Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng

Ngày đăng: 16/04/2020 - 10:04

Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng được xem là hai vấn đề có mối quan hệ gắn kết hữu cơ. Quản trị tốt là một tập hợp các nguyên tắc nhằm quản trị quốc gia; thực hành quản trị tốt là điều kiện tiên quyết để phòng, chống tham nhũng và phát triển bền vững. Các nguyên tắc của quản trị tốt như công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng đồng thời là những yêu cầu, biện pháp nền tảng trong phòng, chống tham nhũng. Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội đang nỗ lực phòng, chống tham nhũng, những nghiên cứu về quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng cũng như mối quan hệ giữa hai vấn đề này sẽ góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chiến lược và giải pháp phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Cuốn sách Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng do PGS.TS. Vũ Công Giao làm chủ biên, cung cấp cho bạn đọc những kiến thức và thông tin mới về hai vấn đề có tính kết nối là quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng.

Ở Phần I: Quản trị tốt, các tác giả tập trung luận giải một số vấn đề lý luận liên quan đến quản trị nhà nước hiện đại: thế nào là quản trị nhà nước, sự chuyển dịch từ mô hình cai trị sang quản trị nhà nước hiện đại, xu hướng quản trị và sự “thoái lui” của nhà nước; một số tác động của xu hướng chuyển đổi từ quản lý sang quản trị tới nhà nước và pháp luật; những yêu cầu của quản trị nhà nước hiện đại; những đặc trưng cơ bản của quản trị tốt; các tiêu chí đánh giá và mối quan hệ giữa quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng; vấn đề thúc đẩy quản trị tốt ở Việt Nam.

Qua đó, giúp bạn đọc thấy rõ sự khác biệt giữa quản trị nhà nước hiện đại với mô hình quản lý “cai trị” truyền thống. Những đặc điểm cơ bản nhất của quản trị nhà nước hiện đại là: (1) Vai trò điều tiết của nhà nước; (2) Quản trị trên nền tảng pháp quyền; (3) Quản trị hướng tới mục đích bảo đảm quyền cá nhân và dân chủ, đa dạng về mô hình dân chủ; (4) Quản trị đa tầng, đa chủ thể, phi tập trung và mạng lưới; (5) Quản trị hợp tác, chia sẻ trách nhiệm hơn là cai trị. Đây là những đặc điểm chi phối tất cả các quốc gia trên thế giới trong thế kỷ XXI. Việc nhận biết và áp dụng những đặc điểm đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia.

Cùng với quản trị, quản trị tốt là khái niệm được đề cập ngày càng nhiều. Quản trị tốt hay quản trị nhà nước tốt là một tập hợp những nguyên tắc và tiêu chí về quản lý xã hội nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy, bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững của một quốc gia. Những đặc trưng cơ bản của quản trị tốt là: (1) Sự tham gia hiệu quả của người dân vào quản trị nhà nước; (2) Pháp quyền được xác lập với những thành tố cơ bản là: thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo đảm quyền con người; giới hạn và kiểm soát quyền lực nhà nước; bảo vệ công lý; chất lượng của pháp luật; (3) Minh bạch trong quản trị nhà nước; (4) Trách nhiệm giải trình; (5) Tính kịp thời, hiệu quả; (6) Bảo đảm đồng thuận xã hội; (7) Bình đẳng và không loại trừ chủ thể nào.

Quản trị tốt được đánh giá là xu thế của quản trị nhà nước trong thế kỷ XXI, được các tổ chức quốc tế và các cơ quan viện trợ phát triển quốc gia xem là những nguyên tắc nền tảng cho phát triển bền vững. Quản trị tốt cũng tác động đến nhiều vấn đề khác, đặc biệt là trong phòng, chống tham nhũng. Các nguyên tắc của quản trị tốt như công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng đồng thời là những yêu cầu, biện pháp nền tảng trong phòng, chống tham nhũng. Quản trị tốt làm gia tăng kiểm soát tham nhũng và hiệu quả chống tham nhũng lại giúp làm gia tăng khả năng cạnh tranh kinh tế của quốc gia.

Trên cơ sở các vấn đề lý luận về quản trị tốt, các tác giả đi sâu phân tích thực trạng quản trị tốt ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể, trong bối cảnh toàn cầu hóa và tình hình hội nhập quốc tế sâu rộng, quản trị hiện đại đang hình thành ở Việt Nam thay thế cho cách quản lý truyền thống, thể hiện qua một loạt dấu hiệu như: sự đổi mới về cách thức đưa ra các quyết định của Nhà nước, thông qua việc thảo luận, đàm phán ngày càng phổ biến và thường xuyên giữa các chủ thể xã hội… Tuy đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song việc quản trị nhà nước vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn trên tất cả các phương diện.  Trên cơ sở đó, các tác giả đề cập sâu vào hai vấn đề nhằm thúc đẩy quản trị tốt ở Việt Nam, đó là đổi mới thể chế và thúc đẩy thực hiện một số nguyên tắc quản trị tốt.

Đổi mới thể chế sẽ phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của người dân và doanh nghiệp, ngược lại, những bất cập của thể chế là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy nhà nước thêm cồng kềnh, nạn quan liêu, tham nhũng trở nên nghiêm trọng. Do vậy, đổi mới thể chế cần phải tiến hành đồng thời với đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; gắn liền với cải cách hệ thống pháp luật; đồng thời bảo đảm sự tôn trọng nguyên tắc của cơ chế thị trường, bảo đảm sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước và xã hội. Bên cạnh đó, các tác giả nhấn mạnh tới việc thúc đẩy thực hiện một số nguyên tắc quản trị tốt ở Việt Nam, đó là các nguyên tắc: pháp quyền; trách nhiệm giải trình; sự tham gia của Nhân dân; minh bạch; hiệu lực, hiệu quả.

Ở Phần II: Phòng, chống tham nhũng, các tác giả nghiên cứu khái niệm, bản chất, biểu hiện, đặc điểm, nguyên nhân và hậu quả của tham nhũng; một số lý thuyết và cách tiếp cận về phòng, chống tham nhũng và giá trị tham khảo cho Việt Nam; pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng.

Tham nhũng được biểu hiện dưới nhiều dạng thức, gây ra hậu quả nặng nề và lâu dài trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quản lý nhà nước. Từ cách tiếp cận về quản trị tốt, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) mô tả tham nhũng là hậu quả của sự thiếu hụt ba yếu tố gồm: trách nhiệm giải trình, sự liêm chính và tính minh bạch trong bối cảnh tồn tại sự chuyên quyền, độc đoán và tùy ý hành động do thiếu sự kiểm soát của các cơ quan và công chức nhà nước.

Ở Việt Nam, bên cạnh các nguyên nhân phổ biến của tham nhũng trên thế giới (như: bộ máy nhà nước còn nhiều bất cập, hạn chế; khung pháp luật về phòng, chống tham nhũng thiếu đầy đủ hoặc không được thi hành hiệu quả; đội ngũ công chức thiếu liêm chính;…), còn có các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác dẫn đến tình trạng tham nhũng như: đãi ngộ đối với cán bộ, công chức còn thấp; mặt trái của kinh tế thị trường; văn hóa truyền thống ở Việt Nam chứa đựng khá nhiều phong tục, tập quán dễ bị lợi dụng để biện minh cho hành vi tham nhũng; cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn nhiều sơ hở nhưng chậm sửa đổi, bổ sung; một số tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ nạn tham nhũng nên lãnh đạo chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí còn nể nang, né tránh; hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng mặc dù đã được xây dựng song chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan còn chưa rõ ràng và có sự chồng chéo; khung pháp luật về phòng, chống tham nhũng tương đối toàn diện nhưng chưa đủ mạnh; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng còn hình thức, mang tính “phong trào”...

Bằng việc khảo sát các lý thuyết và cách tiếp cận về phòng, chống tham nhũng trên thế giới, các tác giả đã đúc kết lại ba giá trị mà Việt Nam có thể tham khảo:  

Một là, về mặt thể chế, mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện nhưng đồng thời cần xác định được một hoặc một số ưu tiên trong từng giai đoạn. Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, một trong những ưu tiên chính là thu hồi tài sản tham nhũng.

Hai là, về thiết chế, cần thành lập một cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập, có cơ cấu tổ chức riêng, hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp, có thẩm quyền điều tra đặc biệt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và được tập trung, bảo đảm mọi nguồn lực cần thiết.

Ba là, về con người, cần có những cơ chế, biện pháp sáng tạo để cho phép, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng; cần chú trọng giáo dục liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân, bởi chỉ khi xây dựng được một xã hội liêm chính thì nạn tham nhũng mới có thể bị đẩy lùi một cách toàn diện và vững chắc.

Cuốn sách khép lại với nội dung: Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng. Qua đó, giúp người đọc nắm được tinh thần, những nội dung cơ bản trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; lịch sử phát triển của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng, nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định hướng dẫn thi hành; một số vấn đề đặt ra đối với việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Kiều Trang

Bình luận