Khoan dung văn hóa với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay

Ngày đăng: 30/11/2016 - 14:11

1. Khoan dung (tiếng Anh là tolerance, tiếng Pháp là tolérance) là một phạm trù khá phức tạp về mặt ngữ nghĩa. Tuy nhiên, dưới khía cạnh văn hóa, Tuyên ngôn những nguyên lý về khoan dung UNESCO đã nêu rõ: “Khoan dung là sự tôn trọng, sự chấp nhận và sự thưởng thức của tính đa dạng, phong phú của nền văn hóa thế giới, trong các hình thức của sự diễn đạt và cách thức của tồn tại người. Việc đó được khuyến khích bởi tri thức hiểu biết, sự mở rộng, việc trao đổi thông tin và tự do trong suy nghĩ, trong việc phân biệt được đúng sai và việc tin tưởng. Khoan dung là sự hòa hợp trong khác biệt. Nó không chỉ là trách nhiệm đạo đức mà nó còn liên quan đến yêu cầu về chính trị và luật pháp. Khoan dung có công dụng làm cho hòa bình trở thành cái có thể, góp phần thay thế văn hóa của chiến tranh bởi văn hóa của hòa bình”[1]. UNESCO cũng khẳng định: “Khoan dung là chấp nhận sự đa dạng của các nền văn hóa, là sự cởi mở đối với những tư tưởng triết lý khác mình, là sự ham học hỏi, tìm hiểu những điều bổ ích để làm giàu cho bản thân, không bác bỏ những gì mà mình chưa biết. Khoan dung là tôn trọng quyền và tự do của người khác. Khoan dung là sự thừa nhận không có một nền văn hóa, một quốc gia hay một tôn giáo nào độc tôn về tri thức và chân lý”[2].

Trên thế giới, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ và trở thành xu thế chủ đạo, tác động theo những chiều hướng khác nhau, bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực đến mọi quốc gia, dân tộc. Trước hết, hội nhập quốc tế tạo ra sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa, các giá trị mang tính nhân loại nhờ vậy sẽ được lan tỏa một cách rộng rãi và có những phát triển về chất. Văn hóa trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động đối ngoại của mỗi quốc gia, trở thành cầu nối giúp quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng phát triển, khiến việc hội nhập ngày càng toàn diện, bền vững hơn. Quá trình hội nhập cũng tạo tiền đề cho sự gia tăng các hiện tượng phản văn hóa khó nắm bắt và khó kiểm soát. Cùng với sự ra đời của nền văn minh hậu công nghiệp thì khả năng xảy ra chiến tranh giữa các nền văn minh đã được tính đến, dễ nhận thấy nhất là sự xung đột giữa các nền văn hóa, các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Có thể nói, hệ quả của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong đó có vấn đề tương tác giữa các nền văn hóa, đòi hỏi nhân loại phải có cách ứng xử mới trên tinh thần khoan dung, xây dựng được quan hệ đối thoại bền vững và bình đẳng, tiếp thu những nét văn hóa tích cực, từ đó thúc đẩy sự phát triển của tất cả các quốc gia.

2. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng trong gần 30 năm qua gắn liền với sự chủ động hội nhập quốc tế. Tính đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia lớn trên thế giới; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, thu hút gần 260 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài[3]. Chặng đường đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta là một quá trình nỗ lực bền bỉ và mang lại những thành tựu to lớn. Nước ta trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, quốc phòng - an ninh vững chắc, tạo lập được vị thế nhất định trên trường quốc tế.

Bên cạnh việc hội nhập kinh tế, chính trị, đối với Việt Nam tiến trình hội nhập văn hóa cũng là một tất yếu. Đây chính là quy luật chung của mọi quốc gia, chủ thể quốc tế mà chúng ta không phải là một ngoại lệ. Trong quá trình này, chúng ta cần trao đổi các giá trị văn hóa, tinh thần với các nước khác; tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới để bổ sung và làm giàu nền văn hóa dân tộc; tham gia vào các tổ chức hợp tác và phát triển văn hóa - giáo dục khu vực và hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên, hướng tới xây dựng một cộng đồng văn hóa - xã hội rộng lớn hơn trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Thực hiện tốt chiến lược này chính là thực hiện tốt tinh thần khoan dung văn hóa, giúp nhân dân Việt Nam và nhân dân các quốc gia khác ngày càng gần gũi và chia sẻ với nhau nhiều hơn về các phương thức tư duy và hành động; tạo điều kiện để người dân được thụ hưởng tốt hơn các giá trị văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên, khoan dung văn hóa cũng cần cảnh giác trước nguy cơ bị các nền văn hóa khác đồng hóa. Sở dĩ như vậy vì văn hóa là hồn cốt của một dân tộc; một dân tộc mà không giữ được bản sắc văn hóa riêng, bị đồng hóa thì dần dần sẽ không còn dân tộc đó nữa. Chúng ta chủ trương phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; song nên chủ động chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú, giàu có thêm, hiện đại hơn nền văn hóa của dân tộc mình.

