Nghề in ở Việt Nam có từ đâu?

Ngày đăng: 14/10/2019 - 14:10

Muốn tìm hiểu nghề in (mộc bản), ta về đất Thanh Liêu, Liễu Chàng nơi có nghề khắc ván in được truyền từ thám hoa Lương Như Hộc (1420-1501).

Ngày nay khi nói tới in ấn ở Việt Nam, ta biết tới hằng hà sa số những kỹ thuật in như in mộc bản, in chữ rời, in offset, in lụa, in thạch bản, in UV… Nhưng mấy ai biết nghề in được khởi phát từ bao giờ. Lần về dấu xưa, nghề ấy ghi ơn thám hoa Lương Như Hộc (1420-1501).

Ông thám hoa và ý thức dân tộc

Trong “Văn bia đề tên tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442)” có khắc rõ: “Lương Như Hộc, người xã Hồng Lục, huyện Trường Tân”. Tên tuổi họ Lương nằm thứ ba trong hàng Đệ nhất giáp, ứng với vị trí Thám hoa. Ông chính là “Khai quốc Thám hoa” thời Lê sơ.

Sau khi thi đỗ, ông làm quan trải các thời vua Thái Tông, Nhân Tông, Nghi Dân rồi Thánh Tông. Trong đời làm quan của mình, điểm đáng chú ý là Lương Như Hộc hai lần đi sứ Trung Hoa. Lần thứ nhất nhằm năm Quý Hợi (1443). Lần thứ hai vào năm Kỷ Mão (1459). Đời làm quan của họ Lương, dấu ấn lớn nhất, hẳn là công lao với nghề in nước Việt. Hải Dương phong vật chí khi nói về việc học hỏi nghề in của họ Lương, có ghi “Ông xem xét nghề khắc ván in của người phương Bắc rồi khi trở về truyền dạy cho người làng khắc những ván in kinh sử để lưu hành ở đời”. Sự thể ra sao?

Lương Như Hộc đau đáu một lòng với nghề in. Tranh minh họa

Xem trong Giai thoại làng Nho của Lãng Nhân, ta được biết về cớ sự cho việc thân đội mũ cánh chuồn, chân mang hia sang trọng là thế, lại đại diện quốc thể trong giao thiệp với phương Bắc, nhưng quan họ Lương đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tìm học cho được cái nghề in xứ người, để rồi góp phần khởi phát nghề in dân Nam, giúp cho việc in ấn sách vở trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết dạo đó.

Nguồn cơn theo sách trên, là bởi dạo ấy nơi Kẻ Chợ phồn hoa, kỹ thuật in ở ta chưa có, sách chủ yếu do thương nhân Trung Hoa mang sang gần như giữ độc quyền buôn bán nên luôn có chuyện đầu cơ nâng giá, khiến cho hầu bao của kẻ có chữ luôn gặp khó. Lương Như Hộc thấy thực trạng ấy lấy làm bất mãn lắm, từ đó ông đau đáu trong lòng cái chí phải làm sao có ngày, học được nghề in của người để dân Nam in được sách, khỏi phụ thuộc ngoại bang.

Kiên tâm học nghề, dạy dân thành thục

Thế rồi, nhân việc được sung đoàn sứ bộ đi sứ nhà Minh, họ Lương tận dụng thời cơ mà học lấy cái nghề. Việc này được Việt Nam danh nhân từ điển ghi: “giả làm thương khách, ông đến Bắc Kinh mở hiệu buôn bán ngay cạnh một nhà in rồi khoét vách để xem xét công việc của nhà in. Khi đã biết rõ tất cả bí quyết của nghề in, ông bỏ hiệu buôn, lén trở về nước”. Ấy nhưng xem ra miêu tả trên thật khó, bởi việc kiểm soát sứ nước ngoài rất chặt chẽ, không dễ có chuyện mở hiệu buôn và lén về nước đơn giản vậy được. Xem trong Hải Dương phong vật khúc có cho hay:

Họ Lương đủng đỉnh đai cân,

Hai phen sứ dịch phụng lân ra tài.

Lại xem Đại Nam nhất thống chí, phần “Tỉnh Hải Dương” viết về ông có đoạn: “Ông hai lần đi sứ, quan sát và học được nghề khắc ván in”. Sau này trong nghiên cứu Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Huỳnh Văn Tòng cho rằng, có thể ông đã học được nghề in trong lần đi sứ năm Quý Hợi (1443), nhưng nhiều chỗ còn thô vụng, nên lần đi sứ thứ hai năm Kỷ Mão (1459), Lương Như Hộc đã dụng tâm tìm hiểu kỹ càng hơn. Quan điểm này xem ra hợp lý. Việc học nghề in của quan họ Lương, xem trong Giai thoại làng Nho, kể ra cũng ly kỳ.

Mộc bản sách Minh Mệnh chính yếu. 

Số là khi đến Yên Kinh, Lương Như Hộc cùng đoàn sứ bộ ở công quán là Lý Phiên Viện. Nơi đó lính canh Trung Hoa canh phòng kỹ lưỡng. Để dễ bề ra ngoài, ông tìm cách mua chuộc chúng để đi “du ngoạn”. Nhờ đó, Lương Như Hộc tìm đến Khâm thiên giám cùng những nơi chùa chiền có thợ khắc làm việc để xem họ khắc mộc bản. Và rồi “lần hồi, làm quen với mấy người thợ giỏi, ông để ý nhìn nhận rất kỹ, lại khéo lựa lời dọ dẫm, khiến họ không ngờ mà đã truyền nghề cho ông”.

Nhờ có việc đi sứ, dần dà họ Lương nắm được kỹ thuật in mộc bản của Trung Hoa. Về nước, ông truyền nghề cho người làng Thanh Liêu quê ông, sau dân làng Liễu Chàng kế bên cũng học theo. Để truyền được nghề quý cho dân, ông cùng chung sống với thợ, chỉ bảo họ từ cách mài dao ra sao, bào miếng ván thế nào để có thể khắc thành bản in đẹp… Nhờ sự tận tình truyền nghề như thế, dân quê ông ngày một thành thục nghề khắc bản in mộc bản và như Đại Nam nhất thống chí cho hay, dân hai làng sau thờ ông làm tiên sư. Khi mất Lương Như Hộc được phong làm phúc thần.

In mộc bản xưa

Nghề in mộc bản từ Lương Như Hộc khởi phát và truyền dạy cho dân. Đến nửa đầu thế kỷ XX, nghề này vẫn tỏ ra đắc dụng nên sách Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 có ghi: “vào khoảng 1942, 1943 và 1944 ở Hà Nội, các sách xuất bản có in kèm chữ Hán muốn cho nét chữ được sắc sảo, hầu hết các nhà xuất bản đều nhờ thợ khắc ở hai làng kể trên, thường gọi tắt là thợ khắc ở Hải Dương”. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép về Hải Dương, cũng xác nhận rằng nghề làm in nơi đây “có nhiều thợ khéo hơn cả các nơi khác”. Và riêng với nghề in mộc bản thì “thợ khắc bản in sách thì ở các xã Hồng Lục, Liễu Chàng huyện Gia Phúc”. Công ấy, ghi ơn Lương Như Hộc.

Theo Zing.vn

Bình luận