Kiểm soát quyền lực nhà nước là một hệ thống những cơ chế được thực hiện bởi nhà nước và xã hội nhằm giữ cho việc thực thi quyền lực nhà nước đúng mục đích, hiệu quả. Kiểm soát quyền lực nhà nước bao gồm kiểm soát phạm vi hoạt động của quyền lực nhà nước; kiểm soát quá trình thông qua và sửa đổi Hiến pháp; kiểm soát tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; kiểm soát những người thực thi quyền lực nhà nước và có thể kiểm soát từ bên ngoài và bên trong nhà nước. Kiểm soát từ bên ngoài nhà nước là sự kiểm soát của nhân dân và xã hội; kiểm soát từ bên trong là sự kiểm soát do nhà nước thực hiện.
Góp phần làm sáng tỏ vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, cuốn sách tập trung nghiên cứu, phân tích các vấn đề cơ bản sau: cơ sở lý luận về kiểm soát quyền lực nhà nước; thực tiễn kiểm soát quyền lực nhà nước ở một số nước tiêu biểu như Mỹ, Anh, Xingapo, Malaixia, Nhật Bản; thực tiễn kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam, những mâu thuẫn, bất cập trong kiểm soát quyền lực nhà nước mà Việt Nam đang và sẽ phải giải quyết trong tiến trình phát triển; phương hướng và những giải pháp chủ yếu cho kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam.
Kiểm soát quyền lực nhà nước là một khái niệm rộng, một vấn đề phức tạp, bao gồm toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của quyền lực nhà nước, từ cấu trúc dọc (trung ương tới địa phương) đến cấu trúc ngang (lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và mối quan hệ giữa chúng như một chỉnh thể thống nhất). Trong phạm vi cuốn sách này, kiểm soát quyền lực nhà nước được tập trung nghiên cứu trên bình diện tổ chức quyền lực nhà nước trung ương giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cuốn sách của TS. Trịnh Thị Xuyến, là tài liệu chuyên khảo thiết thực cho cán bộ nghiên cứu, học viên, sinh viên của các bộ môn khoa học chính trị và tất cả bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực quyền lực công.