Khám phá lịch sử thay đổi địa danh, địa giới hành chính ở Việt Nam

Ngày đăng: 01/04/2025 - 18:04

Bộ sách Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam (2 tập) của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân là một công trình khoa học đồ sộ, khảo cứu sự hình thành và biến đổi của các địa danh, địa giới hành chính trên lãnh thổ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Được biên soạn trong 30 năm, bộ sách được đánh giá như một công trình biên niên sử trình bày quá trình phân chia các khu vực hành chính trên lãnh thổ nước ta trải dài hàng nghìn năm lịch sử từ buổi đầu dựng nước, giữ nước cho đến nay.

Trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cùng với những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội thì những thay đổi về địa lý hành chính cũng diễn ra thường xuyên và liên tục. Số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc trung ương và trực thuộc địa phương không có nhiều ổn định. Việc điều chỉnh địa giới hành chính các cấp dưới các triều đại phong kiến như: châu, quận, đạo, lộ, phủ, thừa tuyên, dinh, tỉnh, huyện, giáp, hương, trấn, tổng, lý, xã… tùy theo từng giai đoạn; trong lịch sử cận, hiện đại là sự thay đổi xã, huyện, tỉnh diễn ra liên tục và biến đổi không ngừng. Ngay cả tên riêng của các đơn vị hành chính cũng thay đổi nhiều lần.

Bộ sách Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam (2 tập) của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Thay đổi địa giới hành chính là quá trình điều chỉnh, sắp xếp, sửa đổi và cải cách các đơn vị hành chính trên toàn bộ lãnh thổ hoặc tại một khu vực nào đó của một quốc gia. Sự phát triển của quốc gia là một tiến trình liên tục, không ngừng nghỉ, đòi hỏi bộ máy hành chính ở các cấp độ khác nhau cũng phải được điều chỉnh, sắp xếp kịp thời, tương ứng với sự phát triển đó để thích hợp với thực tế lịch sử - xã hội mới. Do đó, thay đổi địa danh, địa giới hành chính được coi là một biện pháp cần thiết để cải thiện hoạt động quản lý tại các địa phương. Mục tiêu của thay đổi địa giới hành chính là tạo ra sự linh hoạt trong việc phân bổ quyền lực và trách nhiệm, giúp cải thiện hiệu quả công tác quản lý địa phương và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Những thay đổi này thường hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách về mặt kinh tế giữa các khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo, phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế ở các vùng, miền khó khăn.

Việc thay đổi, sắp xếp địa danh, địa giới hành chính ở nước ta đã được tiến hành qua tất cả các thời kỳ, chế độ trong lịch sử phát triển quốc gia - dân tộc. Có những địa danh đã tồn tại từ rất lâu đời, phản ánh được giá trị lịch sử từ hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm phát triển của địa phương, từ đó cũng góp phần phản ánh lịch sử của cả đất nước.

Có thể nói, việc nghiên cứu, biên soạn về những thay đổi địa danh, địa giới hành chính Việt Nam trong lịch sử là một vấn đề rộng lớn, phức tạp và rất quan trọng. Hiện nay ở nước ta chưa có nhiều công trình khoa học và các nhà khoa học khảo cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, nhất là về mặt tư liệu thì những hồ sơ sách báo ghi chép về địa danh, địa giới và những thay đổi của các đơn vị hành chính lại tản mạn, chưa được lưu giữ một cách khoa học và rất khó khăn trong việc khai thác.

Thực tế, trong nghiên cứu khoa học và trong thực tiễn đời sống cũng như đối với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội rất cần có những cuốn sách địa lý - lịch sử trình bày những thay đổi ấy ở từng địa phương như: 

- Những tên làng, xã, tổng, phủ, huyện, trấn, xứ, tỉnh, thành… ghi trong các văn bản hành chính và trong sử sách thời xưa liên quan đến các địa phương, dòng họ nay ở đâu, thuộc đơn vị hành chính nào.

- Khi biên soạn địa chí, lịch sử địa phương, gia phả dòng họ thường mất nhiều thời gian để khảo cứu về các đơn vị hành chính trong quá khứ. Nhiều trường hợp do không biết đơn vị hành chính ấy được thành lập từ bao giờ và thay đổi như thế nào nên đã xác định sai địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử, nơi cư trú của dòng họ, nơi sinh sống và hoạt động của nhân vật lịch sử.

- Một số vấn đề lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa chưa giải quyết được đúng đắn do việc khảo cứu địa lý hành chính làm chưa tốt.

- Trong việc phiên dịch cổ văn, biên tập, xuất bản sách, người dịch và nhà xuất bản mất nhiều thời gian chú thích các địa danh và có nhiều trường hợp nhầm lẫn do không có tài liệu công cụ chuẩn xác để tra cứu.

Làm rõ và giải đáp được những vấn đề nêu trên phải mất nhiều công sức sưu tầm tài liệu (sách, báo, bản đồ, hồ sơ lưu trữ...), thậm chí còn phải về tận địa phương để xác minh.

Ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, việc sưu tầm tài liệu, khảo cứu, biên soạn và phổ biến loại sách viết về các đơn vị hành chính xưa và nay không chỉ là nhu cầu tìm hiểu về nguồn cội đất nước, quê hương, mà còn gắn liền với những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, của địa phương ở từng thời điểm nhất định. Việc hiểu biết về quá trình hình thành, thay đổi, điều chỉnh của các đơn vị hành chính các cấp là một nhu cầu hiện hữu đối với giới nghiên cứu khoa học; đối với các nhà Việt Nam học, các nhà địa phương học trong và ngoài nước; đối với các nhà kinh doanh và đầu tư; đối với khách tham quan du lịch; đối với các cá nhân, dòng họ có nhu cầu tìm về quê hương và lịch sử của dòng họ mình, đặc biệt là đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý nhà nước để tìm ra những căn cứ khoa học cho việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Xuất phát từ nhu cầu trên, nhằm cung cấp cho bạn đọc một bộ tư liệu có giá trị về đề tài này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam do nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân biên soạn, gồm 2 tập:

- Tập 1: Từ thời Hùng Vương đến tháng 4/1975;

- Tập 2: Từ tháng 5/1975 đến tháng 12/2024.

Bộ sách là một công trình khoa học đồ sộ với dung lượng mỗi tập lên đến gần 1.000 trang khổ lớn, được khảo cứu, biên soạn công phu, nghiêm túc từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau trong gần 30 năm của tác giả.

Tập 1 trình bày quá trình thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam từ thời các Vua Hùng dựng nước đến tháng 4/1975 khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Ở tập này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân đã dày công tìm tòi, nghiên cứu và tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu cổ về lịch sử, địa lý trải suốt chiều dài hàng nghìn năm như Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú… để trình bày về sự thành lập và những thay đổi về địa danh, địa giới đơn vị hành chính các cấp dưới các triều đại phong kiến như: châu, quận, đạo, lộ, phủ, thừa tuyên, dinh, tỉnh, huyện, giáp, hương, trấn, tổng, lý, xã… Những sự thay đổi này được tác giả trình bày chi tiết, rõ ràng thông qua các bảng tổng hợp, sự phân tích, đối chiếu tư liệu rất công phu. Qua đó giúp bạn đọc có được cái nhìn tổng quan, thông tin cơ bản nhất về mỗi vùng đất với tên khởi thủy là gì, địa giới như thế nào, giáp với những địa phương nào và đã qua bao nhiều lần thay đổi tên gọi, quá trình tách, nhập và thay đổi ra sao…

Một trong những điểm sáng và giá trị của Tập 1 nói riêng và bộ sách nói chung là tác giả đã dày công sưu tầm, tìm kiếm được nhiều nguồn tư liệu mới, nhất là những tư liệu nói về sự thay đổi địa danh, địa giới thời kỳ phong kiến và thời kỳ Pháp thuộc mà từ trước đến nay chưa được khai thác và tổng hợp như các bài viết về những thay đổi về địa lý hành chính của các tỉnh Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ thời kỳ Pháp thuộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX được in trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử hay các tập san hành chính thời kỳ này.

Đặc biệt, tập sách đã trình bày những thông tin rất giá trị về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Savà Trường Sa2. Điều này góp phần cung cấp thêm một nguồn tư liệu chính thống, cùng với hàng trăm tư liệu, tài liệu, văn bản của các tác giả, nhà nghiên cứu khác, công bố và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra, tác giả Nguyễn Quang Ân cũng rất dày công tìm tòi và tổng hợp được nguồn tư liệu lớn là các nghị quyết, quyết định, nghị định của Chính phủ, Quốc hội được lưu trữ tại nhiều trung tâm lưu trữ lớn của cả nước về những thay đổi địa danh, địa giới của các tỉnh, huyện, xã từ thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bên cạnh đó, trong thời kỳ đất nước bị chia cắt thành hai miền, tác giả đã tìm kiếm tư liệu và trình bày cả những văn bản, nghị định, sắc lệnh về thay đổi địa danh, địa giới các tỉnh phía Nam dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn 1954 - 1975. Đây thực sự là những thông tin, tài liệu rất có ý nghĩa về địa lý - lịch sử địa phương.

Ở tập 2, tác giả cũng đã tổng hợp được nguồn tư liệu khổng lồ là những văn bản pháp luật chính thống có độ tin cậy cao gồm các nghị quyết, nghị định, thông tư… của Chính phủ, Quốc hội thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sự thành lập, thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trên cả nước từ sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và được cập nhật đầy đủ, kịp thời đến thời điểm tháng 12/2024. Những tư liệu này được sắp xếp, hệ thống hóa một cách khoa học theo trình tự thời gian, giúp các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và bạn đọc có được một hệ thống thông tin xuyên suốt theo tiến trình lịch sử về sự thay đổi địa danh, địa giới các đơn vị hành chính trên toàn quốc.

Với những giá trị và ý nghĩa đó, cuốn sách là công cụ hữu ích, cuốn “cẩm nang” đối với các đối tượng độc giả muốn tìm hiểu, nghiên cứu, khảo cứu về các vùng, miền, địa phương ở Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang gấp rút tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó có việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội, bộ sách được xem là biên niên sử, bách khoa thư hữu ích. Bên cạnh đó, đây cũng là một nguồn tư liệu quý giúp lưu giữ, hệ thống hóa thông tin về các địa danh cũ mà chúng sẽ không còn tồn tại sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính.

Quang Huy

1. Tập 1, trang 200 ghi: Trong sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn viết: Năm Minh Mạng thứ 14 (năm 1833), vua nhận thấy ở hải phận Quảng Ngãi có một dải Hoàng Sa “xa trông trời nước một màu” và sau đó sai người ra đó trồng cây, dựng đền thờ thần, lập miếu và khắc tấm bia có 4 chữ “Vạn lý bình ba” và khẳng định “Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết và đây là việc lợi muôn đời”.

Tập 1, trang 201 ghi: Về quần đảo Hoàng Sa, sách Việt sử cương giám khảo lược (q.4) của Nguyễn Thông chép rằng: “Vạn lý Trường Sa: Từ đảo Lý Sơn (tục gọi là Ngoại Lao, người Trung Quốc gọi là Ngoại La) [tức cù lao Ré] đi thuyền về phía đông, ba ngày đêm thì đến. Nước Đại Việt ta ở buổi quốc sơ thường kén những người đinh tráng của hai lộ An Hải và An Vĩnh mà đặt đội Hoàng Sa để đi kiếm lượm những vật ngoài biển, hằng năm cứ tháng 2 đi, tháng 8 về. Bãi cát giăng từ phía đông mà sang phía nam, chỗ nổi lên chỗ chìm xuống, không biết mấy nghìn dặm. Ở trong có vụng sâu, thuyền có thể đậu được. Trên bãi có nước ngọt. Chim biển có nhiều giống không biết tên. Có một cái miếu cổ, lợp ngói, biển ngạch khắc mấy chữ “Vạn lý ba bình”, không biết dựng từ đời nào. Các quân nhân đến đây thường đem những hạt quả phương Nam mà vãi ở trong và ngoài miếu, mong cho mọc cây làm dấu mà nhận”.

2. Tập 1, trang 264-265 ghi: Ngày 21/12/1933, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định: Đặt quần đảo Trường Sa nằm trong khu vực hành chính của tỉnh Bà Rịa. Văn bản nêu rõ: các đảo mang tên Spratly và các đảo nhỏ An Bang, Itu Aba, cụm Hai đảo (tức Song Tử Tây và Song Tử Đông), Loại Ta và Thị Tứ thuộc Trường Sa trong Biển Đông nay đặt vào tỉnh Bà Rịa.

Cũng như với quần đảo Hoàng Sa, từ lâu quần đảo Trường Sa đã thuộc lãnh thổ của nước Việt Nam. Khi thực dân Pháp xâm lược và biến Việt Nam thành thuộc địa, Chính phủ Pháp là đại diện của Việt Nam thực hiện việc quản lý 2 quần đảo này. Năm 1927, tàu nghiên cứu hải dương Đờ Lanetxăng (De Lanessan) đã tiến hành việc khảo sát quần đảo Trường Sa. Năm 1938, Pháp đã xây dựng một trạm khí tượng trên đảo Itu Aba thuộc quần đảo Trường Sa. Do vị trí chiến lược của nó, trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như đối với Hoàng Sa, phát xít Nhật đã chiếm quần đảo Trường Sa làm bàn đạp tiến xuống Đông Nam Á. Sau khi bại trận, tháng 9/1951, tại Hội nghị Xan Phranxixcô (San Francisco) (Mỹ), Nhật Bản long trọng cam kết “từ bỏ mọi danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Cũng tại Hội nghị này, đại diện chính quyền Bảo Đại đã tuyên bố tiếp tục khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo này.

Bình luận