Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật hành trình về nguồn

Ngày đăng: 07/02/2017 - 17:02

ve nguon 1 0702

Chụp ảnh lưu niệm tại di tích lịch sử nơi làm việc của Nhà xuất bản tại bản Chang, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, Thái Nguyên

Ngày 6-2-2017 tức mùng 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu, nhân dịp đầu Xuân mới, với mục đích giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho cán bộ, viên chức và người lao động, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức đoàn công tác về nguồn tại An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các đơn vị tại Hà Nội; đại diện Ban Chấp hành Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Ban liên lạc hưu trí Nhà xuất bản.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, để bảo đảm an toàn và hoạt đồng bình thường các cơ quan trung ương chuyển từ Hà Nội về vùng nông thôn huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), rồi lên an toàn khu ở Việt Bắc. Trong thời gian ở Việt Bắc, Ban Biên tập của Nhà xuất bản đã đóng tại một số địa điểm thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, như: bản Đầm, Nà Muồng (còn gọi là Khẩu Đưa, nay thuộc xã Phú Đình), bản Hin (nay thuộc xã Sơn Phú), Pắc Trẩu (nay thuộc xã Điềm Mặc)... Mặc dù điều kiện công tác và đời sống sinh hoạt nơi đây gặp nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ, biên tập của Nhà xuất bản đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xuất bản nhiều đầu sách có giá trị nhằm thiết thực phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc.

Năm 2010, nhằm tri ân cho những đóng góp, giúp đỡ của nhân dân bản Chang, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, Thái Nguyên - nơi làm việc của Nhà xuất bản những năm 1949-1950, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tài trợ đầu tư xây dựng tại đây một Nhà văn hóa tạo điều kiện cho người dân có nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ và đọc sách báo. Trong chuyến công tác này, Đoàn cán bộ Nhà xuất bản đã đến thăm di tích và chúc Tết gia đình đã hiến đất để xây dựng Nhà văn hóa.

ve nguon 2 0702

Lãnh đạo Nhà xuất bản thăm hỏi, tri ân gia đình hiến đất xây dựng Nhà văn hóa tại bản Chang

Với lòng thành kính, biết ơn vô hạn, Đoàn cán bộ Nhà xuất bản đã đến dâng hương tưởng niệm và báo công tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tỉn Keo, xã Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguyên.

ve nguon 3 0702

Đoàn dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tỉn Keo, xã Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguyên.

Tiếp đó, Đoàn đã đến thăm một số di tích lịch sử gắn với Nhà xuất bản trong kháng chiến chống thực dân Pháp tại huyện Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, như: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đình Tân Trào, lán Nà Nưa,...

ve nguon 4 0702

Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc- Tổng Biên tập trao tặng sách cho đại diện Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang

ve nguon 5 0702

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Tân Trào

ve nguon 6 0702

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại lán Nà Nưa

Cuối năm 1950 đầu năm 1951, để chuẩn bị phục vụ cho Đại hội lần thứ II của Đảng diễn ra tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, Nhà xuất bản đã chuyển về đóng tại bản Quẵng, sau đó về bản Khảy, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Sau Đại hội, tháng 5-1951, Nhà xuất bản từ bản Khảy về lại bản Quẵng, rồi chuyển về thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và ở lại đây cho đến cuối năm 1953.

Tuy phải di chuyển địa điểm liên tục nhưng Nhà xuất bản vẫn phát triển và cho ra đời nhiều đầu sách quan trọng, góp phần giáo dục đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng ta. Trong thời gian ở và làm việc tại Tân Trào, mặc dù cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với khẩu hiệu "Tất cả để chiến thắng", Nhà xuất bản đã nỗ lực phát triển không ngừng và gặt hái được nhiều kết quả lớn. Công tác biên tập được tổ chức theo các tổ chuyên môn: sách kinh điển Mác - Lênin, sách thời sự quốc tế, sách thời sự trong nước,.... Sách xuất bản luôn bảo đảm về mặt nội dung, hình thức và đường lối chính trị của Đảng.

Mặc dù, thời gian Nhà xuất bản ở và làm việc tại Tân Trào (từ cuối năm 1951 đến đầu năm 1954) không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, mỗi cán bộ, đảng viên, biên tập viên đã dốc toàn tâm, toàn lực hướng vào cuộc kháng chiến, cho ra đời nhiều đầu sách quan trọng, có giá trị vĩnh hằng trong lịch sử cách mạng nước ta.

Đoàn cán bộ Nhà xuất đã đến thăm di tích Nhà bia ghi dấu trụ sở làm việc của Nhà xuất bản tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào những năm 1951-1953; thăm hỏi và tri ân gia đình đã hiến đất xây dựng nhà bia của Nhà xuất bản tại đây.

ve nguon 8 0702

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà bia

Có thể nói, chuyến công tác về nguồn của Đoàn cán bộ Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật có ý nghĩa to lớn đối với mỗi thành viên trong đoàn nói riêng và cán bộ, viên chức, người lao động Nhà xuất bản nói chung. Hoạt động này không chỉ giúp cho các thế hệ cán bộ Nhà xuất bản tìm hiểu sâu hơn về lịch sử hình thành, phát triển của cơ quan, lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà còn khơi gợi lòng tự hào, niềm tin tưởng tuyệt đối của mỗi người đối với nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Nhà xuất bản đã, đang và sẽ thực hiện trong suốt hai cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Nguyễn Thúy

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả