79 câu chuyện của Bác Hồ từ Phủ Chủ tịch
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, tiêu biểu cho tinh hoa, khí phách của dân tộc Việt Nam; người chiến sĩ xuất sắc trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình, tự do và tiến bộ xã hội trên thế giới. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Người mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại nhiều nơi. Nhiều địa danh đã trở thành những di tích khắc ghi những đóng góp to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam. Một trong những địa danh đó là Phủ Chủ tịch. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm (từ tháng 12/1954 đến tháng 9/1969). Những tháng năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, mặc dù bận trăm công nghìn việc trên cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Người vẫn dành thời gian tiếp đón thân mật đồng bào, chiến sĩ, các cháu thiếu niên, nhi đồng và bạn bè quốc tế. Với những ai vinh dự được gặp Bác đều có những tình cảm sâu sắc, những kỷ niệm khó phai mờ và những câu chuyện cảm động về Người.
Cuốn sách 79 câu chuyện của Bác Hồ từ Phủ Chủ tịch do TS. Nguyễn Minh Anh sưu tầm và biên soạn.
Hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách 79 câu chuyện của Bác Hồ từ Phủ Chủ tịch do TS. Nguyễn Anh Minh sưu tầm và biên soạn.
Những câu chuyện kể về Bác Hồ của những người đã từng vinh dự được gặp gỡ và tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong 15 năm cuối cùng của Người như: “Bác Hồ và Bác Tôn”; “Tôi mời Tổng thống Giônxơn đến Việt Nam uống trà”; “Bác Hồ với việc khen thưởng những người làm việc tốt”; “Tấm lòng Bác Hồ với thanh niên”; “Các chú có lạnh không”; “Chú còn trẻ, chú vào hầm trú ẩn trước đi”; “Sinh hoạt đời thường của Bác”; “Phải học suốt đời”; “Bỏ thuốc lá”; “Đôi dép của Bác”; hay “Những ngày cuối cùng của Bác”… đều thể hiện rõ tấm lòng nhân hậu, lối sống giản dị, đức hy sinh, tinh thần trách nhiệm và đạo đức cách mạng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù là vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, Bác luôn giữ cho mình tác phong khiêm tốn, gần gũi với nhân dân, yêu thương trẻ em, quý trọng người lao động và đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Trong câu chuyện mở đầu “Bác Hồ và Bác Tôn”, tình bạn trong sáng, cao cả và vô cùng ấm áp giữa hai người bạn cách mạng đã được ghi lại thật cảm động. “Những năm tháng Bác Hồ còn khỏe mạnh, Bác thường mời Bác Tôn cùng ăn cơm chiều, mỗi tháng một lần vào chiều thứ bảy. Thường thì, cứ đúng 5 giờ chiều, Bác Hồ ra gốc cây bên mảnh ao to đầy cá đón Bác Tôn. Bác Tôn xuống xe, Bác Hồ chắp tay chào trước:
- Chào cụ!
Bác Tôn chắp tay đáp lễ:
- Chào cụ!
…
Những năm sau này, khi sức khỏe của Bác Hồ không còn được như trước, mỗi lần ra trước đồng bào, Bác Hồ thường nói với Bác Tôn: “Để tôi nắm tay dắt cụ đi cho đồng bào khỏi thấy là sức tôi đã yếu”…”.
Trong những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các chuyên gia, nhà báo, nhà hoạt động xã hội… nước ngoài, Bác luôn đón tiếp họ với tình cảm chân thành, trò chuyện thân mật, cởi mở và gây ấn tượng sâu sắc với họ bằng những thông điệp mạnh mẽ về mong muốn hòa bình, về tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và quyết tâm không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam để bảo vệ nền hòa bình, độc lập ấy. Trong câu chuyện “Tôi mời Tổng thống Giônxơn đến Việt Nam uống trà”, những trao đổi chân tình giữa Bác với ba nhà báo người Mỹ và Mêhicô hay với các mục sư, linh mục trong buổi tiếp đoàn “Những người tình nguyện vì hòa bình” là một minh chứng rất rõ ràng, với lời mời: “Tổng thống Giônxơn đã nói rằng ông ta sẽ gặp bất cứ ai, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào để nói chuyện hòa bình. Tôi xin mời ông Giônxơn đến Hà Nội như là khách của chúng tôi: ông hãy đến với vợ và con gái, người thư ký, người bác sĩ và người đầu bếp của mình. Nhưng đừng mang theo tướng lĩnh và đô đốc!”.
Qua từng mẩu chuyện, ta không chỉ thấy được một Hồ Chí Minh vĩ đại trong tầm vóc lịch sử mà còn là một con người rất đỗi đời thường, giản dị, mà ấm áp tình người. Những câu chuyện ấy đã và đang trở thành nguồn cảm hứng sống, học tập và rèn luyện đạo đức cho biết bao thế hệ người Việt Nam, góp phần hình thành lý tưởng sống cao đẹp, tinh thần phụng sự Tổ quốc và cộng đồng.
Bằng ngôn ngữ mộc mạc, câu từ giản dị, dễ hiểu, mỗi câu chuyện trong cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, toát lên tình yêu thương bao la của Bác dành cho nhân loại. Những giá trị nhân văn, đạo đức, lối sống giản dị và tư tưởng lớn lao của Bác vẫn còn nguyên giá trị, truyền cảm hứng cho hôm nay và mai sau. Thông qua nội dung từng câu chuyện, bạn đọc hiểu đầy đủ, chân thực hơn về nhân cách, tác phong, về cuộc sống đời thường và những giá trị nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng những câu chuyện về Người vẫn luôn là kim chỉ nam cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi qua những trang sách
- Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo
- Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa
- "Hà Giang - Miền đá nở hoa" - Bản giao hòa giữa thiên nhiên và con người
- Khám phá lịch sử thay đổi địa danh, địa giới hành chính ở Việt Nam
- Pháp luật đại cương (Dùng trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp) (Xuất bản lần thứ 21, có sửa chữa, bổ sung)
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”