Nhận diện và phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam hiện nay

Ngày đăng: 23/11/2016 - 14:11

1. Về lý thuyết, “sức mạnh mềm” là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong những năm gần đây. Nó được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1973, trong cuốn Sức mạnh và thịnh vượng của Klaus Knorr, sau đó, được Giáo sư Joseph Nye - nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị công John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard đưa ra định nghĩa lần đầu trong cuốn Nhất định lãnh đạo: Diễn biến của bản chất sức mạnh nước Mỹ, năm 1990 và phát triển thành một luận thuyết trong cuốn Sức mạnh mềm: Phương tiện để đạt được thành công trong chính trị quốc tế, năm 2004.

Theo J. Nye, “sức mạnh mềm” là khả năng tác động thông qua sự hấp dẫn và sức thuyết phục để người khác làm theo những gì mình mong muốn. Đối với một quốc gia thì “sức mạnh mềm” theo ông được xây dựng trên nền tảng văn hóa, các giá trị và chính sách của quốc gia. Nó được thể hiện thông qua các yếu tố như hình ảnh, uy tín của đất nước và sự lãnh đạo, năng lực giao tiếp, nhất là khả năng thuyết phục của những người thực thi quyền lực, mức độ cởi mở của xã hội, sức hấp dẫn, quyến rũ, đặc biệt là của nền văn hóa... Đây được xem là một tư tưởng mới và ngày càng trở thành chủ đề “nóng” trong việc nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Bởi thực tế những năm gần đây đã chứng minh việc lạm dụng “quyền lực cứng” sẽ khó phát huy tác dụng, khi xu thế chung hiện nay là đối thoại, hợp tác, liên kết toàn cầu. Và mặc dù chính J. Nye đã cảnh báo những hạn chế của “sức mạnh mềm”, nhưng giống như “sức mạnh cứng”, nó cũng là một tồn tại khách quan, nếu biết kết hợp sức mạnh cứng với sức mạnh mềm vào một chiến lược thì sẽ tạo thành sức mạnh thông minh mang lại những thắng lợi lớn.

Hiện nay chúng ta đã thấy, nhiều nước trên thế giới đã và đang định hình sức mạnh mềm của riêng mình. Mỹ dùng giá trị dân chủ kết hợp với các chính sách đối ngoại khôn ngoan để đạt được “quyền lực mềm”. Pháp dùng uy tín làm trung gian hòa giải và bảo đảm lợi ích giữa Liên minh châu Âu và Nga. Xingapo thì tạo ra quyền lực mềm bằng thương hiệu: “Thành phố tốt nhất trên thế giới để sống và làm việc”. Ở một khía cạnh khác là những biểu tượng văn hóa gắn với hình ảnh của một quốc gia như Mỹ là Levi’s, Coca Cola, Mc Donald’s, Microsoft, CNN, Hollywood, nhạc hip-hop; Pháp là một đất nước lãng mạn với các biểu tượng văn hóa như nước hoa, rượu vang Bordeaux, tháp Eiffel; Nhật Bản là Sushi, đô vật Sumo, kỹ nữ Geisha, áo truyền thống Kimono, truyện tranh Manga; Ôxtrâylia là Nhà hát vỏ sò Opera Sydney, chuột túi Kanguru. Hàn Quốc đang là sự “lên ngôi” của “Hallyu” hay còn gọi là “làn sóng Hàn Quốc” - xu hướng ưa chuộng tất cả mọi thứ từ thời trang cho tới phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực có xuất xứ từ Hàn Quốc...

2. Việt Nam với nhiều điều kiện, lợi thế để tạo ra và phát huy “sức mạnh mềm” của mình: có vị trí địa lý thuận lợi, ở ngã tư đường giao thông hàng hải quốc tế, ở giữa hai nền văn minh lớn của thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc; có nền văn hóa bản địa đa đạng của 54 dân tộc và truyền thống lịch sử lâu đời; có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, nhiều di sản văn hóa và cả những nhân cách văn hóa được thế giới công nhận như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi... Đặc biệt, hiện nay Việt Nam còn là một đất nước có môi trường chính trị ổn định, hòa bình, con người thân thiện, hiếu khách, lực lượng lao động trẻ năng động, cần cù, sáng tạo. Những điều này là các giá trị nền tảng để Việt Nam tạo ra sức hút “tự nhiên” đối với bên ngoài.

Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, chúng ta đã nỗ lực xây dựng chiến lược tạo dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thẳng thắn thừa nhận thì “sức mạnh mềm” của Việt Nam vẫn còn khá mờ nhạt, khả năng tác động quốc tế, mức độ ảnh hưởng của vị thế, sức mạnh quốc gia đến với các nước chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước. Chiến tranh đã lùi xa trên đất nước chúng ta 40 năm, công cuộc đổi mới đất nước đã được tiến hành gần 30 năm, nhưng nhiều người trên thế giới vẫn chỉ biết đến Việt Nam là một đất nước “anh hùng trong chiến đấu”, vẫn là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu; mà chưa thực sự biết đến Việt Nam là một quốc gia đang “thay da đổi thịt”, đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới.

Những điều trên cho thấy, từ chiến lược xây dựng “sức mạnh mềm” văn hóa đến công tác quảng bá, tuyên truyền hình ảnh đất nước; “xuất khẩu văn hóa Việt” ra nước ngoài còn hạn chế, chưa đầy đủ. Chúng ta thiếu cơ chế phối hợp, ngân sách dành cho quảng bá, hoặc mới chú trọng trong hoạt động quảng bá du lịch ở “bề nổi”, còn dàn trải, thiếu nhất quán, mà chưa xác định và quảng bá các hệ giá trị và văn hóa.

Theo chúng tôi, để xây dựng, quảng bá và gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam hiện nay, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về những nhận thức tính nền tảng, cơ sở.

Điều đầu tiên cần khẳng định khi muốn giới thiệu hình ảnh Việt Nam, trước hết chúng ta phải trung thực với chính mình; tức là xây dựng hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đúng với những gì chúng ta giới thiệu về mình. Đừng để khi thế giới nhận thức hoặc đến với chúng ta và nhận thấy sự thực không phải thế, thì cái giá phải trả là rất lớn. Ngoài ra, chúng ta phải thẳng thắn nhận ra, sửa chữa và thoát khỏi những thói xấu đang nằm trong chính mình. Bởi, “sức mạnh mềm” văn hóa không thể được tạo ra khi lực cản tham nhũng, lãng phí, nói không đi đôi với làm vẫn còn phổ biến trong xã hội. Nó không chỉ làm nghèo đất nước mà còn xói mòn lòng tin ở trong và ngoài nước.

Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải nhân lên tinh thần đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy tâm hồn, tình cảm mỗi người dân Việt Nam, khát vọng mãnh liệt tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào sâu sắc về lịch sử dân tộc, tinh thần yêu chuộng hòa bình, khoan dung trong văn hóa của con người Việt Nam; từ đó tích cực tham gia tuyên truyền, giới thiệu với bạn bè quốc tế về “hình ảnh Việt Nam”. Đặc biệt, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa mối liên hệ với cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài, đồng thời chú trọng “xuất khẩu văn hóa Việt” tại chỗ thông qua hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập, công tác ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sự gắn kết của cộng đồng kiều bào ta với Tổ quốc, cũng như hình ảnh của mỗi kiều bào sẽ góp phần phổ biến, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của dân tộc, hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới, củng cố những tình cảm và nhận thức đúng đắn của cộng đồng quốc tế về Việt Nam.

Thứ hai, cần phải chọn lọc và lựa chọn được những nội dung để gây dựng, quảng bá hình ảnh, tạo nên sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Trong điều kiện “toàn cầu hóa văn hóa” hiện nay, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc đã xây dựng được hình ảnh của mình ra thế giới, thì hình ảnh Việt Nam chưa thực sự được biết đến ở nước ngoài, nhất là ở châu Mỹ. Như đã nói, hầu hết thế giới vẫn còn ấn tượng: Việt Nam là một cuộc chiến, một cuộc chiến mà họ thường xuyên nhìn thấy trên truyền hình trong những năm 70 của thế kỷ trước. Vẫn còn ít người biết Việt Nam giờ đây là một đất nước thanh bình, một nền kinh tế phát triển năng động và nhiều điều hấp dẫn từ văn hóa. Vì vậy, rất cần quảng bá hình ảnh Việt Nam mới. Tuy nhiên, trong nhiều điều cuốn hút mà chúng ta có, Việt Nam cũng cần phải tìm ra những điểm chung hấp dẫn nhất và coi chúng là trọng tâm của việc quảng bá. Theo chúng tôi, đó là:

1. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta không những phải nắm bắt, tiếp thu, vận dụng được trào lưu phát triển của thế giới, không thể chỉ dựa vào những mặt có lợi mà quốc tế dành cho ta, mà đòi hỏi phải kịp thời xây dựng một mô hình có giá trị khiến người ta tin phục, để các nước trên thế giới không những chấp nhận hợp tác cùng có lợi kinh tế, mà còn chấp nhận về mô hình hành vi và quan điểm giá trị, từ đó tăng cường hợp tác với Việt Nam, tạo dựng môi trường dư luận quốc tế tốt đẹp cho Việt Nam phát triển.

Trước đây, chúng ta đã làm được điều này trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để gia tăng “quyền lực mềm” của mình. Việt Nam đã tham gia tích cực, hiệu quả trong các diễn đàn, hội nghị quốc tế như việc hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; triển khai thành công đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện các chương trình hành động của các hội nghị Liên hợp quốc về phát triển xã hội, môi trường, an ninh lương thực, tài chính cho phát triển, nhà ở, nhân quyền, dân số và phát triển, phụ nữ, trẻ em, chống phân biệt chủng tộc, phòng chống HIV/AIDS... Việt Nam từng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009) và nay là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2014-2016), Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (2016-2018), Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (2013-2017)... Sự tham gia và có những đóng góp thiết thực, trách nhiệm vào các vấn đề khu vực và toàn cầu trên, không chỉ trực tiếp mang lại lợi ích cho Việt Nam, mà còn giúp Việt Nam gia tăng tính hấp dẫn của mình, mở rộng mạng lưới bạn bè quốc tế, qua đó nâng cao hình ảnh, “quyền lực mềm” Việt Nam. Điều này rất cần được coi trọng, phát huy trong thời gian tới.

2. Trong trọng tâm xây dựng “sức mạnh mềm” văn hóa của Việt Nam, theo chúng tôi có hai nhân tố được xem là điểm chung hấp dẫn nhất là nền văn hóa bản địa độc đáo và sự thân thiện của con người Việt Nam.

Trong thế giới hiện tại, với nhiều thành phố văn hóa ngày càng mai một, cùng với những biến động, chiến tranh, khủng bố thì sự đa dạng, độc đáo, khác biệt về phong tục, tập quán của 54 dân tộc cùng sinh sống; sự an toàn xã hội và mến khách, thân thiện của người dân sẽ là những điểm mạnh mà Việt Nam cần quảng bá ra thế giới.

Ngoài ra, chúng ta không chỉ bảo tồn mà cần phát huy rộng rãi các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đến bạn bè thế giới. Những di sản được thế giới công nhận như Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, kiến trúc Cố đô Huế, di tích Thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; hay “Truyện Kiều”, nhạc võ Tây Sơn, tà áo dài, hương vị phở... Tất cả đều được coi là sức quyến rũ của bản sắc văn hóa Việt Nam, cần tiếp tục được nâng cao, phát triển, giới thiệu, quảng bá với thế giới, làm cho bạn bè hiểu biết và tìm đến đất nước chúng ta.

Thứ ba, làm thế nào để tiếp tục quảng bá hình ảnh Việt Nam hiệu quả, ngày càng gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam.

Thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối và có nhiều nỗ lực cải tiến hình thức, nội dung trong việc tăng cường sức mạnh văn hóa Việt Nam trong quảng bá, giao lưu với quốc tế.

Hiện nay, chúng ta đã có Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào; Nhà văn hóa Việt Nam tại Pháp, Đức, Ba Lan và một số hình thức tương tự mà cộng đồng người Việt ở nước ngoài khai trương hoạt động khá tốt như ở Mỹ, Nga... Cùng với đó là các hình thức tổ chức giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam đa dạng như: Tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế tại Việt Nam; tổ chức Festival, liên hoan, biểu diễn các loại hình văn nghệ; tổ chức hội chợ, triển lãm giới thiệu ẩm thực, điện ảnh, xuất bản phim quảng cáo; các hội thảo khoa học, hội nghị chuyên môn, diễn đàn hợp tác đào tạo về văn hóa. Các Bộ, ngành chức năng liên quan cũng đã phối hợp với nhau thường xuyên, hiệu quả; cùng với đó là việc tăng cường dùng các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh hoạt động của công chúng để quảng bá hình ảnh đất nước ta ra thế giới.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó lớn nhất theo chúng tôi là trong cơ chế quản lý còn thiếu cái nhìn tổng thể; công tác tổ chức, quản lý giữa các ngành, các cấp còn chồng chéo, chưa phân định rõ trách nhiệm và sự phối hợp còn yếu, thiếu chuyên nghiệp. Khắc phục điều này, thiết nghĩ vai trò của nhà nước là rất lớn. Nhà nước cần đứng ra điều phối, tổ chức và đặc biệt là cần đưa được bài toán lợi ích cho các bên liên quan thật rõ ràng, minh bạch và công bằng, khiến mọi chủ thể tham gia cũng thấy được cái lợi cụ thể của mình. Ví dụ như việc làm du lịch ở Thái Lan, nhà nước đã làm rất tốt việc tổ chức, phối hợp các ngành liên quan, như ngành hàng không bán vé du lịch giá rẻ, khuyến khích du khách tới và khi họ tiêu tiền thì những người bán hàng được lợi, nên họ trích lợi nhuận như một loại phí đóng vào quỹ chung, từ quỹ này tiền sẽ được bù cho ngành hàng không. Việc vệ sinh môi trường cũng vậy, nhà nước Thái Lan cũng đóng vai trò tổ chức.

Ngoài ra, chúng ta phải đổi mới, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các giá trị văn hóa nước ta ra thế giới.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, bản thân các phương tiện truyền thông Việt Nam chính là một phần của hình ảnh Việt Nam. Nếu chúng ta muốn thay đổi cách nhìn của thế giới đối với Việt Nam, trước tiên cần phải thay đổi phương thức truyền thông của chính chúng ta và coi việc sáng tạo ra sản phẩm phương tiện truyền thông Việt Nam có thương hiệu phải trở thành một phương hướng quan trọng. Hai là, chúng ta cần phải có những chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông có khả năng xây dựng, thể hiện nội dung quảng bá sắc sảo, công phu và nghệ thuật để tạo nên sự hấp dẫn, thu hút những tiềm năng, điều kiện của mình và tất nhiên, như đã nói là phải trung thực, đồng thời, quan tâm đến những hoạt động tiếp sau các chương trình quảng bá.

Tóm lại, trong thế giới toàn cầu hóa, việc mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế là một yêu cầu và xu thế tất yếu để phát triển ở mỗi quốc gia. Trong tiến trình đó, vai trò của văn hóa ngày càng được coi trọng. Thông qua văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được quảng bá ra thế giới, giúp cho việc thiết lập, duy trì, thúc đẩy phát triển và gia tăng sức cạnh tranh trong quan hệ quốc tế, mang lại lợi ích đối nội và đối ngoại quốc gia. Vì lẽ đó, văn hóa trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu, là cốt lõi của sức mạnh mềm và được coi là yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế quốc gia. Việc gia tăng sức mạnh này là chiến lược quan trọng để hoàn thành nhiều mục tiêu lớn, trong đó có nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế và chúng ta đã, đang đứng trước nhiều cơ hội và cả những thách thức, đòi hỏi phải có những đối sách mang tính chiến lược và chủ động để phát huy hiệu quả “sức mạnh mềm” văn hóa của dân tộc.

ThS. Nguyễn Văn Đạo

Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Trích trong cuốn Văn hóa với động lực của sự nghiệp đổi mới

do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả