A, B, C "nghề" lãnh đạo, quản lý

Ngày đăng: 10/08/2017 - 10:08

Nhà lãnh đạo, quản lý là những nhân vật đóng vai trò hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định trong việc dẫn dắt, vận hành một xã hội, một quốc gia, một tập thể, trong phạm vi hẹp hơn là một cơ quan, đơn vị, tổ chức. Trong cuốn sách Lựa chọn cuộc sống - Đối thoại cho thế kỷ XXI, sử gia hàng đầu của phương Tây thế kỷ XX, Arnold Toynbee bộc lộ quan điểm: "Tôi nghĩ rằng tài năng lãnh đạo của cá nhân rất cần đối với mọi loại tổ chức, đoàn thể, ngay cả đối với những đoàn thể, công ty, v.v. được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ nhất"1. Bên cạnh các yếu tố mang tính khách quan như tố chất bẩm sinh hay sự may mắn, thì tài năng, năng lực có được nhờ tôi luyện là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một nhà lãnh đạo, quản lý. Bởi vậy, cần phải coi lãnh đạo, quản lý là một nghề. Cuốn sách A, B, C "nghề" lãnh đạo, quản lý của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ấn hành là một tài liệu tham khảo rất bổ ích và có phần lý thú về cái "nghề" khá đặc biệt này.

nghe lanh dao 882017

A, B, C "nghề" lãnh đạo, quản lý là một cuốn sách nhỏ, độ dày vừa phải, cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản nhất về nghề lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị - xã hội, bao gồm các tổ chức đảng, bộ máy quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và các đoàn thể chính trị - xã hội. Như tác giả khiêm tốn tự nhận, đây như một cuốn "sổ tay nghiệp vụ", gom lại kiến thức ông đã từng đọc, từng nghiên cứu để viết những bài thuyết trình, kết hợp những trải nghiệm thực tế qua 50 năm làm "nghề" của ông về chủ đề này. Nhưng có lẽ, với những vị trí lãnh đạo, quản lý mà ông từng kinh qua, những đóng góp và dấu ấn mà ông đã ghi lại trong "nghề", với trí tuệ và tư duy uyên bác của ông, thì cuốn sách không đơn thuần là “sổ tay nghiệp vụ”, cung cấp những thông tin cơ bản về “nghề” lãnh đạo, quản lý, mà nó là những kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm mà tác giả chắt lọc trong suốt quãng thời gian hơn nửa thế kỷ làm việc, tích lũy của mình.

Đề cập một vấn đề không đơn giản, thậm chí là cực kỳ phức tạp và đang được xã hội hết sức quan tâm, nhưng tác giả không ôm đồm mà có sự chọn lọc đối tượng phục vụ (những người được quy hoạch làm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị - xã hội) và phạm vi đề cập (những kỹ năng chung nhất mang tính thực tiễn chứ không đi vào các lý thuyết cao xa). Vẫn là phong cách của ông với cách tiếp cận tự nhiên, đi thẳng vào vấn đề thực tế chứ không "đao to búa lớn", lý thuyết nặng nề. Ngay cả những vấn đề mang tính lý luận cũng được ông trình bày một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu nhất, với văn phong giản dị, gần gũi, ngôn ngữ đời thường mà sâu sắc, thể hiện tư duy nhạy bén, sắc nhọn..

Với cuốn sách A, B, C về "nghề" lãnh đạo, quản lý, ngoài những khái niệm, định nghĩa cơ bản ra, tác giả sẽ giúp người đọc hiểu được công việc chính của các nhà lãnh đạo, quản lý; những phong cách thường thấy ở họ; những yếu tố tạo nên quyền uy, sức cuốn hút của họ; tiêu chuẩn và những kỹ năng cơ bản cần có của người lãnh đạo, quản lý.

Với cách ví von "lãnh đạo" và "quản lý" là "anh em sinh đôi", tác giả chỉ ra những mặt giống nhau và những nét khác nhau giữa hai khái niệm này bởi theo ông, sự lẫn lộn về chức năng và về phương cách hành xử khi không phân biệt được sự khác nhau giữa chúng "thường là mầm mống gây ra tình trạng trùng chéo và những khúc mắc, mâu thuẫn nội bộ". Và mặc dù đã làm rõ những điểm khác biệt, nhưng với dung lượng và phạm vi đề cập của cuốn sách này, tác giả "không tách chúng làm đôi mà xin gộp chúng lại với nhau".

Đề cập những việc mà các nhà lãnh đạo, quản lý phải làm, tác giả cho rằng về đại thể, chúng gồm những việc chủ yếu sau: Xác định mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức mà mình đứng đầu; Hình thành cơ cấu tổ chức, phân bổ nguồn nhân lực, tài lực, vật lực để thực hiện mục tiêu; Xây dựng kế hoạch và tổ chức việc thực hiện mục tiêu; Ra quyết định và xử lý các tình huống nảy sinh; Kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện; Đào tạo nguồn nhân lực.

Về phong cách của nhà lãnh đạo, quản lý, được hiểu là phương pháp và thói quen làm việc, cách đối nhân xử thế của họ, ông cho rằng có nhiều cách phân loại phong cách lãnh đạo, quản lý, tùy thuộc vào bản tính từng người cùng nhiều nhân tố chủ quan, khách quan khác như: tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh (bình thường hay khẩn cấp), đặc trưng văn hóa ứng xử vùng, miền, quốc gia... Ông nêu ra ví dụ ba loại phong cách do một số nhà nghiên cứu ở Mỹ đưa ra: độc đoán, dân chủ, tự do. Đối với mỗi phong cách, ông phân tích cái hay, cái hạn chế và đưa ra những lời khuyên về việc vận dụng phong cách đó.

Coi quyền uy (tức quyền lực và uy tín) là yêu cầu đương nhiên của một nhà lãnh đạo hay nhà quản lý, ông cho rằng có 5 nhân tố tạo nên quyền uy, bao gồm: địa vị pháp lý, quyền thưởng phạt, quyền áp chế (áp đặt, cưỡng chế), quyền năng do trí tuệ đem lại, sự gương mẫu. Trong đó, hai nhân tố cuối cùng thường được gọi là tài và đức có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, tạo nên sức lôi cuốn, hấp dẫn của nhà lãnh đạo, quản lý, do vậy, tác giả lựa chọn đi sâu vào hai nhân tố này. Bàn về chữ "tài", ông cho rằng nó được thể hiện trên các mặt: kiến thức; năng lực tổ chức, điều hành công việc; tầm nhìn; năng lực thuyết phục người khác; và biết phép dùng người. Bàn về chữ "đức", ông cho rằng 5 yêu cầu: "nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm" mà Bác Hồ đã chỉ ra trong cuốn Sửa đổi lối làm việc kèm theo những lời giải thích thấu đáo, đã đề cập một cách toàn diện về chữ "đức" của người lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ về những đức tính mà bản thân ông coi trọng, đó là: sự đam mê, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp, công việc; sự công tâm; gương mẫu trong đời sống; lắng nghe nhưng quyết đoán, không làm liều; tính quảng giao, tinh thần hợp tác.

Một nội dung hết sức quan trọng, chắc hẳn được rất nhiều người quan tâm, đó là kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Về vấn đề này, tác giả phân tích những kỹ năng tối thiểu, quan trọng nhất, đó là: công tác tổ chức; phép dùng người; tổ chức, điều hành công việc; ra quyết định; xây dựng và chỉ đạo chiến lược; xử lý tình huống; thuyết phục, cảm hóa, truyền cảm hứng... Trong đó, công tác tổ chức và phép dùng người là hai kỹ năng được tác giả nhấn mạnh hơn cả và đưa thành hai chương sách riêng biệt. Về công tác tổ chức, ông cho rằng nên hiểu một cách chung nhất là việc tập hợp, phân bổ và điều hành nguồn nhân lực một cách hợp lý nhất để thực hiện mục tiêu đã định. Để người đọc dễ hình dung hơn, ông ví von một cách hình ảnh: "Cũng giống như người nhạc trưởng trong dàn nhạc hay huấn luyện viên của đội bóng đá, chức trách chủ yếu của họ là chọn lựa và xếp sắp đội hình, phân công phân nhiệm, huấn luyện kỹ năng, bày binh bố trận, điều hành cuộc chơi để cống hiến cho khán giả bản nhạc hay nhất, trận cầu hiệu quả nhất. Đó chính là công tác tổ chức". Ông cũng khẳng định, việc xếp sắp tổ chức phải tuân thủ nguyên tắc chủ đạo: từ công việc mà lập tổ chức, từ tổ chức mà xếp sắp con người, đồng thời cần đáp ứng 4 yêu cầu chủ yếu là: tính hợp lý, tính hệ thống, tính hiệu quả và tính ổn định đi đôi với tính linh hoạt.

Tiếp cận phép dùng người, ông quan niệm đây là khâu quan trọng và phức tạp bậc nhất trong các kỹ năng của nhà lãnh đạo, quản lý. Ông đưa ra lời khuyên, khi giao việc không nên sợ họ không làm được, trái lại nên đặt niềm tin vào họ, mạnh dạn giao những việc trên khả năng của họ một chút để có đất cho họ phấn đấu. Tất nhiên, dùng người thế nào còn tùy thuộc vào văn hóa, triết lý dùng người, trình độ phát triển, thể chế chính trị - xã hội..., nhưng nhìn chung có thể hình dung, phép dùng người bao gồm 3 công đoạn: chọn lựa, sử dụng và đãi ngộ.

Xuyên suốt 5 chương sách, xen vào những lời bàn, giải thích về các vấn đề đâu đó là những câu chuyện, những kinh nghiệm thực tế, những ví dụ sinh động mà ông đã trải nghiệm hoặc chứng kiến qua mấy chục năm trong "nghề". Tư duy của bạn đọc qua đó được "nghỉ ngơi", "giải lao", cảm giác mình đang được "thực hành" những kiến thức, lý thuyết và hơn thế, giúp tăng tính thuyết phục của những luận điểm mà tác giả đưa ra trong cuốn sách.

Cùng chung suy nghĩ với tác giả, thiết nghĩ, trong xã hội hiện đại, cuộc sống bận rộn như hiện nay, thay vì viết dông dài thì nên có những cuốn sách ngắn gọn, thiết thực như thế này. Và cuốn sách này thực sự là một tài liệu có giá trị tham khảo cao trong điều kiện sách về lãnh đạo, quản lý của các tác giả trong nước, đặc biệt là lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực chính trị - xã hội còn rất hiếm.

Giao Linh

1. Arnold Toynbee và Daisaku Ikeda: Lựa chọn cuộc sống - Đối thoại cho thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 348.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả