Xuất bản ấn phẩm đặc sắc nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris

Ngày đăng: 27/01/2023 - 21:01

Cuốn sách 50 năm Hiệp định Paris - Mốc son lịch sử do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức biên soạn, PGS.TS. Trần Đức Cường và PGS.TS. Phạm Minh Tuấn đồng chủ biên, là một ấn phẩm đặc sắc vừa được ra mắt bạn đọc vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Hội nghị Paris khép lại, Hiệp định Paris được ký kết.

Ngày 27/01/1973 tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam, đã được ký kết, buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân đội Mỹ và các quân đội liên quan khỏi miền Nam Việt Nam. Hội nghị và Hiệp định Paris là một trong những trang sử vàng của lịch sử cũng như nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, đã để lại cho chúng ta nhiều bài học và kinh nghiệm lịch sử sâu sắc, quý giá.

 

Cuốn sách 50 năm Hiệp định Paris - Mốc son  lịch sử

Trong thời gian khoảng 5 năm (từ 1968-1973), Hiệp định Pari đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Cuối cùng, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Pari) ngày 22/01/1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kítxinhgiơ ký tắt. Ngày 27/01/1973, Hiệp định đã được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên.

Với Hiệp định Paris, Việt Nam đã “đánh cho Mỹ cút”, một thắng lợi lịch sử quan trọng tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (năm 1973) đã khẳng định: Hiệp định Paris “đã ghi lại những thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta”. Thắng lợi của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris đã phản ánh tinh thần quyết chiến, quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý, giành độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một mốc son không bao giờ phai mờ. Hiệp định Paris còn là minh chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Với mong muốn bạn đọc được tiếp cận với những tư liệu lịch sử chân thực và sinh động nhất về “cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh cũng dài nhất trong thế kỷ XX”, tập thể tác giả cuốn sách đã dày công biên soạn, sưu tầm, sắp xếp tư liệu ảnh và tổ chức bản thảo, qua đó giới thiệu, tái hiện một cách cô đọng nhất về quá trình cuộc đấu tranh ngoại giao vô cùng cam go này trong 382 trang sách, bố cục gồm hai phần:

Phần thứ nhất: Hiệp định Paris - Bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tái hiện quá trình phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, song hành với đó là những bước đi của Việt Nam tiến đến Hội nghị Paris với điểm nhấn nổi bật là việc ký kết Hiệp định. Phần này được thể hiện qua những nội dung cô đọng, súc tích cùng nguồn tư liệu ảnh sinh động, phong phú từ Thông tấn xã Việt Nam, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Bảo tàng Hồ Chí Minh...

Phần thứ hai: Những bài học lớn từ Hiệp định Paris, giới thiệu một số bài trả lời phỏng vấn, bài viết tiêu biểu của các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học đánh giá về nội dung, giá trị và ý nghĩa của Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tiêu biểu, bài phỏng vấn của nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình, là một trong bốn trưởng đoàn đã tham dự đàm phán và đặt bút ký bản Hiệp định lịch sử; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan… Thông qua các bài viết, bạn đọc hiểu thêm về bối cảnh cũng như những cảm xúc của người trong cuộc về cuộc đấu trí đầy cam go, cân não trong quá trình đàm phán với đoàn Chính phủ Hoa Kỳ, gồm những nhà đàm phán lão luyện, luôn đàm phán trên tư thế của kẻ mạnh, áp đảo và áp đặt, mặc cả và thậm chí thay đổi vào phút chót để giành những lợi thế…

Trong những năm tới, tình hình quốc tế, khu vực dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bên cạnh những thuận lợi vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cùng với phát huy sức mạnh nội lực, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, việc chắt lọc, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris 50 năm về trước mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, qua đó từng bước nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, trước mắt là thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đối ngoại và hợp tác quốc tế: Nâng cao năng lực hội nhập, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do; lồng ghép với các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Với những tư liệu lịch sử quý, luận chứng súc tích, hy vọng cuốn sách sẽ giúp bạn đọc tiếp cận gần hơn với sự kiện lịch sử, những thông tin ghi dấu một chương vẻ vang trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung, của nền ngoại giao Việt Nam và nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” nói riêng.

 

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả