Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Ngày đăng: 15/10/2018 - 10:10

Nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản cuốn sách Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực. Cuốn sách là kết quả của Hội thảo khoa học cấp Quốc gia do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện. Nội dung các bài viết trong cuốn sách tập trung làm sách tỏ những vấn đề về hoàn cảnh ra đời, nội dung cơ bản của tác phẩm Sửa đổi làm việc, khẳng định những giá trị lý luận, thực tiễn và sức lan tỏa của tác phẩm trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

 Tác phẩm Sửa đổi làm việc góp phần khẳng định những giá trị lý luận, thực tiễn và sức lan tỏa của tác phẩm trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Cuốn sách được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết trong thời gian tập trung chuẩn bị cho Chiến dịch Thu Đông, đến tháng 10-1947 thì hoàn thành và được Nhà xuất bản Sự thật (tiền thân của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật hiện nay) xuất bản lần đầu tiên năm 1948 với bút danh X.Y.Z. Tác phẩm gồm 6 phần lớn, đề cập việc sửa chữa, đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nhằm sửa chữa các khuyết điểm, phát huy những ưu điểm. Đây là tác phẩm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đặt vấn đề và trình bày một cách hệ thống tư tưởng đổi mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và nhấn mạnh phải “sửa đổi” trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc dù đã trải qua 70 năm những vẫn còn vẹn nguyên những giá trị sâu sắc, nhất là vấn đề tu dưỡng đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa”. Những chỉ huấn của Người càng có ý nghĩa khi hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đáp lại lòng mong muốn của các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ tiêu cực, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”. Trong bài viết “Bài học về công tác đánh giá cán bộ qua tác phẩm sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tác giả Mai Văn Chính nhận định: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác đánh giá cán bộ là việc khó, nhưng cần phải làm một cách công tâm, khách quan, toàn diện, biện chứng lịch sử. Việc đánh giá cán bộ, đảng viên của Đảng phải bao trùm những ưu điểm và thành tích, nhưng cũng phải thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm cần sửa chữa. Theo đó, để đánh giá cán bộ, đòi hỏi người đánh giá phải công tâm, vô tư, khách quan. Trước hết, người đánh giá cán bộ cần phải hiểu cán bộ. Bên cạnh đó, việc đánh giá cán bộ phải căn cứ hoàn cảnh lịch sử, quá trình hoạt động, bao trùm các mặt, tránh phiến diện, định kiến. Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, cần hội tụ năm phẩm chất: nhân, trí, dũng, liêm. Ngoài ra, đánh giá người cán bộ, đảng viên tốt cần phải căn cứ vào phẩm chất tốt đẹp chí công vô tư. Trên cơ sở đưa ra các ý tưởng về đánh giá cán bộ, Người cũng nêu lên những căn bệnh mà người cán bộ thường măc phải cần sửa chữa. Đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa. Trên cơ sở phân tích những ý tưởng về công tác đánh giá cán bộ, tác giả rút ra năm bài học về công tác đánh giá cán bộ, như: coi trọng cán bộ và công tác cán bộ phải phù hợp với tình hình thực tế; cần hiểu biết đúng cán bộ để đánh giá đúng cán bộ; cần xây dựng các tiêu chuẩn, phẩm chất về cán bộ, đảng viên làm căn cứ đánh giá;  đánh giá cán bộ phải thực sự khách quan, với phương pháp đúng; đánh giá cán bộ phải gắn kết chặt chẽ  với các khâu khác trong công tác cán bộ. Việc đánh giá cán bộ là khâu cần thiết, gắn kết với tất cả các khâu khác liên quan có ý nghĩa to lớn trong công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác giả Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Lập trong bài viết “Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc” – Một giá trị nổi bật trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh”, khẳng định: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một chỉnh thể các tác giá trị về tư tưởng, hành vi và nhân cách chính trị mà Người đã sáng tạo ra trong quá trình hoạt động cách mạng. Với tính cách là một bộ phận quan trọng của văn hóa, các giá trị tư tưởng của văn hóa chính trị Hồ Chí Minh bao gồm một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong đó, trọng tâm và xuyên suốt là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được hiện bằng con đường cách mạng vô sản với điều kiện có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản và sự đóng góp sức lực, trí tuệ của toàn dân tộc. Giá trị tư tưởng của văn hóa chính trị Hồ Chí Minh được biểu hiện ở những cấp độ khác nhau trong các tác phẩm, bài nói, bài viết của Người. Đặc biệt, Sửa đổi lối làm việc là một trong những tác phẩm biểu hiện nhiều tư tưởng quan trọng. Mặt khác, những tư tưởng được nêu ra trong Sửa đổi làm việc không chỉ sự tiếp nối và nhất quán với những quan điểm, tư tưởng đã được nêu ra trong các tác phẩm trước đó như: Đường cách mệnh (năm 1927) và Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt (năm 1930), mà còn là sản phẩm của sự tổng kết quá trình thực tiễn chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Do vậy, sự ra đời của của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là một lôgíc của tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh và thực tiễn chỉ đạo cách mạng của Người. Do đó, tác phầm này có một giá trị nổi bật trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh với những biểu hiện: Đây là một tác phẩm lý luận hết sức quan trọng về Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó hội tụ nhiều quan điểm lớn, trở thành cơ sở lý luận để Đảng ta xác định các chủ trương, biện pháp cụ thể cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng quan các thời kỳ. Biểu hiện qua các quan điểm cụ thể như: những căn bệnh mà cán bộ, đảng viên của một đảng cầm quền thường mắc phải; về tự đổi mới, chỉnh đốn Đảng; về lý luận, vai trò của lý luận và sự cần thiết phải học lý luận; về trí thức và tư cách của một người trí thức chân chính; về cán bộ và công tác cán bộ; về phương pháp, cách thức lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, Sửa đổi lối làm việc đã chỉ ra những tiêu chí của một đảng cách mạng chân chính và chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, phong cách của một cán bộ, đảng viên; trở thành cẩm nang để mỗi cán bộ, đảng viên tự sửa chữa và từng bước hoàn thiện nhân cách của mình. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những chuẩn mực chung của đạo đức cách mạng, đó là: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Và, đạo đức cách mạng có vai trò lớn đối với cách mạng, “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người còn chỉ ra những hậu quả của việc đảng viên kém tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

