Từ cơ duyên với nghề báo đến sự nghiệp của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 20/07/2020 - 11:07

Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, mà Người còn là một nhà báo mẫu mực. Hồ Chí Minh có nhiều cơ duyên với báo chí và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã dành nhiều tâm huyết đối với nghề báo. Sự nghiệp báo chí cách mạng của Người đã đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong đó, phương châm làm báo mà Người nêu ra có giá trị to lớn và vẫn đang tiếp tục định hướng cho sự phát triển của nền báo chí cũng như cho đội ngũ những người làm báo nước ta trong tình hình mới.

Theo kết quả một cuộc bình chọn do Tạp chí Time (Mỹ) tiến hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng sâu đậm nhất trong thế kỷ XX. Tên tuổi của Người gắn với cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho các dân tộc thuộc địa, lệ thuộc. Và với dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh là kiến trúc sư vĩ đại, linh hồn cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người là hiện thân và là biểu trưng cho sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc. Hồ Chí Minh đã để lại ảnh hưởng to lớn của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta, mà một trong số đó là dấu ấn trên mặt trận báo chí.

1. Từ cơ duyên với nghề báo đến chính thức bước vào làng báo

Sinh thời, Hồ Chí Minh đã khước từ mọi danh hiệu mà người đời suy tôn cho mình. Điều duy nhất Người tự nhận về mình ở góc độ danh xưng cho công việc là “nhà hoạt động cách mạng”, và là người “có nhiều duyên nợ với báo chí”1. Điều vĩ đại ở Hồ Chí Minh có từ sự đơn giản nhất và điều đó được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong cuộc đời của vị lãnh tụ kiệt xuất được nhân loại công nhận là danh nhân văn hóa. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng sôi nổi, phong phú với muôn vàn khó khăn, thử thách của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Người đã đặt chân đến bốn châu lục, ba đại dương và đi qua gần 30 nước, làm hàng chục nghề khác nhau. Mọi hoạt động của Hồ Chí Minh dù ở đâu, làm gì và trong hoàn cảnh nào cũng đều xuất phát từ mục đích: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”2.

Đặc biệt, trên hành trình của con người đã trở thành huyền thoại ngay khi còn sống, Hồ Chí Minh sớm nhận rõ vai trò của báo chí là một vũ khí sắc bén, một công cụ tổ chức, tập hợp, giáo dục quần chúng đứng lên làm cách mạng. Từ một người thanh niên yêu nước với vốn tri thức bước đầu còn hạn chế, chưa hiểu nhiều về báo chí, nhưng bằng trải nghiệm thực tiễn sinh động, cùng ý chí, sự khổ công trong học tập, rèn luyện, Người đã trở thành một nhà báo cách mạng xuất chúng. Tuy nhiên, trước khi trở thành một bậc thầy về viết báo, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua những thử thách vô cùng khắc nghiệt của nghề báo.

Cơ duyên đầu tiên đưa Người đến với nghề báo là sự kiện bản Yêu sách của nhân dân An Nam bị Hội nghị Vécxây, Pháp (1919) khước từ. Song những lời yêu cầu của bản yêu sách trên lại được in trên báo Dân chúng - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp. Điều này đã tác động trực tiếp đến Người trong việc nhận thức và phát huy vai trò báo chí để tuyên truyền và đấu tranh với chủ nghĩa thực dân. Và việc đến tòa soạn báo Dân chúng gặp ông Jean Longuet - Chủ nhiệm của tờ báo và cũng là nghị viên của Quốc hội Pháp, là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp báo chí cách mạng của Hồ Chí Minh. Ngay tại cuộc gặp đầu tiên, ông Longuet đã ủng hộ, khuyến khích Nguyễn Ái Quốc viết báo để đăng báo Dân chúng, nhằm làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ những bất công ở Việt Nam. Trần Dân Tiên có nhắc đến sự kiện này như sau: “Có thể nói rằng cuộc gặp gỡ ấy đã mở đường cho sự hiểu biết chính trị của ông Nguyễn. Nó cũng đã làm cho ông Nguyễn hiểu rõ nhân dân Pháp”3.

Đó mới chỉ là cơ duyên ban đầu đến với nghề báo, thời gian tiếp theo là những thử thách vô cùng gian khó với Nguyễn Ái Quốc, bởi khi đó vốn tiếng Pháp của Người còn rất hạn chế, nên phải nhờ cậy ông Phan Văn Trường dịch. Tuy vậy, ông Trường lại không biên dịch hết được những điều Nguyễn Ái Quốc muốn truyền đạt, chính vì vậy, Người đã quyết tâm tập viết báo. Điều này, được Trần Dân Tiên kể lại: “Nhược điểm về tri thức làm cho ông Nguyễn rất khó chịu. Nhất là ông Trường không viết tất cả những điều ông Nguyễn muốn nói. Vì vậy, ông Nguyễn bắt tay vào việc học làm báo”4. Bằng sự khổ công, nghiêm túc trong học tập, rèn luyện và ý chí, nghị lực phi thường, cùng với sự tận tâm giúp đỡ của ông Longuet và ông chủ bút tờ Đời sống thợ thuyền, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể để có bài báo đầu tiên được đăng. Đó là nhờ Người đã vượt qua hạn chế về vốn tiếng Pháp, dày công tìm hiểu văn hóa, tiếp cận văn phong báo chí Pháp. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố tạo nên thành công của Người trong nghề báo là nhờ phương pháp làm báo đặc sắc: “Ông Nguyễn viết làm hai bản, gửi cho tòa báo một bản, giữ lại một bản. Ông hết sức vui sướng khi thấy bài viết đầu tiên của mình được đăng lên báo. Ông đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa những chỗ viết sai. Ông kiên nhẫn làm theo cách ấy”5. Với phương pháp làm báo đầy công phu song rất sáng tạo, nên từ chỗ chỉ viết được rất ngắn năm đến sáu dòng, Người đã viết được bảy, tám dòng theo yêu cầu của ông chủ bút tờ Đời sống thợ thuyền. Dần dần, Nguyễn Ái Quốc đã có thể viết được cả cột báo hoặc dài hơn. Song ông chủ bút lại yêu cầu Người viết ngắn lại. Từ viết dài chuyển sang rút ngắn đối với Người lúc đó rất khó khăn: “Ông Nguyễn thấy rằng phải rút ngắn cũng khổ như trước kia phải kéo dài. Nhưng cũng hết sức cố gắng. Và ông thành công. Ông bắt đầu vào làng báo từ đó”6.

2. Sự nghiệp báo chí của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh

Từ khi chính thức bước vào làng báo, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thức thấu đáo hơn về vai trò của báo chí - phương tiện quan trọng không thể thiếu của hoạt động cách mạng. Thông qua báo chí để tố cáo tội ác của kẻ thù, thức tỉnh tinh thần cách mạng của Nhân dân. Chính vì vậy, cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là để làm cách mạng và để làm cách mạng mà Người đã trở thành một nhà báo. Hơn thế, Người đã tạo nên một phong cách làm báo độc đáo - phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Người cho rằng, mục tiêu xuyên suốt của báo chí cách mạng là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”7, từ đó, Người đã thông qua báo chí để đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng. Năm 1923, trong Truyền đơn cổ động mua báo Người cùng khổ (LeParia), Hồ Chí Minh viết: “Tờ báo này là tờ báo của bạn, giúp bạn thoát khỏi cảnh nô lệ và sẽ phát hành rộng rãi trong tất cả các thuộc địa, nhằm dẫn dắt mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm để trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột mà chúng ta là những người cùng khổ”8.

Thực tiễn cho thấy, Hồ Chí Minh đã rất thành công trong việc sử dụng ngòi bút của mình vào việc tuyên truyền, giác ngộ, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức. Những nội dung được Người quan tâm chú trọng là truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án, tố cáo chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa. Những bài báo của Người đã làm cho kẻ thù lo sợ, bởi lẽ các bài viết đó đã thức tỉnh tinh thần của người dân ở các nước thuộc địa, tác động mạnh mẽ và tiếp thêm động lực, thôi thúc họ vùng lên đấu tranh giải phóng mình và dân tộc mình.

Bên cạnh đó, Người còn là hiện thân cho tinh thần đấu tranh vì quyền tự do báo chí. Theo Người, đây là quyền lợi tinh thần to lớn của một dân tộc, một đất nước. Và sự tham gia của Nhân dân vào hoạt động báo chí là sự thể hiện cũng như bảo đảm quyền dân chủ của Nhân dân, thể hiện nhu cầu, trình độ văn hóa của Nhân dân. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, với tư cách một người hoạt động cách mạng, đồng thời là một nhà báo, Hồ Chí Minh đã trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh chống sự vi phạm tự do báo chí của chủ nghĩa thực dân, và xác lập vai trò, vị trí của báo chí cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Không chỉ nhận thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Người còn nhận thấy rõ quyền tự do báo chí chính là một bộ phận rất quan trọng của quyền con người và Người coi quyền tự do báo chí là một “vũ khí”, phương tiện để đấu tranh cách mạng, đồng thời đấu tranh cho quyền con người. Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ tố cáo chế độ thực dân Pháp ngăn cấm quyền tự do báo chí: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận…; chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập”9. Trong bài “Báo chí”, Người thẳng thắn tố cáo sự vi phạm trắng trợn của chính quyền thực dân: “Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo. Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi10.

Qua cuộc đời hoạt động báo chí khoảng 50 năm, Hồ Chí Minh đã để lại một sự nghiệp báo chí hiếm thấy. Người đã sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Đề cập điều này, GS. Song Thành dẫn chứng: “trước hết là tờ Le Paria (tháng 4/1922) ở Pháp, rồi đến các tờ Thanh niên (tháng 6/1925), Công nông (tháng 12/1926), Lính kách mệnh (tháng 02/1927) khi Người hoạt động ở Trung Quốc, và tờ Việt Nam Độc lập gọi tắt là Việt Lập (tháng 8/1941) khi đã về Cao Bằng…”11. Như vậy, chính Người đã khai mở và đặt nền móng cho sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Điều này được PGS.TS. Phạm Ngọc Anh đánh giá: “Trong chiều sâu nhân văn và nhân đạo, Hồ Chí Minh là người khởi nguồn, nuôi dưỡng và phát triển dòng chảy văn hóa báo chí Việt Nam”12. Trên con đường cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến hoạt động báo chí, từ chỉ đạo cải tiến nội dung, hình thức, đến phát huy vai trò của báo chí cách mạng để định hướng dư luận, vạch đường cho quần chúng đấu tranh và góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Từ những bài báo đầu tiên như: “Tâm địa thực dân” (bài báo tiêu biểu cho thể loại bút chiến để trả lời bài báo “Giờ phút nghiêm trọng” của tác giả Camilơ Đơvila - người công kích Yêu sách của nhân dân An Nam mà Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Vécxây - đăng trên tờ Courrier Colonial ra ngày 27/6/1919), “Vấn đề dân bản xứ” (đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) ngày 02/8/1919),… đến bài báo cuối cùng là “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” (đăng trên báo Nhân Dân ngày 01/6/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một khối lượng bài viết đồ sộ, ít ai có thể vượt qua với trên 2.000 bài báo và hơn 174 tên gọi, bí danh, bút danh khác nhau13. Các bài báo của Người đều thể hiện sự sắc sảo về tư duy, chính xác, phong phú về cứ liệu; sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn; từ chiều sâu của tri thức đến bề dày của văn hóa dân tộc và thế giới, tạo nên tính chiến đấu, sự hấp dẫn, sức thuyết phục cao, thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, đồng thời phản ánh nhất quán tư duy báo chí rất đặc sắc, riêng có ở Hồ Chí Minh. Xác định phương châm “Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào” của Người đã trở thành triết lý cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Mỗi bài viết của Người đều bám sát phương châm trên và hướng vào mục đích nhất quán, gắn chặt với từng đối tượng cụ thể và sử dụng cách viết phù hợp với từng đối tượng. Đánh giá về điều này, GS. Song Thành khẳng định: “Văn báo chí của Người rất phong phú về hình thức, đa dạng về thể loại, biến hóa về kết cấu, phong cách, giọng điệu,... mỗi bài mỗi vẻ, không lặp lại. Từ lối viết uyên bác, hàn lâm để nói với các chính khách phương Tây; lối viết hàm súc, ẩn dụ, ý tại ngôn ngoại, để nói với các bậc đại nho, đến lối viết mộc mạc, bình dị cho người còn ít chữ,... nhưng tất cả đều rất chân thực, giản dị, tự nhiên, hấp dẫn mà không hào nhoáng, mộc mạc mà không tầm thường. Đó cũng là những chuẩn mực về cái đẹp thường thấy ở những tài năng lớn”14.

Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng sự nghiệp báo chí của Người vẫn tỏa sáng, trở thành hình mẫu cho nền báo chí nước nhà, giúp người làm báo có động lực phấn đấu và vững tâm hơn với nghề, thôi thúc họ không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ làm báo, để xứng đáng là những người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta trong tình hình mới. ◈

1, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 164, 171.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 272.

3, 4. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 45-46, 46.

5, 6. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr. 47.

8, 9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 496, 34-35, 428.

11, 14. GS. Song Thành: Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 21, 22.

12. PGS.TS. Phạm Ngọc Anh: “Văn hóa báo chí Hồ Chí Minh”, báo Nhân Dân (số đặc biệt kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 21/6/2016), tr. 2.

13. Bảo tàng Hồ Chí Minh: Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 11.

Trung tá, ThS. Trịnh Quốc Việt

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả