Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người công an cách mệnh - Nền tảng xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện trước ngưỡng cửa kỷ nguyên phát triển mới

Ngày đăng: 01/07/2025 - 15:07

Ngày 11/3/1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn rất gay go, quyết liệt, từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư trả lời đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII, cùng việc góp ý với Báo Bạn Dân (Nội san của Công an Khu XII) và động viên, khen ngợi, khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Trong thư Bác đã căn dặn: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”. Đặc biệt, Người chỉ dạy: “Tư cách người Công an cách mệnh” là:

“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với Nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Đến nay, trải qua hơn 75 năm thực hiện “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ lời dạy sâu sắc của Người. Những chuẩn mực đạo đức đó của người Công an cách mạng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, bền vững và sức lan tỏa đặc biệt không chỉ trong lực lượng Công an nhân dân mà còn trong toàn hệ thống chính trị.

Cuốn sách "Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người công an cách mệnh - Nền tảng xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện trước ngưỡng cửa kỷ nguyên phát triển mới" của Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có thể nói, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là sự tổng hợp biện chứng của nhiều yếu tố, nhiều phẩm chất của người Công an cách mệnh, đặt trong ba mối quan hệ cơ bản nhất của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, đó là quan hệ nội tâm, nội tại bên trong (đối với tự mình); quan hệ bên ngoài (đối với đồng sự, đối với Chính phủ, đối với nhân dân, đối với địch); quan hệ công việc (những việc mình cần làm, được làm, phải làm theo bổn phận, trách nhiệm theo phân công…). Tư cách người công an được xác định trong Sáu điều dạy của Bác tạo thành phẩm chất của người Công an cách mệnh, thống nhất về bản chất với tư cách của một người cách mạng, người đảng viên cộng sản; đồng thời, có những điểm riêng, xuất phát từ đặc thù của công tác công an và người làm công tác công an. Tư cách đó còn là sự thống nhất, kết hợp nhuần nhuyễn, không tách rời giữa đức và tài - những biểu hiện rõ nét về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, năng lực phải có của người Công an cách mệnh; trong đó “đức” là gốc, là cơ sở, “tài” là trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất.

Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân có nội dung hết sức sâu sắc, đã khái quát, súc tích, thâu tóm được cái tinh hoa, cốt yếu nhất trong tiếng nói của nhân dân để có cách truyền đạt gần gũi và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ Công an tiếp nhận, hình thành tư duy, cách ứng xử phù hợp trong công tác, chiến đấu. Trong đó, mỗi lời dạy là một sự gợi mở, kích thích ý thức tự giác, tinh thần cách  mạng, đồng thời cũng là sự răn dạy đối với cán bộ, chiến sĩ công an và lời dạy ấy cũng trở thành định hướng chỉ đạo công tác, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân.

Xuất phát từ ý nghĩa trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người công an cách mệnh - Nền tảng xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện trước ngưỡng cửa kỷ nguyên phát triển mới của Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuốn sách được kết cấu gồm 3 chương đã phân tích hoàn cảnh ra đời và nội dung cơ bản, giá trị và ý nghĩa của Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, đó là nền tảng tư tưởng, “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân và là di sản tinh thần vô giá, nguồn cổ vũ, động viên vô cùng to lớn và mạnh mẽ giúp lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đồng thời phân tích những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và một số bài học kinh nghiệm lực lượng Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy; xây dựng phương hướng, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã, đang và sẽ mãi là di sản tinh thần quý báu, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, công tác, chiến đấu và chiến thắng của lực lượng Công an nhân dân anh hùng.

Bình luận