Theo tác giả, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc không chỉ giúp cho cán bộ, đảng viên và mỗi người cách mạng có quan điểm, lập trường đúng đắn khi xem xét những hạn chế, khuyết điểm của cá nhân, tổ chức đảng, mà còn góp phần giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là tài liệu học tập thiết thực, bổ ích trong việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên trở thành những người cách mạng chân chính, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Ngoài ra, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là tác phẩm có sự hội tụ cả tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Như vậy, toàn bộ những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh được nêu ra trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc và những giá trị chính trị mà cách mạng Việt Nam đã tạo ra từ sự tác động tích cực của tác phẩm ấy là những minh chứng để khẳng định, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là một giá trị nổi bật của văn hóa chính trị Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, các bài viết trong phần 2 của cuốn sách cũng đề cập đến sự vận dụng những quan điểm trong Sửa đổi lối làm việc vào sự nghiệp đổi mới hiện nay. Qua bài viết “Ý nghĩa của việc vận dụng những nội dung cơ bản trong tác phẩm Sửa đổi làm việc đối với cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay” của Đại tá, PGS.TS. Đinh Ngọc Hoa, có thể thấy, Sửa đối làm việc là tác phẩm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đây là một tác phẩm có tính lý luận, tính chiến đấu và tính thực tiễn sâu sắc. Thứ nhất, ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Thứ hai, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc trang bị tri thức, nâng cao trình độ tư tưởng lý luận, tình cảm cách mạng, phẩm chất đạo đức, phương pháp lãnh đạo và tác phong công tác của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là một trong những di sản quý báu, một đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận Mác - Lênin, là tài sản tinh thần vô cùng quý giá đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần quan trọng vào việc tổng kết kinh nghiệm, phát triển lý luận về Đảng Cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, những quan điểm, tư tưởng đó là kim chỉ nam để  xác định tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức, cách mạng của Đảng ta; đồng thời là cơ sở vững chắc cho Đảng ta xác định phương hướng , nội dung, tiêu chuẩn về đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Như sự tiếp nối quan điểm trên, TS. Nguyễn Xuân Trung - tác giá bài viết “Khắc phục sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc và ý nghĩa đối với việc tự phê bình và phê bình hiện nay” đã chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm mà mỗi cán bộ, đảng viên đã mắc phải trong tác phẩm Sửa đổi lối làm. Trên cơ sở đó, tác giả đã chỉ ra ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Theo tác giả, khi có người mắc phải sai lầm, khuyết điểm, thái độ đúng của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng là “không đao to búa lớn”, vội vàng chụp mũ cho họ là “cơ hội chủ nghĩa” rồi đi đến cảnh cáo,  “khai trừ” một cách áp đặt. Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải tiến hành giải thích rõ ràng, làm cho họ tự nhận thấy sai sót của  mình để vui lòng sửa chữa. Để làm được điều đó, “phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”. Cùng với đó, việc tự phê bình và phê bình phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, có như vậy thì các sai lầm, khuyết điểm sẽ được rửa sạch ngay khi nó mới phôi thai.

Có thể nói cuốn sách Sửa đổi lối làm việc là tác phẩm quan trọng, chuyên sâu về công tác xây dựng Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết viết nên. Đây là một tác phẩm có tính lý luận, tính chiến đấu và tính thực tiễn sâu sắc, bao quát được những vấn đề rộng lớn trong toàn bộ các mối quan hệ và các nguyên tắc, phương pháp, lề lối, cách thức làm việc của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước, nội dung tác phẩm của Bác vẫn còn nguyên giá trị, giúp cho chúng ta thống nhất về nhận thức và hành động, nhằm đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; khắc phục các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một số cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh, trong sạch, gắn bó mật thiết và phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả