Vua Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, năm 13 tuổi (năm 1884) lên ngôi theo sự sắp đặt của hai quyền thần thuộc phe chủ chiến trong Triều đình Huế khi đó là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Ngày 23/5/1885, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị). Trải qua những tháng ngày gian nan, băng rừng, vượt đèo, lội suối, trốn chạy giặc Pháp, tại đất Hương Khê - Hà Tĩnh, nhà vua phát Chiếu Cần Vương, vua tôi đồng lòng quyết tâm đánh giặc. Bản thân vua Hàm Nghi biết mình lúc này là trụ của cuộc chiến đấu nên cũng can trường, nhẫn nại trải cuộc phong trần với thái độ thản nhiên. Đối với quân sĩ, vua Hàm Nghi là một vị thần, là cái đích của sự sùng bái và lòng hy sinh của dân chúng. Dưới ngọn cờ Cần Vương, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổ ra khắp nơi như Lê Trực dấy quân ở Thanh Thủy; Phan Đình Phùng, Đinh Nho Hạnh khởi binh ở Vụ Quang; Tống Duy Tân và Đinh Công Tráng khởi nghĩa ở phía bắc Trung Kỳ... Mặc dù các cuộc khởi nghĩa đều bị quân Pháp dập tắt nhưng đã thể hiện rõ quyết tâm chiến đấu, không chịu đầu hàng quân địch của ta, là những dấu mốc quan trọng trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài và gian khổ, đồng thời cũng khẳng định truyền thống yêu nước kiên cường của nhân dân ta trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Ngoài ra, những cuộc khởi nghĩa thất bại cũng cho thấy rõ tư tưởng “chủ hòa”, sự suy yếu, bất lực của triều đình nhà Nguyễn khi hết lần này đến lần khác, bắt tay hòa hoãn, ký với Pháp những điều ước bất lợi, đi đến đầu hàng Pháp; đồng thời toát lên tinh thần tận trung, tận nghĩa của các bậc bề tôi đối với một vị vua trẻ tuổi yêu nước, mà theo lời tác giả thì “những nỗi đau đớn của kẻ thua trận đã luyện cho đời vua Hàm Nghi thành một thiên kiệt tác về đau khổ”.
Cuốn sách Chuyện vua Hàm Nghi kể về cuộc đời thăng trầm của vua Hàm Nghi từ khi lên ngôi năm 13 tuổi đến lúc bị bắt khi mới 18 tuổi trên nền bối cảnh thời vua Tự Đức cuối thế kỷ XIX, với các cuộc khởi binh liên tiếp thất bại và sự rối ren, hỗn loạn của triều đình nhà Nguyễn trước sự xâm lăng của thực dân Pháp.
Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1935 bởi Édition Nam Ký (Hà Nội) có tên là Vua Hàm Nghi, trước khi in thành sách, nó đã được đăng nhiều kỳ trên Hà Thành Ngọ Báo - tờ báo do Phan Trần Chúc làm chủ bút từ ngày 11/6/1935. Sau đó được tái bản nhiều lần bởi một số nhà sách và nhà xuất bản như Nhà sách Chính Ký (năm 1952), Nhà xuất bản Thuận Hóa (năm 1994), Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin (năm 2001)... Trên cơ sở nguồn tài liệu thu thập được, tác giả đã sử dụng lối viết “tiểu thuyết hóa lịch sử” để kể lại một cách sinh động, giàu hình ảnh một giai đoạn lịch sử với nhiều sự kiện và nhân vật tiêu biểu thời bấy giờ, xoay quanh nhân vật trung tâm là vua Hàm Nghi.