Chuẩn bị ra mắt bộ sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam (4 tập)

Ngày đăng: 24/11/2016 - 15:11

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 6-1-1946, bằng tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, nhân dân ta đã sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu nhất, đại diện cho ý chí và trí tuệ của dân tộc, bầu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Ngoài 333 đại biểu nhân dân cử ra, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt lúc bấy giờ, thực hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc, gạt bỏ mũi nhọn tiến công của kẻ thù, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội còn mở rộng thêm 70 ghế dành cho Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) không qua bầu cử.

Ra đời trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách, thù trong giặc ngoài, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Quốc hội đã thông qua được một bản hiến pháp dân chủ - Hiến pháp năm 1946, đặt cơ sở pháp lý cho chế độ dân chủ cộng hòa, phát huy tinh thần và trí tuệ của dân tộc để kháng chiến và kiến quốc. Quốc hội khóa I vốn là quốc hội lập hiến, có nhiệm vụ xây dựng và ban hành bản Hiến pháp đầu tiên rồi giải tán để nhân dân bầu ra Nghị viện nhân dân gồm hai viện. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, Quốc hội khóa I phải làm nhiệm vụ của cơ quan đại diện cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.

Mặc dù trong thời kỳ kháng chiến không họp được thường xuyên theo định kỳ, nhưng thông qua Ban Thường trực, Quốc hội đã cho ý kiến và phê bình các chủ trương, chính sách của Chính phủ, sát cánh cùng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo mọi hoạt động kháng chiến, kiến quốc, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà quốc dân giao phó trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. Tuy Hiến pháp 1946 chưa được ban hành do hoàn cảnh chiến tranh, nhưng Quốc hội đã thực thi đúng chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần của Hiến pháp. Có thể khẳng định, Quốc hội khóa I thực sự là Quốc hội thống nhất, Quốc hội đại đoàn kết dân tộc, Quốc hội kháng chiến và kiến quốc.

Giai đoạn 1946-1960: Trong giai đoạn 1946 đến 1960, Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tố quốc. Trong năm 1946, Quốc hội đã có những hành động quyết liệt để đoàn kết, thống nhất dân tộc, chống giặc ngoài, thù trong, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Tiếp đó, trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc (1946 – 1954), Quốc hội đã cùng với nhân dân thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, quyết liệt trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa… Để sự lãnh đạo và điều hành chiến tranh được tập trung thống nhất, Quốc hội đã giao quyền bính tập trung vào Chính phủ. Ban Thường trực Quốc hội luôn ở bên cạnh Chính phủ để bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát, phê bình Chính phủ về mọi công việc kháng chiến. Phù hợp với tình hình thực tế lúc đó, Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định: “Trong thời kỳ kháng chiến, vì tình thế khó khăn nên chỉ có Trưởng ban thường trực Quốc hội ở cùng với Chính phủ để giúp và theo dõi đường lối chính trị, cùng với Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Các đại biểu Quốc hội sẽ tùy năng lực và địa vị mà tham gia vào mọi công tác kháng chiến”. Đây là một nét rất đặc biệt của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn này – Quốc hội kháng chiến.

Giai đoạn 1960-1976: Trong giai đoạn này, Nghị viện nhân dân được đổi tên là Quốc hội và được tổ chức theo các quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Quốc hội ngày 14 tháng 7 năm 1960. Đây là thời kỳ Quốc hội hoạt động trong điều kiện miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam với 5 khóa hoạt động, trong đó có 4 khóa Quốc hội phải hoạt động trong điều kiện đất nước bị chia cắt, đó là: khóa II (1960-1964); khóa III (1964-1971); khóa IV (1971-1975), khóa V (1975-1976). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30 tháng 4 năm 1975), kể từ khóa VI (1976-1981), Quốc hội trở thành Quốc hội chung của cả nước Việt Nam thống nhất.

Giai đoạn 1976-1992: Giai đoạn 1976 -1992 là thời kỳ cả nước đang tích cực đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với việc đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa và công nghiệp hóa đất nước. Hiến pháp năm 1980 đã có những quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước vào thời kỳ này.

Giai đoạn 1992-2011: Kể từ năm 1986, Đảng ta chủ trương tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, trong đó, tập trung đổi mới kinh tế, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Trong điều kiện phát triển mới của đất nước, Hiến pháp mới được ban hành vào năm 1992 thay thế cho Hiến pháp 1980. Đến năm 2001, một số quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung nhằm xác định rõ hơn địa vị pháp lý của Quốc hội trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với kết quả tổng kết thực tiễn qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; nhằm thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Để ghi nhận quá trình ra đời, phát triển và đóng góp to lớn của Quốc hội Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng, đầu những năm 1990, Văn phòng Quốc hội đã chủ trì mời PGS. NGND. Lê Mậu Hãn và các cộng sự nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Quốc hội Việt Nam gồm 4 tập:

Tập 1: 1946-1960

Tập 2: 1960-1976

Tập 3: 1976-1992

Tập 4: 1992-2011

Đây là một công trình khoa học lịch sử về Quốc hội được biên soạn nghiêm túc và xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam. Cuốn sách ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 12-2016.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả