Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và thành tựu lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII

Ngày đăng: 14/09/2016 - 14:09

Để góp phần làm rõ hơn nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và những kết quả bước đầu của quá trình triển khai thi hành Hiến pháp, đưa Hiến pháp vào cuộc sống, tập thể tác giả gồm các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã biên soạn và phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và thành tựu lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

hop-quoc-hoi20101-1448583639817

Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và chủ quyền của quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật. Trong suốt chặng đường 70 năm lịch sử, Quốc hội đã thông qua 5 bản Hiến pháp. Đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Hiến pháp năm 2013. Mỗi bản Hiến pháp đánh dấu chặng đường xây dựng và trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam cho từng giai đoạn phát triển đất nước, làm nền tảng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Hien phap 2013NhoCuốn sách Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và thành tựu lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII không chỉ giới thiệu những giá trị cốt lõi của Hiến pháp năm 2013 và việc cụ thể hóa Hiến pháp trong các luật, pháp lệnh mà còn nêu lên những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thực tiễn triển khai thi hành Hiến pháp.

Cuốn sách hướng tới phục vụ các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách pháp luật và bạn đọc rộng rãi có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Hiến pháp và việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Cuốn sách gồm 7 chương:

Chương I đề cập bối cảnh ra đời, quan điểm chỉ đạo và những nội dung cốt lõi của Hiến pháp năm 2013. Nội dung chương này phân tích, khẳng định Hiến pháp năm 2013 ra đời trong bối cảnh đời sống kinh tế, chính trị - văn hóa, xã hội của đất nước có nhiều thay đổi. Nhờ những thành tựu phát triển kinh tế trong nhiều năm liền, vị thế của nước Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra yêu cầu cần đổi mới thể chế kinh tế một cách căn bản và toàn diện, hoàn thiện thể chế chính trị bảo đảm cho nước ta phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Yêu cầu này đã đặt ra nhu cầu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001.

Chương II đề cập chế độ chính trị. Cuốn sách khẳng định Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước phát triển mới về mặt lý luận và thực tiễn về chế độ chính trị ở Việt Nam, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thể hiện nhất quán quan điểm đề cao nguyên tắc: “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”; “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Chương III đề cập các vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cuốn sách nêu bật những thành tựu của Hiến pháp năm 2013 trong việc ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cuốn sách khẳng định Hiến pháp năm 2013 đã làm sâu sắc hơn các nội dung, quan điểm về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được thể hiện trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định quan điểm nhất quán của Nhà nước ta trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người phù hợp với những thành tựu của quá trình hơn 25 năm đổi mới, phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, xử lý hài hòa mối tương quan giữa quyền con người và quyền công dân, giữa quyền công dân và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp; khẳng định mối quan hệ giữa quyền con người, quyền công dân và chủ quyền quốc gia.

Chương IV đề cập các vấn đề kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Cuốn sách đề cao giá trị to lớn của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; gắn phát triển kinh tế với xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm công bằng xã hội; phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; xây dựng và phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chương V khẳng định, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về quốc phòng, an ninh, kế thừa và phát huy các giá trị của các Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân; nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước là củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Chương VI đề cập bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng như Hiến pháp của các nước trên thế giới, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là vấn đề trọng tâm của Hiến pháp năm 2013. Chương này tập trung làm rõ thành tựu của Hiến pháp năm 2013 trong việc xác lập nền tảng pháp lý cơ bản cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước và việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp bằng các văn bản luật quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Chương VII của cuốn sách đề cập công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cuốn sách khẳng định, ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, việc tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, tập huấn về nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và được các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai kịp thời. Việc tổ chức thi hành Hiến pháp cũng được phát động trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và toàn thể Nhân dân.

Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, toàn thể Nhân dân trong quá trình tổ chức triển khai phổ biến, tuyên truyền, thi hành Hiến pháp năm 2013; là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy pháp luật bậc đại học, sau đại học trên phạm vi cả nước.

Việt Hạnh

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả