Hình tượng rồng trong văn hóa phương Đông
Rồng phương Đông là một hình ảnh có tính tổng hợp, được tạo thành cách nay hàng ngàn năm trên cơ sở tập hợp nhiều yếu tố khác nhau của một số loài động vật hay các hiện tượng tự nhiên, trong đó nguyên mẫu chính là rắn hoặc cá sấu. Trong lịch sử văn hóa một số dân tộc phương Đông như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, và Việt Nam, rồng trở thành biểu tượng của cái đẹp, quyền lực, sự may mắn, sự phồn vinh, sự phát triển và cả điêu tàn, có khi trở thành đại biểu của các thế lực siêu nhân, thần bí, có sức mạnh vô cùng, cũng có khi là đại diện của vương quyền thế tục.
Cuốn sách Hình tượng rồng trong văn hóa phương Đông là công trình nghiên cứu công phu của tác giả Nguyễn Ngọc Thơ, người trực tiếp tiếp cận văn hóa các quốc gia và lãnh thổ như: Trung Quốc, Đài Loan, Mailaixia, Hàn Quốc có biểu tượng rồng. Nội dung cuốn sách với tài liệu phong phú cùng rất nhiều hình ảnh minh họa, luận chứng sâu sắc và chặt chẽ. Tác giả đã làm rõ vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của biểu tượng rồng trong văn hóa phương Đông từ lịch sử đến đương đại, từ tầng lớp vua, quan, quý tộc đến tầng lớp bình dân.
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu về hình tượng con rồng cũng thường xuyên được các nhà khoa học nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng chưa có một tác phẩm bao quát. Một số tác phẩm bài báo thể hiện ở tiêu đề, chủ yếu phân tích giải thích nguồn gốc, ý nghĩa hoặc ảnh hưởng của rồng Việt Nam đối với văn hóa nước nhà và khu vực Đông Nam Á. Đối với rồng các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, giới khoa học nghiên cứu về hình tượng rồng cũng có nhiều công trình nghiên cứu về sự bản địa hóa của hình tượng con rồng sau khi được du nhập từ Trung Hoa cách đây hàng nghìn năm, trong đó có giải thích sự khác biệt giữa rồng địa phương và rồng Trung Hoa. Ở hầu hết các nước Đông Á và Đông Nam Á đều có những tác phẩm và bài nghiên cứu về hình tượng con rồng. Họ ít nhiều đã phác họa nên bức tranh phong phú về các bình diện của con rồng phương Đông, mà ở đó, mỗi quốc gia, dân tộc đều ít nhiều góp phần làm sáng tạo cho hình tượng con rồng mà mình sở hữu ngày càng đặc sắc hơn. Ở phương Tây, một số tác giả cũng đã bàn đến rồng phương Đông nhưng chỉ ở mức độ giới thiệu chung hoăc chỉ nêu ý nghĩa, ảnh hưởng của rồng trong văn hóa Trung Hoa.
Trong Chương I: Rồng phương Đông - những vấn đề chung, tác giả nghiên cứu về lịch sử xuất hiện hình tượng con rồng hàng nghìn năm, một loại linh vật đã thu hút nhiều nhà khoa học đi sâu tìm hiểu và đề xuất các lý thuyết khác nhau để giải thích về chúng. Nhiều học giả và những người đại diện cho giai cấp quý tộc Trung Hoa đã đưa ra những lời giải thích nguồn gốc mang tính áp đặt nhằm tạo nên sự sùng bái hình tượng con rồng, sùng bái vua chúa (người tự cho mình là duy nhất có quyền sử dụng hình tượng con rồng) trong dân chúng thời chiếm hữu nô lệ và phong kiến Trung Hoa. Tại thời điểm đó ở các nước lân cận như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á... cũng có hình tượng con rồng.
Để làm rõ hơn về hình tượng rồng phương Đông tác giả đã nghiên cứu phân tích trong Chương II: Phân loại rồng Trung Hoa. Rồng trong lịch sử văn hóa Trung Quốc xuất hiện cách đây hơn 8.000 năm; là con vật may mắn do người nguyên thủy sáng tạo ra, qua thời gian hình tượng của nó không ngừng thay đổi. Qua các di chỉ khảo cổ có từ thời đồ đá cũ và mới được tìm thấy ở khắp lãnh thổ Trung Quốc đã cho thấy hình tượng rồng trong văn hóa nguyên thủy Trung Hoa đã thể hiện tính đa nguyên ở từng địa phương khác nhau. Lịch sử tồn tại nhiều bộ lạc nguyên thủy trên lãnh thổ Trung Quốc đã sáng tạo ra nhiều chủng loại rồng nguyên thủy khác nhau về hình dáng lẫn con vật gốc.
Trên cơ sở kết hợp các tài liệu khác nhau với các tiêu chí khác nhau, tác giả đưa ra một hệ thống phân loại, có 11 tiêu chí tương đối tỉ mỉ về rồng phương Đông: 1) Nguyên mẫu, 2) Cấu tạo hình dáng, 3) Môi trường sống, 4) Hình thức thể hiện, 5) Số ngón chân, 6) Đối tượng kết hợp với rồng, 7) Màu sắc, 8) Đặc tính thiện - ác, 9) Tính tình, 10) Giới tính, 11) Chất liệu. Trong tiêu chí Chất liệu, rồng phương Đông chia ra làm 5 loại: 1) Kim long: hay còn gọi là thiết long, thường dùng làm vật trang trí cho các công trình; 2) Thổ lông: tên gọi của bờ đi ngoài đồng ở Trung Quốc, tên con giun đất; 3) Mộc long: dùng để trang trí cho các công trình kiến trúc; 4) Ngọc long: thường là các sản phẩm trang sức và trang trí trong cung đình; 5) Thạch long: thường được trang trí cho các công trình kiến các công trình kiến trúc, các công trình công cộng. Ở tiêu chí Giới tính thì có nghĩa là rồng đực (đuôi có hạt châu) và rồng cái (đuôi có hoa văn). Tiêu chí Tính tình thì có các loại rồng: 1) Quai long: rồng lanh lợi; 2) Si long: rồng ngu đần; 3) Hỏa long: rồng nóng nảy; 4) Trập long: rồng thích ẩn mình.
Trong Chương III: Rồng Trung Hoa qua tiến trình lịch sử và ảnh hưởng của nó. Theo chiều dài lịch sử Trung Hoa, sự xuất hiện và phát triển của hình tượng con rồng được trải qua chín giai đoạn: Thời nguyên thủy; Thời Hạ - Thương - Chu; Thời Xuân Thu - Chiến Quốc; Thời Tần - Hán; Thời Tam quốc - Ngụy - Tấn - Nam Bắc triều; Thời Tùy - Đường; Thời Tống - Nguyên; Thời Minh - Thanh; Thời hiện đại. Sự thay đổi không ngừng của các thời đại phong kiến cũng là yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của rồng.
Thời nguyên thủy, là giai đoạn hình thành hình tượng rồng. Ban đầu, rồng Trung Hoa có hình dáng sơ sài, song thể hiện nguồn gốc kết hợp giữa rắn và các động vật khác. Hình tượng rồng Trung Hoa nguyên thủy có quan hệ mật thiết với nước. Sự xuất hiện và định hình của hình tượng con rồng nguyên thủy đã khởi nguồn cho quá trình phát triển của nghệ thuật rồng về sau.
Sang đến thời nhà Hạ - Thương - Chu rồng đã thâm nhập sâu vào đời sống tâm linh người dân. Vào thời kỳ này, rồng đã bắt đầu xuất hiện mầm mống của sự phân hóa giai cấp tuy chưa rõ nét. Rồng trong truyền thuyết vẫn còn được xem như một vật cưỡi của các vị thần thánh, hoàng đế, nghĩa là rồng vẫn chưa dứt khỏi ý nghĩa ma thuật. Việc các hoàng đế cưỡi rồng cũng cho thấy sự gắn kết khởi đầu của rồng với vương quyền trong xã hội đương thời. Nhưng sau thời Tây Chu, hình ảnh; rồng lại được đan xen nhau ở thời Thương đã được thay bằng hình tượng rồng phụng nằm đối xứng nhau, hoặc nối tiếp một cách có trật tự. Sự thay đổi bố cục này đã làm cho họa tiết đơn giản hơn, rõ nét hơn và sinh động hơn. Rồng là biểu tượng của may mắn nên thời đại này hình ảnh rồng đã được để trang trí vào các vận dụng như bình rượu, lư đồng, cửu đỉnh...
Thời Xuân Thu - Chiến Quốc hình tượng của rồng đã đánh dấu một bước phát triển sinh động trong phong cách và tạo hình rồng, thể hiện sự tự do trong cách thể hiện, nhất là các loại rồng có nhiều nguyên mẫu khác nhau. Đây là giai đoạn trong nghệ thuật, hình tượng rồng đã có những đóng góp nhất định, tạo cơ sở để nghệ thuật rồng thăng hoa trong các giai đoạn tiếp theo.
Họa tiết của rồng đã rõ nét hơn, sinh động, dũng mãnh và uy nghiêm hơn khi chúng đã được vương quyền ở thời Tần - Hán. Phạm vi ứng dụng của hình tượng rồng cũng rộng lớn hơn trước. Ngoài các vật dụng trang trí, đồ đồng, đồ dùng gia đình có chạm khắc hình rồng thì các vật dụng hoàng gia, ấn vua... cũng được khắc hình rồng.
Ở thời Thời Tam quốc - Ngụy - Tấn - Nam Bắc triều, rồng Trung Hoa đã thực sự được dân gian hóa, tồn tại song song với hình tượng rồng cung đình, màu sắc mê tín tăng thêm do được dân gian sùng bái như những linh vật cứu nạn. Sự phát triển của hình tượng rồng trong giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc củng cố và hoàn chỉnh hình tượng rồng trong thời kỳ sau.
Có thể nói, hình tượng rồng Trung Hoa thời Tùy - Đường đã đạt đến trình độ phát triển hoàn hảo về hình dáng cấu tạo cũng như chủng loại và phạm vi ứng dụng. Điều này còn thể hiện bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật trang trí rồng phụng của người Trung Hoa lúc bấy giờ.
Bước sang thời Tống - Nguyên là sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh con rồng Trung Hoa và Phật Tích Ca một lần nữa khẳng định sự hòa hợp hoàn hảo giữa hai yếu tố nội - ngoại sinh trong văn hóa rồng phụng Trung Hoa. Đây là thời kỳ mà giai cấp phong kiến thắt chặt quyền sở hữu, sử dụng hình ảnh rồng trong dân gian một cách khốc liệt. Do vậy, cùng với rồng cung đình, các dạng rồng dân gian được biến thể (mãng xà, rồng ba ngón, bốn ngón, rồng không sừng...) trở nên phổ biến ở thời kỳ này.
Ở thời Minh - Thanh thì hình tượng rồng là sự tôn sùng của giai cấp thống trị, họ phân hóa thành hai loại rồng chính: rồng hoàng gia và rồng (mãng xà) trong dân gian, đồng thời tạo nên sự khác biệt về các bộ phận cấu tạo của rồng như số ngón, sừng... Ở thời kỳ này, các công trình kiến trúc đồ sộ, các tác phẩm, các dụng cụ có sử dụng hình tượng rồng xuất hiện lúc bấy giờ đã góp phần chứng tỏ sự thăng hoa trong nghệ thuật rồng giai đoạn này.
Sang đến thời hiện đại, hình tượng rồng được cách tân mang dáng vẻ hiện đại, được sử dụng trong nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ, hội họa. Có thể nói ở thời hiện đại rồng đã thể hiện đầy đủ các thuộc tính của rồng Trung Hoa. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển biểu tượng rồng trong dân gian Trung Hoa dùng để so sánh các nhân vật kiệt xuất, có đóng góp cho sự phát triển của dân tộc. Sự tôn sùng ấy vừa thể hiện lòng biết ơn những người có công vừa thể hiện tầm quan trọng của rồng trong tâm thức của mình.
Nghệ thuật trong văn hóa phương Đông không thể không nhắc đến hai quốc gia Triều Tiên và Nhật Bản. Chương IV: Rồng Triều Tiên và rồng Nhật Bản. Rồng trong văn hóa Triều Tiên được gọi là yong (đồng nghĩa với từ long trong âm Hán Việt), được phân thành ba chủng loại chính: 1) Yong là loại rồng siêu việt bảo vệ bầu trời; 2) Yo là rồng không sừng canh giữ đại dương; 3) Kyo cư ngụ trên những rặng núi. Rồng trong văn hóa Triều Tiên thông thường có thân dài, nhìn chúng khá giống như rồng Trung Hoa nhưng có bộ ria dài hơn, chân có bốn móng vuốt nhọn, mắt giống mắt thỏ, bụng giống ếch và tất cả có 81 vẩy trên thân. Trong so sánh với bản chất nội tạng của rồng và các linh vật khác, rồng trong văn hóa Triểu Tiên bản chất dương tính.
Trong thần thoại thì rồng Triều Tiên chủ yếu được xem như những linh vật nhân từ gắn liền với môi trường nước và nông nghiệp, là những sứ giả mang mây và mưa đến cho chúng dân. Người Triều Tiên tin rằng rồng cư trú ở sông, hồ, đại dương, hoặc thậm trí ao sâu trên núi, sẵn sàng ban phát phúc lành cho dân chúng. Biểu tượng rồng đã được sử dụng rộng rãi cả trong thần thoại lẫn nghệ thuật kim cổ. Và là vật biểu tượng cho vua, hoàng gia và các tầng lớp quan lại triều đình phong kiến Triều Tiên. Các cung điện hoàng gia, lầu các, đền đài, đình miếu được tìm thấy với hàng chục họa tiết rồng, đầu rồng. Rồng được chạm trên mái ngói ở Hàn Quốc, trong một trường nghĩa nào đó, là biểu trưng khiêm tốn của một chiến binh bảo vệ hòa bình cho cả thế giới nhân sinh lẫn thế giới siêu hình. Vì vậy, rồng trong văn hóa Triều Tiên là biểu trưng của tinh thần yêu nước.
Nói đến hình tượng rồng trong trong lịch sử Nhật Bản đó là sự gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa dân gian. Xuyên suốt lịch sử Nhật Bản cổ trung đại, hầu như mỗi ngôi chùa Nhật Bản đều có tạc, chạm, khắc (gỗ, kim loại) hay vẽ hình rồng làm linh vật trang trí. Rồng Nhật Bản có hai màu chính là xanh (thanh long) ÂÂÂ và đen (hắc long). Thanh long tượng trưng cho phái đẹp, quý phái, trong khi hắc long biểu trưng của may mắn do nhân dân có niềm tin hắc long là loài rồng tạo mưa, cho vạn vật phồn sinh. Hình ảnh rồng đúc đồng hay chạm khắc bằng gỗ tại các đền chùa khác nhau trong gần như hầu hết các tỉnh, thành Nhật Bản gợi nhớ cho chúng ta những ước vọng đơn sơ nhưng cao quý của chúng dân: sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa. Người Nhật tin rằng những người sinh vào năm rồng là người khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng... Trong xã hội Nhật Bản, rồng có mặt trong cả hai bình diện văn hóa cung đình - quý tộc và văn hóa dân gian. Trong văn hóa cung đình, rồng là biểu trưng tôn ti, thứ bậc, của quyền uy, được gắn với hiện thân của thiên hoàng.
Trong văn hóa Việt Nam, rồng hình thành từ tư duy tổng hợp của cư dân nông nghiệp Việt cổ trên nền tảng tâm lý mong muốn được chế ngự tự nhiên, vươn lên làm chủ vận mệnh của chính mình. Nội dung trong Chương V: Rồng trong văn hóa Việt Nam. Như nhiều quốc gia, dân tộc Đông Á khác, Việt Nam cũng là đất nước của những con rồng. Rồng là biểu tượng văn hóa có độ phổ biến vào loại cao nhất ở Việt Nam. Khởi nguồn từ rồng cá sấu, trải qua quá trình giao lưu với văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, rồng Việt Nam dần định hình là rồng thân rắn, tùy từng thời kỳ lịch sử được khoác lên màu sắc của Phật giáo hay Nho giáo, cuối cùng quay trở về với dân gian, hiện diện như một biểu trưng của sự sinh sôi, của sự thánh thiện, của cái đẹp và của sự quyền quý. Rồng Việt Nam gắn liền cùng tâm thức dân tộc Việt, luôn mãi đi tìm hình dáng và ý nghĩa phù hợp nhất cho từng thời đại, luôn vận động biến đỏi như thể sự vận động, biến đổi không ngừng ấy là một thể hiện sống động của bản sắc văn hóa Việt Nam.
Hình tượng con rồng Việt Nam mang đầy đủ hai nét đặc trưng cơ bản của tư duy nông nghiệp là tổng hợp và linh hoạt; là kết quả tổng hợp những đặc điểm của con cá sấu (đầu, vảy, chân) và con rắn (thân dài); sinh ra ở dưới nước nhưng rồi bay lên trời; bay lên trời nhưng không có cánh; miệng có thể vừa phun nước phun lửa. Hơn nữa biểu tượng của rồng đã được lưu lại trên nhiều kiến trúc dân gian như tích đình miếu, chùa chiền ở Bắc Bộ và Nam Bộ cũng như trên các cung điện hoàng thành ở Hà Nội, Huế có sự hiện diện của hổ phù, thường được thể hiện bằng hình ảnh mặt rồng hổ, có hai chi trước xòe ra hai bên, mắt nhìn trực diện, dáng vẻ oai vệ, uy nghiêm. Rồng hổ phù mang nhiều ý nghĩa, báo hiệu phạm vi không gian của hoàng tộc, của thần thánh; uy lực của hoàng tộc, thần thánh; quan niệm triết học nhân sinh âm dương, sinh tử chuyển hóa. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy nguồn gốc xa xưa nhất của rồng hổ phù là biểu tượng của Rahu trong văn hóa Ấn Độ, theo diễn trình giao lưu văn hóa ở Việt Nam, đã được truyền bá trực tiếp (từ Ấn Độ sang) hay gián tiếp (qua Trung Hoa) và diễn hóa thành rồng hổ phù trong văn hóa Việt. Rồng hổ phù gắn với cung đình khá phổ biến trong văn hóa Đông Á từ Trung Hoa sang Triều Tiên và Việt Nam, trên đầu thường có khắc chữ vương hay chữ đế làm tín hiệu, được trang trí mày vàng hay đỏ, ngự trị ngay vị trí trung tâm của nóc cung điện hay cổng thành. Rồng hổ phù còn được mở rộng thành biểu tượng của tầng lớp võ quan, được khắc trên áo giáp hay khiên, lúc bình thường được treo trên cột, trên tường, khi xung trận làm ám hiệu điều binh khiển tướng.
Trải qua các thời kỳ lịch sử biểu tượng con rồng ở Việt Nam cũng có nhiều thay đổi và mang tính kế thừa. Ở thời đại Hùng vương rồng là một linh vật thân dài có vẩy như vẩy như cá sấu, được chạm trên các đồ đồng, đặc biệt là trên trống đồng. Thời kỳ chống Bắc thuộc, văn hóa Trung Hoa được nhà cầm quyền phương Bắc chủ động đưa vào Việt Nam, theo đó mô típ rồng thú thân ngắn vốn rất quen thuộc với vùng văn hóa phía bắc Trung Quốc đã xuất hiện ở Việt Nam. Tiêu biểu là biểu tượng rồng trên gạch ngói tìm thấy ở Cổ Loa có niên đại thời Ngô (936-965). Ở thời nhà Lý rồng thể hiện rõ nguồn gốc thoát thai từ hình dạng rắn, qua giao thoa với văn hóa Ấn Độ - Đông Nam Á và văn hóa Trung Hoa dần định hình. Rồng thời Lý thường được tạo tác đầu ngẩng cao, miệng há rộng đớp viên ngọc để lộ hai hàm răng nhọn, răng nanh dài tỳ vào mũi như cái mào, bờm và râu dài uốn lượn bay về phía đuôi. Thân rồng dài, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp, thân trơn không có vảy, bờm đầu rồng dài, dốc ngược ra sau. Bụng rộng dạng bụng rắn, có bờm bay dốc ngược lên trên, có bốn chân, mỗi chân có ba ngón nhô ra phía trước. Chân rộng có dạng chân chim, cả bốn chân đều có khuỷu phía sau. Từ mũi thoát ra mào lửa. Trên trán rồng có một hoa văn giống hình chữ "S", tượng trưng cho sấm sét, mây mưa. Hình tượng rồng thời Lý mang đậm nét dân gian, bình dị, chất vị tha Phật giáo, gần gũi với hình tượng rắn than naga ở Đông Nam Á. Sang thời nhà Trần hình tượng rồng vẫn giữ dáng dấp như thời nhà Lý, với các đường cong tròn nối nhau, các trước lớn, các khúc sau nhỏ dần và kết thúc như đuôi rắn nhưng mang đường nét phóng khoáng, khỏe khoắn hơn. Thân rồng uốn lượn khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Đầu rồng có dáng tạo tác đơn giản, răng nanh phía trước khá lớn, vắt qua sóng vòi. Miệng rồng há to, ngậm quả cầu. Đầu rồng xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay, chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp. tư thế vươn về phía trước khá lớn, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa, vảy lưng có dạng hình răng lớn, nhọn, đôi khi từng chiếc vẩy được chia thành hai tầng. Cách thể hiện rồng không chịu những quy định khắt khe như thời Lý. Tạo dáng rồng thời Lê (thế kỷ XV) hoàn toàn khác biệt với rồng thời Lý - Trần trước đó. Thân rồng có xu hướng ngắn lại, tư thế đa dạng, phong phú hơn. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Răng nanh rồng mọc dài lên phía trên và uốn xoắn thừng ở gốc. Lông mày rồng được kéo dài chếch lên phía sau, sừng rồng chĩa thành hai chạc, đầu sừng cuộn tròn. Cổ rồng thường nhỏ hơn thân, giống như cổ rắn. Thân rồng uốn lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn, quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Rồng thời nhà Mạc có thân mập, uốn lượn đều đặn, bờm kéo dài uốn theo xuống nửa lưng, mây đao lửa điểm xuyết trên thân, sóng cuộn dưới bụng, chân ngắn, lông khuỷu sợi đơn uốn xoắn. Đầu rồng có sừng hai chạc, hai mắt lồi ra, mũi sư tử, mồm hình thú nhô ra phía trước. Đến cuối thế kỷ XVII, sang thế kỷ XVIII, khi chế độ phong kiến lấy Nho giáo làm tư tưởng trọng tâm đã suy tàn cũng là lúc hình tượng rồng không còn mang vị trí độc tôn, thay vào đó rồng đã được cách điệu theo hướng dân gian hóa để hội nhập dân gian, thể hiện những khát vọng bình dị của dân gian như: mưa thuận gió hòa, sinh sôi nảy nở, an lành hạnh phúc. Triều đại cuối cùng ở Việt Nam là Nguyễn biểu tượng rồng có mắt mở to, mũi lồi giống sư tử, miệng to. Thân rồng không dài ngoằn, uốn lượn với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu, có nhánh phụ cùng chĩa ngược ra sau. Vây trên lưng rồng có tia, thân cuộn hoa văn lửa hoặc mây, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên.
Có thể nói rồng trong tương quan với rồng Đông Á, rồng Việt Nam tuy hạn chế về chủng loại nhưng lại đa dạng, phong phú về hình thức thể hiện, và đặc biệt là linh hoạt thâu nạp, dung hợp với các yếu tố văn hóa ngoại lai qua tương tác để bổ sung, hoàn thiện trong suốt quá trình lịch sử.
Với những nghiên cứu và tìm hiểu công phu, biểu tượng và hình ảnh của rồng phương Đông xứng đáng trở thành một trong những biểu tượng văn hóa mang tầm thế giới, đóng góp nhất định vào văn hóa thế giới nhiều giá trị văn hóa tinh thần và vật chất, góp phần làm đa dạng thêm tính phong phú và độc đáo của văn minh nhân loại. Qua tìm hiểu các phương diện văn hóa rồng phương Đông, ta có thể hiểu thêm về triết lý sống, con đường tư duy văn hóa, quan niệm về vũ trụ quan và nhân sinh quan, tâm lý dân tộc lấy làm cơ sở để so sánh với văn hóa dân tộc mình, tiến đến nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và giá trị của văn hóa truyền thống dân tộc mình trong bối cảnh văn hóa khu vực và thế giới.
Việt Hạnh
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đoàn công tác Nhà xuất bản làm việc tại tỉnh Hà Giang
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia Hội chợ sách Xuân 2025
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cuốn sách truyền cảm hứng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025