Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng

Ngày đăng: 06/07/2017 - 10:07

tu lang sen 272017Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, người cha muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam và của cả nhân dân thế giới, Người đã dành trọn cả cuộc đời đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Người luôn đặt mình trong cùng nỗi đau khổ của nhân loại. Trái tim Người đập cùng nhịp đập với Nhân dân. Tình thương, nỗi lo, tấm lòng của Người không chỉ rộng dài theo không gian mà còn trải suốt chiều dài của thời gian “cho hôm nay và cho mai sau”. Cuốn sách Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng do tác giả Trịnh Quang Phú ghi chép lại là một trong vô vàn cuốn sách hay viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phẩm chất con người, về cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng của Người.

Cuốn sách tập hợp các câu chuyện giản dị, hấp dẫn, gần gũi viết về tình cảm chân thành và sâu sắc của Bác Hồ đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam và ngược lại, những tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đối với Bác. Ngoài ra cuốn sách cũng tập hợp các bài viết viết về thời niên thiếu của Bác Hồ trong thời gian ở Làng Sen, rồi chuyển vào Huế, Bình Định,… cũng như khoảng thời gian khi Người chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước.

Cuốn sách được chia thành 2 phần:

Phần I: Miền Nam trong trái tim Người, bao gồm những mẩu chuyện gần gũi, những kỷ niệm đẹp về tình cảm của Bác Hồ với văn nghệ sĩ trí thức miền Nam của các cán bộ, đặc biệt là những cuộc gặp gỡ đầy hạnh phúc giữa những cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra thăm Bác và được gặp Bác. Ở phần này, tác giả đã kể lại khá đầy đủ các cuộc gặp gỡ của Bác với các anh hùng, chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam như: Tạ Thị Kiều, Ngô Thị Tuyết, Trần Thị Bưởi, Hồ Thị Thu, Huỳnh Thị Kiển, Hồ Sỹ Thản,… Ngoài ra còn có những kỷ niệm của một số đồng chí đã từng giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước cũng đã được kể lại, như: Kỷ niệm những lần gặp Bác của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Những kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ của đồng chí Nguyễn Thị Bình, Đường Hồ Chí Minh của Luật sư Trịnh Đình Thảo,… Mỗi câu chuyện khác nhau được thể hiện qua lời văn mộc mạc, giản dị của tác giả đã cho thấy tình cảm chân thành, chan chứa của cán bộ, chiến sĩ miền Nam đối với Bác, qua đó làm toát lên tình cảm yêu thương vô bờ bến của Người dành cho các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam. Những câu chuyện trong cuốn sách còn là những cử chỉ ân cần, là sự chỉ bảo tận tình, là sự quan tâm chu đáo từng li từng tí của Người tới những điều tưởng chừng vô cùng nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày của họ…. Những lần được gặp gỡ, trò chuyện với Người là những kỷ niệm đẹp, là niềm tự hào và đầy xúc cảm của mỗi cán bộ chiến sĩ miền Nam mà suốt đời họ không bao giờ quên.

Phần II: Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng nói về những ngày niên thiếu của Bác ở làng Sen, đến những năm tháng Bác ở Huế, Bình Định, Phan Thiết và Sài Gòn, rồi ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. Đây là khoảng thời gian và cũng là chặng đường hoạt động sôi nổi, phong phú đầu tiên trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng oanh liệt, cao cả của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Có thể nói, khoảng thời gian những năm đầu đời đó cũng chính là gốc rễ góp phần hình thành nên một tâm hồn, một nhân cách, một tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này.

Những câu chuyện trong cuốn sách là những bài học vô cùng quý báu sẽ đưa bạn đọc ngược thời gian trở về với làng Sen, với những năm tháng Bác trăn trở trên con đường tìm đường cứu nước vì độc lập, tự do của Nhân dân, hòa bình của các dân tộc trên thế giới... Những mẩu chuyện cảm động, những ký ức đẹp đẽ về Bác của các cán bộ chiến sĩ miền Nam cũng như những tình cảm nồng nàn, nhân ái Bác dành tặng cho các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam Việt Nam là tài liệu vô giá góp phần giúp chúng ta hiểu hơn về nhân cách cao cả, vĩ đại mà rất đỗi bình dị của một người suốt đời đấu tranh cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam, qua đó góp phần giáo dục và rèn luyện tuổi trẻ học đường học tập tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả