Tư tưởng triết học của Trang Tử trong tác phẩm Nam Hoa Kinh
Triết học Trung Quốc là một trong những nền triết học có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, văn hóa của các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Với mong muốn có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu, bạn đọc thêm nguồn tài liệu về tư tưởng triết học của Trang Tử, từ đó nâng cao hiệu quả của việc nghiên cứu, giảng dạy triết học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Tư tưởng triết học của Trang Tử trong tác phẩm Nam Hoa Kinh, do Tiến sĩ Cung Thị Ngọc biên soạn.
Trang Tử tên thật là Trang Chu, sinh ở đất Mông, thuộc nước Tống (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Tư tưởng của Trang Chu ẩn trong những lời văn phóng khoáng chủ yếu viết bằng thể văn ngụ ngôn, ý tứ thâm thúy, đa nghĩa, đa sắc. Vì thế mà bao đời nay, mặc dù đã có nhiều người nghiên cứu tư tưởng của ông song vẫn còn nhiều nội dung chưa thể nắm bắt hết. Cuộc đời ông chính là “pho sách” sống, là biểu hiện sinh động của những tư tưởng mà trí tuệ thâm viễn, cao siêu của ông đã đúc kết. Tư tưởng Trang Tử dưới chế độ phong kiến tuy không được tôn sùng nơi cửa quan, triều nội nhưng lại được đón nhận rất tự nhiên bởi tâm hồn kẻ sĩ, bậc quan nhân lúc thất thế, u sầu.
Tư tưởng triết học Trang Tử nhìn từ tác phẩm Nam Hoa Kinh
Sống trong thời kỳ lịch sử có nhiều biến động dữ dội, Trang Tử được coi là nhà tư tưởng lớn về đạo học trong triết học cổ Trung Quốc. Một người "thà chịu kéo lê cái đuôi trong bùn" để giữ nhân cách và bản lĩnh, tâm hồn thanh sạch của mình giữa vô vàn tạp loạn xã hội. Nhìn từ góc độ triết học, tư tưởng học hay văn học, Trang Tử hiện ra đều thấy được sự phong phú nổi trội trong cách thức biểu hiện: một Đạo gia "phóng nhiệm", "tài tử", "ngông" và đầy sáng tạo.
Đa số các học giả cho rằng bộ tác phẩm Trang Tử - Nam Hoa Kinh ra đời vào thời Chiến Quốc. Cũng theo Hán thư Nghệ văn chí của Ban Cố (32-92), bộ Trang Tử - Nam Hoa Kinh có 52 thiên, nhưng do thất truyền nên hiện nay chỉ con 33 thiên. Tuy nhiên, 33 thiên này không phải là bản gốc của bộ Trang Tử, mà còn chứa nhiều phần san định của các thế hệ sau. Bộ Trang Tử - Nam Hoa Kinh được chia làm phần: Nội thiên; Ngoại thiên và Tạp thiên. Trong đó, Nội thiên gồm 7 thiên; Ngoại thiên gồm 15 thiên; Tạp thiên gồm 11 thiên.
Sự gợi mở trong cách cảm nhận về học thuyết của ông khiến cho Nam Hoa Kinh giữ được khoảng trống sáng tạo cho nhiều thế hệ độc giả. Mạch văn của Trang Tử rất được giới văn nghệ sĩ ưa chuộng. Tư tưởng triết học của Trang Tử được thể hiện tập trung trong Nội thiên của tác phẩm Nam Hoa Kinh. Thông qua một hệ thống ngụ ngôn với những ngôn từ giàu hình tượng, Trang Tử đã thể hiện rất sinh động và khá hệ thống những quan niệm triết học của mình.
Dưới bối cảnh xã hội với nhiều biến động dữ dội, tư tưởng triết học của Trang Tử đã ra đời. Đây một mặt được coi là sản phẩm của thời đại, nhưng mặt khác Nam Hoa Kinh cũng là sự kết tinh trí tuệ, nét sáng tạo, độc đáo trong thế giới quan của Trang Tử.
Tư tưởng triết học Trang Tử được Việt hóa
Ngay từ những năm đầu công nguyên, các học thuyết triết học Trung Quốc trong đó có tư tưởng triết học Trang Tử đã du nhập và có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Khi mới được truyền hóa vào Việt Nam, tư tưởng Lão - Trang chưa thực sự có ảnh hưởng đến cuộc sống của người Việt. Trong thời kỳ đầu Bắc thuộc, Lão - Trang không có vai trò gì trên văn đàn chính trị và ảnh hương của nó đối với các nho sĩ Việt Nam còn rất mờ nhạt.
Qua quá trình được “Việt hóa”, tư tưởng Lão - Trang đã từng bước ảnh hưởng đến tư tưởng của người Việt. Trong việc tiếp thu tư tưởng Lão - Trang, người Việt đã chủ động sáng tạo tiếp thu những yếu tố hợp lý, vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của dân tộc mình. Một số ảnh hưởng tiêu biểu của tư tưởng Trang Tử ở Việt Nam được Tiến sĩ Cung Thị Ngọc phân tích trên các bình diện sau:
Trên bình diện tư tưởng và lối sống: Ban đầu, khi mới du nhập Việt Nam tư tưởng Lão - Trang không mấy được quan tâm, thậm chí xuất hiện hết sức mờ nhạt, vì lúc này Nho giáo đang được trọng dụng. Nhưng sau đó, với sự sáng tạo của người Việt, nhất là các nho sĩ thời đó, tư tưởng Lão - Trang được bộ phận giới văn nho tiếp nhận và dần lan rộng. Tư tưởng này đã giúp họ, khi gặp phải những hoàn cảnh bất trắc trên con đường công danh, có được sự cân bằng trong tư tưởng, tâm hồn và tạo lập một lối sống hài hòa, hữu ích, lạc quan, yêu đời. Tuy nhiên, thời điểm đó, với đại đa số nhân dân do nhiều hoàn cảnh, nguyên nhân khác nhau nên sự ảnh hưởng của tư tưởng Lão - Trang được thể hiện gián tiếp, không rõ nét.
Trên bình diện văn học: Đối với nhà văn, nhà thơ, thế giới quan và nhân sinh quan có ý nghĩa hết sức quan trọng trong các sáng tác của họ. Do ảnh hưởng của lịch sử hơn 1000 năm Bắc thuộc, thế giới quan, nhân sinh quan của giới văn nghệ sĩ thời bây giờ là một thể dung hợp bao gồm nhiều yếu tố, từ văn hóa bản địa đến Nho, Phật, Đạo giáo. Tư tưởng Nho gia với vai trò là dòng chủ đạo, nhưng sự nghèo nàn, xơ cứng của nó đã không thể kích thích sức sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ. Khi tư tưởng Lão - Trang du nhập Việt Nam, từng bước thẩm thấu và lan tỏa sức ảnh hưởng của mình đến nền văn học bản địa, đã góp phần tạo ra một khuynh hướng sáng tác phi Nho. Nghĩa là, tư tưởng Lão - Trang đã không chỉ trở thành nguồn cảm hứng mới mẻ, là nội dung tư tưởng của nhiều tác phẩm, mà nhiều điển tích, thuật ngữ của Trang Tử cũng in dấu ngày một tỏ tường trong nghệ thuật thể hiện của những tác phẩm văn, thơ thời ấy. Trong thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Ngô Thì Nhậm,... đều có xuất hiện những điển tích, thuật ngữ của Trang Tử.
Ý nghĩ của tư tưởng Trang Tử trong cuộc sống hiện nay: Qua quá trình khai thác triết học nhân sinh của Trang Tử, tác giả đã đi sâu phân tích những luận điểm gợi mở từ tư tưởng của Trang Tử phù hợp với cuộc sống hiện tại như: Triết lý nhân sinh của Trang Tử là bức tranh phác họa về cuộc sống tôn trọng, bảo vệ và hòa hợp với tự nhiên; Triết lý nhân sinh của Trang Tử là lời cảnh báo với những hành động thái quá trong cuộc sống; Triết lý nhân sinh của Trang Tử đã gợi mở một quan điểm dưỡng sinh có ý nghĩa thiết thực; Triết lý nhân sinh của Trang Tử có thể đóng góp những ý tưởng cho công cuộc nhân đạo hóa các hoạt động khoa học (ý nghĩa, nghiên cứu, ứng dụng).
Tiến sĩ Cung Thị Ngọc trong quá trình nghiên cứu, biên soạn cuốn sách đã nhận định: “Ở Việt Nam, có thể thấy, trong tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của con người truyền thống thườn bao gồm bốn yếu tố: (1) Cái bản địa, (2) Nho, (3) Phật, (4) Đạo (Đạo Lão - Trang và Đạo giáo). Sự hòa quện bốn yếu tố trên trong thế giới quan truyền thống của người Việt là một hiện tượng tư tưởng thực tế. Trên nền tảng Cái bản địa, người Việt đã dần tiếp thu, kết hợp những yếu tố phù hợp của Nho, Phật, Đạo tạo thành một thế giới quan hài hòa, dung hợp” (1).
Cuốn sách Tư tưởng triết học của Trang Tử trong tác phẩm Nam Hoa Kinh được Tiến sĩ Cung Thị Ngọc biên soạn với mong muốn giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tư tưởng triết học của Trang Tử. Trên cơ sở khảo cứu cuốn Trang Tử - Nam Hoa Kinh tác giả đã phân tích và hệ thống hóa tư tưởng triết học Trang Tử, mang lại cái nhìn khách quan, đa chiều hơn cho độc giả đang có nhu cầu nghiên cứu, tổng hợp. Hy vọng, cuốn sách sẽ mang lại cho bạn đọc những trải nghiệm thú vị, không phải quá mới mẻ nhưng lại rất sâu sắc.
Cù Thị Thúy Lan
Chú thích:
1. TS. Cung Thị Ngọc: Tư tưởng triết học của Trang Tử trong tác phẩm Nam Hoa Kinh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 182.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Hội thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (05/12/1945 - 05/12/2024)
- Cán bộ Nhà xuất bản đạt giải cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y