Nâng cao hiệu quả xuất bản sách tự phát hành của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Ngày đăng: 12/09/2016 - 09:09

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là cơ quan xuất bản sách lý luận chính trị, pháp luật và tư tưởng Hồ Chí Minh nòng cốt của Đảng và Nhà nước. Hằng năm, Nhà xuất bản cho ra mắt bạn đọc trên một nghìn đầu sách, được phân theo các phương thức làm sách: sách tự phát hành, sách Trung ương đặt hàng, sách liên kết và sách quản lý phí. Trong đó, sách tự phát hành là mảng sách luôn được Nhà xuất bản chú trọng đầu tư để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và nâng cao hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

IMG 5205

Sách lý luận chính trị của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật có vị trí, vai trò quan trọng, trực tiếp truyền bá, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu kiến thức lý luận chính trị, kinh nghiệm có giá trị của các nước, góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, giáo dục, nâng cao trình độ và ý thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch.

Sách tự phát hành là một trong những phương thức xuất bản sách lý luận chính trị của Nhà xuất bản. Đây là loại sách mà Nhà xuất bản tự tổ chức từ khâu khai thác đề tài, biên tập, in ấn đến khâu phát hành. Sách tự phát hành là “hàng hóa” chính trong công tác phát hành của Nhà xuất bản, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho Nhà xuất bản hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh. Nâng cao hiệu quả xuất bản sách tự phát hành cũng là nâng cao hiệu quả xuất bản sách lý luận chính trị của Nhà xuất bản. Để có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả xuất bản sách lý luận chính trị, trước hết cần hiểu rõ các đặc tính của sách lý luận chính trị.

1. Một số đặc tính của sách lý luận chính trị

Một là, sách lý luận chính trị có vai trò tác động tích cực đến xã hội. Sách lý luận chính trị có vai trò góp phần làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao kiến thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chính trị, lý luận và pháp luật, phục vụ sự nghiệp đổi mới và hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, giá trị của một cuốn sách lý luận chính trị không thể đánh giá ngang bằng với giá thành xuất bản cuốn sách đó. Đối với xã hội, người đọc sách lý luận chính trị càng nhiều, lợi ích xã hội thu lại càng lớn. Sách trở thành nhịp cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là kênh thông tin chính thống về các vấn đề chính trị, lý luận, thực tiễn trong nước và quốc tế. Đây là một trong những cơ sở khách quan để Đảng và Nhà nước cần đầu tư cho sách lý luận chính trị.

Hai là, sách lý luận chính trị là hàng hóa đặc biệt. Sách nói chung và sách lý luận chính trị nói riêng là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc biệt. Trong cơ chế thị trường, sách là một loại hàng hóa đặc biệt - hàng hóa văn hóa. Nó cũng chịu sự chi phối của các quy luật: giá trị, cạnh tranh, cung - cầu,... Tuy nhiên, vì là hàng hóa văn hóa nên sách còn chịu chi phối bởi các yếu tố đặc thù và cũng đòi hỏi người tiêu dùng phải có một trình độ học vấn nhất định. Xét ở khía cạnh là hàng hóa văn hóa, sách có tính hai mặt khi quyết định sản xuất: với vai trò là hàng hóa thì lợi nhuận phải là mục tiêu, nhưng với vai trò là hàng hóa văn hóa thì phải coi việc phục vụ xã hội là mục tiêu hàng đầu. Tính hai mặt của sách có lúc có thể dung hòa lẫn nhau, nhưng cũng có khi không dung hòa được.

Thực tế cho thấy, các loại sách phổ thông đại chúng, chủ yếu phục vụ mục tiêu phổ cập văn hóa, giải trí... thường có thị phần lớn hơn nhiều so với thị phần của sách lý luận chính trị, vì thế, mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu xã hội trong hoạt động xuất bản sách đại chúng ít bị xung đột và mâu thuẫn hơn, dễ dung hòa được với nhau hơn. Nhưng đối với sách lý luận chính trị thì cần phải luôn lấy nhiệm vụ chính trị, tư tưởng văn hóa (mục tiêu xã hội) là hàng đầu, tiếp đến là nhiệm vụ kinh doanh (mục tiêu lợi nhuận). Trong nhiều trường hợp để thực hiện mục tiêu xã hội, sách lý luận chính trị phải bỏ qua mục tiêu lợi nhuận. Bên cạnh đó, vì sách lý luận chính trị là loại sách “kén” người đọc nên thị phần của sách lý luận chính trị thường nhỏ, phạm vi độc giả của sách lý luận chính trị tương đối hẹp.

Ba là, sách lý luận chính trị có tính chuyên biệt cao. Tính chuyên biệt của sách lý luận chính trị thể hiện ở chỗ giá trị sử dụng của nó có tính không thông dụng. Sách lý luận chính trị chứa đựng nội dung tri thức và đối tượng độc giả riêng mà các loại sách khác khó có thể thay thế. Do có tính chuyên biệt cao nên thị trường sách lý luận chính trị thường phân khúc nhỏ. Để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng độc giả có trình độ khác nhau phải có nhiều loại sách lý luận chính trị phù hợp, và như thế mỗi đầu sách thường có số lượng in không lớn. Như vậy, ngay trong từng loại sách lý luận chính trị đều có độc giả riêng mà các sách lý luận chính trị khác không thể thay thế hoặc hoán đổi. Mặt khác, ngay trong cùng loại sách lý luận chính trị cũng nảy sinh những khác biệt, đôi khi là rất lớn về ấn phẩm bởi mức độ nổi tiếng của tác giả, mức độ nghiên cứu nông hay sâu, rộng hay hẹp của cuốn sách, cách thức trình bày... Tính chuyên biệt này đã tạo không gian phát triển cho các loại sách lý luận chính trị. Ở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, sách lý luận chính trị được chia ra thành các mảng như: sách kinh điển, sách văn kiện Đảng, sách viết về Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh, sách về các lãnh tụ, sách về các nhân sĩ, trí thức, sách pháp luật và quản lý nhà nước, sách về các vấn đề quốc tế, sách kinh tế, sách lịch sử, sách địa chí, sách về tôn giáo, dân tộc, sách về chủ quyền biển đảo, sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn,...; trong mỗi loại sách kể trên còn có thể phân loại chi tiết hơn.

Bốn là, nhu cầu sách lý luận chính trị có tính co giãn lớn. Thực tế cho thấy, nhu cầu về sách nói chung và sách lý luận chính trị nói riêng có tính co giãn lớn vì nó không phải là thứ hàng hóa cần thiết không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật, phản ánh nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của con người, ví dụ nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại... Nhu cầu sách lý luận chính trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ dân trí, yêu cầu nâng cao nhận thức, năng lực công tác,… của cán bộ, đảng viên và bạn đọc nói chung. Điều này tác động trực tiếp đến thị trường sách lý luận chính trị, từ đó khiến cho kế hoạch biên tập, in, phát hành sách lý luận chính trị cũng có tính co giãn khá lớn.

Năm là, tính hiệu lực của sách lý luận chính trị. Sách nói chung và sách lý luận chính trị nói riêng đều có tính hiệu lực. Nhu cầu của độc giả đối với sách lý luận chính trị, xét cho cùng là nhu cầu về thông tin, tri thức trong sách. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội nước ta không ngừng phát triển, vì vậy, nhu cầu của độc giả về thông tin tri thức mới, những vấn đề mới nảy sinh từ đòi hỏi của thực tiễn; những vấn đề mang tính chiến lược, dự báo,… đòi hỏi nội dung sách lý luận chính trị phải thay đổi. Đó chính là tính hiệu lực có liên quan tới nội dung của sách lý luận chính trị.

IMG 6658

2. Một số giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả xuất bản sách tự phát hành của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Từ sự phân tích một số tính chất, vai trò của sách lý luận chính trị đã đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả xuất bản sách lý luận chính trị nói chung, đặc biệt là mảng sách tự phát hành nói riêng của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Một số giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả xuất bản sách tự phát hành, đó là:

Thứ nhất, củng cố và nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với Nhà xuất bản bởi năng lực nghiên cứu thị trường được nâng cao sẽ cung cấp các thông tin khách quan, chính xác, kịp thời về nhu cầu sách và những yếu tố tác động đến nó. Nhu cầu sách có tính co giãn lớn cùng với nhiều yếu tố tác động, để tiệm cận gần đến nhu cầu thật của thị trường sách cần phải củng cố và nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường, cung cấp những thông tin thị trường cần thiết, đầy đủ để phục vụ công tác xác định đề tài tổ chức xuất bản sách. Muốn vậy, bộ phận nghiên cứu thị trường cần nắm chắc và vận dụng sáng tạo các quy định của Đảng, Nhà nước về xuất bản, bám sát việc triển khai các hoạt động, sự kiện chính trị và tuyên truyền văn hóa; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập, biến động giá cả; ảnh hưởng sâu sắc của các loại hình truyền thông đa phương tiện, công nghệ mới, ngành nghề mới; hiểu biết thấu đáo từng phân khúc thị trường, từng đối tượng độc giả...

Thứ hai, củng cố và nâng cao tính định hướng của kế hoạch đề tài. Tính định hướng của kế hoạch đề tài hiện nay cần các đề tài có nội dung phản ánh trực diện những sự kiện chính trị - xã hội trong nước và quốc tế đã và đang diễn ra, nhất là những vấn đề nóng được đông đảo bạn đọc quan tâm. Trên thực tế các cuốn sách lý luận chính trị đáp ứng được yêu cầu này thường bán chạy. Tập trung hơn nữa vào mảng đề tài đáp ứng được những vấn đề cơ bản, bức xúc do thực tiễn đặt ra và yêu cầu nhiều mặt của công tác chính trị, tư tưởng. Khai thác, phát triển các mảng sách chính trị, pháp luật, loại sách công cụ, cẩm nang, kỹ năng nghiệp vụ, cầm tay chỉ việc, kiến thức chính trị phổ thông,… Bên cạnh việc thay đổi nội dung thông tin, hình thức của sách cũng cần định hướng thay đổi như: trình bày hấp dẫn hơn, số trang in ít hơn, nội dung thông tin truyền tải qua hình ảnh minh họa được chú trọng hơn, khổ sách đa dạng hơn,... Mặt khác, do thị trường sách lý luận chính trị có phân khúc nhỏ nên ngoài các đề tài phục vụ chung cho đông đảo bạn đọc, cần thiết có các nhóm (mảng sách, tủ sách) phục vụ cho đối tượng bạn đọc cụ thể, như: tủ sách dành cho doanh nhân, tủ sách dành cho nhà quản lý, tủ sách “Luật sư của bạn”, v.v..

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác tác giả - cộng tác viên

Công tác tác giả - cộng tác viên là khâu then chốt trong hoạt động biên tập xuất bản. Để có nhiều đầu sách tốt, sách hay đáp ứng nhu cầu bạn đọc thì nhân tố quyết định là lực lượng tác giả, cộng tác viên - cha đẻ của những đứa con tinh thần. Nhà xuất bản nói chung và cá nhân biên tập viên cần thực hiện tốt công tác cộng tác viên thông qua các công việc như: Tích cực, chủ động tìm chọn các tác giả, cộng tác viên có uy tín, có trình độ chuyên môn cao gắn bó chặt chẽ, lâu dài với Nhà xuất bản để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn bản thảo và hiệu quả của công tác cộng tác viên. Tổ chức có chọn lọc các hội nghị cộng tác viên, hội thảo khoa học nhằm phong phú hóa lượng thông tin phục vụ việc lựa chọn, khai thác đề tài. Tổ chức các sự kiện, hoạt động để khẳng định, tôn vinh, quảng bá các giá trị trí tuệ - tinh thần - sáng tạo của sách và tác giả, tạo nên sự đồng cảm, quý trọng của người đọc đối với sách, với tác giả. Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, áp dụng quy định trả nhuận bút thỏa thuận để bảo đảm lợi ích của tác giả, cộng tác viên và Nhà xuất bản; đồng thời, xây dựng quỹ nhuận bút để có thể đầu tư đặt tác giả, cộng tác viên viết/dịch những đề tài/vấn đề mà Nhà xuất bản thấy có hiệu quả cả về chính trị lẫn kinh tế.

Thứ tư, củng cố và nâng cao năng lực tổ chức bản thảo. Năng lực tổ chức bản thảo là yêu cầu nhất thiết đối với biên tập viên. Vì vậy, đội ngũ biên tập viên cần phải được nâng cao trình độ, bổ sung những phẩm chất và năng lực phù hợp với yêu cầu mới. Ngoài những yêu cầu cơ bản, người biên tập viên phải có tư duy thị trường, năng lực tổ chức, có khả năng giao tiếp để huy động tác giả - cộng tác viên làm bản thảo. Nắm bắt nhu cầu thị trường, chủ động cùng tác giả tổ chức bản thảo, gắn bó với tác giả với tư cách vừa là người biên tập, vừa là người đồng hành cùng tác giả trong toàn bộ quá trình xây dựng bản thảo để có được ấn phẩm chất lượng cao. Đầu tư thời gian, công sức để gia công bản thảo đạt chất lượng tốt nhất, đồng thời chủ động tham gia các công tác giới thiệu, quảng bá tác phẩm đến bạn đọc, từ đó đóng góp hiệu quả trong việc tôn vinh thương hiệu của Nhà xuất bản.

Thứ năm, củng cố và cơ cấu lại hệ thống khách hàng. Trên cơ sở hệ thống khách hàng hiện có cần củng cố và hệ thống lại theo hướng phân hệ thống khách hàng thành các nhóm khách hàng có đặc trưng giống nhau hoặc tương tự nhau. Đây là giải pháp rất quan trọng trong chiến lược phát triển của Nhà xuất bản. Củng cố và cơ cấu lại hệ thống khách hàng sẽ mang lại những lợi ích sau đây cho Nhà xuất bản: 1) Giúp Nhà xuất bản phát hiện cơ hội kinh doanh, xác lập khách hàng mục tiêu; 2) Giúp Nhà xuất bản nâng cao khả năng cạnh tranh, điều chỉnh kịp thời cơ cấu các loại sách, thay đổi hình thức phát hành; 3) Giúp Nhà xuất bản đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng khách hàng khác nhau và liên tục thay đổi; 4) Giúp Nhà xuất bản nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thứ sáu, xác lập lại mối quan hệ đối tác giữa các ban biên tập và đơn vị phát hành. Mọi công đoạn của hoạt động biên tập suy cho cùng thể hiện kết quả ở khâu phát hành, tiêu thụ sách. Vì vậy, cần xác lập lại mối quan hệ giữa các ban biên tập và đơn vị phát hành theo mối quan hệ đối tác có phân định lợi ích rõ ràng. Các ban biên tập chủ động trao đổi với đơn vị phát hành về nội dung sách, đối tượng bạn đọc, phối hợp với phát hành quyết định số lượng in, các thống số kỹ thuật của sách, bám sát tình hình tổ chức in và tiêu thụ sách của mình, v.v.. Đồng thời, các đơn vị phát hành cũng chủ động trao đổi lại với các ban biên tập về các thông tin của thị trường như: phản hồi của khách hàng đánh giá về loại sách, thị hiếu của khách hàng, các đầu sách bán chạy, nhu cầu về từng loại sách, giá giấy công in, giá sách, hình thức bìa và khổ sách, tiến độ ra sách, v.v.. Các thông tin thị trường cần trở thành dữ liệu dùng chung cho các ban biên tập để tạo động lực tổ chức, khai thác đề tài.

Thứ bảy, đẩy mạnh việc chuyển hoạt động theo mô hình doanh nghiệp của các đơn vị phát hành. Việc chuyển hoạt động của các đơn vị phát hành theo mô hình doanh nghiệp là giải pháp hữu hiệu để giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh. Việc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp buộc các đơn vị phát hành phải nâng cao năng lực quản trị, sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn, chú trọng tính kế hoạch, tính chuyên nghiệp, tổ chức lại lao động hợp lý, quan tâm đến tính thiết thực, hiệu quả, năng động tìm tòi, đổi mới phương thức phát hành, đẩy mạnh khâu bán ra, giảm tối đa tồn kho, tiết kiệm chi phí quản lý, v.v.. Cùng với việc phân cấp quản lý thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị phát hành được chủ động hơn trong việc tổ chức triển khai kế hoạch, khai thác nguồn hàng, quyết định linh hoạt mức chiết khấu cho phép, làm tốt công tác chăm sóc khách hàng...

Thứ tám, tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Nhà xuất bản, tiếp thị các xuất bản phẩm. Mục đích của công táctuyên truyền, quảng bá hình ảnh Nhà xuất bản, tiếp thị các xuất bản phẩm là nhằm giới thiệu hình ảnh và các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản cho khách hàng, làm cho khách hàng quan tâm, chú ý đến, quen biết và có thiện cảm với Nhà xuất bản và các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản. Từ đó thu hút, lôi cuốn khách hàng đến với Nhà xuất bản và mua sách của Nhà xuất bản. Điều đó yêu cầu tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Nhà xuất bản, tiếp thị các xuất bản phẩm bằng việc tiến hành thường xuyên để tác động lâu dài đến khách hàng, đồng thời cần tiến hành gắn liền với thời kỳ trước và trong khi cung cấp các loại sách; chú ý chuẩn bị kỹ trước khi tham gia các triển lãm, hội chợ sách, hội thi sách hay, sách đẹp...

Thị trường xuất bản phẩm ngày càng sôi động với sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật với vai trò là cơ quan xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật và tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng và Nhà nước, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất bản sách lý luận chính trị nói chung và mảng sách tự phát hành nói riêng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh, nâng cao năng lực xuất bản của Nhà xuất bản trong cơ chế thị trường.

QUANG DUY

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

Bình luận