Gần 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ta được mở rộng, phong phú, đa dạng và giàu có hơn. Nhưng, bên cạnh đó, nhiều mặt tiêu cực của đời sống xã hội cũng nảy sinh. Đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, đời sống văn hóa bị lai căng, nhiều chuẩn mực xã hội không còn được tôn trọng, nhiều tệ nạn đã phát sinh và rất khó kiềm chế, ngăn chặn. Ở lĩnh vực nào cũng cần phải có người cầm lái có bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng, biết vận dụng đúng đắn tinh thần, triết lý có giá trị bền vững của nhân loại và dân tộc để đưa con thuyền đổi mới đến bến bờ thành công. Trong trường hợp này, khoan dung văn hóa trở thành cầu nối, là điểm tựa tinh thần và giải pháp để giảm thiểu xung đột, xây dựng sự hòa hợp, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ.

3. Thực tế cho thấy, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam, nhờ khoan dung, chúng ta đã xây dựng được khối đoàn kết toàn dân tộc, đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc chống xâm lược và thiết lập quan hệ hữu hảo với các nước trên thế giới. Để tiếp tục giữ được vai trò của mình trước xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, khoan dung văn hóa cần bảo đảm các nguyên tắc:

Thứ nhất, khoan dung văn hóa tức là biết tiếp thu có chọn lọc những giá trị của các nền văn hóa khác. Sự phát triển văn hóa Việt Nam trải qua bao thăng trầm của thời gian đã có sự tiếp thu, hòa nhập nhiều giá trị văn hóa khác nhau, bao gồm cả văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Sự hiện diện của các giá trị đó ngày càng được tăng cường bởi sự mở rộng hợp tác quốc tế cùng sự lan tỏa với cường độ cao của văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Với tinh thần khoan dung văn hóa, trong quá trình giao lưu, hội nhập với các nước phát triển, chúng ta đã tiếp thu được nhiều giá trị và kinh nghiệm sáng tạo mới. Mặc dù vậy, chúng ta cần phải chọn lọc những chuẩn mực giá trị mới phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa và nhân cách Việt Nam. Đó là những giá trị gắn liền với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh; những giá trị gắn với sự phát triển đa dạng và toàn diện nhân cách; những giá trị gắn với chân - thiện - mỹ... Khoan dung văn hóa là tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại trên cơ sở chọn lọc, dựa trên nền tảng của văn hóa dân tộc mình, cần tránh tâm lý sính ngoại, tự ti dân tộc, coi của người khác là văn minh, là hiện đại còn của mình là lỗi thời, là lạc hậu.

Thứ hai, khoan dung văn hóa gắn liền với việc ngăn ngừa và đấu tranh chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại. Điều này không có nghĩa là cô lập bản thân, bài xích văn hóa mà là bảo vệ các giá trị tốt đẹp của dân tộc, khoan dung nhưng không hòa tan văn hóa. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện thì những nguy cơ về văn hóa lai căng, phản động càng nguy hiểm hơn. Bởi vậy, chúng ta cũng cần cảnh giác với chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đang sử dụng với mục đích xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Thứ ba, cần phải giới thiệu lịch sử, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới để quốc tế hiểu biết hơn về Việt Nam. Bằng cách đó khoan dung văn hóa bao hàm cả chức năng đóng góp với những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc Việt Nam để làm phong phú, đa dạng giá trị văn hóa của nhân loại. Những giá trị ấy điển hình như tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lối sống nhân văn cao cả, đoàn kết cộng đồng chính là những giá trị có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của nhân loại, là động lực to lớn để thúc đẩy các dân tộc không ngừng đấu tranh bảo vệ mình trước nguy cơ bành trướng của các thế lực phản tiến bộ.

Tóm lại, ngày nay vấn đề xây dựng văn hóa hòa bình, khoan dung được đặt ra như một vấn đề cấp bách cần được thực hiện. Nhiều nguy cơ tác động xấu đến cuộc sống của mỗi người, của toàn xã hội loài người và đến các nền văn hóa trên thế giới đang dần bộc lộ. Đó là do những tác động của quá trình toàn cầu hóa không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở các mặt văn hóa, đạo đức; là sự tăng cường tự ý thức chính trị của các nền văn minh liên kết thành khu vực; là sự bắt đầu xuất hiện tình trạng đối kháng giữa các nền văn minh như là đường phân chia cơ bản của địa chính trị thế kỷ XXI. Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, trên con đường đổi mới, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cũng ngày càng hội nhập toàn diện hơn. Tuy vậy, để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng hòa nhập với cộng đồng các quốc gia, đưa giá trị văn hóa của mình ra thế giới, tạo động lực cho sự phát triển, chúng ta cần phát huy tinh thần khoan dung, đó là việc mở rộng cửa đón nhận một cách chọn lọc các giá trị văn hóa nhân loại, chống lại các văn hóa thù nghịch, phản động, đồng thời giới thiệu, quảng bá văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.

ThS. Nguyễn Quỳnh Anh

Bộ môn Mác - Lênin, Trường Đại học An ninh nhân dân

Trích trong cuốn Văn hóa với động lực của sự nghiệp đổi mới

do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả