Khát vọng hòa bình và độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua một số lá thư, bài báo gửi các tổng thống Mỹ
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến đồng bào bị áp bức, bóc lột bởi thực dân, đế quốc, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã sớm nung nấu quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc và coi đó là lẽ sống của đời mình: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"1, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, được hưởng quyền tự do dân chủ mà họ xứng đáng được hưởng với tư cách người chủ và làm chủ xã hội. Ðó thực sự là hoài bão, là khát vọng mãnh liệt, thể hiện một tư tưởng lớn, một lý tưởng nhân đạo cao quý của Người.
Đề giành được độc lập, tự do cho dân tộc, Người xác định trước hết phải dựa vào sức mạnh nội lực của dân tộc, nhưng đồng thời cũng không quên vai trò của yếu tố ngoại lực. Vì thế, trên con đường trường chinh vạn dặm đi tìm độc lập, tự do cho dân tộc, Người luôn trân trọng mọi sự ủng hộ, giúp đỡ của lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Thấu hiểu sự tàn khốc của chiến tranh, nên Người luôn tìm mọi cơ hội dù là rất nhỏ để giành độc lập cho dân tộc mà ít đau thương, mất mát nhất. Một trong những minh chứng tiêu biểu cho vấn đề này đó là nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ với nước Mỹ thể hiện qua các lá thư, bài báo mà Người gửi đến các tổng thống Mỹ.
Cuốn sách Khát vọng hòa bình và độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua một số lá thư, bài báo gửi các tổng thống Mỹ, chọn lọc giới thiệu từ lá thư đầu tiên gửi kèm bản Yêu sách của nhân dân An Nam (18-6-1919) đến lá thư cuối cùng Người trả lời thư của Tổng thống Mỹ Richchard M. Nixon (25-8-1969). Cuốn sách cho thấy những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm kiếm mối quan hệ với nước Mỹ thông qua các thông điệp từ những bức thư, công điện, bài báo Người gửi đến các Tổng thống Mỹ giai đoạn từ năm 1911 đến 1969. Hoạt động này đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao thiên tài, thể hiện từ việc đánh giá đúng vai trò quan trọng của nước Mỹ đối với các vấn đề quốc tế trong quá trình vận động ngoại giao đến sự linh hoạt, mềm dẻo, nhưng cũng rất cứng rắn trong quan hệ với Mỹ tùy theo điều kiện thực tế, giữ thế chủ động và đồng thời luôn đề cao hòa bình, hữu nghị trong quan hệ quốc tế và đưa đến một cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về quá trình tìm kiếm, xây dựng mối quan hệ Việt – Mỹ.
Người đã viết hàng chục lá thư, bài báo gửi đến các tổng thống Mỹ. Trong giai đoạn đầu, Người thể hiện thái độ tin tưởng, mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Mỹ cho vấn đề Việt Nam và hy vọng thiết lập được mối quan hệ chính thức với Mỹ. Người gửi đến Tổng thống Truman 10 bức thư với thái độ chân thành, mong muốn thiết lập được mối quan hệ chính thức giữa Việt Nam và Mỹ. Những bức thư của Người được thể hiện với lời lẽ mềm dẻo, khiêm nhường, với mong muốn Mỹ ủng hộ cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Các thư từ và công hàm của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman đều không nhận được sự hồi đáp. Có thể phỏng đoán rằng các bức thư, công điện tâm huyết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến Tổng thống Mỹ đã không đến được tay người nhận như Người mong muốn. Nếu giả sử các bức thư và công điện đến được tay người nhận thì biết đâu mối quan hệ Việt Nam và Mỹ sẽ đi theo chiều hướng khác.
Giai đoạn Mỹ từ can thiệp gián tiếp chuyển thành can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Việt Nam với lập luận ngăn chặn sự “bành trướng” của cộng sản ở châu Á. Các tổng thống Mỹ từng bước viện trợ quân sự cho Pháp, Diệm… đến đem quân trực tiếp đổ bộ xuống Việt Nam. Lúc này, hy vọng thiết lập mối quan hệ chính thức với Mỹ đã hoàn toàn không còn. Chính quyền Mỹ hoàn toàn làm ngơ trước những khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của toàn thể nhân dân Việt Nam. Thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc này cũng bắt đầu có sự thay đổi. Trong các bài viết, bài báo, Người đã có những lập luận phê phán, lên án hành động phá hoại hòa bình của chính quyền Mỹ. Những bài báo, bài viết của Người lại có lời lẽ đanh thép, tố cáo tội ác chiến tranh của đế quố Mỹ, yêu cầu Mỹ rút quân về nước, tôn trọng độc lập, tự do của đất nước Việt Nam. Người cũng không quên nhiều lần gửi thông điệp đến các tổng thống Mỹ từ Eisenhower đến Nixon để mong muốn tìm ra giải pháp hòa bình, tránh đổ máu cho cả hai phía. Đồng thời nêu rõ tính chính nghĩa và quyết tâm chiến đấu đến cùng của toàn dân ta.
Bước sang giai đoạn khốc liệt nhật của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận được thư của Tổng thống Mỹ Johnson, rồi thư của Tổng thống Nixon. Người đã trả lời thư một cách lịch thiệp, nhưng luôn thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh đòi Mỹ phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ, đồng thời qua đó tranh thủ vận động sự ủng hộ của nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình. Người đã cho thấy lập trường thẳng thắn khi phê phán những sai trái mà chính quyền Mỹ đã gây ra cho cả nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam, mặt khác Người cũng luôn thể hiện thái độ khiêm tốn nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho nhân dân Việt Nam.
Qua những bức thư, công điện gửi đến các Tổng thống Mỹ trong suốt thời gian dài đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao thiên tài. Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại. Ở Người cái thâm thúy, tinh tế ở phương Đông luôn kết hợp một cách tự nhiên với sự uyên bác, lịch lãm phương Tây. Cách ứng xử của Người bắt nguồn từ nội tâm trong sáng, tính cách giản dị cộng với sự hiểu biết uyên thâm về nền văn hóa đông tây, kim cổ. Chính nghệ thuật ngoại giao tài ba kiệt xuất của Hồ Chí Minh đã góp phần vào thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc.
Phan Bích
__________
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2009, tập 4, tr. 161.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Hội thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (05/12/1945 - 05/12/2024)
- Cán bộ Nhà xuất bản đạt giải cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y