Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 phiên bản tiếng Anh ra mắt bạn đọc trong nước và quốc tế
Hơn 40 năm đã qua, nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Mùa xuân 1975) vẫn là đề tài hấp dẫn đối với văn học. Trong thời gian qua, nhiều tác phẩm văn học có giá trị viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc được ra mắt bạn đọc, góp phần đem đến nhận thức mới về lịch sử. Trong số các tác phẩm đó, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh được coi như một thứ “kim cương của văn học tư liệu” về cuộc chiến.
Từng là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975, nhà báo Trần Mai Hạnh được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khi đó dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực, Ông đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn, vinh dự và may mắn có mặt, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập. Ý thức được trách nhiệm của người cầm bút, với khát vọng, nhiệt huyết của tuổi trẻ, Ông đã có ý tưởng viết một cuốn sách và lao vào tìm hiểu về cuộc chiến, kỳ công sưu tầm tư liệu. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 ra đời như một tất yếu trong cuộc đời cầm bút của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.
Diễn biến cuộc chiến ở giai đoạn quyết định của lịch sử hiện lên qua từng trang sách như một thiên phóng sự hết sức sinh động và chân thực. Và đặc biệt là qua những trang viết về sự thật những ngày sụp đổ của chính quyền “Việt Nam Cộng hòa”, người đọc lại cảm nhận được sự vẻ vang, tính tất thắng và chân lý sáng ngời của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Không khí lịch sử những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến được Ông thổi vào từng trang viết sống động, truyền đến độc giả nguồn cảm xúc mạnh mẽ và hào hùng.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc là đề tài không mới, được nhiều cây bút lớn tập trung phản ánh. Song, Trần Mai Hạnh lại lựa chọn cách nhìn từ “phía bên kia”. Ông cũng không nhìn “phía bên kia” bằng con mắt chủ quan của “phía bên này”. Trần Mai Hạnh đã “khách quan hóa”, đưa ra một cái nhìn điềm tĩnh, không thiên kiến, tôn trọng sự thật lịch sử, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia, bảo đảm sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện, sự việc, tình tiết đã diễn ra. Những sự kiện và nhân vật trong Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được xây dựng trên nền tảng sự thật lịch sử và khối lượng tư liệu đồ sộ của phía bên kia (phía chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ) cả ở trong nước và nước ngoài mà Ông đã kỳ công thu thập được. Ranh giới giữa lịch sử và văn học dường như bị xòa nhòa. Phải chăng điều đó đã góp phần làm nên sức hấp dẫn và giá trị nhân văn của tác phẩm.
Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của tác giả Trần Mai Hạnh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thẩm định, biên tập và xuất bản chính thức ra mắt bạn đọc lần đầu tiên vào dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2014). Đây là tác phẩm duy nhất thuộc thể loại văn xuôi được Ban Chấp hành Hội Nhà văn ViệtNamquyết định trao tặng Giải thưởng Văn học năm 2014. Với sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc, một năm sau, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2015), Nhà xuất bản đã cùng tác giả tái bản cuốn sách. Trong lần tái bản này, cuốn sách được bổ sung bảng tra cứu tên người và 21 tài liệu nguyên bản có giá trị tham khảo được tác giả tiếp cận sau ngày 30-4-1975, liên quan trực tiếp đến cuộc chiến, trong thời gian diễn ra sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, được xem là tài liệu tuyệt mật của "phía bên kia" và lần đầu được công bố toàn văn. Đặc biệt, năm 2015, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 lại tiếp tục được vinh danh ở tầm khu vực với Giải thưởng Văn học ASEAN. Phát biểu tại lễ trao giải này, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã dịch tóm lược một số chương cuốn Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 và nhận được sự đánh giá tích cực của dư luận quốc tế. Trong năm 2016, cuốn sách lại được tái bản lần thứ hai và lần thứ ba với số lượng lớn.
Nhằm giới thiệu, quảng bá tác phẩm văn học viết về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hoà bình của Nhân dân Việt Nam tới bạn đọc thế giới, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có quyết định về việc dịch tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 sang tiếng Anh. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật hoan nghênh quyết định này và xem đây là một việc làm rất có ý nghĩa.
Việc dịch thuật sang tiếng Anh nội dung cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đòi hỏi vừa bảo đảm độ chính xác, trung thành với nguyên bản tiếng Việt, vừa phải nhuần nhuyễn về ngôn ngữ văn chương. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và tác giả Trần Mai Hạnh đã thống nhất mời dịch giả Mạnh Chương - một chuyên gia ngôn ngữ học tiếng Anh thực hiện. Không chỉ là một giảng viên, chuyên gia, dịch giả có uy tín với nhiều tác phẩm dịch có giá trị đã được công bố, Mạnh Chương còn thuộc lớp người được chứng kiến cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Và Ông còn là người trực tiếp phiên dịch cho Đoàn Trung ương trong Uỷ ban Liên hiệp Quân sự 4 bên, thi hành Hiệp định Paris đóng tại trại David, Tân Sơn Nhất. Vì vậy, Ông đã dịch tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 với tất cả tình cảm, niềm đam mê và trách nhiệm. Bản tiếng Anh tác phẩm còn được hiệu đính bởi đội ngũ các chuyên gia ngôn ngữ có kinh nghiệm của ViệtNamvà nước ngoài của Công ty dịch thuật Metro Writers. Sau khi công việc dịch thuật và hiệu đính được hoàn tất, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tiến hành thẩm định, đối chiếu kỹ lưỡng giữa bản dịch tiếng Anh và bản gốc tiếng Việt (bản in mới nhất vào tháng 5-2016), trao đổi với dịch giả để hoàn thiện nội dung bản dịch.
Trong dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2017), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức ra mắt cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 phiên bản tiếng Anh (A war account 1-2-3-4.75) và tiếng Việt. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng, giới thiệu với độc giả trong nước và bạn bè quốc tế về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Hội thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (05/12/1945 - 05/12/2024)
- Cán bộ Nhà xuất bản đạt giải cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y