Từng bước hoàn thiện thể chế về văn hóa đọc

Ngày đăng: 26/04/2019 - 16:04

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QÐ-TTg lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Ðây là dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế về văn hóa ở nước ta và tạo ra cú huých hiệu quả nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển.

Quyết định này càng có vai trò quan trọng trong điều kiện những năm gần đây ngành xuất bản đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bởi sự gia tăng ảnh hưởng của các phương tiện nghe - nhìn và mạng xã hội.

Việc chọn Ngày Sách Việt Nam 21-4 là gắn với mốc thời gian ra đời tác phẩm Ðường Kách mệnh nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu con đường cứu nước, giải phóng dân tộc bằng sự tiếp xúc trực tiếp với thực tiễn xã hội, đồng thời tiếp thu tư tưởng tiên tiến của thời đại qua sách vở lý luận; và hoạt động báo chí, xuất bản là một trong các hoạt động mà Người gắn bó sớm nhất. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng là một tác giả lớn, người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, được thế giới tôn vinh là một trong 100 nhân vật có tác động làm thay đổi dòng chảy lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20. Sinh thời, Người rất quan tâm đến báo chí, xuất bản. Những năm kháng chiến chống Mỹ, Người đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan hữu trách biên soạn và xuất bản bộ sách Người tốt, việc tốt có tác dụng giáo dục sâu sắc mà đến nay vẫn còn tính thời sự. Ðường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc chính là tác phẩm bằng tiếng Việt đầu tiên có tính khởi nguồn về lý luận cách mạng ở nước ta, chấm dứt sự bế tắc, khủng hoảng đường lối giải phóng dân tộc thời kỳ đầu những năm 20 của thế kỷ 20 khi các phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa vũ trang liên tiếp thất bại. Nguyễn Ái Quốc đã vượt lên trước những người Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ để theo kịp tư tưởng tiên tiến của thời đại, từ đó nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và trình bày, lý giải nội dung của các nguyên lý một cách giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn trong một cuốn sách nhỏ. Cuốn sách này đã nhanh chóng trở thành cẩm nang về lý luận cho nhiều thế hệ cán bộ cách mạng của Ðảng. Tháng 10-2017, Chính phủ đã quyết định đưa bản in lần đầu tiên năm 1927 vào danh mục Bảo vật quốc gia và được lưu giữ đặc biệt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Việc lấy mốc thời gian ra đời cuốn sách để đề nghị Chính phủ công nhận là Ngày Sách Việt Nam là việc làm rất có ý nghĩa và được dư luận rộng rãi đồng tình.

Hiện nay, quá trình hội nhập quốc tế đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động xuất bản. Từ nhiều năm qua, các nhà xuất bản và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Bản quyền thế giới (23-4) do UNESCO phát động. Vì vậy, chọn ngày 21-4 chúng ta sẽ có được môi trường truyền thông rộng rãi cả ở trong nước và phạm vi thế giới, thể hiện mong muốn hội nhập quốc tế của ngành xuất bản Việt Nam. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam đã tạo ra một cơ chế tương đối đồng bộ trong triển khai thực hiện, từ xây dựng và phê duyệt kế hoạch đến bố trí ngân sách và phân công trách nhiệm khá rõ ràng giữa cơ quan chủ trì là Bộ Thông tin và Truyền thông với các cơ quan phối hợp, đặc biệt là với Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như các địa phương. Có thể nhận thấy ở hầu khắp các thư viện tổng hợp từ Trung ương đến cơ sở, cũng như tại các trường học trong cả nước, Ngày Sách Việt Nam đã được tổ chức với nhiều hình thức và quy mô khác nhau, chất lượng và ý nghĩa thiết thực ngày càng được nâng cao.

Có thể khẳng định rằng, về góc độ nhất định Ngày Sách Việt Nam đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với các giá trị tinh thần mà sách đem lại cho mỗi người và toàn xã hội. Ngày Sách Việt Nam đã tạo ra hiệu ứng xã hội rộng lớn và sâu sắc, góp phần củng cố truyền thống hiếu học, hiếu đọc của dân tộc ta. Bởi thực tế cho thấy, một thời thói quen đọc sách đã hình thành ở nước ta và có tác động sâu rộng trong đời sống xã hội. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, dù bom đạn ngoại xâm đe dọa mạng sống của con người từng phút, từng giờ nhưng những thư viện, hiệu sách nhân dân vẫn đông người tìm đến, trở thành một nét đẹp trong đời sống cộng đồng. Và ngày nay, trong bối cảnh một xã hội mà tri thức đang là một tiêu chí đánh giá sự phát triển của con người thì việc đọc sách càng cần được nhấn mạnh, vì sách tạo cơ sở để nâng cao tri thức, bồi dưỡng tâm hồn, hun đúc bản lĩnh và khát vọng, đồng thời tự điều tiết bản thân để thích nghi và tồn tại trong một thế giới đang phát triển rất nhanh chóng, khó lường.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau 5 năm, đã có gần 90% số tỉnh, thành phố triển khai Ngày Sách đến các quận, huyện; hơn 50% các cơ sở giáo dục tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách gắn với các chủ đề gần gũi với từng địa phương. Tiêu biểu như tại Nam Ðịnh, một địa phương nổi tiếng về truyền thống hiếu học, trong Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3, tại đây đã phát động chương trình "Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học", hưởng ứng xây dựng xã hội học tập. Ðến nay Nam Ðịnh đã xây dựng được 8.995 tủ sách cho các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng,... đã ra đời những đường sách, phố sách, không gian sách, hội sách... Ngay cả tại 54 trại giam trên toàn quốc, phạm nhân đã được đọc sách từ các tủ sách do nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp. Hiệu quả đạt được tuy có khác nhau, nhưng có thể thấy Ngày Sách Việt Nam đã được nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên hưởng ứng và tích cực tham gia.

Ðối với những người làm sách và đưa sách đến với công chúng, Ngày Sách Việt Nam đã tạo niềm phấn khởi và giúp họ yêu nghề hơn, gắn bó hơn với công việc thầm lặng nhưng đầy trách nhiệm này. 5 năm qua, toàn ngành xuất bản đã đem tới cho xã hội 160.000 tên sách với 1,9 tỷ bản in và xuất bản phẩm, tăng gần 20% về số tên sách và bản sách, giữ vững nhịp độ tăng trưởng trong nhiều năm liên tiếp. Nhiều nhà xuất bản, công ty sách đã bán được nhiều sách hơn, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế để có thể đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động tặng sách, xây dựng thư viện cho một số trường học thuộc vùng khó khăn, trường dân tộc nội trú, góp phần nâng cao văn hóa đọc, nhất là đối với trẻ em. Có thể thấy rằng, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động xuất bản là số người đọc sách tăng lên và mục tiêu ấy đã bước đầu đạt được qua những con số dẫn chứng trên đây.

Bên những kết quả đạt được, việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam cũng bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục, hoặc có thể làm tốt hơn nữa. Trước hết, nhận thức về giá trị của sách và việc đọc sách tuy có tiến bộ đáng kể, song ở một số cấp trực tiếp tổ chức Ngày Sách Việt Nam, hội chợ, triển lãm sách,... vẫn còn tình trạng đề cao hiệu quả kinh tế hơn là góp phần khôi phục, xây dựng một nét đẹp văn hóa. "Tư duy phong trào" vẫn thể hiện trong một số hoạt động và ở một số địa phương khi tổ chức theo kiểu "công thức" như: mở hội chợ, hội thảo ở thư viện, ở trường học với sự có mặt của một vài cơ quan báo đài, nhà văn, tác giả, lãnh đạo ngành văn hóa, thông tin,... vừa mang nặng tính hình thức, vừa thiếu sức thu hút, hấp dẫn để thật sự tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Ở tầm vĩ mô, vai trò của người "tổng đạo diễn" Ngày Sách trên quy mô cả nước vẫn chưa thể hiện rõ, dẫn đến tình trạng hoạt động đơn điệu, chồng chéo tại nhiều nơi, làm phân tán nguồn lực về tài chính, nhân lực và quỹ thời gian, gây nên sự quá tải cho các nhà xuất bản, công ty sách và các đơn vị tham gia.

Ðể khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, có sự kết hợp giữa hoạt động của Trung ương với địa phương, phân cấp rõ ràng nhằm nâng cao hiệu quả của Ngày Sách. Ðối với địa bàn nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, biên giới, hải đảo - nơi đang có gần 70% số dân nước ta sinh sống, Ngày Sách đối với họ chủ yếu vẫn là qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền hình. Nếu không có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, tâm huyết của những người có trách nhiệm, năng động và sự vào cuộc của các tổ chức xã hội như Hội Nông dân, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Xuất bản, Hội Khuyến học... thì ý thức tìm đọc sách, mong muốn có được cuốn sách thiết thực với đời sống và sản xuất,... vẫn khó thực hiện. Bên cạnh đó, để góp phần khắc phục những mặt còn yếu kém, nâng cao hiệu quả thực hiện Ngày Sách Việt Nam, các cơ quan chức năng liên quan có thể xem xét đưa quy định về chế độ đọc sách trong trường học, ở các cấp học như nhiều nước trên thế giới đã làm. Ðặc biệt, một vấn đề khiến nhiều người hoạt động trong ngành xuất bản không khỏi băn khoăn, là đã bảy năm từ khi Quốc hội thông qua Luật Xuất bản, nhưng Nghị định hướng dẫn, cụ thể hóa Ðiều 7, Luật Xuất bản 2012 về cơ chế, chính sách đối với hoạt động xuất bản vẫn chưa được ban hành, trong đó có việc xây dựng quỹ hỗ trợ dịch thuật các tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam để quảng bá với thế giới và đưa những tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam, góp phần cập nhật và nâng cao vốn sách cho xã hội nước ta. Sự chậm trễ này ảnh hưởng không nhỏ đến sự hội nhập của sách Việt Nam ra thế giới, đòi hỏi cần sớm được cải tiến.

Sau 5 năm thực hiện Ngày Sách Việt Nam, chúng ta đã thu được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, xã hội và bạn đọc ghi nhận tâm huyết, ý thức trách nhiệm của những người làm xuất bản, in, phát hành sách, thư viện và giáo dục ở nước ta. Ðây là nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, thực hiện chủ trương của Ðảng xây dựng xã hội học tập và chủ động hội nhập với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, để thời gian tới Ngày Sách tiếp tục phát huy hiệu quả, cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức, tránh tình trạng thực hiện theo kiểu "đầu voi đuôi chuột", "đánh trống bỏ dùi", cũng như cần sự nhập cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả cộng đồng.

BT: Kiều Trang

Theo Nhân dân điện tử

Bình luận