Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân

Ngày đăng: 08/09/2016 - 08:09
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người đã để lại cho chúng ta và thế hệ mai sau một hệ thống tư tưởng quý báu, đồ sộ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tư tưởng về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật trân trọng giới thiệu cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân do Thượng tướng, GS.TS. Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm chủ biên.
bac ho vs CAND

Sinh thời, Người đặc biệt coi trọng vai trò của cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân là tài sản tinh thần vô giá, là kim chỉ nam trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân đã trở thành tài sản tinh thần quý báu, ngọn cờ dẫn đường, chỉ lối giúp lực lượng Công an nhân dân từng bước xây dựng và trưởng thành trong suốt hơn 70 năm qua. Di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng trong đó là một hệ thống quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân được hình thành và phát triển một cách toàn diện. Điều này đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đối với lực lượng Công an nhân dân.

HCM va CANDCuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân cung cấp cho bạn đọc, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân những nhận thức đúng đắn, toàn diện, có hệ thống nội dung và giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân; những nhân tố quốc tế và trong nước ảnh hưởng đến cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân; thực trạng cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân; mục tiêu, yêu cầu và một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, khoa học vào điều kiện thực tiễn hiện nay.

Với bốn chương, cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân tập trung đi sâu, phân tích và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về cơ sở hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân; khái quát những nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân nói riêng; làm rõ những biến đổi sâu sắc của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế đã tác động, ảnh hưởng đến cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân; đánh giá thực trạng cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân hiện nay cùng những kết quả và hạn chế của cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân.

Chương I: Cơ sở, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trình bày một số vấn đề về quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ qua các thời kỳ từ trước năm 1920 đến năm 1969. Trong đó, thời kỳ 1920-1945 là thời kỳ tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ đã bước đầu được hình thành, phát triển và có sự chuyển biến về chất. Thời kỳ 1945-1954 là giai đoạn cần giữ vững, củng cố chính quyền cách mạng, vừa kháng chiến vừa kiến quốc - thời kỳ có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nên Hồ Chí Minh rất coi trong đến công tác cán bộ. Người đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương lớn liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ như: công tác tuyển dụng cán bộ cách mạng có tài đức, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ cách mạng, công tác phê bình và tự phê bình,… Thời kỳ sau đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ tiếp tục phát triển, hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Chương II: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ: trình bày và phân tích vị trí, vai trò của cán bộ, vấn đề tài đức, tinh thần trách nhiệm, giữ vững kỷ luật và phong cách quần chúng của cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ có vị trí, vai trò quan trọng không thể thiếu đối với công tác xây dựng Đảng, cũng như việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Thực tiễn cho thấy, trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ. Nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, Người cho rằng cán bộ cách mạng phải lấy “đạo đức làm cốt”, đạo đức là gốc của người cán bộ cách mạng. Đồng thời đối với Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm là tiêu chí tiên quyết của người cán bộ, tinh thần trách nhiệm là thước đo đối với người cán bộ, cho nên tinh thần trách nhiệm không phân biệt đối với bất kỳ ai. Để tìm được người cán bộ có chuẩn mực đạo đức, có tài đức, có tinh thần trách nhiệm thì khâu lựa chọn, huấn luyện, cất nhắc cán bộ là khâu quan trọng. Do vậy, trong chương này, cuốn sách cũng tập trung vào một số vấn đề công tác cán bộ như: lựa chọn, huấn luyện, hiểu biết, cách dùng, cất nhắc, yêu thương...

Trên cơ sở một số vấn đề lý luận về vấn đề cán bộ và công tác cán bộ được trình bày ở chương I và II, đến Chương III: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân tác giả tập trung phân tích làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân với các nội dung về vị trí, vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ của Công an nhân dân; phân tích tầm quan trọng của công tác cán bộ và vấn đề xây dựng đội ngũ làm công cán bộ của Công an nhân dân. Với những nội dung được phân tích một cách sâu sắc trong chương này đã cho thấy người cán bộ công an có vị trí quan trọng trong mối tương quan với Đảng và Nhà nước, là bộ phận không thể tách rời, là lực lượng chuyên trách, một mắt xích quan trọng, là cầu nối quan trọng không thể thiếu để thực thi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để trở thành cán bộ Công an nhân dân thì cần phải có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tường vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, có tinh thần trách nhiệm,... Đặc biệt, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đối với nhân dân phải hết lòng, tận tụy; trong thực tiễn công tác đấu tranh với địch, phải luôn giữ vững được nguyên tắc: “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”.

Chương IV: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân hiện nay: phân tích việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ Công an nhân dân với những đặc điểm cụ thể liên quan đến thực trạng tình hình quốc tế và trong nước tác động đến cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân. Trên cơ sở đó, rút ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân trong tình hình mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hiện nay, các thế lực thù địch và bọn tội phạm sử dụng âm mưu, hành động chống phá chúng ta về mọi mặt; không ngừng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xâm nhập, phá hoại nội bộ, thực hiện “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, hòng làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với lực lượng vũ trang nhân dân. Vì vậy, việc nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Đây là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định việc thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có sức chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ Công an nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ tương đối toàn diện, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Trần Phan Bích Liễu

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả