Hội nghị tổng kết Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2016

Ngày đăng: 24/08/2017 - 18:08

Sáng 24-8-2017, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2016.

hoi nghi xa phuong 1

Quang cảnh Hội nghị

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tới dự Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các Ban Tuyên giáo của 63 tỉnh, thành ủy, một số nhà xuất bản và công ty phát hành sách; lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Nhà xuất bản tại Hà Nội.

Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Đề án và đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Đề án chủ trì Hội nghị, đã tổng kết, rút kinh nghiệm và đóng góp ý kiến kiến nghị để trình Ban Bí thư về việc thực hiện Đề án. Từ năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp xã, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân ở cơ sở. Năm 2009 và 2010, Đề án thực hiện thí điểm trang bị sách cho xã, phường, thị trấn ở 16 tỉnh, thành phố. Từ năm 2011 đến 2016, Đề án trang bị sách xã, phường, thị trấn tiếp tục được triển khai thực hiện rộng khắp trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009-2016) do đồng chí Phạm Chí Thành trình bày tại Hội nghị nêu rõ: từ năm 2009 đến 2016, đã xuất bản gần 400 đầu sách (bao gồm cả đĩa CD-ROM và CD Audio) với 9,4 triệu bản sách. Sách của Đề án có nội dung phong phú về nhiều lĩnh vực, cung cấp những tri thức cơ bản, thiết thực, quan trọng, chính thống về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, công tác quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho cơ sở xã, phường, thị trấn...; sách bảo đảm khách quan, chính xác, khoa học, cập nhật những thông tin mới nhất về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cập nhật, phổ biến nhiều kiến thức, kỹ năng thực hành cụ thể, phù hợp với đối tượng ở cơ sở. Sách được biên soạn ngắn gọn, văn phong phổ thông, dễ đọc, dễ hiểu, dễ vận dụng...

hoi nghi xa phuong 2

Đồng chí Phạm Chí Thành Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Đề án đã trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009-2016).

Công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án được thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Trách nhiệm của các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường được quy định rõ ràng. Bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn các nguyên tắc về quản lý, khai thác, sử dụng sách, Đề án đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc tổ chức hoạt động của tủ sách phù hợp với điều kiện hoàn cảnh đặc thù của từng địa phương.

Công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, yêu cầu của Đề án, về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo thực hiện Đề án.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng như các tham luận của đại biểu tham dự Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai thực hiện Đề án còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Nội dung và hình thức sách chưa đa dạng, phong phú; còn thiếu các đề tài sách về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, kiến thức văn hóa, phong tục tập quán, di sản văn hóa các vùng miền, xây dựng nông thôn mới, sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. Số lượng bộ sách gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu phong phú, đa dạng của người đọc. Ở một số nơi, quá trình quản lý, khai thác, sử dụng sách chưa bám sát mục tiêu của Đề án; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng sách của Đề án, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện Đề án...

hoi nghi xa phuong 3

Ban Tuyên giáo Trung ương trao bằng khen cho tập thể đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2006-2009).

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những nhược điểm, hạn chế cần khắc phục, Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009-2016) khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án và sự cần thiết của việc tiếp tục triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trong cả nước. Việc tiếp tục triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Kết luận số 97-KL/TW, ngày 09-5-2014 của Bộ Chính trị về Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 15-12-2016 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Thông báo kết luận số 19-TB/TW, ngày 29-12-2016 của Ban Bí thư về việc Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Đề án biểu dương những kết quả quan trọng của Đề án. Đồng thời nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã thể hiện nhận thức và quyết tâm của Đảng đối với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân ở cơ sở, góp phần giúp cán bộ, đảng viên ở cơ sở và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện tự trang bị, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, năng lực về nhiều mặt, trau dồi kỹ năng hoạt động, lao động sản xuất.

hoi nghi xa phuong 4

Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Đề án phát biểu kết luận Hội nghị.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm Đề án tiếp tục được thực hiện tích cực, hiệu quả, Hội đồng Chỉ đạo Đề án và các đơn vị liên quan cần nghiên cứu sâu sắc mục đích yêu cầu của Đề án. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cần chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đề án phù hợp, chú trọng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sách; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan triển khai đề án, khai thác sử dụng hợp lý nguồn sách; đưa nội dung sách vào quá trình giảng dạy tại các trường chính trị tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao bằng khen cho 69 tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2006-2009).

Thu Hằng

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả