Bác Hồ - Tấm gương đạo đức sáng ngời

Ngày đăng: 23/08/2016 - 10:08

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại.
co-dang-va-bac-ho 2

Cuốn sách Bác Hồ - Tấm gương đạo đức sáng ngời, do GS. Song Thành, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh biên soạn là tài liệu nghiên cứu, học tập hữu ích đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Một trong những điểm mới của Chỉ thị này là Bộ Chính trị yêu cầu phải làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có nghĩa là, phải làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung cuốn sách góp phần làm rõ những phẩm chất cần có của mỗi cán bộ, đảng viên, trên cả ba lĩnh vực: tư tưởng, đạo đức, phong cách theo tấm gương cao đẹp của Bác Hồ.

Cả cuộc đời giản dị, trong sáng của Người là tấm gương đạo đức vô cùng cao đẹp và phong phú - tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ, mẫu mực, tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm - một tấm gương lớn cho các thế hệ con cháu mãi mãi noi theo. Theo quan niệm của Người “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chứ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”1.

Phong cách sinh hoạt của Người có nhiều nét đã trở thành huyền thoại không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới. Đó là sự giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hàng ngày; đó là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, chẳng ham muốn danh lợi cho riêng mình. Ở Người luôn toát lên một cốt cách giản dị, cao thượng, vĩ đại và sự khiêm tốn phi thường; không sùng bái cá nhân, mà luôn luôn nêu cao sự nghiệp anh hùng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Người cho rằng: Quần chúng mới là người làm nên lịch sử và lịch sử là lịch sử của chính họ chứ không phải của một cá nhân anh hùng nào.

bac ho tam guong 18Cuốn sách gồm bảy chuyên đề với các nội dung chính sau:

Trong chuyên đề thứ nhất "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi", chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bắt đầu từ điểm xuất phát của tấm gương đó là từ lý tưởng. Ở chuyên đề này, bạn đọc sẽ được tìm hiểu, học tập tấm gương đạo đức của Bác thông qua các vấn đề chính đó là: vai trò của lý tưởng trong đời sống đạo đức; có ý tưởng nhưng phải có ý chí, nghị lực để thực hiện lý tưởng; các thế hệ hiện nay phải kế tục, thực hiện thắng lợi lý tưởng Hồ Chí Minh.

- Chuyên đề thứ hai "Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân". Theo quan niệm của Bác, "Cán bộ phải đi đúng đường lối quần chúng, dựa vào nhân dân; trước hết phải tin tưởng lực lượng và trí tuệ của nhân dân là vô cùng, vô tận. Tuyên truyền, giáo dục, đoàn kết, tổ chức được trí tuệ và lực lượng đó thì việc gì khó mấy cũng làm được"2. Với chuyên đề này, tác giả lại cho bạn đọc tiếp cận một khía cạnh khác ở tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đó là: luôn tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân, "lấy dân làm gốc"; luôn nêu cao tinh thần yêu dân, kính dân, trọng dân, phê phán thái độ "quan liêu, coi kinh quần chúng, lên mặt" quan cách mạng""; luôn luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân, khi dân còn thiếu thốn, không có quyền đòi hỏi sung sướng cho riêng mình.

- Chuyên đề thứ ba "Cần, kiệm, giản di, coi khinh sự xa hoa, đời tư trong sang và đức khiêm tốn phi thương". Ở chuyên đề này tác giả tập trung đi vào các vấn đề chính gồm: "Cần kiệm, giản dị, ít lòng tham muốn về vật chất", đó là "tư cách của người cách mạng"; tinh thần "vị công vong tư", xem thường mọi danh vị; một đức độ khiêm tốn phi thường. "Nếu như muốn tìm một sự tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là đức tính vô cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường"3.

- Chuyên đề thứ tư "Nhân ái, khoan dung, có tình thương yêu mênh mông, sâu sắc đối với con người". Ở chuyên đề này tác giả muốn cho bạn đọc thấy rõ đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực. Đó tình yêu thương bao la đối với con người; một tấm lòng nhân ái, khoan dung đại lượng.

- Chuyên đề thứ năm "Phong cách Hồ Chí Minh". Với chuyên đề này, phong cách Bác Hồ được tác giả đề cập đến ở một số lĩnh vực chính đó là: phong cách tư duy, phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt và phong ách ứng xử. Phong cách của Người là sự chắt lọc tất cả những gì là chân, thiện, mỹ của tinh hoa xử thế nhân loại.

- Chuyên đề thứ sáu "Biểu tượng của khát vọng hoà bình, hữu nghị và tinh thần quốc tế trong sang". Thông qua chuyên đề tác giả muốn cho bạn đọc tìm hiểu các vấn đề chính đó là: Hồ Chí Minh, biểu tượng của khát vọng hoà bình Việt Nam; Hồ Chí Minh, sứ giả của tình hữu nghị giữa các dân tộc; Hồ Chí Minh, hiện thân của tinh thần quốc tế trong sáng. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị dân tộc mà còn có giá trị thời đạiTừ đó khẳng định, tấm gương Hồ Chí Minh đang được nhân loại nhắc đến như là những tiêu chí về giá trị, nhằm định hướng xây dựng cho nền văn hoá của thế kỷ XXI - một nền văn hoá nhân ái, khoan dung, hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc.

- Chuyên đề cuối của cuốn sách "Tấm gương suốt đời tự học và rèn luyện để trở thành bất tử" làm nổi bật vấn đề cho bạn đọc thấy được Bác Hồ đã trở thành biểu tượng đạo đức - văn minh của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành tấm gương tuyệt vời về con người mới. Đó là tấm gương học tập suốt đời, nói đi đôi với làm, gương mẫu từ việc lớn đến việc nhỏ. Học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là phải đạt tới sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa việc công và việc tư, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường.

Với lối thể hiện văn phong chính luận giản dị, trong sáng, khúc triết, vừa phổ cập, vừa nâng cao, kết hợp phân tích lý luận với những dẫn chứng sinh động rút ra từ tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách xứng đáng là một tài liệu nghiên cứu, học tập có giá trị cho bạn đọc muốn tìm hiểu, nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Việt Hà

*****

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 283.

2. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 378.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 555.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả