Cuốn sách đã chỉ rõ bản chất của của tiến trình đổi mới giáo dục trong suốt những năm qua là chuyển từ nền giáo dục phục vụ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền giáo dục vận hành trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một tiến trình hoàn toàn mới, chưa hề có trong lịch sử, vì vậy, phải tư duy lại những vấn đề của giáo dục xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường.
Nội dung cuốn sách khẳng định: đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng ta, một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chủ trương này, cần một kịch bản tổng thể, trong đó không dàn đều, có nhiệm vụ cần giải quyết ngay, có giải pháp cho lâu dài. Từ phân tích thực trạng đổi mới giáo dục hiện nay, các tác giả còn đi sâu tìm hiểu, đề xuất các giải pháp mang tính chất đột phá trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, đột phá về thể chế là khâu quan trọng đầu tiên. Một mô hình giáo dục mới cần phải có thể chế mới. Tất nhiên, sự phát triển của giáo dục và đào tạo của một quốc gia là một quá trình liên tục, không cắt đoạn. Do đó, thể chế mới cũng cần được hoàn thiện từ môi trường nhận thức xã hội, xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, lành mạnh. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là các luật lệ phù hợp với chủ trương mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, coi giáo dục là hàng hóa dịch vụ công, đổi mới cơ chế hoạt động giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Lan Hương