Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động tới Việt Nam

Ngày đăng: 16/08/2016 - 10:08
Ngày 4-2-2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết giữa 12 nước, gồm: Ôxtrâylia; Brunây; Canađa; Chilê; Nhật Bản; Malaixia; Mêhicô; Niu Dilân; Pêru; Xingapo; Hoa Kỳ và Việt Nam. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khoảng 2 năm tới. Đây là một Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới - được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới. Đối với Việt Nam, việc chính thức tham gia Hiệp định TPP cũng đồng thời mở ra nhiều thuận lợi, kèm theo nhiều thách thức, khó khăn.
tpp-300x225

Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, đa chiều và sâu hơn về Hiệp định TPP, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động tới Việt Nam của PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế - Học viện Ngoại giao. Đây là cuốn sách chuyên khảo, đi sâu nghiên cứu quá trình đàm phán của 12 nước thành viên, từ đó đưa ra nhiều phân tích, đánh giá về Hiệp định TPP, đặc biệt là vai trò và tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam.

Trong gần 6 năm (2010-2016), Việt Nam cùng các nước tham gia đàm phán TPP đã rất tích cực để sớm ký kết Hiệp định. Bởi, Hiệp định sẽ giúp thúc đẩy tiến trình tự do hóa và hội nhập cho hoạt động kinh tế thương mại của các nước tham gia. Đối với Việt Nam, một đất nước có nền kinh tế chưa được phát triển toàn diện, thì đàm phán TPP được xem là một trong những đàm phán mở cửa phức tạp nhất và quan trọng nhất mà nước ta đã tham gia. PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn đã dành nhiều tâm huyết, nghiên cứu để tổng quan lại các nội dung đàm phán chính của Hiệp định TPP; phân tích những trở ngại trong quá trình đàm phán và mục đích của 12 nền kinh tế thành viên tham gia Hiệp định.

Bên cạnh đó, cuốn sách đặc biệt đi sâu nghiên cứu và đưa ra những đánh giá về tác động của TPP đối với khu vực và thế giới nói chung, đối với Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam nói riêng. Qua những phân tích đó, tác giả đưa ra những dự báo về tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới; đề xuất kiến nghị, chính sách cho Việt Nam nhằm tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa nguy cơ. Trên cơ sở đó, đưa ra những định hướng để chúng ta kịp thời nắm bắt cơ hội, tiếp tục bứt phá và phát triển hơn nữa.

Hội nhập khu vực đang trên đà trỗi dậy và phát triển, đóng vai trò chủ đạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xu thế này không chỉ phản ánh sự mưu cầu lợi ích kinh tế mà còn phản ánh cục diện chính trị quốc tế mới, sau sự nổi lên nhanh chóng của một số nước đang phát triển hàng đầu. Tham gia vào Hiệp định TPP, một cấu trúc quan trọng của khu vực, sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại. Tuy nhiên, TPP cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong những vấn đề như: quy mô, chất lượng nền kinh tế còn thấp so với các nước thành viên TPP khác, đặc biệt là những nước có trình độ phát triển cao hơn; năng lực cạnh tranh cả về sản phẩm, doanh nghiệp, quốc gia của Việt Nam đều hạn chế và dễ bị tổn thương; chất lượng nhân lực về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp đều còn hạn chế,...

hiep dinh ttpCuốn sách Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động tới Việt Nam của PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn gồm 3 chương và 4 phụ lục: Chương 1 tập trung chính vào nội dung và tiến trình đàm phán Hiệp định; Chương 2 nêu rõ mục đích, quan điểm của các nước đối với đàm phán TPP; Ở chương 3, tác giả tập đi sâu phân tích những tác động của TPP tới thế giới và ASEAN, tác động của TPP tới Việt Nam và đề xuất chính sách cho Việt Nam. Thêm vào đó, tác giả còn đưa nội dung vào 4 phụ lục đi kèm để dẫn chứng và phân tích sâu hơn nữa những tương tác cụ thể của Hiệp định TPP đối với Việt Nam. Cụ thể là: Phụ lục thứ nhất tập trung phân tích về các nước đối tác quan trọng của Việt Nam trong TPP như: Nhật Bản; Malaixia; Niu Dilân; Xingapo; Hoa Kỳ và Ôxtrâylia. Phụ lục thứ hai nhấn mạnh đến tầm ảnh hưởng của các nước đối tác quan trọng của Việt Nam bên ngoài TPP nhưng đang quan tâm và muốn gia nhập TPP, đó là: Trung Quốc; Thái Lan; Inđônêxia; Hàn Quốc. Tác giả đã dành riêng Phụ lục thứ ba để tóm tắt Hiệp định TTP và Phụ lục thứ tư để tóm tắt cam kết của Hiệp định TPP đối với Việt Nam (thương mại hàng hóa). Cuốn sách là thành quả nhiều năm nghiên cứu, bám sát hành trình tiến đến TPP của Việt Nam, được bổ sung, sửa chữa nhiều lần nhằm bảo đảm tính thời sự đối với những thông tin liên quan đến TPP.

Cù Thị Thúy Lan

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả