Lịch sử trong tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của Trần Mai Hạnh
LTS: Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành tháng 4-2014, đã được tái bản lần thứ ba.Tác phẩm giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN 2015. Đây là một tác phẩm có giá trị cả về mặt văn học, sử học và báo chí. Chúng tôi giới thiệu bài của nhà nghiên cứu Vũ Thị Quỳnh đăng trên “Nhà văn&Tác phẩm” (Tạp chí sáng tác, lý luận phê bình và dịch văn học của Hội Nhà văn Việt Nam) số 19 ra tháng 9-10 năm 2016 viết về giá trị lịch sử của cuốn tiểu thuyết này.
Đề tài lịch sử trong văn học thế giới cũng như trong văn học Việt Nam đã không còn xa lạ với người sáng tạo cũng như với bạn đọc tiếp nhận. Hình như bất cứ thể loại nào của văn học từ tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, kịch… cũng đều đã có những tác phẩm viết về đề tài lịch sử. Với sức sống lâu bền và tiềm năng vô tận người ta xem đề tài lịch sử như là miền đất hứa, là nguồn chất liệu không vơi cạn, là nguồn cảm hứng vô biên và là cái nôi nuôi dưỡng những kiệt tác nghệ thuật của nhân loại.
Lịch sử là hiện thực đã diễn ra trong quá khứ, có thể là quá khứ gần, quá khứ xa, nhưng nó vẫn là một bộ phận của hiện tại, không thể tách rời hiện tại, hàm chứa nhiều bí ẩn của xã hội và thời đại. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một dân tộc bất khuất, kiên cường, gan góc trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Thời gian qua trong văn học Việt Nam đương đại đã xuất hiện nhiều tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử có giá trị, được bạn đọc chú ý. Nhiều cuốn tiểu thuyết đã được tái bản nhiều lần với số lượng đáng kể. Những cuốn tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử gần đây đã đem đến một cách nhìn nhận, đánh giá mới về lịch sử. Trước đây chúng ta cũng có tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử, nhưng đó là loại tiểu thuyết lịch sử cách mạng, viết về các tấm gương tranh đấu của lãnh tụ cách mạng thời trẻ, các chiến dịch, các cuộc khởi nghĩa…, trong đó các sự kiện lịch sử diễn ra theo đối lập nhị nguyên, quy luật đấu tranh giai cấp, địch với ta, tiến bộ với phản động, nông dân với địa chủ, vô sản với tư sản, người yêu nước với kẻ bán nước… trong đó thường là ta tốt địch xấu, ta thắng, địch thua, chủ yếu là ca ngợi chiến thắng, tạo thành một loại tiểu thuyết lịch sử chính trị theo quan điểm chính đảng. Cùng với xu hướng đổi mới văn học, tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử, cụ thể là mảng đề tài chiến tranh đã có nhiều đổi mới từ quan niệm đến các phương diện nghệ thuật. Nhưng có một đặc điểm đó là lịch sử trong các cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh, đó là lịch sử được nhìn từ một phía - phía quân ta. Các nhà tiểu thuyết viết về chiến tranh đều nhìn lịch sử từ phía quân ta, họ nhìn cuộc chiến tranh từ góc nhìn của người chiến thắng. Và các nhà viết tiểu thuyết chiến tranh đều đứng trên tư thế người chiến thắng, viết với quan niệm “ ta thắng địch thua”. Khảo sát hàng loạt những cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh từ những năm 1945 đến nay, có thể thấy rằng các tiểu thuyết đề tài chiến tranh đều tập trung miêu tả cuộc kháng chiến của ta, thể hiện sự thất bại của phía địch. Chưa có cuốn tiểu thuyết nào chú trọng vào quân địch. Tháng 4 năm 2014 cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh (do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành) ra đời đã đánh dấu một bước phát triển mới của đề tài chiến tranh, khẳng định đề tài này không bao giờ mất đi trong cảm hứng sáng tác. Khác với hàng loạt những cuốn tiểu thuyết chiến tranh thời kì trước, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 có điểm đặc biệt hấp dẫn bạn đọc là ở cái nhìn lịch sử. Nếu như lịch sử trong các tiểu thuyết chiến tranh thời kì trước là lịch sử nhìn từ phía quân ta, thì lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được tái hiện từ “phía bên kia chiến tuyến”. Nói như nhà phê bình Bùi Việt Thắng đó là “cái nhìn ngược sáng”.
1. Tư liệu như là thành tố gắn kết tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75
Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần của quá khứ và nó chứa đựng mầm mống của tương lai. Vì cơ may lịch sử, do từng là phóng viên tại chiến trường miền Nam, theo sát các binh đoàn chủ lực, theo các đoàn quân tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và may mắn có mặt chứng kiến giây phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, Trần Mai Hạnh đã ghi chép thật nhiều những gì được chứng kiến, sưu tập những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến tranh từ phía chính quyền Sài Gòn với mong muốn phục dựng lại trung thực sự thật diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Ông là người may mắn được sống trong thời khắc lịch sử vô giá đó, chứng kiến một Sài Gòn vừa giải phóng như thế nào, một Sài Gòn bước sang ngày hôm sau của tháng 5 ra sao. Ông ý thức được giây phút đã qua có giá trị như thế nào và đã nung nấu ý định viết một cuốn sách về sự kiện đó. Ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng, nảy sinh ý định về một cuốn tiểu thuyết tư liệu, Trần Mai Hạnh đã cố gắng ghi chép sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến từ phía bên kia. Ngày 1/5/1975, Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã cấp “Giấy công tác đặc biệt” cho ông. Đây có lẽ là chiếc thẻ nhà báo đầu tiên chính quyền cách mạng cấp. Cùng với chiếc máy chữ xách tay, Trần Mai Hạnh cần mẫn gõ lại từng bản báo cáo tường trình, từng bức điện tác chiến, từng biên bản của Hội đồng An ninh quốc gia... mà quân ta thu được tại tại phòng làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Dinh Độc Lập và phòng làm việc của Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn vào trưa và chiều tối ngày 30-4-1975 để chuẩn bị tư liệu cho cuốn tiểu thuyết để đời. Dựa trên những nguồn tài liệu sẵn có, 38 năm nhà văn ấp ủ, tự mày mò bồi đắp hoàn thành cuốn tiểu thuyết tư liệu Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75. Cuốn sách được xây dựng kỳ công trên cơ sở chắt lọc từ khối lượng tài liệu đồ sộ và quý giá, phần nhiều trong số đó có giá trị nguyên bản mà tác giả có cơ duyên tiếp cận được trong những năm tháng làm phóng viên chiến tranh của Việt Nam Thông tấn xã ở chiến trường miền Nam. Đây có thể coi là một cuốn biên niên sử sống động về những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
Làm nên cuốn tiểu thuyết tư liệu Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 một yếu tố không thể thiếu đó là những tư liệu lịch sử. Tư liệu được coi là thành tố gắn kết tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75. Nếu không có những tư liệu mà Trần Mai Hạnh dày công sưu tầm thì sẽ không có Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75. Nếu có thể so sánh một cách dễ hiểu nhất, ví như người ta đổ cả một đống con ốc vít với đủ các kích cỡ, các thể loại ra trước mặt chúng ta, rồi bắt chúng ta phải chọn lựa từng con ốc vít trong số ấy để lắp ráp cho hoàn chỉnh một cỗ máy phức tạp nào đó, thì công việc mà Trần Mai Hạnh phải làm để cho ra đời cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 cũng gần giống như vậy. Bởi vì, mỗi dòng trong cuốn sách này của ông, từng từ, từng chữ chứa đựng những thông tin mà ông phải mất hàng chục năm, bằng mọi mối quan hệ, bao công sức của mình, sưu tập tài liệu từ rất nhiều nguồn, từ trong đến ngoài nước mới có được (do được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, của Bộ Quốc phòng, của các cơ quan đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, tác giả mới may mắn được tiếp cận). Rồi trên cơ sở nền tảng ấy, ông công phu chọn lọc, sắp xếp nó lại theo trật tự, logic về thời gian, về không gian, về diễn biến tâm lý và tính cách của gần 300 nhân vật theo sự thật khách quan của lịch sử để phục dựng và tái hiện lạ quá trình sụp đổ của chính thể Việt Nam Cộng hòa một cách bài bản, sinh động. Xây dựng tiểu thuyết tư liệu Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Trần Mai Hạnh đã dựa trên những nguồn tư liệu sau:
- Biên bản trả lời phỏng vấn và lời tự thú của nhiều nhân vật từng giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy quân sự và dân sự của chính quyền Sài Gòn cùng các cố vấn gần gũi thân cận nhất với Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam cộng hòa, sau ngày giải phóng chạy ra sống nước ngoài.
- Biên bản lời khai cùng những bản tường trình về những diễn biến chi tiết trong quá trình diễn ra sự sụp đổ tại các tuyến phòng thủ, tại các địa bàn chiến lược và những ngày cuối cùng tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn của nhiều tướng lĩnh quân đội Sài Gòn ở cả bốn vùng chiến thuật, thuộc các quân binh chủng bị bắt tại trận hoặc sau ngày giải phóng ra trình diện chính quyền cách mạng.
- Những tài liệu nguyên bản của phía bên kia gồm: Các thư từ, điện văn của Tổng thống Mỹ Ních-xơn và G. Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu và trả lời của Thiệu; biên bản một số cuộc họp “Hội đồng an ninh quốc gia” của Thiệu; văn bản đệ trình của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, các báo cáo phân tích tình báo của Quân đội Sài Gòn và đại sứ quán Mỹ, điện chỉ huy tác chiến của Thiệu và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ; phúc trình của tướng lĩnh các quân đoàn, sư đoàn, các tướng lĩnh thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn nộp cho Nguyễn Văn Thiệu và Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa trình bày về diễn biến sụp đổ và trách nhiệm cá nhân sau khi thất thủ tại các mặt trận và để mất các tỉnh thuộc Quân khu I, Quân khu II và Quân khu III.
- Biên bản cuộc phỏng vấn do Viện Nghiên cứu chiến lược RAND (Hoa Kỳ) công bố sau khi thực hiện đối với 27 nhân vật từng là lãnh đạo chủ chốt của giới quân sự và dân sự chính quyền Sài Gòn sau giải phóng chạy ra sống ở nước ngoài, trong đó có Nguyễn Cao Kỳ cùng 14 cấp tướng và các cố vấn của Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống; Trần Thiện Khiêm - Thủ tướng về tình hình nội bộ và những diễn biến chi tiết trong quá trình sụp đổ. Những tài liệu do Trung tâm lịch sử quân sự lục quân Hoa Kỳ tổ chức tổng kết, biên soạn, xuất bản phân tích về nguyên nhân cũng như những diễn biến chi tiết sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn tại các mặt trận, các tuyến phòng thủ, các quân đoàn, sư đoàn.
- Báo, tạp chí ở Mỹ, các nước phương tây, báo Sài Gòn, tin tức trên đài Sài Gòn (được ghi âm) và các tài liệu tham khảo đặc biệt được lưu giữ tại Trung tâm Thông tin – Tư liệu Thông tấn xã Việt Nam về diễn biến trên chính trường Sài Gòn những ngày diễn ra sự sụp đổ, cùng tài liệu tác giả thu thập được trong quá trình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
- Những nguồn tư liệu tác giả đã công bố bước đầu trong hai cuốn sách Sụp đổ và tự thú và Ngày tận thế do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1985, 1987.
Trên cơ sở những tài liệu nguyên bản, những tư liệu, sự kiện, sự việc có tính xác thực từ phía bên kia được dựng lại xuyên suốt và hệ thống, với một cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, không thiên kiến, không chen bất cứ bình luận nhận xét cá nhân nào của tác giả, với độ lùi gần bốn thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã phác thảo trung thực, chi tiết, cụ thể nhưng lại rất toàn cục về sự sụp đổ của chế độ ngụy quân ngụy quyền, từ cương vị lớn nhất là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đến các thủ tướng, phó thủ tướng, các cố vấn, Tổng tham mưu quân đội, đến các tướng lĩnh từ cấp phương diện quân, quân đoàn, sư đoàn, tiểu đoàn... kế đó là các tổng thống kế nhiệm sau khi Thiệu đào tẩu là Trần Văn Hương và Dương Văn Minh. Cuộc trường chinh thống nhất đất nước của dân tộc đã được nhìn nhận từ phía bên kia - thông qua các tư liệu có được trong khoảng thời gian bốn tháng cuối cùng của chiến tranh: Tháng 1, 2, 3 ,4/1975 (từ chiến thắng Phước Long - 1/1975 tới những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập).
Mạch ngầm của tiểu thuyết tư liệu Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là quá trình sụp đổ từ bên trong của chính quyền Việt Nam Cộng hòa được tác giả dẫn dắt khéo léo qua sự sắp xếp hợp lí các chương, mục và những trích xuất tài liệu hết sức chọn lọc, trở thành điển hình và thuyết phục. Và đặc biệt qua các nhân vật như là nhân chứng lịch sử của "phía bên kia", qua những trang tư liệu được chắt lọc tổng hợp nâng lên thành khái quát. Nhà văn đã biết cách điều hòa nhịp nhàng giữa hai phương diện tư liệu và hư cấu khiến cho tác phẩm không bị sa đà vào việc tái hiện tư liệu một cách thuần túy. Mười chín chương sách đã tuần tự dẫn người đọc đi theo bước chân lịch sử với một sự hóa thân khách quan và điềm tĩnh của tác giả. Bắt đầu bằng một lễ Giáng sinh cuối cùng đến với Sài Gòn muộn mằn, một cái Tết trong nơm nớp âu lo; lần lượt là Huế ngợp thở, Đà Nẵng điên loạn và sụp đổ, Nha Trang tắt thở, Sài Gòn bên bờ sụp đổ với cuộc phòng thủ sinh tử và kết thúc là Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa. Trần Mai Hạnh đã diễn tả một cách khách quan thế trận lao dốc của chính quyền Sài Gòn. Trên cơ sở của hệ thống tư liệu, tác giả đã tiểu thuyết hóa bằng cách đi vào từng con người cụ thể với từng cá tính trước những tình huống và cách nhận thức, xử lý vấn đề, đặt từng người trong mối quan hệ với nhiều người và công việc để làm bật lên sự thật: sụp đổ của chính quyền là tất yếu.
Như vậy có thể thấy rằng làm nên tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là hệ thống tư liệu. Nếu không có những tư liệu tuyệt mật từ “ phía bên kia” mà tác giả thu thập được trong thời kì làm phóng viên ở chiến trường miền Nam thì tác giả cũng không thể dựng lại được bức tranh chính quyền Sài Gòn 4 tháng trước khi sụp đổ hoàn toàn. Chính nguồn tư liệu đồ sộ tạo nên tác phẩm này,vì vậy không ít độc giả cho rằng cuốn tiểu thuyết này là cuốn tư liệu lịch sử chứ không phải là một cuốn tiểu thuyết. Chúng ta không thể phủ nhận cuốn tiểu thuyết này chứa đựng một kho tài liệu mật đồ sộ với độ chính xác, tin cậy cao. Nhưng không phải cứ có tư liệu là có thể xây dựng được một cuốn tiểu thuyết tư liệu. Nhà văn phải biết cách thức sử dụng tư liệu vào mục đích viết để tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao. Trần Mai Hạnh không ỷ vào những tư liệu mà quên đi sáng tạo văn chương. Những tư liệu mà tác giả sử dụng viết cuốn tiểu thuyết này không hề cản trở năng lực hư cấu của nhà văn. Những tư liệu khi đi vào tác phẩm không hề thô cứng, khô khan mà cũng mang tính văn chương vì nó được tổ chức, kết cấu, bố cục hợp lí.
2. Lịch sử nhìn từ bên kia chiến tuyến
Chiến tranh kết thúc, có rất nhiều sách, báo, hồi ký, tiểu thuyết đào bới khá kỹ lưỡng với nhiều góc nhìn về những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng như toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong đó có cuốn Tổng thống cuối cùng của nhà văn Nguyễn Trần Thiết. Nhưng cuốn tiểu thuyết trên mới chỉ phản ánh một phần của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, phản ánh cuộc chiến ở một tuyến phòng thủ hoặc một mặt trận của quân đội Sài Gòn (như mặt trận Xuân Lộc) và nhắc đến một phần về Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa - Dương Văn Minh... Nhưng chưa có tác phẩm nào dựng lại lịch sử giai đoạn này từ góc nhìn của những người phía bên kia chiến tuyến. Khác với hàng loạt những cuối tiểu thuyết chiến tranh thời kì trước, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 có điểm đặc biệt hấp dẫn bạn đọc là ở cái nhìn lịch sử. Đó là lịch sử được nhìn từ “phía bên kia chiến tuyến” – phía quân địch. Cuốn tiểu thuyết tư liệu Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 hấp dẫn bạn đọc từ đối tượng mà tác giả lựa chọn. Cụ thể ở đây là chính quyền Việt Nam Cộng hòa - từ nguyên thủ đến các quan chức cao cấp, các tướng lĩnh đến tận hàng binh sĩ của một chính quyền mà ta quen gọi là "ngụy"- làm đối tượng miêu tả, tái hiện. Việc lựa chọn đối tượng này đã đem đến sự khác nhau trong cách nhìn nhận lịch sử. Trước đây trong các tiểu thuyết các nhà văn thường lựa chọn nhân vật chính là những người lính tham gia cách mạng, họ đại diện cho chủ nghĩa cách mạng, còn kẻ địch chỉ là những nhân vật phụ giúp làm rõ nét hình tượng nhân vật trung tâm. Cũng có những tác phẩm viết về chính quyền Sài Gòn nhưng được khai thác từ phía ta. Còn tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 tái hiện sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn trong 4 tháng cuối cùng từ góc nhìn của những người trong chính quyền đó. Với cách nhìn lịch sử như vậy đòi hỏi nhà văn phải có "lập trường", "quan điểm" (phải khách quan, không được chủ quan), phải "biết địch biết ta", nghĩa là phải hiểu rõ đến "chân tơ kẽ tóc" đối phương như hiểu chính chúng ta vậy, phải có nguồn tư liệu dồi dào, chính xác và tin cậy. Điều đó đòi hỏi nhà văn là người có cái nhìn nhân văn trong cách nhìn nhận đánh giá. Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, hậu quả của nó vẫn còn nhiều, nhưng ngày nay chúng ta phải nhìn chiến tranh theo một hướng khác. Viết về chính quyền Sài Gòn nhưng Trần Mai Hạnh có một cái nhìn, và sự đánh giá một cách khách quan. Ông không bình luận, hay đánh giá, hay phê phán quân địch mà chỉ phục dựng lại một cách chân thực lịch sử được nhìn từ phía bên kia chiến tuyến – phía quân địch. Trần Mai Hạnh không đóng vai trò là nhà sử học kể lại lịch sử và ông cũng không nhìn sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn từ tư thế người chiến thắng, cũng không mang tâm lí của kẻ thắng chế giễu kẻ thua. Trần Mai Hạnh muốn dựng lại lịch sử chế độ chính quyền Sài Gòn để bạn đọc biết được những con người phía bên kia chiến tuyến, những kẻ địch của ta họ là người như thế nào, và quá trình chính quyền sụp đổ ra sao, làm cho người đọc nhận ra sự thực vốn có của cuộc chiến.
Với cái nhìn lịch sử khác với những tiểu thuyết khác nên Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã tái hiện rõ nét lịch sử của một giai đoạn đầy biến động 4 tháng đầu năm 1975. Nhưng không phải là tái hiện lại lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh mà là lịch sử sự sụp đổ chính quyền Việt Nam cộng hòa từ phía bên kia chiến tuyến. Chính "Cái nhìn ngược sáng", cách nhìn nhận lịch sử như vậy như đã giúp tác giả "chui sâu leo cao" vào "hang ổ" của đối phương để lần đầu tiên bằng hình thức "văn chương tư liệu", trong trường hợp này là tiểu thuyết tư liệu, đã tái hiện chân dung một chính thể hiện diện qua những cá nhân từ chóp bu đến ngạch cuối của một hệ thống với ý nghĩa là đối phương của chúng ta. Mười chín chương sách đã tuần tự dẫn dắt người đọc theo bước chân lịch sử sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Bắt đầu từ nước cờ định mệnh: Phước Long thất thủ, quân Thiệu rút khỏi Buôn Mê Thuột, tiến đến mất Tây Nguyên, rồi lần lượt Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 bị xóa sổ, vùng 1, vùng 2 rơi vào tay Cộng sản, và cuối cùng là Thiệu cuốn gói, sự kháng cự cuối cùng bị nghiến nát… Trần Mai Hạnh đã diễn tả một cách khách quan thế trận lao dốc của chính quyền Sài Gòn. Trên cơ sở của những hệ thống tư liệu lịch sử mà ông thu thập được, nhà văn đã tiểu thuyết hóa lịch sử bằng cách đi vào từng con người cụ thể với từng cá tính trước những tình huống và cách nhận thức, xử lý vấn đề, đặt từng người trong mối quan hệ với nhiều người và công việc để làm bật lên như một sự thật cốt lõi: sụp đổ là tất yếu. Sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính đương nhiên là do ngân khố để nuôi chiến tranh teo tóp và bộ máy ăn theo bị ảnh hưởng không nhỏ. Mặt khác, tin tức không tốt lành từ chiến trường đã giáng đòn nặng nề vào dự cảm của phần đông tướng lĩnh và chính khách về triển vọng cuộc chiến. Các tướng lính không còn niềm tin vào chế độ và họ chống đỡ một cách bất lực.
Lịch sử không chỉ được nhìn nhận từ các sự kiện từ những trận đánh từ những vùng đất quân ta giải phóng mà lịch sử trong Biên Bản chiến tranh 1-2-3-4.75 còn được hiện lên qua hình ảnh những tướng lĩnh quân đội Sài Gòn ở các mặt trận, các quân khu, sư đoàn, các quân binh chủng và tại Bộ Tổng tham mưu. Mà đã là người lính (tướng hay lính) thì dù ở bất cứ bên nào chiến tuyến, làm bất cứ nhiệm vụ gì thì đời sống của họ, số phận của họ cũng là một phần của chiến thắng hay thất bại của chiến tranh, là những mã số bí ẩn, thậm chí ngay cả khi chiến tranh đã qua đi cũng không phải dễ gì giải mã được…Với cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, không thiên kiến trước số phận con người, bằng các tài liệu, tư liệu có căn cứ tác giả cố gắng khắc họa trung thực hình ảnh tướng lĩnh của quân đội Sài Gòn – từ góc nhìn phía bên kia chiến tuyến, trong những ngày sụp đổ của thể chế Việt Nam Cộng hòa mà họ phụng sự. Tác giả đã dựng lại những cuộc họp giữa Thiệu và các tướng lĩnh, những cuộc tranh cãi về “cố thủ” hay “tiếp tục”, “rút lui” hay “phản công”,“đi” hay “ở” giữa các vị tướng tá và chính khách, thậm chí ở ngay trong một con người luôn diễn ra căng thẳng lúc âm thầm, lúc trực tiếp trước mỗi sự kiện mới. Mỗi vị tướng ở đây đều dầy mình kinh nghiệm và bản lĩnh, đều tìm mọi cách để duy trì chế độ và chính quyền nhưng đã không thể làm được gì khi sai lầm nối tiếp sai lầm trong chỉ đạo. Và kết thúc tất yếu là sự sụp đổ. Mỗi người tướng lĩnh có một kiểu suy nghĩ, một sự bất lực, một nỗi đau xót khi mà chính quyền - nơi họ cống hiến, phụng sự và đưa lại cho họ rất nhiều bổng lộc, quyền lợi từ bao nhiêu năm qua đã sụp đổ tan tành trong khi chưa ai kịp chuẩn bị tâm thế cho mình. Nhiều tướng lĩnh bỗng chốc trở nên lúng túng, hoang mang, hung hăng, trước cơn địa chấn kinh hoàng đó.
Nhân vật trung tâm không thể thiếu khi dựng lại sự sụp đổ chính quyền Sài Gòn là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Cũng đã có rất nhiều tác phẩm miêu tả hình vị tổng thống này, nhưng nếu như trong các tác phẩm trước khác khi viết về Thiệu các tác giả đều lên án phê phán hành động tàn ác dã man của Thiệu, nhìn nhận Thiệu từ phía người chiến thắng, gắn cho hắn cái tên là kẻ địch. Trần Mai Hạnh đã đem đến cho người đọc một góc nhìn mới về nhân vật lịch sử này. Nhà văn nhìn Nguyễn Văn Thiệu từ cái nhìn phía bên kia, từ những người trong chính quyền Sài Gòn chứ không phải nhìn từ phía quân ta. Với góc nhìn này Nguyễn Văn Thiệu, người đọc có cái nhìn khá đầy đủ về cuộc đời và số phận của Nguyễn Văn Thiệu trên chính trường và cả trong cuộc sống thường ngày. Không phải ngẫu nhiên mà trong tiểu thuyết tác giả dành trọn 3 chương khắc họa về Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (Chương 8: Thiệu lên gân trong cô độc sợ hãi, Chương 14: Thiệu như ngọn đèn trước gió và Chương 16: Thiệu cuốn gói). Đó là 3 chương đặc tả một nhân vật chóp bu của chính thể Việt Nam Cộng hòa. Ngoài ra, trong tất cả các chương còn lại, hình ảnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu luôn bất chợt xuất hiện đúng lúc trong các sự kiện quan trọng. Trần Mai Hạnh đã xây dựng nên một Nguyễn Văn Thiệu vừa độc đoán - gian hùng, vừa quyết liệt, ham hố, vừa hèn nhát… Đặc biệt với bài phát biểu trước khi từ chức mà tác giả đưa vào phần phụ lục, chúng ta nhận rõ hơn chân dung Nguyễn Văn Thiệu và nhân cách của ông ta. Trong những ngày cuối cùng đó, Thiệu rất “khôn ngoan” lo liệu cho vợ con và của cải đi trước rồi đến phút chót khi mà những hy vọng về tương lai tắt ngấm, cũng kịp lên máy bay chuồn ra nước ngoài. Trong khi đó một số sĩ quan cao cấp khác của chính quyền sài Gòn đã chọn cho mình cách ứng xử khác. Xung quanh Nguyễn Văn Thiệu, độc giả còn được biết khá tường tận về hàng ngũ quan chức và tướng lĩnh cao cấp của chính thể Việt Nam Cộng hòa như Trần Thiện Khiêm, Trần Văn Hương, Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ, Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Đôn, Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang, Dư Quốc Đống, Nguyễn Khoa Nam… Mỗi người một vẻ, thăng trầm trên chính trường chẳng ai giống ai nhưng giống nhau ở cái kết cục thê thảm - sụp đổ và bi kịch. Hình ảnh các tướng lĩnh của Quân đội ViệtNamcộng hòa được hiện lên rất chân thực, mỗi người một tính cách riêng được Trần Mai Hạnh xây dựng không ai giống nhau. Họ đều là những nhân vật lịch sử. Trần Mai Hạnh không hề hư cấu, tác giả đã hóa thân vào nhân vật để thể hiện được nỗi ngậm ngùi đau xót cũng như lòng tự trọng ở tư cách người chịu phần nào trách nhiệm trước thất bại của cuộc chiến.
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là một tiểu thuyết có sự kết hợp hài hòa yếu tố tư liệu và chất tiểu thuyết. Tuy vẫn mang âm hưởng sử thi nhưng từ một góc nhìn lịch sử khác- góc nhìn từ phía bên kia chiến tuyến, lịch sử đã được phục dựng lại qua những trang tư liệu mật lâu nay còn “ngủ yên” trong các tủ hồ sơ, trong các thư viện, trong các sổ ghi chép, thậm chí cả trong ký ức. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 dù không có một từ nào lý giải, cắt nghĩa vì sao chúng ta chiến thắng nhưng bản thân cuốn sách lại chính là câu trả lời thuyết phục “vì sao chúng ta thắng”. Cuốn tiểu thuyết không hề nhắc tới bất kì một chi tiết nào về sự lãnh đạo của Đảng nhưng Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 vẫn thể hiện được vai trò lãnh đạo tài tình của Đảng trong cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc quy giang sơn về một mối, vừa cho thấy chúng ta hiểu hơn kẻ thù một thời của mình. Tác phẩm đã giải mã những tranh cãi mà lâu nay chúng ta thường đặt ra bằng chính những tính toán, chiến thuật… liên tiếp thất bại của quân đội Sài Gòn. Bằng thái độ điềm tĩnh trước chiến thắng, tác giả đứng ở góc nhìn của người trong cuộc của phía bên kia nhìn sâu vào tâm can họ để cắt nghĩa những điều họ nghĩ, những việc họ làm, sự sụp đổ của một thể chế vốn sống bằng viện trợ, cũng là thấm thía hơn nỗi đau của dân tộc trong cuộc chiến tranh. Tác phẩm đã đưa ra một cách đánh giá, nhìn nhận lịch sử mới. Một cái nhìn nhân văn về cuộc chiến tranh.
Công việc của nhà văn là làm sống lại lịch sử, biến những sự kiện lịch sử vốn mang tính chất khô khan trong sử sách thành những câu chuyện lịch sử sống động, khám phá số phận con người và luận giải những vấn đề được đặt ra từ lịch sử, qua đó truyền cảm hứng và tình yêu dân tộc đối với độc giả. Khi chúng ta có một độ lùi thời gian nhất định, nhiều vấn đề tưởng chừng như đã kết thúc, thậm chí đã đúc kết thành những chân lí trong lịch sử, nay lại được đem ra nhận thức, diễn giải lại. Dưới con mắt của con người hôm nay, lịch sử được nhìn nhận đánh giá theo một hướng mới. Chiến tranh đã qua hơn 40 năm, Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa quan hệ trở lại, chúng ta cần phải có một cách nhìn nhận mới về cuộc chiến tranh. Văn học đã trở thành cầu nối, kết nối khát vọng hòa bình của nhân loại, cầu nối hữu nghị hợp tác giữa các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới./.
Vũ Thị Quỳnh
Nguồn: Tạp chí Nhà văn & tác phẩm
Số 19, tháng 9-10 năm 2016
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Hội thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (05/12/1945 - 05/12/2024)
- Cán bộ Nhà xuất bản đạt giải cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y