Tọa đàm về cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75
Sáng 23-8-2017, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức buổi tọa đàm, giao lưu tác giả và bạn đọc về cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Đây là một trong những hoạt động của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế - Việt Nam lần thứ VI năm 2017.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Hoàng Phong Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam.
Về phía Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật có: đồng chí Trần Quốc Dân, Phó Giám đốc Nhà xuất bản cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Nhà xuất bản.
Đồng chí Trần Quốc Dân, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu
Tại buổi Tọa đàm, đồng chí Trần Quốc Dân đã giới thiệu nội dung, quá trình thẩm định, biên tập và xuất bản cũng như ý nghĩa, sự độc đáo làm nên “số phận riêng” của cuốn sách. Theo đó, cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của tác giả Trần Mai Hạnh đã phục dựng và tái hiện một cách trung thực, sinh động, đầy ắp các sự kiện, biến cố trên chính trường và chiến trường trong giai đoạn cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, giúp chúng ta hồi tưởng, mường tượng lại miền ký ức hào hùng của dân tộc. Những sự kiện và nhân vật trong tác phẩm được tác giả xây dựng trên nền tảng sự thật lịch sử, dưới ngòi bút uyển chuyển mà sắc nhọn của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, khiến ranh giới giữa lịch sử và văn học dường như bị xóa nhòa. Chính điều đó đã góp phần làm nên sức hấp dẫn và giá trị nhân văn của tác phẩm. Đồng chí hy vọng rằng, thông qua buổi Tọa đàm, bạn đọc có cơ hội được giao lưu, tiếp xúc, hiểu hơn về tác giả, tác phẩm và cao hơn nữa là phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Tại buổi Tọa đàm, giao lưu với độc giả, tác giả Trần Mai Hạnh đã chia sẻ nhiều câu chuyện, kỷ niệm về những trải nghiệm thực tế trong suốt những năm tháng là phóng viên ở chiến trường miền Nam, cũng như “cơ may và cơ duyên” trong suốt quá trình từ khi thai nghén ý tưởng đến lúc thu thập, xử lý tài liệu để chắp bút cho cuốn sách. Những chia sẻ thú vị của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã giúp độc giả hiểu rõ hơn quá trình tác phẩm được “hoài thai” rồi “chào đời” và liên tiếp được xướng tên trên bục vinh quang của Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.
Tác giả Trần Mai Hạnh ký tặng cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 cho độc giả
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh từng là phóng viên chiến trường của Thông Tấn xã Việt Nam. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đầu năm 1975, Trần Mai Hạnh đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn và may mắn chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc lập. Cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 giống như một bức tranh phản ánh khá trung thực và sống động quá trình hoang mang, tan rã và sụp đổ từ phía bên kia, càng làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Từ những biên bản trả lời phỏng vấn, lời tự thú của nhiều nhân vật từng giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy quân sự và dân sự của chính quyền Sài Gòn; biên bản lời khai, tường trình về những diễn biến chi tiết trong quá trình sụp đổ tại các tuyến phòng thủ và những ngày cuối cùng tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn của nhiều tướng lĩnh; các thư từ, điện văn giữa tổng thống Mỹ với Nguyễn Văn Thiệu, biên bản các cuộc họp, các báo cáo phân tích tình báo của quân đội Sài Gòn; biên bản cuộc phỏng vấn 27 nhân vật từng là lãnh đạo chủ chốt của giới quân sự và dân sự chính quyền Sài Gòn sau giải phóng chạy ra sống ở nước ngoài; các báo, tạp chí ở Mỹ, các nước phương Tây... cùng với cách xâu chuỗi, xử lý tư liệu trên cơ sở tư duy, sự trải nghiệm và văn phong của một nhà báo, nhà văn từng kinh qua cuộc kháng chiến đã làm nên thành công của ấn phẩm này.
Thu Hằng
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đến với bạn đọc qua các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư
- Hội thảo khoa học “50 năm nền văn học Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”
- Thắp sáng tri thức - Lan tỏa văn hóa đọc vì một xã hội học tập suốt đời
- Trao tặng cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” tới tác giả - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
- Công an nhân dân phát triển văn hóa đọc và đẩy mạnh học tập suốt đời trong kỷ nguyên số
- Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội thảo khoa học quốc gia “Thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong giai đoạn mới”
- Tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan xuất bản lý luận, chính trị của Đảng và Nhà nước
- Ra mắt sách “Hà Giang - Miền đá nở hoa” trong một không gian đậm chất văn hóa Hà Giang
- Trao tặng sách cho cán bộ, chiến sĩ Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam
- 3 Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2027
- Trao tặng gia đình cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cuốn sách "Thư vào Nam"