Nét tương đồng giữa tinh hoa tư tưởng Phật giáo và những giá trị nền tảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 17/02/2020 - 15:02

Tính nhập thế và hướng thiện của Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là những nội dung quan trọng kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng yêu nước, thương dân, gắn bó với Nhân dân; đề cao những giá trị đạo đức tốt đẹp và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Với ý nghĩa đó, bài viết bước đầu tìm hiểu những nét tương đồng giữa tinh hoa tư tưởng Phật giáo với những giá trị nền tảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó cho thấy sự cần thiết phát huy những giá trị quý báu đó trong xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay.

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ cách ngày nay khoảng 2.500 năm do Tất Đạt Đa sáng lập. Theo truyền thuyết, Đức Phật có tới 547 tiền kiếp trước khi đầu thai làm con vua Sakya. Trong các tiền kiếp, dù là ai thì Ngài cũng đều đầy lòng từ - bi - hỷ - xả, sẵn sàng hy sinh vì mọi người. Đạo Phật dạy rằng: “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian pháp”, với ý nghĩađạo và đời luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đạo phải có chất đời mới thực tế, trong đời phải có vị đạo để giữ gìn được giá trị đạo đức tốt đẹp. Đạo Phật với tư cách là một triết thuyết về giải phóng, đề cao đức từ, bi, hỷ, xả, vô ngã vị tha, cứu khổ, cứu nạn,… khi du nhập vào Việt Nam đã sớm được chấp nhận và trở thành một tôn giáo truyền thống của dân tộc, in đậm trong mỗi con người Việt Nam.

Là người con ưu tú của đất nước, kế thừa truyền thống của dân tộc, quê hương, gia đình, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh sớm tiếp thu kiến thức văn hóa, thông thạo chữ Hán, chữ quốc ngữ, tiếp xúc với văn hóa phương Đông và sách báo tiến bộ, “đồng thời là một nhà hoạt động chính trị đã đi nhiều nhất, có vốn hiểu biết phong phú nhất về thực tế”, từ đó đã hình thành nên ở Hồ Chí Minh những phẩm chất cao quý. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá trong kho tàng lịch sử tư tưởng Việt Nam. Đó là tư tưởng của người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người thầy vĩ đại của công cuộc giải phóng dân tộc và phong trào cách mạng, công nhân quốc tế. Hệ thống di sản tư tưởng phong phú và vô giá mà Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta ngày nay cho thấy có nhiều điểm tương đồng với tinh hoa tư tưởng của Phật giáo, trong đó nổi bật là giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan, coi con người là trung tâm hướng đến chân, thiện, mỹ, từ, bi, hỷ, xả, vô thường, vô ngã, vị tha, cứu khổ cứu nạn, để sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Đề cao con người, yêu thương con người

Kinh Tương Ưng bộ ghi lại lời dạy của Đức Phật tại vườn Lộc uyển như sau: “Này các Tỳ kheo! Hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng tưởng thưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người... Hãy tuyên thuyết phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh”. Lời dạy trên gợi ý cho chúng ta hiểu rằng, sự ra đời của Đức Phật không ngoài mục đích giải quyết những khổ đau cho con người, nghĩa là, khi con người còn khổ đau thì Phật giáo còn tồn tại. Phật giáo coi thế giới là một bể khổ và mục đích cuối cùng của Phật giáo là tìm con đường giải thoát con người khỏi bể khổ luân hồi đó. Phật giáo chủ trương: “Dĩ chúng tâm kỷ tâm”, đề cao con người, coi con người là trên hết. Đức Phật khuyên dạy chúng sinh hãy chăm tu tập “Tứ vô lượng tâm”, đó là từ - bi - hỷ - xả. “Từ” là ban niềm vui, đem tình thương vô điều kiện đến cho mọi người. “Bi” là khả năng làm vơi đi nỗi khổ ở hiện tại. “Hỷ” là niềm vui, lòng thanh thản do từ bi đem tới. “Xả” là thư thái nhẹ nhàng, tự do, không kỳ thị. 

Chia sẻ tấm lòng yêu thương con người của Đức Phật, chính lòng yêu nước và yêu đồng bào là điểm xuất phát cho cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình và dân tộc, từ các trải nghiệm đã hình thành nên ở Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh một tình cảm sâu sắc và sự đồng cảm với những người nghèo khổ, cùng cực. Để rồi người thanh niên họ Nguyễn quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân với “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1. Theo Hồ Chí Minh, người làm cách mạng là những người tình cảm nhất, bởi họ làm cách mạng vì tình yêu đối với con người và Tổ quốc. Phát huy triết lý “Hạnh vô ngã” của Phật giáo, người làm cách mạng sẵn sàng hy sinh để mọi người có được một cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”2.

Không chỉ đau đáu nỗi đau của dân tộc, khi bôn ba trên khắp thế giới, người thanh niên họ Nguyễn đã chứng kiến sự tàn bạo của đế quốc, thực dân đối với các dân tộc bị nô lệ, người lao động nghèo khổ, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Từ những người công nhân da đen trên tàu ở Dakar phải mất mạng khi nhảy xuống biển để đáp tàu cho chủ, đến những trẻ em bị chết đói ở Dahomey, người nghèo sống ở các khu nhà ổ chuột ngay trong lòng thành phố hoa lệ Paris..., những câu chuyện đau lòng ấy càng thôi thúc người thanh niên có tấm lòng nhân văn cao đẹp quyết tâm góp sức mình giúp đỡ cho các dân tộc không được hưởng tự do và công lý. Cho đến trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn luôn đau đáu đến hạnh phúc của Nhân dân, đến việc trên hết, trước hết là “công việc đối với con người”, trong đó có việc chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, bảo vệ quyền của phụ nữ, quan tâm đến nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số. Đối với những người lầm đường lạc lối, Người tỏ lòng nhân ái để khuyến khích họ trở về. Có thể nói, “ngoài sự nhìn nhận là một nhà yêu nước và vị lãnh tụ giải phóng dân tộc với tinh thần bất khuất, Hồ Chí Minh còn là một người nhân văn sâu sắc”3. Chính vì thế mà Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Đề cao những giá trị đạo đức tốt đẹp

Phật giáo là một tôn giáo hướng thiện. Theo triết học Phật giáo, thế giới là một bể khổ, mà nguyên nhân là do con người không hiểu biết (vô minh) về sự vô thường, vô ngã. Muốn thoát khổ, con người phải thực hiện tám con đường giải thoát (bát chính đạo) hay nói cách khác là mỗi người phải vượt qua chính mình bằng niềm tin và hành vi đạo đức. Tám con đường để diệt khổ của Phật giáo gồm: 1) Chính kiến: Thấy, xem xét, hiểu biết sự vật một cách đúng đắn; 2) Chính tư duy: Suy nghĩ đúng đắn; 3) Chính ngữ: Lời nói đúng đắn; 4) Chính nghiệp: Hành vi đúng đắn; 5) Chính mệnh: Mưu sinh đúng đắn; 6) Chính tinh tiến: Cố gắng, nỗ lực phấn đấu một cách đúng đắn; 7) Chính niệm: Ghi nhớ, tâm niệm đúng đắn; 8) Chính định: Tập trung tư tưởng một cách đúng đắn.

Với triết lý từ, bi, hỷ, xả, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái, đạo đức Phật giáo phù hợp với đạo đức, lẽ sống của người Việt Nam. Phật giáo đề cao quy luật nhân - quả, qua đó đề cao ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với cá nhân, cộng đồng và xã hội.

Với tấm lòng yêu thương con người sâu sắc, Hồ Chí Minh là hiện thân của những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh thuyết phục Nhân dân và nhân loại không chỉ bằng mục tiêu chân chính, trí tuệ xuất chúng mà còn bằng tấm gương đạo đức cao cả. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã được hình thành, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin; là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tinh hoa văn hóa, đạo đức của nhân loại ở cả phương Đông và phương Tây, trong đó có tinh hoa đạo đức của Phật giáo mà Người đã tiếp cận được trong quá trình hoạt động cách mạng đầy gian lao, thử thách, vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Vai trò nền tảng của đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh khẳng định: làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang; có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không rụt rè, lùi bước, khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, mới lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Người nhấn mạnh: “Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”4.

Trong các bài nói chuyện, bài viết, Hồ Chí Minh luôn coi trọng và nhấn mạnh tới việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người coi giáo dục đạo đức là nguồn cội vững chắc để hình thành nên cách mạng, là động lực để cách mạng thành công,sự kết nối giữa Đảng và Nhân dân: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”5. Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng gồm: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Theo Hồ Chí Minh, con người muốn tiến bộ thì phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, nhưng đó không phải là sự rèn luyện nhất thời, mà là cả một quá trình rèn luyện không ngừng, phấn đấu suốt đời. Càng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thì con người sẽ ngày càng mang đầy đủ tư cách, phẩm chất của một người cộng sản tiên phong: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”6. Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt, đó là phải vừa có tài, vừa có đức, trong đó đạo đức là gốc: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”7. Và chính Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, là mẫu mực kết tinh tất cả những phẩm chất tốt đẹp nhất của người Việt Nam. Những quy tắc đạo đức của Người nêu ra đã trở thành vũ khí mạnh mẽ của cả dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các dân tộc khác trên thế giới.

Đề cao vai trò của Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân

Khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã dần được “bản địa hóa”, tính nhập thế của Phật giáo được tăng cường với triết lý của Thiền phái Trúc Lâm khi khẳng định: Người tu hành muốn giác ngộ không thể từ bỏ thế gian này, mà phải sống gắn bó với Nhân dân, với đất nước; phải tham gia vào cộng đồng, vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc. Nếu như triết lý của Phật giáo khẳng định “Nhân thị tối thắng” - con người cao hơn tất cả, thì Hồ Chí Minh cũng luôn đề cao vai trò “tối thượng” của Nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”8. Phát huy truyền thống “thân dân” của dân tộc nhằm huy động tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Người cho rằng sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp chung của cả dân tộc chứ không phải là công việc của một vài người. “Sự nghiệp cách mạng rộng lớn và khó thực hiện; nó không thể do một người hay một nhà làm mà tốt được”9. Độc lập, tự do, hạnh phúc là khát vọng muôn đời của Nhân dân. Đó cũng là khát vọng, nguyện vọng cao nhất của Người. Theo Người, muốn thực hiện được hoài bão đó không có cách nào khác là phải dựa vào sức mạnh của chính quần chúng nhân dân. Người chỉ rõ: Dân là “gốc của nước”, “Gốc có vững cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”10; “có dân sẽ có tất cả”, “có dân việc gì cũng xong”; “lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Người dạy cán bộ: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”11. Từ đó, Người yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và chịu sự kiểm soát của Nhân dân. Mỗi cán bộ đều là người “đày tớ của dân”, phải hết lòng phục vụ Nhân dân, đồng thời là người lãnh đạo, hướng dẫn Nhân dân nên phải có trí tuệ hơn người, biết nhìn xa trông rộng và phải gần gũi Nhân dân.

Đề cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc

Ở Việt Nam, truyền thống đoàn kết, cố kết cộng đồng được hình thành và củng cố qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Do thường xuyên phải đương đầu và chế ngự trước những khắc nghiệt của tự nhiên và sự uy hiếp của kẻ thù nên tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam đã sớm phát triển thành ý thức dân tộc, ý thức quốc gia. Truyền thống đoàn kết đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn của toàn dân tộc để đương đầu và chiến thắng thiên tai, địch họa.

Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tư tưởng “lục hòa” của Phật giáo rất phù hợp với truyền thống đoàn kết của dân tộc, chính vì lẽ đó, Phật giáo nhanh chóng bám rễ sâu vào mọi mặt đời sống của con người Việt Nam. Những nội dung trong tư tưởng “lục hòa” của Phật giáo như: không nói lời dữ, không tranh hơn thua; ý của các thành viên trong cộng đồng hòa hợp với nhau; chia sẻ những hiểu biết của mình cho mọi người cùng hiểu; có lợi thì cùng chia sẻ với nhau... là cơ sở để xây dựng một tập thể gắn bó, đoàn kết nhằm kiến tạo một môi trường chung, giúp nhau cùng phát triển.

Tương đồng với tư tưởng “lục hòa” của Phật giáo, Hồ Chí Minh hiểu thấu đáo vai trò của đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng dân tộc. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên - Việt toàn quốc ngày 10/01/1955, Người chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”12.

Theo Người, muốn đoàn kết phải biết “Cầu đồng tồn dị” - lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt; lấy lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, là tự do, dân chủ, bình đẳng là điểm tương đồng làm ngọn cờ đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời cũng là nguyên tắc “bất di bất dịch” của sự nghiệp cách mạng. Tính chất đoàn kết rộng rãi của khối đại đoàn kết toàn dân trong kháng chiến chống xâm lược thể hiện ở việc mở rộng tập hợp lực lượng trong mọi giai tầng xã hội, mọi ngành, mọi giới, lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc, đảng phái, tổ chức và cá nhân vào Mặt trận Dân tộc thống nhất. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc thống nhất đã thể hiện đặc sắc tư duy của Hồ Chí Minh về sức mạnh và yêu cầu, nguyên tắc của đoàn kết toàn dân, đồng thời phản ánh nghệ thuật, khoa học quy tụ, tổ chức và xây dựng lực lượng cho cách mạng nói chung, cho chiến tranh nhân dân của Người nói riêng. Sự vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên cơ sở của liên minh công - nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát huy sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đập tan những âm mưu chia rẽ dân tộc của kẻ thù, tạo nên sự thống nhất cao về tư tưởng, ý chí, quyết tâm, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Từ những phân tích trên có thể khẳng định, tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Hồ Chí Minh có những điểm tương đồng sâu sắc về giá trị của tình yêu thương con người, gắn bó với Nhân dân, đề cao những giá trị đạo đức tốt đẹp và tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng. Đây cũng là cơ sở nền tảng để xây dựng con người Việt Nam mới giàu lòng yêu thương con người, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 187, 470.

3. Nguyễn Đài Trang: Hồ Chí Minh - Nhân văn và phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 132.

4, 5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 602, 603, 612.

7, 10.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 292, 502.

8, 9, 11, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 453; t. 2, tr. 513; t. 15, tr. 142; t. 9, tr. 244.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Cung (Chủ biên): Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam (1945-1975), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.

2. Giá trị và chức năng của cơ bản của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

4. Tường Nhân Sư: Phật pháp căn bản, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2018.

5. Tạ Thị Lan Ngọc (Chủ biên): Luật nhân quả trong Phật giáo với đời sống tinh thần người Hà Nội hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019.

6. Nền tảng Phật giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018.

7. Nguyễn Đài Trang: Hồ Chí Minh - Nhân văn và phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013.

8. Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2019.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả