Về phẩm chất của người lãnh đạo
"Cán bộ lãnh đạo ở mọi cấp, mọi ngành... chính là người đại diện cho Đảng, bảo đảm cho đường lối của Đảng được thực hiện và là người thể hiện hiệu lực của Nhà nước chuyên chính vô sản"[1]. Vì vậy, vấn đề rèn luyện để có phẩm chất và uy tín có tầm quan trọng hết sức đặc biệt đối với người lãnh đạo. Vì không có phẩm chất, theo nghĩa rộng lớn và sâu sắc của thuật ngữ này, nhất định không thể lãnh đạo, quản lý được ai, thậm chí ngay cả chính mình. Hơn nữa, nó là một trong những nhân tố cơ bản nhất để xây dựng cán bộ, quyết định sự thành hay bại, uy tín cao hay thấp của người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong công tác và trong cuộc sống hằng ngày của họ. Phẩm chất của người lãnh đạo, quản lý đạt tới mức độ nào thì việc bảo đảm sự thực hiện đường lối của Đảng, phát huy sức mạnh của Nhà nước và việc thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu, khả năng làm việc và uy tín đạo đức của người lãnh đạo, quản lý ở mức độ đó.
Hiện nay, việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội đang đặt ra cho sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước những yêu cầu mới rất cao. Tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý do đó có bước phát triển mới rất cao về chất lượng. Việc đòi hỏi phải có một sự đổi mới về chất lượng trong đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành là một tất yếu khách quan.
Nhìn chung, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý bao gồm nhiều mặt: tiêu chuẩn chính trị, tiêu chuẩn chuyên môn và khả năng lãnh đạo... Sự tuyệt đối trung thành với cách mạng, sự nhất trí với đường lối của Đảng là đòi hỏi hàng đầu đối với mọi cán bộ của Đảng và Nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, ngoài nội dung đó, tiêu chuẩn chính trị còn phải thể hiện ở trình độ chính trị và mẫu mực về đạo đức xã hội chủ nghĩa. Điều cụ thể cần nhấn mạnh ở đây là đức tính liêm khiết, sự thẳng thắn đấu tranh chống tiêu cực: không được đặt lợi ích của cá nhân, của gia đình và bè bạn lên trên lợi ích của tập thể, của toàn xã hội; không đặt lợi ích cục bộ của địa phương, đơn vị lên trên lợi ích của Nhà nước, của toàn xã hội. Đã là cán bộ lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, thì đều phải có hiểu biết chuyên môn, trình độ quản lý kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ ở mức độ cần thiết tùy theo tính chất và cương vị công tác của mỗi người. Người lãnh đạo, quản lý còn phải có khả năng điều hành bộ máy, tập hợp được cán bộ và nhân viên dưới quyền, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ...
Nét nổi bật nhất trong những tiêu chuẩn về phẩm chất của người lãnh đạo, quản lý là phẩm chất chính trị - tư tưởng. Đây là phẩm chất hàng đầu, cơ bản nhất của người lãnh đạo. Bởi vì, thiếu phẩm chất đó thì đừng nói tới việc định hướng về lý tưởng, về khả năng nhận thức đúng đắn và phấn đấu có hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như việc nghiên cứu, xem xét những đường lối, chủ trương và chính sách đó với tính cách là điểm xuất phát, bao trùm và quán xuyến toàn bộ những hoạt động của mình. Vì thế, phẩm chất chính trị - tư tưởng của người lãnh đạo chính là niềm tin vững chắc vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, là khả năng nhận thức và phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng một cách tốt nhất và triệt để nhất. Đây là tiền đề kích thích người lãnh đạo, quản lý nhận thức và dự đoán trước những khuynh hướng mới nhất trong các phạm vi hoạt động tương ứng của đời sống xã hội. Đồng thời, nó cũng là tiền đề giáo dục và kích thích tinh thần cách mạng. Phẩm chất này hoàn toàn phải được bảo đảm và giữ vững bởi tính nguyên tắc của Đảng, bởi tính không khoan nhượng với bất kỳ một khuyết điểm nào, dù là nhỏ nhất trong công tác; bởi tính đối lập triệt để với tất cả những gì trái với nó là sự mơ hồ về quan điểm giai cấp, lập trường cách mạng, quan điểm quần chúng, sự sa sút ý chí chiến đấu và nhiệt tình cách mạng. Cuối cùng, phẩm chất đó phải được thể hiện bằng hành động thực tế và được đánh giá bằng kết quả cụ thể của những hành động đó.
Bên cạnh phẩm chất chính trị - tư tưởng, một tiêu chuẩn không kém phần quan trọng trong phẩm chất của người lãnh đạo, quản lý là nhân cách. Nhân cách của người lãnh đạo, quản lý phải được thể hiện trước hết trên phương diện tiềm năng trí lực và văn hoá. Đó là những hiểu biết đầy đủ về chủ nghĩa Mác - Lênin, là trình độ giác ngộ chính trị - tư tưởng cao, là niềm tin vững bền vào chủ nghĩa cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Chúng ta phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế, trong công tác cách mạng của chúng ta[2]. Đó là trình độ văn hóa tổng hợp rộng lớn đủ để nắm vững và làm chủ sự phát triển phức tạp, đa dạng của xã hội. Đó cũng là trình độ chuyên môn của công tác lãnh đạo, của khoa học quản lý, trong đó tiêu chuẩn hàng đầu là năng lực khám phá, hiểu biết về con người và tâm lý con người, về các phương pháp làm việc phù hợp với mọi người, từ đó, xây dựng một tập thể hoạt động có mục tiêu rõ ràng và tiềm lực sáng tạo cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: "Phải biết đoàn kết với những người ngoài Đảng, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng lao động"[3].
Và sau nữa là phong cách lêninnít. Ở đây, phong cách lêninnít bao hàm: tính nguyên tắc, sự tinh tế nhạy bén; sự chú ý đến mọi người, quan tâm tới những yêu cầu cần thiết hằng ngày của tập thể và từng cán bộ, bảo đảm sức khoẻ và khả năng làm việc của họ; tính khiêm tốn và thái độ nghiêm khắc đối với tất cả những thiếu sót của bản thân mình, song cũng phải rất độ lượng với những khuyết điểm của cấp dưới và quần chúng, v.v..
Hiển nhiên, trong phẩm chất của người lãnh đạo không phải chỉ có tiêu chuẩn về chính trị - tư tưởng, về nhân cách, mà cần phải có phẩm chất công tác. Phẩm chất này được biểu hiện sinh động ở khả năng tiếp cận một cách phù hợp các hoàn cảnh, tình huống xuất hiện, tìm ra con đường ngắn nhất để đạt tới mục tiêu với hiệu suất cao. Dù dưới hình thức này hay hình thức khác, thông qua các phong cách lãnh đạo, phẩm chất công tác của người lãnh đạo phải đạt tới và phải được thể hiện cụ thể, sinh động bằng uy tín và năng lực tổ chức của họ.
Uy tín là một điều kiện có tính chất tiêu chuẩn của người lãnh đạo, quản lý. Bởi vì, không có uy tín thì người lãnh đạo không thể lãnh đạo tốt. Tất cả những điều kiện về mặt kinh tế - xã hội là điều kiện khách quan để bảo đảm uy tín thật sự của người lãnh đạo. Nhưng uy tín cao hay thấp, ngoài điều kiện khách quan nói trên, rõ ràng còn hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng phấn đấu, tu dưỡng của mỗi người lãnh đạo. Có người lầm tưởng người lãnh đạo giữ chức vụ càng cao, quyền hành càng lớn thì uy tín cũng lớn. Theo ý nghĩa nào đó, có thể hiểu mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín thực chất là mối quan hệ giữa hình thức và nội dung. Thực tế cho thấy, uy tín của người lãnh đạo phải được hình thành trên cơ sở của chính phẩm chất và tài năng của người đó. Đương nhiên, để có được uy tín cao, người lãnh đạo phải trải qua quá trình phấn đấu, tu dưỡng bền bỉ, thường xuyên trên nhiều mặt trong một thời gian cần thiết. Có thể nói gọn lại là uy tín của người lãnh đạo là kết quả tổng hợp của các mặt sau đây: sự gương mẫu toàn diện, có lối sống trong sạch, tận tụy hy sinh vì tập thể, có tầm hiểu biết rộng lớn, bao gồm nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn sống; có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, thể hiện ở chỗ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, liên hệ chặt chẽ với quần chúng và cấp dưới...
Năng lực lãnh đạo của cán bộ, như V.I. Lênin đã nói, ngoài những điểm cần phải có như niềm tin, lòng trung thành, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm..., cần phải có trình độ nghiệp vụ nữa. Điểm sau cùng này là hết sức quan trọng, vì không có khả năng am hiểm công việc, không thành thạo chuyên môn thì "không thể lãnh đạo được". Bởi vì, "ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung"[4]. Người lãnh đạo còn phải thống nhất giữa lời nói và việc làm, linh hoạt và mềm dẻo, tháo vát, chủ động, đặc biệt là cần phải có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước tập thể trên cơ sở nắm bắt trúng thực tế; tập hợp và xử lý kịp thời thông tin, ra những quyết định phù hợp. V.I. Lênin cũng luận chứng rằng, cùng với những tố chất cần phải có ở trên, để có được một năng lực đạo đức tốt thì người lãnh đạo cần phải có những "đặc điểm chuyên biệt". Theo V.I. Lênin, đó là "sự trực giác về tổ chức" hay sự nhạy bén về tâm lý của người lãnh đạo. Tức là, người lãnh đạo phải biết chọn được con đường ngắn nhất, phù hợp nhất để đi vào tâm lý mọi người.
Như vậy, có thể nói rằng, muốn có được năng lực tổ chức, người lãnh đạo phải hiểu biết tâm lý, có óc tâm lý thực tiễn, có năng lực hoạt động độc lập, sẵn sàng nhận các nhiệm vụ về mình, có tài chỉ đạo, đúng đắn trong quan hệ giữa mình với những người dưới quyền, tranh thủ được lòng tin và thiện cảm của họ, xây dựng trong tập thể tinh thần phấn khởi làm việc, làm việc có năng suất cao...
Cuối cùng, đó là phẩm chất tâm lý - đạo đức. V.I. Lênin từng nói, đối với người lãnh đạo, sự kiên tâm, tính bền bỉ, nhã nhặn, tránh bực tức và nóng nảy là những đặc tính hết sức cần thiết. Hơn lúc nào hết, đối với người lãnh đạo lúc này cần phải nhấn mạnh thêm tính chín chắn và thận trọng, tự chủ và bình tĩnh, giản dị và khiêm tốn... dù trong bất cứ tình huống nào. Người lãnh đạo còn phải có trách nhiệm tự phê bình và phê bình đúng lúc và đúng mức, lắng nghe ý kiến người khác với thái độ trân trọng, theo dõi và quan tâm tới mọi người, luôn luôn tập hợp xung quanh mình những người giúp việc giỏi, luôn luôn niềm nở và lịch thiệp đối với họ, tự hào về họ và dĩ nhiên không tự đề cao mình. Sau cùng, phải dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và nhược điểm của mình.
Trên đây là những nét cơ bản, tiêu biểu nhất về phẩm chất của người lãnh đạo mà mọi cán bộ cần phải vươn tới. Phẩm chất đó không phải "từ trên trời rơi xuống", không phải là cái không thể vươn tới được, mà nó chính là kết quả tự rèn luyện, tự tu dưỡng một cách bền bỉ và lâu dài của người cán bộ về mọi mặt, kết hợp với sự giúp đỡ thường xuyên của tổ chức, của tập thể. Xây dựng, rèn luyện cho mình có được phẩm chất như vậy thật khó. Phấn đấu giữ vững và không ngừng nâng cao phẩm chất lại càng khó khăn hơn.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Hội thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (05/12/1945 - 05/12/2024)
- Cán bộ Nhà xuất bản đạt giải cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y