Tình yêu trong bão táp cách mạng

Ngày đăng: 19/04/2019 - 16:04

Trong cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng loài người khỏi sách áp bức bất công của lãnh tụ vô sản thế giới V.I. Lênin, có một người bạn đời, người đồng chí đã gần như song hành suốt chặng đường gian nan, vất vả và đầy bất trắc hiểm nguy của người: đó là Nađegiơđa Côngxtăngtinốpna Crúpxcaia.

Nađegiơđa Crúpxcaia thời trẻ

Nađegiơđa Côngxtăngtinốpna Crúpxcaia sinh ngày 26/2/1869 tại Xanh Pêtecbua của nước Nga trong một gia đình dân chủ cách mạng. Cha cô là một sĩ quan Nga hoàng nhưng có tư tưởng tiến bộ, đã từng tham gia giúp đỡ cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ba Lan ở thành phố Kenxe. Mẹ của Crúpxcaia là một gia sư rất thạo nữ công gia chánh và đặc biệt yêu thích nghệ thuật. Thời thơ ấu, Nađegiơđa được bố mẹ nuôi ăn học và họ mong muốn cô con gái duy nhất của họ lớn lên sẽ trở thành một người trung thực, có tình yêu lao động. Họ muốn con gái sẽ bước vào đời như một người có nghị lực, biết bộc lộ chính kiến của mình trước mọi vấn đề. Trong nhà Crúpxcaia, thi thoảng có những người bạn của bố đến thăm và thường xuyên nổ ra những cuộc tranh luận về con đường phát triển của xã hội, của cách mạng Nga. Năm Nađegiơđa tròn 18 tuổi, cô đã tốt nghiệp trường Trung học sư phạm và chỉ ít lâu sau, cô đã tham gia hoạt động trong một nhóm dân chủ xã hội ở Xanh Pêtécbua. Sau này, vừa tham gia hoạt động xã hội, cô lại vừa tham gia giảng dạy tại một trường học chủ nhật buổi tối dành cho công nhân ở một làng Xmônlenxcôie cạnh con sông Nêva. Cũng trong thời kỳ này, Crúpxcaia bắt đầu tham gia trong nhóm nghiên cứu Mác-xít trẻ tuổi ở Xanh Pêtecbua. Vào một buổi chiều mùa đông giá buốt năm 1894, sau một buổi dạy học, Nađegiơđa đến tham gia một buổi hội đàm giữa các nhà Mác-xít của thành phố Xanh Pêtécbua. Tại đây cô đã được gặp gỡ một thanh niên có vầng trán cao, đôi mắt thông minh, hay cười, diễn thuyết rất hay, trông có vẻ như già trước tuổi và có bí danh là “Ông già”. Những lời nói và biện luận của anh về các vấn đề thật dễ hiểu nhưng quyết liệt và đanh thép. Sau này, Nađegiơđa biết được chàng trai thông minh ấy có tên gọi Vơlađimia Ulianốp (thường mang tên bí danh là Lênin).

V.I. Lênin trong Cách mạng Tháng Mười Nga

Mấy ngày sau, khi đến đọc sách ở thư viện thành phố để chuẩn bị cho bài giảng của mình, Nađegiơđa nhìn thấy vóc người quen thuộc của Lênin sau một cái bàn đọc. Buổi chiều hôm ấy, từ thư viện đi bộ về nhà, họ đã nói với nhau nhiều chuyện và Nađia thực sự khâm phục và quý mến người thanh niên có nghị lực này. Cô còn biết thêm chính anh trai của Lênin là Alếchxanđrơ Ulianốp là người đã trực tiếp tham gia vào vụ ám sát Nga hoàng vào năm 1881 và đã bị kết án tử hình. Từ đó, họ thường xuyên gặp gỡ nhau, bởi ngoài ý nghĩa công tác, Nađegiơđa và Vôlôđia (tên gọi thân mật của Lênin) còn rất có cảm tình với nhau. Mùa thu năm 1895, theo sáng kiến của Lênin, tất cả các nhóm Mác-xít ở Pêtécbua đã hợp thành một tổ chức dân chủ xã hội thống nhất có tên gọi “Hội liên hiệp đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân” do V.I. Lênin đứng đầu và đương nhiên N.K. Crúpxcaia cũng là một trong những thành viên tích cực của nhóm. Ít lâu sau, chính phủ Nga hoàng đã dò la được tin tức hoạt động của Hội và thế là tháng 12 năm 1895, thủ lĩnh của nhóm là Lênin đã bị bắt giam cùng với một số đồng chí khác. Ở trong tù, Lênin thường xuyên yêu cầu Nađia gửi cho anh nhiều sách báo và nhất là tài liệu tra cứu. Ngồi trong tù, Lênin viết tiếp tác phẩm “Sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản Nga” và thai nghén nhiều tác phẩm lý luận cách mạng khác. Chính Crúpxcaia đã gửi cho anh nhiều sách báo, tư liệu và nhất là cả những bức thư bí mật bàn về công việc khôi phục sự phát triển của Hội liên hiệp đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân. Nhiều lúc Nađia rất lo lắng cho Lênin, cô rất yêu anh và muốn chia sẻ với anh những khó khăn, cực nhọc trong lao tù. Và lần nào thư gửi trong tù ra, Lênin cũng hỏi các đồng chí của mình về công việc và về người mà anh yêu dấu, đó chính là cô gái tóc vàng xinh xắn và gan dạ Nađegiơđa. Hơn một năm sau, do bọn chỉ điểm, đến lượt Nađia cũng bị bắt giam. Ở trong tù, Nađia được biết rằng Lênin chẳng những không được tha mà còn phải đi đày tiếp 3 năm ở tận vùng Xibêri xa xôi (cách thủ đô Xanh Pêtécbua hàng ngàn kilômét). Vì không có bằng chứng gì cụ thể, sau gần một năm bị giam giữ, cuối cùng Nađia cũng được tha. Ra tù, Nađegiơđa nóng lòng chờ đợi tin tức từ Xibêri xa xôi, và cuối cùng thì thư cũng tới. Thư Lênin viết, kể về Xibêri, về làng Susenxcôie, về các bạn tù và nhất là viết về tình cảm của mình với Nađia. Trong một bức thư, Lênin ngỏ lời muốn kết hôn Crúpxcaia và yêu cầu chị đến Susenxcôie với mình. Nhận được thư, Nađia nghẹn ngào đến chảy nước mắt, cô nghĩ: “ Sao mà Vôlôđia lại thế nhỉ? Đối với mình, lời cầu hôn này tưởng biết bao trìu mến, nhưng đối với họ - những nhà cách mạng chuyên nghiệp - chắc là cổ quá. Chính anh ấy biết rằng, chỉ cần một lời thôi: Em hãy đến, thì mình sẽ đến ngay và theo anh đến bất cứ nơi đâu: nơi tù đày, lưu lạc đất khách, quê người, đày đoạ khổ sai… Còn như việc vợ chồng có tổ chức kết hôn trong nhà thờ hay không, điều đó có nghĩa lí gì đâu...”. Và câu trả lời ngắn gọn của chị là:”Đồng ý, làm vợ anh”.

Ngày 22/7/1898, tại một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Ênixây (Xibêri), Lênin và Crúpxcaia chính thức làm lễ kết hôn (khi ấy V.I. Lênin 28 tuổi; Nađegiơđa 29 tuổi). Để trả thù về việc Lênin quá thông tỏ hoạt động tư pháp, giới cầm quyền ở Xibêri đã cấm không cho phép một người đi đày nào sống ở vùng lân cận đến dự lễ cưới của hai người. Bạn bè chỉ được viết thư chúc mừng. Thậm chí, vị cha cố cứ băn khoăn: Lễ cưới gì mà không có cả nhẫn cưới! Nhưng đối với Lênin và Crúpxcaia, mọi sự xa hoa lúc này đều không cần thiết. Cái cần thiết và quý giá nhất lúc này là họ đã được ở bên nhau, hạnh phúc bên nhau và nhất là cùng chung lý tưởng trong con đường đấu tranh cách mạng. Có thể nói, tình yêu của lãnh tụ Lênin và nhà cách mạng Crúpxcaia được bắt nguồn và thắp sáng từ tình yêu cách mạng và lý tưởng cộng sản.

Với lý tưởng của mình, với tình yêu của mình, N.K. Crúpxcaia đã tình nguyện gắn bó đời mình với người mà cô yêu dấu, chung vai gánh vác với sự nghiệp cách mạng của anh. Sau này, trước khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra, Crúpxcaia đã cùng Lênin phải bao phen sống xa Tổ Quốc: hết Đức, Thuỵ Sĩ, Phần Lan, trở về Nga rồi lại sang Anh quốc, Thuỵ Điển, Ba Lan… để tránh mọi sự săn đuổi của cảnh sát Châu Âu và cảnh sát Nga. Họ đã vào sinh ra tử nhiều lần và N.K. Crúpxcaia đã giúp đỡ Lênin rất nhiều trong cuộc sống cũng như trong bão táp cách mạng; đặc biệt, trong những năm tháng gian lao ấy, N.K. Crúpxcaia luôn tích cực hoạt động cách mạng, gây dựng và phát triển phong trào trong giai cấp công nhân ở nước Nga. Năm 1917, Nađia Crúpxcaia đã tích cực giúp chồng trong việc chuẩn bị và tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Mười thành công. Sau đó, bà tham gia vào việc tổ chức phong trào thanh niên vô sản và là người đứng đầu Liên minh công đoàn công nhân, thanh - thiếu niên xã hội chủ nghĩa nước Nga.

       

V.I. Lênin và N.K. Crúpsxcaia với các cháu thiếu nhi Liên-xô

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, bằng tài năng và nghị lực của mình, bà đã được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Dân uỷ giáo dục, thập niên 1920 – 1930 bà đã được bầu làm lãnh đạo Tổng cục giáo dục và sau đó là nhiều chức vụ quan trọng khác trong Đảng và Nhà nước Liên Xô. Ngày 22/1/1924, Lênin bị đau nặng, giờ phút cuối cùng của người sắp đến. N.K.Crúpxcaia ngồi bất động bên giường của Lênin, nắm bàn tay của người trong tay mình. Bàn tay của người khô và còn ấm. Trong giấc ngủ vĩnh cửu của người, phút cuối cùng có hình bóng của Nađegiơđa thân thương với giọng đọc ấm áp tác phẩm của văn hào Mỹ Jắc Lơnđơn “Tình yêu cuộc sống”.

Suốt 15 năm sau đó Nađia còn lại một mình trên cõi đời. Lênin đi rồi, bà lặng lẽ làm việc và cống hiến sức lực còn lại của mình cho Đảng và nhân dân Liên Xô - nhất là cho sự nghiệp trồng người. Vào đúng dịp kỷ ngiệm lần thứ 70 của mình - tháng 2 năm 1939 - N.K. Crúpxcaia trút hơi thở cuối cùng. Di hài của bà đã được đặt tại Hồng Trường, trong tường Điện Cremlanh, cách nơi V.I. Lênin yên nghỉ không bao xa.

Hữu Giới

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả