãnh đạo vững vàng, tài năng. Đồng chí bệnh nặng và mất quá sớm.

Cũng tại căn cứ Đồng Tháp Mười, anh Ba Lê Duẩn đón tiếp phái đoàn của Bộ Tổng Tư lệnh vào kiểm tra về việc chuẩn bị tổng phản công của Nam Bộ. Phái đoàn do đồng chí Trần Mạnh Quỳ làm Trưởng đoàn, có đồng chí Trần Thế Môn và một số cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn. Quan điểm của anh Ba là tổng phản công phải chủ yếu căn cứ vào thực lực bên trong của ta, không thể dựa chính vào tình hình bên ngoài ảnh hưởng vào. Cho nên anh Ba nêu khẩu hiệu cho Nam Bộ là: "Tích cực cầm cự để tiến lên chuẩn bị tổng phản công".

Tôi biết anh Trần Mạnh Quỳ là Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An khi tôi học đệ tứ Trường Côle Vinh và tham gia Thanh niên phản đế. Tôi hỏi anh Mạnh Quỳ: "Anh vào kiểm tra anh Ba à?", anh Quỳ nói: "Không, tao vào tao học anh ấy".

Cuối năm 1949, nhân mùa nước lớn chưa rút, các đồng chí lãnh đạo Xứ uỷ, Uỷ ban và Bộ Tư lệnh Nam Bộ rút về vùng tự do Khu 9. Căn cứ Đồng Tháp Mười lúc ấy chỉ còn là căn cứ của Khu 8 và sau đó là căn cứ của hai tỉnh lớn Mỹ Tho và Long Châu Sa.

Nhớ khi lần đầu tiên vào Đồng Tháp Mười, tôi lấy làm lạ: "Trống trải thế mà có thể là căn cứ lâu dài của Xứ uỷ, Uỷ ban và Bộ Tư lệnh Nam Bộ?".

Cánh đồng trũng rộng lớn mà người Pháp gọi là "plaine des Joncs" (đồng cỏ lác) mà là căn cứ chính của Nam Bộ suốt mấy năm trời. Tôi cứ suy nghĩ mãi về điểm này. Anh Ba nói: "Nam Bộ ít rừng núi, bộ đội ta phải dựa vào căn cứ do rừng người tạo nên". Đúng là rừng người Đồng Tháp Mười đã che bộ đội, ngăn quân giặc.

Dân Đồng Tháp Mười thưa thớt, nhưng đây là những con cháu của Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều, những người đã tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ, những người thích sống tự do xa sự khống chế của thực dân, phong kiến, những người dám chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt nơi "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh", sống và lao động trong vùng sình lầy, nước phèn, nửa năm khô cằn, nửa năm nước nổi. Những người dân kiên cường ấy lại được sinh hoạt, rèn luyện trong các đoàn thể cách mạng thanh niên, phụ nữ, nông dân, được tổ chức phần lớn vào dân quân, thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn dân bảo vệ căn cứ. Phong trào phòng gian, giữ bí mật cũng được phát động trong cơ quan, bộ đội và nhân dân.

Quân địch đóng cứ điểm Mộc Hóa ở gần biên giới Campuchia, như một dao găm sau lưng căn cứ. Nhưng Mộc Hóa chỉ trở nên một đồn binh bị cô lập bị lưới chiến tranh nhân dân bao vây, chỉ được tiếp tế định kỳ bằng đường sông Vàm Cỏ Tây. Mỗi lần tàu địch tiếp tế cho Mộc Hóa là mỗi lần quân và dân ta được báo động sớm theo tiếng mõ dây chuyền.

Nhân dân Đồng Tháp Mười đã cùng bộ đội địa phương tiến hành chiến tranh du kích ở vùng đồng nước sình lầy, lợi dụng các kinh rạch, bờ lau, bình bát... mà vây đánh địch xâm nhập, càn quét.

Đồng Tháp Mười là căn cứ lòng người, nhưng cũng có yếu tố địa hình. Điều đặc biệt là các lợi thế của địa hình được dân nâng lên, thế trống trải của địa hình lại được lòng người che chở.



* Nguyên:  - Cán bộ Phái đoàn kiểm tra Trung ương Đảng và Chính phủ,

- Bí thư Văn phòng Chính uỷ Nam Bộ, thư ký đồng chí Lê Duẩn.

[1],2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 498, 501.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 499 - 500.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận