Tư tưởng chính trị của Hồ Quý Ly
Hồ Quý Ly là nhân vật lịch sử được bàn luận đến nhiều trong lịch sử và thời đại, với nhiều ý kiến trái chiều người khen - chê khác nhau. Những cải cách của Hồ Quý Ly vốn đã quá nổi tiếng trong cuộc luận bàn lịch sử, bởi cả tính phiêu lưu của nó lẫn ấn tượng về một quyết tâm chính trị - hành chính - kinh tế - quân sự vượt trước thời đại, cũng vì thế, đã không thể dung hợp với thời đại. Tư tưởng chính trị Hồ Quý Ly được thể hiện qua những chính sách và hành động như thế nào? Câu hỏi này sẽ được giải đáp qua cuốn sách Tư tưởng chính trị của Hồ Quý Ly của PGS. TS. Nguyễn Hoài Văn và ThS. Lê Anh Quân. Cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ những vấn đề lịch sử về tư tưởng chính trị của Hồ Quý Ly, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước ta hiện nay.
Cuốn sách kết cấu gồm 3 chương, trình bày cơ sở hình thành tư tưởng chính trị của Hồ Quý Ly, đồng thời đi sâu phân tích nội dung lớn trong tư tưởng của ông: xây dựng Nhà nước quân chủ Nho giáo trung ương tập quyền thống nhất; đề cao độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia; chống giáo điều Nho giáo, đề cao văn hóa dân tộc; đề cao pháp trị. Trên cơ sở đó, các tác giả đã phân tích khá cụ thể những bài học lịch sử và ý nghĩa của tư tưởng đó đối với sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.
Một tư tưởng đổi mới táo bạo, dám nghĩ, dám làm
Là người có tinh thần yêu nước, nhà lãnh đạo chính trị có tư tưởng đổi mới, táo bạo, Hồ Quý Ly đã gắn bó cả cuộc đời mình với số phận dân tộc. Từ một người có vị trí cao trong triều đình nhà Trần, rồi trở thành vị quân vương của triều Hồ, Hồ Quý Ly đã ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình là cần phải nhanh chóng phát triển đất nước, đặc biệt chống lại nguy cơ đe dọa nền độc lập đến từ phương Bắc. Có thể thấy rằng tư tưởng chính trị về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia đã được ông nhận thức và thực hiện ở tầm tư duy mới. Đó là, một dân tộc muốn thoát khỏi thân phận yếu hèn, muốn tồn tại được bên cạnh một quốc gia lớn mạnh thì không có cách nào khác là phải tự mình mạnh lên, tự mình tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tự cường dân tộc. Hồ Quý Ly cũng đã khởi xướng và tổ chức thực hiện nhiều chính sách cải cách nhằm tạo ra sức mạnh kinh tế - quốc phòng cho đất nước. Hồ Quý Ly đã tích cực thực hiện một nội dung tư tưởng chính trị Việt Nam truyền thống đó là dựng nước đi đôi với giữ nước. Cùng với nhiều chính sách kinh tế mới mẻ như hạn điền, hạn nô đánh mạnh vào lợi ích của giai cấp quý tộc Trần. Đặc biệt ông cho rằng để xây dựng và ổn định một Nhà nước thì cần phải cai trị bằng thể chế mới, chính sách mới, ông coi trọng nhân tài và trí tuệ, đồng thời ông hướng tới việc cai trị Nhà nước bằng pháp luật. Đó là tư tưởng chính trị tiến bộ của Hồ Quý Ly.
Ngoài ra, Hồ Quý Ly còn tiến hành nhiều chính sách cải cách khác như: đề cao chữ Nôm và văn hóa dân tộc. Hồ Quý Ly muốn người Việt Nam phải dùng chữ Việt Nam. Đây là tư tưởng cho thấy nhận thức vượt thời đại của Hồ Quý Ly cũng như một tinh thần dân tộc sâu sắc. Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Quý Ly còn được nhớ tới bởi trên lĩnh vực quân sự, ông đã xây dựng được một quân đội có thể nói là lớn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Không phải viết bằng ngòi bút chê bai, hay chỉ trích mà dưới góc độ người nghiên cứu, các tác giả lần lượt bóc tách, phân tích từng nội dung tư tưởng chính trị đó của Hồ Quý Ly trong chương 2 của cuốn sách với những nội dung cụ thể, để giúp người đọc có cái nhìn khách quan, công bằng và toàn diện hơn về tư tưởng của Hồ Quý Ly.
Bài học lớn từ công cuộc đổi mới của Hồ Quý Ly
Sự nghiệp chính trị của Hồ Quý Ly chưa trọn vẹn và công cuộc cải cách của ông cũng thất bại cùng với sự kết thúc của vương triều nhà Hồ vào năm 1407, nhưng Hồ Quý Ly cũng đã có những đóng góp nhất định đối với yêu cầu đổi mới cũng như yêu cầu cải cách để phát triển đất nước trong những thời điểm cần thiết khi thực tiễn đòi hỏi đối với một nhà lãnh đạo tầm quốc gia, đặc biệt đối với người đứng đầu đất nước. Bằng việc nghiên cứu, phân tích những nội dung tư tưởng chính trị Hồ Quý Ly, các tác giả đã giúp chúng ta có cơ hội được tiếp cận, nhìn nhận, đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa trong công cuộc đổi mới đất nước ta.
Trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, tư tưởng đổi mới, cải cách để tự cường dân tộc luôn có vị trí quan trọng. Chính vì vậy, tư tưởng chính trị của ông thông qua những chính sách cải cách của ông trên nhiều lĩnh vực có vị trí đặc biệt trong lịch sử nước ta thời kỳ trung đại – mở đầu cho thời kỳ xây dựng Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Nho giáo toàn trị. Bài học lớn nhất được rút ra từ công cuộc đổi mới của Hồ Quý Ly đó chính là bài học mất lòng dân. Hồ Quý Ly đã không thấy được những hậu quả trái chiều do cuộc cải cách mang lại đã làm ảnh hưởng đến việc đoàn kết dân tộc và tập hợp lực lượng. Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hơn bao giờ hết chúng ta cần phải biết phát huy sức mạnh của Nhân dân, được Nhân dân ủng hộ mới thành công.
Lịch sử đã qua đi, công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly cũng đã lùi sâu vào quá khứ hơn 600 năm, nhưng những bài học sâu sắc rút ra từ chính lịch sử cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự của nó. Cuốn sách Tư tưởng chính trị của Hồ Quý Ly sẽ là cứ liệu khoa học góp phần làm sáng rõ hơn những nội dung quan trọng của lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, tư tưởng đề cao dân, dựa vào dân.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đoàn công tác Nhà xuất bản làm việc tại tỉnh Hà Giang
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia Hội chợ sách Xuân 2025
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cuốn sách truyền cảm hứng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025