Khai mạc Triển lãm sách “Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)”
Ngày 21/4/2019, Học viện Chính trị Khu vực II phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Triển lãm sách “Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)". Đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản tham dự buổi lễ.
Triển lãm sách “Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)” nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến chào mừng 70 năm truyền thống Trường Đảng miền Nam - Học viện Chính trị khu vực II (1949 - 2019); kỉ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019), kỉ niệm 5 năm ngày Sách Việt Nam (21/4/2014 - 21/4/2019).
Quang cảnh buổi lễ.
Dự Lễ khai mạc triển lãm: Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có PGS.TS. Hoàng Phúc Lâm - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Học viện; PGS.TS. Trần Minh Trưởng - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng; GS.TS. Mạch Quang Thắng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lí khoa học; ThS. Nguyễn Thị Tuyết Vân - đại diện Viện Thông tin khoa học. Về phía đơn vị phối hợp có đồng chí Lưu Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Chí Thành - Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Về phía Học viện Chính trị khu vực II có PGS.TS. Phạm Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; các đồng chí Phó Giám đốc: TS. Phan Công Khanh, TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai. Ngoài ra, dự Lễ khai mạc triển lãm còn có lãnh đạo các khoa, phòng, ban, cán bộ, giảng viên và học viên các lớp Cao cấp lí luận chính trị hệ tập trung của Học viện Chính trị khu vực II.
Phát biểu khai mạc triển lãm, TS. Phạm Công Khanh đã nhắc lại câu nói của V.I. Lênin: Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản. Đồng chí nhấn mạnh, trong mỗi cuộc đời của chúng ta sách là người thầy lớn nhất, thế giới dù có phát triển văn minh đến đâu, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm thay đổi lịch sử nhân loại nhưng tôi tin rằng, sách vẫn còn tồn tại. Nếu sách mất đi thì lịch sử của dân tộc và lịch sử nhân loại sẽ mất đi, có những quyển sách thay đổi vận mệnh của một con người, có những quyển sách thay đổi vận mệnh của một dân tộc.
TS. Phan Công Khanh khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm có giá trị to lớn, trở thành những cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên. Trong số đó, mỗi chúng ta không thể quên bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tác phẩm thiêng liêng trong lòng dân tộc Việt Nam. Chào mừng 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 70 năm ngày thành lập Trường Đảng miền Nam, 5 năm ngày Sách Việt Nam, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức Triển lãm sách kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với muốn góp phần chấn hưng văn hóa đọc của người Việt Nam, góp phần giới thiệu đến thầy cô giáo, các đồng chí học viên những thành tựu mới nhất của các tác giả, các nhà khoa học.
Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cùng các vị đại biểu nghiên cứu sách tại triển lãm.
Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng khẳng định niềm tự hào là đơn vị đầu tiên xuất bản Di chúc. Đồng chí đã khái lược quá trình xuất bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Di chúc lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người (tháng 9/1969). Ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-BCT về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định Di chúc công bố năm 1969, bảo đảm trung thành với bản gốc của Người. Cũng trong năm 1989, Nhà xuất bản Sự thật, tiền thân của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, vinh dự được xuất bản lần đầu tiên bản Di chúc này để phát hành rộng rãi. Đến nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tái bản nhiều lần để phục vụ độc giả. Liên quan đến Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã cho ra mắt bạn đọc nhiều ấn phẩm tìm hiểu về Di chúc và giá trị của Di chúc, trong đó tiêu biểu là cuốn Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - một văn kiện lịch sử, được xuất bản năm 2009, nhân kỉ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người.
Triển lãm trưng bày 86 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 784 tác phẩm của các tác giả trong và ngoài nước viết về Người được phân chia thành các chủ đề: Các tác phẩm viết về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (22 đầu sách); các tác phẩm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (239 đầu sách); Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam (25 đầu sách); Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, triết học, tôn giáo (37 đầu sách); Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, giáo dục (61 đầu sách); Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, quân sự (32 đầu sách); Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao (37 đầu sách); Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, chính trị, nhà nước pháp luật… (228 đầu sách); sáng tác văn học nghệ thuật về Hồ Chí Minh (103 đầu sách); 11 tài liệu chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày các hình ảnh, phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Triển lãm sách thu hút đông đảo bạn đọc.
Thông qua cuộc triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn mang đến cho bạn đọc thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là những giá trị vĩ đại trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Triển lãm sách cũng là một hoạt động tiếp nối ý nghĩa của Ngày sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” diễn ra tại Trung tâm Thông tin khoa học, Học viện Chính trị khu vực II từ ngày 21/4/2019 đến ngày 19/5/2019.
BT: Kiều Trang
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y
- Ra mắt sách Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt nội dung cốt lõi cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng