Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác

Ngày đăng: 04/12/2018 - 09:12

Trong hơn 30 năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác, thực hiện nguyên tắc “mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.

Một trong những chủ trương, giải pháp quan trọng để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và các chủ thể của các thành phần kinh tế khác được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện đó là sắp xếp, đổi mới, phát triển và cơ cấu lại DNNN theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX ban hành năm 2001. Sau hơn 15 năm, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém kéo dài trong hoạt động của các DNNN. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; trong đó đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân.

Đánh giá tổng quan về những đóng góp của DNNN - chủ thể thuộc thành phần kinh tế nhà nước

- Về vai trò của kinh tế nhà nước (KTNN) và DNNN:

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Vai trò và địa vị của KTNN cũng được xác định rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, đó là “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Bởi KTNN được cấu thành từ nguồn lực nhà nước (tài nguyên, đất đai, ngân sách nhà nước, các quỹ dự trữ quốc gia và các nguồn lực nhà nước khác...), DNNN và Nhà nước sử dụng KTNN cùng với các công cụ, cơ chế, chính sách để định hướng, dẫn dắt, thúc đẩy, điều tiết nền kinh tế phát triển lành mạnh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nên với ý nghĩa đó, KTNN giữ vai trò chủ đạo.

Về thành phần kinh tế và chủ thể của các thành phần kinh tế, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Do vậy, DNNN cũng là chủ thể thuộc thành phần KTNN như các chủ thể của các thành phần kinh tế khác, cần tránh việc hiểu lầm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” đồng nghĩa với việc “doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Về đóng góp vào GDP của DNNN và các chủ thể của các thành phần kinh tế trong giai đoạn 2010-2015, có thể thấy qua số liệu thống kê sau: DNNN đóng góp 28-29% GDP, kinh tế tập thể (gồm hợp tác xã, tổ hợp tác) đóng góp 4-5% GDP, kinh tế tư nhân (gồm các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh gia đình) đóng góp 39-40% GDP; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 17-19%GDP. Về tốc độ tăng trưởng bình quân của các thành phần kinh tế trong giai đoạn 2003-2015: kinh tế tư nhân tăng 10,2%/năm; DNNN tăng 5,6%/năm; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,1%/năm, thấp nhất là kinh tế tập thể tăng  3,3%/năm.

- Qua 15 năm sắp xếp, cơ cấu lại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX, số lượng DNNN đã giảm mạnh, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt; đạt kết quả bước đầu trong việc cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Từ năm 2006 đến tháng 10-2016, tổng số DNNN được sắp xếp lại là 6.010 doanh nghiệp (2006-2010: 5.359 doanh nghiệp; 2011-2015: 591 doanh nghiệp và 10 tháng đầu năm 2016: 60 doanh nghiệp), trong đó cổ phần hóa là 4.508 doanh nghiệp. Số lượng các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn của doanh nghiệp giảm dần, từ trên 60 ngành, lĩnh vực năm 2001 xuống còn 11 ngành, lĩnh vực năm 2016. Tại thời điểm tháng 10-2016, còn 718 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; có 40 tỉnh không còn DNNN kinh doanh thuần túy. DNNN giảm nhiều về số lượng, nhưng trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng thì mạnh lên, quy mô vốn và hoạt động được mở rộng. 

- DNNN là lực lượng vật chất quan trọng của KTNN, góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, DNNN là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.

- DNNN có đóng góp thu ngân sách lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác, tỷ trọng thu DNNN trong tổng thu ngân sách nhà nước đạt 19,3% (giai đoạn 2006-2010) và 22% (giai đoạn 2011-2015).

- Hiệu quả hoạt động của nhiều DNNN được nâng lên, vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhìn chung được bảo toàn. Một số DNNN có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao như Tổng Công ty Viễn thông MobiFone 46%, Tổng Công ty Xăng dầu quân đội 76%, Tập đoàn Viettel 41%,... Một số tập đoàn kinh tế nhà nước nộp ngân sách cao như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, MobiFone,...

 - Cơ chế hoạt động của DNNN đã có bước đổi mới theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng lên. Hầu hết DNNN sau cổ phần hóa có hiệu quả sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động tăng. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 350 doanh nghiệp sau cổ phần hóa đến năm 2015 đều tăng hơn so với năm trước khi cổ phần hóa: vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

- Quản trị doanh nghiệp có bước đổi mới; đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật có bước trưởng thành; một số cán bộ quản lý DNNN có trình độ và tâm huyết; nhiều cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

DNNN hoạt động và những đóng góp còn nhiều hạn chế và yếu kém, chưa tương xứng với nguồn lực được đầu tư

- Nhiều DNNN và dự án đầu tư kém hiệu quả, nợ nần, thua lỗ, thất thoát, không thể phục hồi. DNNN chưa thể hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của KTNN; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư.

DNNN chưa làm tốt vai trò nòng cốt mở đường, hướng dẫn, thúc đẩy các thành phần khác phát triển; còn hạn chế trong việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác; chưa đóng vai trò tích cực trong việc hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước và quốc tế.

Việc tham gia bảo đảm cân đối, ổn định nền kinh tế vĩ mô có nơi, có lúc còn chưa tốt. DNNN còn có vai trò hạn chế ở những ngành có ảnh hưởng quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam. 

- Hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp so với lợi thế có được. Khu vực DNNN phải cần đến 1,63 đồng vốn (năm 2011) và 2,15 đồng vốn (năm 2014) mới tạo ra 1 đồng doanh thu; trong khi đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước bỏ ra 1,21 đồng vốn (năm 2011) và 1,42 đồng vốn (năm 2014) để tạo ra 1 đồng doanh thu; hiệu quả nhất là khu vực doanh nghiệp FDI, chỉ cần 1,05 đồng vốn (năm 2011) và 1,12 đồng vốn (năm 2014) để tạo ra 1 đồng doanh thu.

Khu vực DNNN hiện đang sử dụng 70% đất đai, 70% viện trợ phát triển chính thức ODA, sử dụng vốn, tài sản rất lớn của Nhà nước và xã hội nhưng chỉ đóng góp bình quân khoảng 29% GDP và 22% thu ngân sách trong giai đoạn 2011-2015.

Tình trạng vay nợ và khả năng thanh toán của một số DNNN rất đáng lo ngại. Tổng số nợ phải trả của DNNN đến năm 2015 là 1.640.168 tỉ đồng; trong đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả là 1.547.859 tỉ đồng. Năm 2015 có 25 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có nợ phải trả lớn hơn 3 lần vốn chủ sở hữu (giới hạn tối đa là 3 lần); 23 công ty mẹ đang đứng trước nguy cơ mất cân đối tài chính và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thua lỗ. 

- Mô hình quản trị DNNN chậm được đổi mới, kém hiệu quả, không phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn nhiều hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ, ban kiểm soát, kiểm soát viên của DNNN còn thấp, có nơi bị vô hiệu hóa. Các cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, quyền hạn chưa gắn với trách nhiệm; thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực trong quản trị, điều hành doanh nghiệp. 

- Việc sắp xếp, cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước triển khai chậm. Doanh nghiệp có 100% vốn hoặc cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước vẫn còn dàn trải ở nhiều ngành, lĩnh vực. Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược thực sự có tiềm năng về tài chính, công nghệ, quản trị, thị trường,...Việc cơ cấu lại DNNN chưa có tác động tích cực rõ nét đến cơ cấu lại nền kinh tế. Xuất hiện nhiều xung đột trong và sau cổ phần hóa: (1) định giá thấp giá trị thực của doanh nghiệp, bán rẻ tài sản, vốn nhà nước nhằm trục lợi; (2) hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ việc cạnh tranh lợi ích, thâu tóm quyền lực, quyền kiểm soát doanh nghiệp giữa các nhóm cổ đông lớn; (3) việc sắp xếp, bố trí nhân sự, giải quyết chế độ, chính sách cho lao động dôi dư trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và xã hội; một số người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng.

- Công tác cán bộ, chính sách tiền lương của DNNN còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.

Những hạn chế, yếu kém nói trên do nhiều nguyên nhân khách quan (như tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế thế giới, biến động bất lợi của thị trường quốc tế, xuất phát điểm nền kinh tế thấp,… nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, đó là: nhận thức chưa rõ ràng, đầy đủ: về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về yêu cầu và giải pháp cơ cấu lại, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN; năng lực xây dựng và thực thi thể chế còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Việc tổ chức thực hiện và thể chế hóa các chủ trương của Đảng còn nhiều yếu kém, bất cập. Cơ chế thực thi và phối kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước còn kém hiệu lực, hiệu quả. Chủ quan, nóng vội trong việc triển khai thực hiện chủ trương thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế đa ngành. Lúng túng trong việc xác định cơ quan đại diện chủ sở hữu. Việc đổi mới cơ chế, chính sách chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, thiếu đồng bộ, còn tư duy kế hoạch hóa và phân biệt thành phần kinh tế.

Hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và các thành phần kinh tế khác

Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII xác định:

(1) DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của KTNN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

(2) DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của DNNN. Tách bạch nhiệm vụ của DNNN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của DNNN sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích.

(3) Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới DNNN theo cơ chế thị trường, kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các DNNN yếu kém. Mục tiêu đến năm 2030, hầu hết các DNNN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần.

(4) DNNN tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội do Nhà nước giao thực hiện theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, lựa chọn cạnh tranh, công khai và xác định rõ giá thành, chi phí thực hiện, trách nhiệm và quyền lợi của Nhà nước, DNNN để bảo đảm không làm giảm hiệu quả kinh doanh của DNNN.

(5) Quan hệ kinh tế, tài chính giữa Nhà nước và DNNN, nhất là các quyền và nghĩa vụ phải được thực hiện đầy đủ, minh bạch theo quy định của pháp luật, phù hợp với cơ chế thị trường.

(6) Xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho DNNN, đối xử bất bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế,...

(7) Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với DNNN, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp. Bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của DNNN theo nguyên tắc thị trường. Tôn trọng tính độc lập trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, ban điều hành DNNN để hoạt động và quản trị của DNNN được thực hiện một cách minh bạch, giải trình, chuyên nghiệp, hiệu quả cao.

(8) Xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các DNNN, nhất là đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành và phẩm chất đạo đức của cán bộ, tạo lập môi trường quản trị doanh nghiệp lành mạnh, hiệu quả.

(9) Củng cố, phát triển một số tập đoàn KTNN đa sở hữu với quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế ở một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế trên cơ sở hoàn thiện mô hình tập đoàn KTNN theo thông lệ quốc tế; xác định rõ quy mô và phạm vi hoạt động phù hợp với năng lực quản trị, điều hành; cơ cấu lại bộ máy tổ chức và cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân cấp, phân quyền rõ ràng.

(10) Kiên quyết đấu tranh và thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của DNNN móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.

(11) Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chức danh quản lý trong hệ thống quản trị của DNNN; bảo đảm trách nhiệm đi đôi với quyền hạn. Nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm của thành viên độc lập trong hội đồng quản trị.

Ban kiểm soát, kiểm soát viên phải thực sự là công cụ giám sát hữu hiệu của chủ sở hữu, hoạt động độc lập và không chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo hoặc chi phối về lợi ích của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và ban điều hành doanh nghiệp. Tổng giám đốc và các thành viên ban điều hành DNNN do hội đồng thành viên, hội đồng quản trị bổ nhiệm, thuê và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và hợp đồng lao động.

(12) Hoàn thiện các hệ thống khuyến khích, đòn bẩy kinh tế đi đôi với nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong DNNN. Thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý DNNN phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh cao trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu, triển khai cơ chế trả lương, thưởng theo thỏa thuận đối với tổng giám đốc và một số chức danh quản lý chủ chốt của doanh nghiệp. Áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả lao động đối với từng vị trí việc làm để xác định mức độ hoàn thành, năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc, làm cơ sở trả lương, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí và đề bạt cán bộ.

 (13) Thực hiện việc tách người quản lý DNNN khỏi chế độ viên chức, công chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp.

(14) Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của DNNN, nhất là vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với DNNN; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, đồng bộ về DNNN và vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp.

(15) Bảo đảm tính minh bạch, công khai của DNNN và trách nhiệm giải trình của người quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn của Nhà nước, chi phí, kết quả kinh doanh, phân phối lợi nhuận, công tác cán bộ, các giao dịch lớn, giao dịch với người có liên quan đến người quản lý, tài sản và thu nhập của người quản lý theo các chuẩn mực quốc tế và quy định của pháp luật. Hoàn thiện chế độ kế toán, kiểm toán và hệ thống báo cáo tài chính phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Tóm lại, có thể tin tưởng rằng khi triển khai, thực hiện các nghị quyết về kinh tế của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), môi trường cạnh tranh bình đẳng sẽ được tạo lập giữa DNNN và các doanh nghiệp, chủ thể của các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế, hướng tới góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PGS.TS. Phạm Thị Hồng Yến

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

 

Từ khóa: doanh nghiệp nhà nước; môi trường cạnh tranh bình đẳng; các thành phần kinh tế

Bình luận