Tham quan Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang tại Hải Phòng nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Ngày đăng: 11/03/2019 - 16:03

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Công đoàn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức buổi tham quan thực tế Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang tại Hải Phòng cho tập thể cán bộ nữ Nhà xuất bản.

Chuyến tham quan thực tế do đồng chí Trần Quốc Dân, Phó Giám đốc Nhà xuất bản làm trưởng đoàn tới thăm và dâng hương tại Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Đoàn cán bộ Nhà xuất bản chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích Bạch Đằng Giang.

Khu di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) là quần thể lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng nổi tiếng. Trên cửa sông Bạch Đằng gắn liền với 3 trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc (năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán; năm 981 Lê Hoàn đánh tan quân Tống và năm 1288 Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên Mông). Khu di tích rộng 20 ha, được xây dựng bởi các nhà hảo tâm. Nơi đây nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh, được Nhà nước công nhận năm 1962. Tại đây có ngôi miếu cổ thờ các vong linh tử sĩ chiến đấu, hy sinh trên sông Bạch Đằng. Sau đó, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm nâng cấp, tôn tạo. Từ cổng vào, một vườn đá cuội và một trụ đá cao chừng 5m, mặt trước có 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt trái, phải, sau khắc công lao và thần tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo. Đi sâu vào trong là các dãy bonsai, cây cổ thụ. Ngôi đền đầu tiên trong di tích là Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành. Tiếp đó là Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người chỉ huy chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, rồi đến đền Bạch Đằng Giang thời Ngô Quyền, đánh thắng quân Nam Hán năm 938.

Đoàn cán bộ Nhà xuất bản chụp ảnh lưu niệm tại 3 pho tượng tượng các bậc danh tướng đứng uy nghi canh giữ nơi cửa sông lịch sử.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa điểm cuối cùng trong tứ linh từ của di tích. Ngoài ra, khu di tích Bạch Đằng Giang còn có: đền thờ Thánh Mẫu, khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng trong bể thủy tinh. Từ ngôi chùa phỏng theo chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) được xây trên núi Tràng Kênh, du khách sẽ bao quát được toàn cảnh vẻ đẹp của cả vùng Tràng Kênh. Mới đây, khu di tích xây thêm 3 pho tượng đồng tạc Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, mỗi pho tượng cao 11m, đặt trên quảng trường nổi, hướng ra sông Bạch Đằng, xung quanh là một bãi cọc mô phỏng bãi cọc Bạch Đằng xưa kia… Khung cảnh của khu di tích được tô điểm bởi những hàng cau xanh tốt, như những người lính canh gác nơi tiền tiêu.

Thông qua chuyến tham quan này, Công đoàn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật muốn gửi lời tri ân đến tập thể cán bộ nữ Nhà xuất bản, những người luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó cũng bày tỏ mong muốn chị em hãy tiếp tục phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan trong năm 2019 và những năm tiếp theo, xây dựng Nhà xuất bản ngày càng ổn định và phát triển.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả