Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2017
Ngày 24-2-2017, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2017. Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị
Cùng dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; UBND TP. Đà Nẵng; Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện cơ quan chủ quản và lãnh đạo các nhà xuất bản trên toàn quốc. Đồng chí Vũ Trọng Lâm, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dự Hội nghị.
Theo Báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2016 là năm diễn ra nhiều hoạt động lớn của đất nước, bên cạnh những thuận lợi, ngành xuất bản cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các nhà xuất bản và các đơn vị đã cố gắng nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn, tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò của ngành trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu đọc của xã hội. Trong năm 2016, Cục đã xác nhận đăng ký xuất bản cho 64.588 tên xuất bản phẩm, trong đó có 1.893 tên xuất bản phẩm điện tử. Về lưu chiểu xuất bản phẩm năm 2016, cả nước đã xuất bản và lưu chiểu dưới dạng sách in là 32.126 cuốn với 330.952.500 bản; xuất bản phẩm dưới dạng điện tử là 679 xuất bản phẩm với 5.929.551 lượt bán; các xuất bản phẩm khác dưới dạng băng, đĩa, bản đồ, bưu ảnh... là 2.153 xuất bản phẩm với 32.115.000 bản. Tình hình kinh doanh của các nhà xuất bản nhìn chung có tiến triển với tổng doanh thu 2.201,375 tỉ đồng (tăng 2,7% so với 2015). Lợi nhuận sau thuế của các nhà xuất bản đạt khoảng 148,986 tỉ đồng.
Về phát hành xuất bản phẩm, số lượng xuất bản phẩm được phát hành trong nước là khoảng 528 triệu bản. Bên cạnh đó, xuất bản phẩm xuất khẩu là 400 nghìn bản sách; 6,8 triệu tờ báo, tạp chí; nhập khẩu 41.137.471 bản sách; 17.197.339 bản băng, đĩa; 8,6 triệu tờ báo, tạp chí. Về lợi nhuận, ngành phát hành năm 2016 đạt doanh thu 3.918 tỉ đồng (tăng 10% so với năm 2015). Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt khoảng 23,76 triệu USD.
Cũng theo lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm qua vẫn còn nhiều hạn chế chưa được khắc phục triệt để, như: việc quản lý và triển khai thực hiện pháp luật trong lĩnh vực xuất bản và phát hành còn chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành; vẫn còn có sự buông lỏng của một số đơn vị, đăng ký đề tài không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản, không thực hiện nghiêm túc quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung xuất bản phẩm mới, tình trạng in lậu, in nối bản không hợp pháp vẫn còn diễn ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi... Trước thực tế trên, năm qua, các cơ quan chức năng đã ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 tổ chức và 2 cá nhân với tổng mức phạt là 235 triệu đồng, tiêu hủy 2.513 xuất bản phẩm các loại.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo biểu dương những cố gắng của các đơn vị, nhà xuất bản đã có nhiều nỗ lực vượt khó, đưa được nhiều đầu sách hơn đến với bạn đọc, tạo lập được thế đi lên khá vững chắc, phát triển bền vững, có chiều sâu và dần khẳng định được thương hiệu riêng của đơn vị trong đời sống văn hóa xã hội. Bên cạnh đó, số lượng xuất bản phẩm vi phạm đã giảm hẳn so với năm trước, điều này đã thể hiện được vị thế cao của các nhà xuất bản.
Về định hướng năm 2017, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh, ngành xuất bản và phát hành cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: các đơn vị cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cũng như bám sát tôn chỉ, mục đích của ngành xuất bản, phát hành. Đặc biệt, mỗi nhà xuất bản phải đề cao chất lượng của những ấn phẩm hay, có giá trị tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp tri thức cho toàn xã hội. Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành cần không ngừng đổi mới cơ sở vật chất; tăng cường liên kết giữa các bên liên quan; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản thông qua công tác đọc, duyệt xuất bản phẩm; tránh để xảy ra sai phạm về nội dung tư tưởng, bảo đảm được kênh thông tin chính thống, phê phán, phản bác lại những quan điểm lệch lạc, sai trái. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tốt các điều kiện về nguồn lực và cơ sở vật chất nhằm đáp ứng sự phát triển đa dạng của các loại hình xuất bản trong giai đoạn hiện nay...
P.V (tổng hợp)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đoàn công tác Nhà xuất bản làm việc tại tỉnh Hà Giang
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia Hội chợ sách Xuân 2025
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cuốn sách truyền cảm hứng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025