Lịch sử tư tưởng triết học pháp quyền Đức từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX

Ngày đăng: 14/03/2017 - 09:03

lịch sử tư tưởng triết học133Trong xu thế hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực dưới sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa ở thế kỷ XX, nhiều tư tưởng triết học pháp quyền Đức ra đời với nội dung khá phong phú. Nhưng cũng chính vì thế mà câu hỏi quan trọng nhất mà triết học pháp quyền Đức thế kỷ này quan tâm là liệu có tồn tại những nguyên tắc pháp quyền chung cho mọi nền văn hóa? Nếu có thì nội dung của những nguyên tắc pháp quyền đó là gì? Có nhiều học thuyết được đưa ra nhưng chiếm ưu thế hơn cả vẫn là tư tưởng pháp quyền của Gustav Radbruch (1878 - 1949) và Athur Kaufmann (1923 - 2001).

Nhìn một cách tổng quát, vấn đề cơ bản của tư tưởng triết học pháp quyền Đức từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX là làm thế nào để hiện thực hóa quyền con người và giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Xuất phát từ nhiều góc độ nghiên cứu và thế giới quan khác nhau nên các nhà triết học cũng đưa ra nhiều cách thức khác nhau trong việc hiện thực hóa nội dung tư tưởng pháp quyền với những hệ thống quyền lực khác nhau. Trong những giai đoạn lịch sử nhất định, một số tư tưởng pháp quyền Đức đã tách rời tính chất đặc trưng của nó, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, nhưng nhìn chung, tư tưởng triết học pháp quyền Đức từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX rất phong phú, đa dạng, thể hiện sự kế thừa tinh thần văn hóa pháp quyền Đức trong nhiều thế kỷ. Nó không chỉ đề cập tư tưởng pháp quyền Đức trong quá khứ mà còn liên quan đến những vấn đề thời sự rất quan trọng của một nhà nước pháp quyền hiện đại hướng tới những giá trị nhân văn sâu sắc.

Việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng triết học pháp quyền Đức từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX có thể giúp chúng ta hiểu được thể chế chính trị pháp quyền Đức hiện nay cùng với những thăng trầm của nó trong lịch sử, góp phần nâng cao năng lực tư duy lý luận về một nhà nước pháp quyền hiện đại với những giá trị nhân văn sâu sắc.

Để phục vụ việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu lịch sử tư tưởng triết học pháp quyền phương Tây nói chung, triết học pháp quyền Đức nói riêng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Lịch sử tư tưởng triết học pháp quyền Đức từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX (sách chuyên khảo) do TS. Ngô Thị Mỹ Dung làm chủ biên.

Nội dung cuốn sách phân tích một cách có hệ thống tư tưởng triết học pháp quyền Đức từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, từ đó, đưa ra những nhận định về những giá trị và hạn chế của các tư tưởng pháp quyền Đức trong từng giai đoạn lịch sử nhằm giải quyết bốn vấn đề chính:

Thứ nhất: khái quát về triết học pháp quyền với những hệ tư tưởng pháp quyền cơ bản; phân tích mối quan hệ giữa triết học pháp quyền với triết học đạo đức, lý luận pháp quyền và triết học chính trị.

Thứ hai, khái quát điều kiện kinh tế - xã hội và tiền đề lý luận ảnh hưởng đến tư tưởng pháp quyền Đức thế kỷ XVIII; trình bày và phân tích những nội dung cơ bản của tư tưởng triết học pháp quyền Đức thế kỷ XVIII thông qua một số nhà triết học tiêu biểu như Christian Thomasius (1655 - 1728), Christian Wolff (1679 - 1754), Immanuel Kant (1724 - 1804), trên cơ sở đó đưa ra những nhận định về những giá trị và hạn chế của những tư tưởng trên.

Thứ ba, khái quát bối cảnh lịch sử xã hội Tây Âu và Đức thế kỷ XIX; trình bày và phân tích những nội dung cơ bản của tư tưởng triết học pháp quyền Đức thế kỷ XIX đưa ra những đánh giá về những giá trị và hạn chế của những tư tưởng trên.

Thứ tư, khái quát bối cảnh lịch sử xã hội Tây Âu và Đức thế kỷ XX; trình bày và phân tích những nội dung cơ bản của tư tưởng triết học pháp quyền Đức thế kỷ XX thông qua một số nhà triết học tiêu biểu như Gustav Radbruch (1878 - 1949) và Athur Kaufmann (1923 - 2001); nêu ý nghĩa của việc nghiên cứu tư tưởng triết học pháp quyền Đức từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay.

Lịch sử tư tưởng triết học pháp quyền Đức từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX vừa là sự phản ánh của điều kiện kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa Đức qua nhiều thế kỷ với những đặc trưng riêng của nó, vừa chứa đựng trong nó những giá trị pháp quyền chung của lịch sử tư tưởng triết học pháp quyền phương Tây. Tuy nhiên, không phải nhà triết học Đức nào cũng nghiên cứu về triết học pháp quyền, và không phải học thuyết triết học pháp quyền nào cũng có giá trị.

Nối tiếp tinh thần nhân văn trong tư tưởng pháp quyền Đức thế kỷ XVIII và tinh thần tự do của cách mạng Pháp với bối cảnh lịch sử xã hội nước Đức thế kỷ XIX, các nhà triết học Đức đã đưa ra những tư tưởng pháp quyền thể hiện những nét đặc trưng riêng của dân tộc Đức. Mặc dù cách thức lập luận có khác nhau, nhưng nhìn chung, tư tưởng pháp quyền Đức thế kỷ XIX đều quan tâm đến vấn đề tự do của con người cũng như cách thức tổ chức quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm cho những quyền tự do đó được thực thi. Mặc dù còn nhiều hạn chế bởi tính quy định của lịch sử thời đại, nhưng nhìn chung việc nghiên cứu tư tưởng pháp quyền Đức từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX có ý nghĩa nhất định đối với việc xây dựng và hoàn thiện tư tưởng về một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả