Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới

Ngày đăng: 17/08/2016 - 11:08

VN 30 nam dmoi.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới trên cơ sở khảo nghiệm về thực tiễn và đổi mới tư duy lý luận. Đây là đường lối đổi mới khẳng định bước phát triển có ý nghĩa cách mạnh trong nhận thức và tư duy hành động của Đảng với những chủ trương, chính sách mang tính đột phá. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng và toàn dân, toàn quân ta đã tận dụng thời cơ, thuận lợi, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu to lướn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

mot so van de ly luancnxhNội dung cuốn sách Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vừa mới ấn hành đã trình bày những vấn đề cơ bản nhất của quá trình đổi mới và phát triển ở nước ta trên bốn nhóm vấn đề, lĩnh vực chủ yếu: chính trị và xây dựng Đảng; kinh tế; văn hóa, xã hội, con người; quốc phòng, an ninh, đối ngoại, qua đó gợi mở về những phương hướng, giải pháp cần thiết cho việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ cho công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Cuốn sách là công trình nghiên cứu của tập thể tác giả gồm 42 nhà nghiên cứu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học nổi tiếng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… GS.TS. Phùng Hữu Phú, GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, GS.TS. Vũ Văn Hiền, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông (Đồng chủ biên).

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu, được các tác giả biên soạn trên cơ sở chắt lọc nội dung của 31 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước thuộc chương trình "Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015". Nội dung cuốn sách góp phần phục vụ công tác tổng kết lý luận và thực tiễn, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta sau 30 năm đổi mới.

1. Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới chính trị và xây dựng Đảng

Trong đường lối đổi mới của Đảng ta luôn có sự vận dụng sáng tạo và phát triển nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đường lối đổi mới về chính trị và xây dựng Đảng bao gồm đổi mới về hệ thống chính trị, thực hành dân chủ và xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức và vận dụng, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Trên nền tảng đó, Đảng ta có những nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, vận dụng và phát triển sáng tạo hơn lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đặc biệt trong điều kiện hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, chủ nghĩa xã hội đứng trước nhiều vấn đề cần giải đáp, nhiều nước tiến hành cải tổ, cải cách nhưng không thành công. "Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Thành công này bắt nguồn từ sự kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta trong những điều kiện và hoàn cảnh có tính đặc thù như Việt Nam"1. Điều này còn thể hiện ở sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giải quyết mối quan hệ sở hữa và các thành phần kinh tế, trong xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị, xây dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa…

alt

Ảnh minh họa

Sau 30 năm đổi mới, về lý luận, Đảng ta đã hình thành được một hệ thống quan điểm về chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", góp phần bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay. Về thực tiễn, những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực: chính trị, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… tạo tiền đề để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn luôn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp cũng như những hạn chế, yếu kém mà Đảng và Nhà nước ta cần tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Những hạn chế và bất cập còn tồn tại là việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước còn chậm, còn có tình trạng buông lỏng, chồng chéo nên chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực điều hành của bộ máy Nhà nước; nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội còn có hạn chế và bất cập; lãnh đạo của Đảng trong Chính phủ còn hạn chế, một số nội dung lãnh đạo của Đảng với Chính phủ quá cụ thể, dẫn đến tình trạng bao biện, làm thay Chính phủ, nhưng một số nội dung lại quá chung chung… làm phương thức lãnh đạo của Đảng với Chính phủ còn nhiều lúng túng; sự lãnh đạo của Đảng với các cơ quan tư pháp còn hạn chế trong điều kiện cải cách tư pháp, còn có sự chậm trễ trong việc ban hành và thực thi các chủ trương về cải cách tư pháp, thiếu các giải pháp đồng bộ2.

2. Đổi mới toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, quốc phòng, an ninh đối ngoại

Song song với đường lối đổi mới về chính trị và xây dựng Đảng, thực hành dân chủ và xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về kinh tế, vấn đề đổi mới về mô hình tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tính đến yếu tố phát triển bền vững, nội hàm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường. Các vấn đề sở hữu, sở hữu và quản lý, sử dụng đất đai, phát triển tập đoàn kinh tế… được chú trọng.

Tổng Bí thư nhận định về kết quả 30 năm đổi mới

Ảnh minh họa

Vấn đề đổi mới về văn hóa, xã hội, con người bao gồm định hướng về phát triển văn hóa, hệ giá trị Việt Nam, liên minh giai cấp, chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, vấn đề dân tộc, tôn giáo, giáo dục đào tạo và quyền con người… phải được chú trọng. Cần đặc biệt quan tâm đến vấ đề bảo đảm quyền con người trong điều kiền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. "Đẩy mạnh công tác nghiên cứu về quyền con người nhằm xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở lý luận của Việt Nam về quyền con người nhằm xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở lý luận của Việt Nam về quyền con người trên cơ sở tổng kết thực tiễn và bảo đảm quyền con người của nước ta và tiếp thu hợp lý những kinh nghiệm và các giá trị phổ quát về quyền con người trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng"3.

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cuốn sách phân tích và chỉ rõ những vẫn đề lý luận và thực tiễn về cục diện thế giới và khu vực, vấn đề chiến tranh và hòa bình, các vấn đề mang tính quốc gia, dân tộc trong thế giới đương đại, hướng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", phòng, chống "tự diễn biến', "tự chuyển hóa"… Xuyên suốt nữa là vấn đề hội nhập quốc tế và tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Đồng thời với việc tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới, cuốn sách cũng gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để đẩy mạnh công cuộc đổi mới trong những năm tiếp theo.

Những phân tích về một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới đã làm rõ cục diện thế giới và khi vực, những biến động gần đây tác động đến Việt Nam, dự báo tình hình sắo tới. Nội dung cuốn sách "đã làm rõ hơn vấn đề quốc gia, dân tộc trong thế giới đương đại; nhận thức và xử lý quan hệ với các nước lớn, với các láng giềng để có chính sách hợp lý. Vấn đề Biển Đông là vấn đề mới, hệ trọng và có những kiến nghị thiết thực với Đảng và Nhà nước"4. Những kết quả nghiên cứu trong cuốn sách đã đóng góp cơ sở khoa học cho việc xây dựng Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XI, tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới và xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Có những kết quả nghiên cứu là những đề xuất, gợi mở ban đầu về phương hướng, giải pháp cần thiết cho việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ cho công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.

Bạn đọc có thể tìm hiểu, nghiên cứu cuốn sách ở Thư viện Quốc gia, Thư viện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật và thư viện các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Lan Hương

*****

1. Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, GS.TS. Phùng Hữu Phú, GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, GS.TS. Vũ Văn Hiền, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông (Đồng chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2016, tr. 16.

2. Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Sđd, tr. 67, 68.

3. Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Sđd, tr. 590.

4. Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Sđd, tr. 821.

Bình luận