Xây dựng con người Việt Nam toàn diện: những thách thức và giải pháp khắc phục

Ngày đăng: 08/08/2016 - 16:08

Đại hội XII của Đảng đã nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam để có phương hướng phát triển là yêu cầu cấp thiết trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Xây dựng, phát triển và hoàn thiện các chuẩn mực giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo là một trong những nhiệm vụ, chiến lược trọng tâm, lâu dài.

8.8.2016 Lan Xây dựng con người Việt Nam toàn diện ảnh minh họa

1. Về vai trò, vị trí của con người trong chiến lược phát triển

Ý thức được vai trò, vị trí của nguồn lực con người trong phát triển đất nước, trong nghững năm qua, Đảng, Nhà nước ta những năm qua đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về công tác giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; xác định giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”; đầu tư cho giáo dục luôn được ưu tiên, chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Sau Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII (1996) về Định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000,Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (2013), Đảng đã ban hành Nghị quyết về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng con người mới, con người XHCN, có phẩm chất, trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập.

Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định những thành tựu trong giáo dục, đào tạo, đặc biệt là trong việc nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo: “Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 51,6% vào năm 2015. Dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm (trong giai đoạn 2010 - 2015, đã có trên 4,1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn)”(1). Nhờ đó, “Chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) của Việt Nam liên tục tăng trong 24 năm qua. Năm 2014, Việt Nam được xếp thứ 116 trong số 188 nước; tức là ở thứ hạng trên của nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình”(2). Điều này cho thấy những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc dành nhiều chính sách ưu tiên nhằm phát triển toàn diện con người, bảo đảm những điều kiện cần thiết để mỗi người có cơ hội thuận lợi trong tiếp cận các loại hình dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội và những vấn đề thiết yếu bảo đảm tốt nhất giá trị quyền con người.

Đánh giá về những thành công trong công cuộc xây dựng, phát triển con người 30 năm đổi mới và 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2015), Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có bước chuyển biến quan trọng: Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước; gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người; bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên”(3). Đây là những đánh giá mang tính khái quát về tình hình phát triển con người Việt Nam trong những năm đổi mới, cho thấy những tiến bộ trong công tác chăm lo, phát triển con người. Việc hình thành thế hệ con người Việt Nam có nhân cách, trí tuệ là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ CNH, HĐH là phát triển văn hóa phải hướng đến mục tiêu phát triển con người, làm cho con người trở nên hoàn thiện về nhân cách, tâm hồn. Con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển, như Văn kiện Đại hội XII đã khẳng định: “Chủ trương của Đảng gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển”(4). Việc coi trọng phát triển văn hóa, xây dựng nhân cách con người là nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề căn cốt tạo thế và lực vững chắc để Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

2. Những thách thức trong xây dựng, phát triển con người

Hội nhập, giao lưu quốc tế một mặt mang lại điều kiện, cơ hội thuận lợi cho sự phát triển, nhưng cũng khiến con người Việt Nam phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đó là:

Thứ nhất, sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sốngcủa một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những cán bộ giữ vị trí cấp cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đến thanh thiếu niên và người dân lao động. Tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và sự trong sạch, nghiêm minh của bộ máy công quyền. Đây là một trong những nguy cơ mà trong nhiều văn kiện, chỉ thị, nghị quyết Đảng ta đã đề cập, cảnh báo.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, “Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2014 của Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu (175 quốc gia) và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một điều đáng chú ý là điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong 3 năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia”(5). Những năm gần đây đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng làm thất thoát tiền của của Nhà nước.

Tệ nạn xã hội ở tầng lớp thanh thiếu niên có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), “tính đến tháng 7-2014, số người bán dâm ước tính là gần 33 nghìn người. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 204.377 người tính đến tháng 9-2014. Tỷ lệ người nghiện ma túy không ngừng tăng qua các năm, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng... trong 20 năm từ 1994-2014 đã có 583.900 lượt người được cai nghiện. Trung bình mỗi năm cai nghiện cho 29.000 người, tương đương với 26% số người nghiện có hồ sơ quản lý trung bình hàng năm”(6). Bên cạnh đó, những vụ án giết người hàng loạt xảy ra ở trẻ vị thành niên, thanh niên với mức độ và tính chất đặc biệt nghiêm trọng, điển hình như vụ Lê Văn Luyện (Bắc Giang), Nguyễn Hải Dương (Bình Dương)… đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự “tha hóa nhân cách” con người.

Đây là một hiện tượng nhức nhối trong xã hội, có nhiều nguyên nhân: sự buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình, xã hội; sự thực thi pháp luật thiếu nghiêm minh; sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân,…

Thứ hai, sự đứt gãy hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa giữa các thế hệ. Đây là một hạn chế trong công tác chăm lo, phát triển con người mà Đại hội XII cho rằng một trong những nguyên nhân là “tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”, “Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận và xây dựng con người”(7).

Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, sự phát triển nhanh như vũ bão của internet, mạng xã hội; báo điện tử; kênh truyền hình giải trí… mang lại những thông tin bổ ích, tạo điều kiện cho con người tiếp cận thông tin thuận tiện dễ dàng; khả năng chia sẻ, kết nối cao… Bên cạnh đó cũng để lại nhiều hệ lụy như: nạn nghiện game online; sự gia tăng ngôn ngữ tiếng lóng, ngôn từ ký hiệu làm méo mó và mất đi sự trong sáng của tiếng Việt; nhiều bạn trẻ lệ thuộc vào không gian ảo đã đánh mất đi những giá trị thực...  khiến mỗi cá nhân là một không gian kép kín thiếu sự gắn kết, chia sẻ giữa các thành viên, thiếu sự quan tâm đến các vấn đề xã hội và làm giảm trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng.

Hiện tượng sống thử trước hôn nhân; nạn nạo phá thai tuổi vị thành niên, tình trạng ly hôn trong các gia đình trẻ gia tăng. Những rạn nứt trong cung cách ứng xử, lối sống giữa các thế hệ trong cùng một gia đình diễn biến phức tạp, nhiều mâu thuẫn khó có thể điều hòa. Bạo hành gia đình giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái; tranh giành tài sản đất đai… tạo ra những rào cản, xung đột ngầm giữa các thế hệ trong bối cảnh chuyển đổi, tìm kiếm và thiết lập những mô hình gia đình phù hợp.

Thứ ba, sự trỗi dậy của những thói quen xấu. Đi lên CNXH từ một nước nông nghiệp lậc hậu, từng là thuộc địa của thực dân, đế quốc, con người Việt Nam bên cạnh những đức tính, phẩm chất tốt vẫn còn nhiều thói quen xấu: chủ nghĩa cơ hội, bè phái; hám danh; thiếu ý thức tuân thủ pháp luật; lãng phí; khả năng làm việc tập thể chưa cao… Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa và văn hóa làm cho con người trở nên Người hơn, nhưng thực tế trong những năm qua, việc tạo dựng môi trường văn hóa chưa được quan tâm đúng mức khiến cho việc giáo dục, hình thành những giá trị nhân cách tốt đẹp trong con người chưa hiệu quả. Con người vẫn phải sống trong những môi trường thiếu lành mạnh, trong sạch, bị những sản phẩm, hiện tượng phi văn hóa cám dỗ. Điều này đã được Văn kiện Đại hội XII thẳng thắn nhìn nhận: “Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục”(8).

Để tạo dựng hình ảnh Việt Nam với tình hình chính trị ổn định; con người thân thiện, lịch sự, mến khách; có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời… thì việc quan tâm chăm lo xây dựng những con người mới - những chủ nhân của đất nước phải được tiến hành đồng bộ với chương trình, mục tiêu cụ thể, lâu dài, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

3. Một số định hướng xây dựng, phát triển con người Việt Nam hiện nay

Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhấn mạnh vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của chiến lược xây dựng, phát triển con người. Coi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết đề ra mục tiêu cụ thể là: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”(9). Trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng văn hóa là vì sự hoàn thiện nhân cách con người, chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Để phát huy những điểm mạnh, những nhân tố tích cực, đồng thời hạn chế, khắc phục những yếu kém của con người Việt Nam, trong chỉ thị, Nghị quyết, Đảng đã chỉ ra những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp căn bản là:

Thứ nhất, về xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống. Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Mặt khác, cần đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Mặt khác, cần khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. 

Thứ hai, chú trọng vấn đề an ninh con người, với những nhiệm vụ cụ thể như: Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Đồng thời, phải quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng mỗi trường học thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người. Xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng.

Thứ ba, bồi dưỡng, giáo dục những giá trị nhân văn cho con người, thông qua việc tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng.

Thứ tư, nâng cao thể lực, sức khỏe, tuổi thọ cho con người, gắn với việc giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng phát triển con người là điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Bởi “muốn xây dựng CNXH thì trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Vì thế, việc xây dựng, hình thành nên những người Việt Nam có phẩm chất, năng lực, “vừa hồng vừa chuyên” là nhiệm vụ trọng tâm trong các chương trình, kế hoạch của các cấp, các ngành.

TS. Nguyễn Huy Phòng

Viện Văn hóa và phát triển

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

____

(1), (3), (4), (7), (8) Nguồn: http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/van-kien-dai-hoi/khoa-xii/doc-5331201610194346.html

(2) Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP):Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2015, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2016, tr. 21.

(5)http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tong-thanh-tra-chinh-phu-tham-nhung-o-viet-nam-3-nam-qua-on-dinh-20141209131112577.htm

(6) http://www.baomoi.com/phong-chong-te-nan-xa-hoi-con-gap-nhieu-kho-khan/c/15522381.epi

(9) Đảng Cộng sản Việt NamVăn kiện Hội nghị lần thứ chín, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 12.

Bình luận