8 cuốn sách nói về số phận người phụ nữ từng gây chấn động thế giới

Ngày đăng: 08/03/2019 - 08:03

“Anna Karenina”, “Memory of a geisha”, “The Help”… là những tác phẩm văn học ám ảnh người đọc vì phản ánh chân thực số phận của người phụ nữ qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió): Cuốn tiểu thuyết lãng mạn kinh điển của nữ nhà văn Margaret Mitchell giành được giải Pulitzer năm 1937 - giải thưởng danh giá trong lĩnh vực văn học. Nhân vật chính của Cuốn theo chiều gió là Scarlett O’Hara - một phụ nữ quý tộc miền Nam Hoa Kỳ xinh đẹp, thông minh, mạnh mẽ với lối sống phóng khoáng, tư tưởng cởi mở, dám nghĩ dám làm. Nàng là hiện thân cho hình ảnh người phụ nữ dũng cảm, vượt lên trên những định kiến của xã hội Mỹ trong thời kỳ nội chiến và tái thiết để khẳng định bản thân, đoạt được thứ mình cần.

Anna Karenina: Tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời của đại văn hào người Nga Lev Tolstoy từng khiến cả thế giới giật mình, hàng triệu người đọc rơi nước mắt vì số phận bi thương của nàng Anna Karenina, phụ nữ quý tộc xinh đẹp và thuần khiết. Nàng phải kết hôn với người mình không yêu. Đến khi gặp được người thực sự khiến nàng rung động, Anna lại không được sống trọn vẹn với tình yêu đích thực ấy. Định kiến của xã hội Nga thế kỷ 19 và cặp mắt soi mói của dư luận đã chặn đứng khát khao tự do, sống thật với cảm xúc cá nhân của Anna. Lev Tolstoy đã dùng cái chết để giải thoát cho nhân vật của mình. Nhưng chính điều đó lại buộc những người còn sống, cũng như những độc giả của thể hệ hôm nay phải day dứt mãi về Anna Karenina.

Trędowata (Con hủi): Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nữ văn sĩ người Ba Lan Helena Mniszek từng được ca ngợi như một hiện tượng xuất bản trong suốt hai cuộc chiến tranh thế giới. Tác phẩm kể về chuyện tình đẹp nhưng đầy bi kịch giữa đại công tử Waldemar Michorowski thuộc dòng họ quyền quý nhất cả nước với Stefcia Rudecka - con gái của một điền chủ nhỏ nhưng tài sắc vẹn toàn. Biệt danh “con hủi” là do giới quý tộc thời đó đặt cho Stefcia Rudecka với mục đích miệt thị thân phận của nàng. Âm mưu chia cắt đôi trẻ của tầng lớp thượng lưu đã khiến nàng gục ngã. Stefcia Rudecka chết đúng hôm ngày cưới do bệnh viêm não. Con hủi là tiếng than ai oán cho số phận bất hạnh, cũng là tiếng nói ca ngợi tâm hồn đẹp đẽ của người phụ nữ nói riêng và con người nói chung thuộc tầng lớp dưới trong xã hội Ba Lan cũ.

Memoirs of a Geisha (Hồi ức của một Geisha): Trong xã hội Nhật Bản trước thế chiến thứ hai, những người phụ nữ mang chức phận Geisha được coi là biểu trưng của tài hoa, mực thước... Tuy nhiên, theo quy tắc nghề nghiệp, họ phải chôn chặt những khát khao thầm kín, ngay cả tình yêu trong thế giới đầy "chuẩn mực". Chiyo – nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết đã trải qua vô vàn sóng gió để trở thành Geisha nổi tiếng nhất thành phố Kyoto. Có trong tay danh vọng, tình yêu và sự ngưỡng mộ của nhiều người đàn ông nhưng cô lại bất lực với tình yêu duy nhất đời mình. Tác phẩm tiêu biểu nhất của tác giả Arthur Golden không chỉ là tiếng lòng thổn thức của Geisha mà còn lột tả số phận bi kịch của phụ nữ Nhật Bản một thời.

The Help (Người giúp việc): Cuốn sách đầu tiên của tác giả Kathryn Stockett đã khiến độc giả toàn cầu chấn động khi ra mắt. Người giúp việc là câu chuyện về số phận nghiệt ngã của những người đàn bà da đen giúp việc trong những gia đình người da trắng vào thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc phổ biến khắp miền Nam nước Mỹ. Tác phẩm như trái bom lớn ném vào lòng xã hội Mỹ, buộc người ta một lần nữa phải nhìn lại giai đoạn lịch sử đen tối. Người giúp việc từng bị từ chối đến 60 lần, lần thứ 61 mới được xuất bản. Hơn 800 ngày liên tục, cuốn tiểu thuyết đứng trong top 100 cuốn sách bán chạy nhất của Amazon, đồng thời, lọt vào danh sách bán chạy nhất năm 2009 của The New York Times.

La Dame aux camélias (Trà hoa nữ): Câu chuyện đau thương về cuộc đời nàng kỹ nữ yêu hoa trà có tên là Marguerite Gautier từng khiến hàng triệu độc giả thổn thức. Nội dung kể về mối tình bất thành của anh nhà giàu Duval với cô kỹ nữ Marguerite. Dù là kỹ nữ nhưng trái với nghề của mình, Marguerite lại là người có tâm hồn đẹp đẽ và cá tính. Nàng có lòng vị tha, giàu đức hy sinh và yêu hết mình. Tác phẩm của tiểu thuyết gia nối tiếng người Pháp Alexandre Dumas đã được dựng thành phim, kịch ở nhiều nước và làm say lòng bao thế hệ người yêu sách.

The Hadmaid’s Tale (Chuyện người tùy nữ): Câu chuyện được kể bởi Offred, một hầu gái ở Cộng hòa Gilead mới. Offred là một phần của lớp phụ nữ được gọi là tùy nữ, được hình thành với mục đích duy nhất trong xã hội là thụ thai và sinh con trong các gia đình Quân Trưởng, trong khi nạn vô sinh đang hoành hành trong xã hội. Nếu không sinh được con họ sẽ trở thành phế nữ, bị gửi đến các trại tập trung, tị nạn, trở thành gái mại dâm, hoặc bị giết chết. Chuyện người tùy nữ của tác giả Margaret Atwood ám ảnh độc giả bởi số phận đau thương của những người phụ nữ. Họ bị tước hết quyền sống cơ bản. Quyền bình đẳng, quyền sinh sản hữu tính và quyền con người khi đó chỉ thuộc về đàn ông. Ảnh là cảnh trong phim chuyển thể từ tiểu thuyết.

Red Sorghum (Cao lương đỏ): Tác phẩm giành giải Nobel của nhà văn Trung Quốc, Mạc Ngôn có lẽ đã không còn xa lạ với độc giả qua hai bộ phim truyền hình và phim điện ảnh chuyển thể. Bối cảnh câu chuyện là những năm 1920 và 1930 tại miền quê Cao Mật ở miền Nam Trung Hoa. Cao lương đỏ xoay quanh Cửu Nhi – cô gái đầy khát vọng yêu đương bị gả cho một người đàn ông mắc bệnh phong. Sau này, dù đã có chồng, cô vẫn đem lòng yêu một người lính kháng Nhật khác. Cửu Nhi bất chấp tất cả đi theo tiếng gọi của con tim và dũng cảm cùng người mình yêu chiến đấu chống Nhật. Tác phẩm ca ngợi tình yêu và sự tự do phóng khoáng của người phụ nữ nói riêng, con người trong xã hội Trung Hoa cũ nói chung.

BT: Kiều Trang

Theo Zing.vn

Bình luận