Veda Upanishad - Những bộ kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ

Ngày đăng: 02/06/2017 - 08:06

veda125Trong các nền triết học trên thế giới, thì triết học Trung Quốc, triết học Ấn Độ có ảnh hưởng khá sâu rộng đến quan điểm, tư tưởng, đời sống đạo đức, văn hóa của người Việt Nam. Để góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tư tưởng và tôn giáo cổ Ấn Độ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Veda Upanishad - Những bộ kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ. Đây là bộ lịch sử tư tưởng triết học Ấn Độ được viết dưới dạng các văn bản.

Có thể nói, từ trước đến nay chúng ta đã được đọc khá nhiều tài liệu, kinh sách về triết học Trung Quốc, triết học Phật giáo của các tác giả trong và ngoài nước. Nhưng với Ấn Độ giáo thì bạn đọc chưa được làm quen nhiều với các văn bản gốc, do vậy cuốn sách Veda Upanishad - Những bộ kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ do PGS, TS. Doãn Chính sưu tầm, biên soạn, biên dịch sẽ giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu về một nền văn hóa có một không hai của nhân loại.

Cuốn sách được chia làm hai phần chính. Với mỗi bộ kinh, các tác giả đều giới thiệu khái quát về niên đại, nguồn gốc, kết cấu, nội dung cơ bản và sau đó là toàn bộ nội dung của kinh văn gốc được biên dịch, chú giải. Ngoài ra, cuốn sách còn có thêm phần từ vựng, giúp bạn đọc nắm một cách cơ bản một số từ, khái niệm cổ được sử dụng trong cuốn sách.

Phần thứ nhất: Tư tưởng triết học trong kinh Veda: nội dung chính giới thiệu kinh Veda. Kinh Veda được coi là đại biểu tối cổ của tư tưởng triết lý thần thoại, tôn giáo, văn học cổ Ấn Độ, được diễn đạt dưới hình thức ngôn ngữ cổ của Ấn Độ. Kinh Veda vừa mang tính thần thoại vừa mang tính triết lý, vừa là sự dò dẫm tìm tòi, vừa là sự khám phá sáng tạo ban đầu. Veda chính là cội nguồn của tư tưởng triết học, tôn giáo của người Ấn - Aryan. Kết cấu của kinh Veda gồm hai phần chính là Mantra và Brahmana. Về nguồn gốc, cuốn sách cũng đã khái quát và giới thiệu tới bạn đọc hai cách lý giải về nguồn gốc của kinh Veda: nguồn gốc thần thoại và nguồn gốc qua sưu tập, ghi chép. Nhưng tựu chung lại, nội dung tư tưởng của thánh kinh Veda không chỉ là những bài ca tôn sùng sự tích, công đức của các vị thần có nguồn gốc gắn liền với các hiện tượng tự nhiên, không chỉ là những những giáo lý, nghi lễ, điều răn của các giáo sĩ, tăng lữ, là sự thổ lộ dạt dào của người Aryan - Ấn trước sự mênh mông, kỳ bí, vô tận của vũ trụ và cuộc sống, mà thông qua đó còn là tư tưởng triết lý của họ. Tất cả những nội dung tư tưởng của kinh Veda cùng những ý nghĩa nhân văn cao cả của nó sẽ được giới thiệu và trình bày cụ thể trong phần thứ nhất của cuốn sách.

Phần thứ hai: Kinh Upanishad: ngoài giới thiệu toàn bộ nguồn gốc, kết cấu phần này còn chú trọng giới thiệu một cách khái quát toàn bộ nội dung tư tưởng triết học của kinh Upanishad. Nội dung, mục đích căn bản của Upanishad là nhằm vạch ra nguyên lý tối cao tuyệt đối, bất diệt là bản thể của vũ trụ vạn vật, lý giải về thực chất bản tính con người và mối quan hệ giữa đời sống tinh thần của con người với nguồn gốc bất diệt của vũ trụ, từ đó chỉ ra con đường, cách thức giải thoát con người khỏi sự ràng buộc của thế giới sự vật, hiện tượng hữu hình, hữu hạn. Với nội dung tư tưởng triết học phong phú và sâu sắc như vậy, Upanishad đã trở thành nguồn gốc triết lý cho hầu như tất cả các hệ thống triết học, tôn giáo Ấn Độ, là cơ sở triết lý cho đạo Bàlamôn cũng như đạo Hindu sau này. Trong phần hai của cuốn sách cũng giới thiệu đến bạn đọc nội dung của 11 kinh Upanishad chủ yếu, trong đó có nhiều bản văn, nội dung tư tưởng của kinh được thể hiện dưới dạng truyện cổ tích, thần thoại.

Thông qua những bộ kinh này, người đọc sẽ có thêm nhiều hiểu biết về nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Ấn Độ cổ, cũng như cuộc sống hằng ngày, mong ước của họ, những giá trị mà họ hướng tới… Đồng thời, bạn đọc sẽ thấy rằng, tư tưởng của chúng không chỉ có ý nghĩa triết học tôn giáo, ý nghĩa văn chương mà còn có ý nghĩa cả về luân lý, đạo đức; hơn thế, rộng lớn hơn là giá trị văn hóa của nó. Nó được coi là một trong những cội nguồn tư tưởng của nền văn minh Ấn Độ, là hệ tư tưởng truyền thống thống trị trong đời sống tinh thần xã hội Ấn Độ cổ, là cơ sở triết lý cho một trong những tôn giáo lớn của Ấn Độ.

Mang ý nghĩa, giá trị to lớn cùng với sự ảnh hưởng sâu rộng của nền triết học Ấn Độ đến Việt Nam, cuốn sách sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà nghiên cứu trong việc tìm hiểu, nghiên cứu tư tưởng và tôn giáo cổ Ấn Độ từ sự tiếp cận trực tiếp với các kinh văn gốc.

Bình luận