Đọc sách online – tại sao không?

Ngày đăng: 16/05/2019 - 16:05

Đã có không ít ý kiến rằng, tại các không gian công cộng ở nước ngoài như công viên, quảng trường, nhà ga, bến xe, quán cà phê... luôn bắt gặp nhiều người cầm sách tranh thủ đọc mỗi phút giây, trong khi ở Việt Nam thì gần như cả một thế hệ thanh niên “chúi đầu” vào smartphone.

Đúng là điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người, nhưng thực tế thì không ít người đang “dán mắt” vào màn hình smartphone ấy là để đọc sách. Xuất bản điện tử, đọc sách online gần đây đã trở thành xu hướng mới ở Việt Nam…

Cả thế giới sách trong một chiếc máy

Cùng với sự phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật và công nghệ, một kỷ nguyên số đã mở ra làm thay đổi không ít ngành nghề, trong đó có xuất bản. Chỉ cần sở hữu bất cứ một thiết bị thông minh nào có thể kết nối mạng internet như điện thoại, máy tính bảng hay latop, là người dùng đã “ôm gọn” cả thế giới. Từ thanh toán hóa đơn, gọi phương tiện giao thông, đặt đồ ăn cho đến xem phim, nghe nhạc, giao lưu bè bạn bốn phương và cả đọc sách. Không cần phải đến thư viện hay các hiệu sách cũ để tìm kiếm, không lo cầm theo những chồng sách nặng nề và cồng kềnh cho các chuyến đi xa, sách điện tử (ebook) đang có những ưu điểm nhất định, đặc biệt là ở chi phí rẻ và nhất là dễ dàng tranh thủ đọc hay có thể tra cứu bất cứ thông tin, tài liệu nào khi cả một thư viện khổng lồ đã “lên mạng”.

Trước đây, người ta thường e ngại đọc sách online bởi những nguy cơ gây hại cho mắt. Dần dần nhược điểm này được hạn chế khi các thiết bị chuyên để đọc sách online đã ra đời với nhiều sự tiện dụng như màn hình đen trắng tránh lóa mắt, cỡ chữ to, dấu lật trang thuận tiện... Hiện có rất nhiều ứng dụng nghe và đọc sách online như Amazon, Google Book, ibooks, Vina Reader, Miki App, Waka, Wattpad, Tea Book..., cả một kho tàng thông tin khổng lồ gồm cả sách miễn phí và sách bản quyền với các hình thức rất đa dạng.

Người đọc có thể mua lẻ từng quyển, sau khi mua thành công sẽ được sở hữu ebook đó mãi mãi để có thể đọc bất cứ lúc nào hoặc có thể đăng ký thành viên với chi phí trả theo ngày, hay các gói cước theo tháng, theo năm để có thể đọc bất cứ đầu sách nào có trên thư viện của ứng dụng cho đến khi hết hạn thẻ. Hầu hết các ứng dụng sách online đều khuyến khích người đọc đăng ký thành viên với nhiều chế độ ưu đãi như giảm giá giao dịch, phần thưởng khuyến mại... Tuy nhiên, với những bạn trẻ chưa đủ tuổi định hình tính cách, các bậc phụ huynh cần có sự kiểm soát chặt chẽ bởi kho sách trên mạng vô cùng phong phú, sẽ có cả những loại sách không phù hợp tâm sinh lý của độ tuổi.

Thị trường sách điện tử ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn nhưng phát triển khá mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Ngoài ebook thì thể loại audiobook (sách nói) cũng đã hình thành và được giới trẻ đón nhận. Theo ông Trần Chí Đạt - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, trong tương lai không xa, sách đa phương tiện sẽ vô cùng phát triển: “Sách điện tử sẽ không chỉ còn là những dòng chữ đơn điệu trên màn hình đọc mà sẽ có sự xuất hiện của các thành phần đa phương tiện kết hợp công nghệ thực tế ảo và thực tại tăng cường.

Ví dụ khi đọc một cuốn sách dạy nấu ăn trên thiết bị đọc, người đọc có thể xem những clip hướng dẫn nấu ăn hoặc mô phỏng, kết hợp các thiết bị như kính 3D thực tế ảo để có được trải nghiệm như trong bếp thật, thậm chí có cả mùi hương đặc trưng của từng món ăn trong sách”. Ở sách đa phương tiện, người đọc có thể dễ dàng tra cứu các nội dung liên quan được nhắc đến trong sách như có thể nghe bản nhạc hay đoạn phim, xem bản vẽ trang phục của nhân vật, hình ảnh của phong cảnh, nội dung đầy đủ của bài thơ hay các điển tích điển cố, nhân vật, sự kiện lịch sử.

Sách điện tử - sách giấy cùng song hành

Với sự phát triển của internet, từ những quy trình xuất bản truyền thống, những cách thức viết bản thảo và đọc sách giấy quen thuộc đã dần được điện tử hóa, các công đoạn được giảm bớt đi rất nhiều để sách có thể đến với nhiều độc giả nhất trong thời gian nhanh nhất. Chưa hết, thị trường còn bắt đầu xuất hiện các quy trình sản xuất mới với các xuất bản phẩm chỉ thuần ebook chứ không phải là xuất bản sách giấy và ebook chỉ là sản phẩm phái sinh. Những kiểu sách điện tử khai thác trước này lại có ưu thế ở chỗ giữa tác giả và bạn đọc có sự tương tác, giao lưu nhất định, từ đó quá trình sáng tạo tác phẩm có thể được điều chỉnh cho phù hợp với số đông bạn đọc.

Theo ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc Dự án Waka, Công ty cổ phần Bạch Minh, “tổng lượng đọc các đầu sách thuần điện tử trên Waka tăng phi mã trong 3 năm qua. Từ vài nghìn lượt trong năm 2016 đã nhảy vọt lên đến gần 2 triệu lượt trong 3 quý đầu năm 2018. Ngoài yếu tố về tính hấp dẫn của nội dung tác phẩm, điều này còn cho thấy sức hút và lợi thế cạnh tranh to lớn mà một tác phẩm ebook được ưu tiên khai thác trước trên nền tảng điện tử so với sản phẩm ebook phái sinh truyền thống”.

Hiện nay, ebook không chỉ thu hút giới trẻ mà số người lớn tuổi quan tâm đến sách điện tử cũng gia tăng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thị trường xuất bản vẫn ưu tiên nhiều hơn cho sách in truyền thống. Và dù trong những năm tới ebook có phát triển vượt bậc thì cũng không thể thay thế sách in truyền thống. Chị Lại Ánh Nga (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi hay đọc sách điện tử, nhưng khi có những cuốn hay thì vẫn thích mua bản giấy”. Nhiều người coi việc mua sách in truyền thống như là một thú chơi, để lưu giữ, sưu tầm, để xin chữ ký tác giả - dịch giả... Xét cho cùng, việc lựa chọn đọc sách giấy hay sách điện tử không quan trọng, mà điều cốt yếu là hình thành thói quen đọc mỗi ngày, xây dựng được nếp tư duy, suy nghĩ về những gì đọc được và chia sẻ những thông tin sách cho mọi người xung quanh.

BT: Kiều Trang

Theo Hà Nội mới

Bình luận