Phát huy nhân tố con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ngày đăng: 25/10/2017 - 09:10

phát huy nhan to con ng 1282017Trong bất cứ thời đại nào, con người luôn luôn là nhân tố mang tính quyết định của quá trình tăng trưởng và phát triển. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành khoa học và công nghệ hiện đại thì vai trò của con người ngày càng được khẳng định. Vậy làm thế nào để phát huy nhân tố con người một cách triệt để và có hiệu quả cao nhất? Để góp phần giúp bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Phát huy nhân tố con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của TS. Hoàng Thái Triển.

Đồng hành với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, hòa nhập với sự phát triển và tiến bộ không ngừng của các ngành công nghệ dựa vào thành tựu mới nhất của khoa học như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học,... Gắn liền với sự phát triển ấy là những đòi hỏi gắt gao về nhân tố con người bởi sự phát triển của xã hội cũng như khám phá ra những thành tựu khoa học ấy chủ yếu dựa trên nền tảng văn minh và trí tuệ con người. Do vậy, phát huy nhân tố con người là một trong những vấn đề quan trọng, có tính cấp thiết, được Đảng và Nhà nước ta khẳng định ngay từ khi bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới.

Các Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ Đại hội VI đến Đại hội XII) đều nhấn mạnh vấn đề phát huy nhân tố con người, đặc biệt Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã xác định, một trong sáu nhiệm vụ quan trọng của Đảng là: "Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh"1. Thời gian qua, tư tưởng chiến lược đó đã đi vào cuộc sống và tạo nên những chuyển biến tích cực cũng như đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn và thách thức, nổi bật hơn cả là vấn đề đào tạo, sử dụng và phát huy nguồn nhân lực, làm sao để nâng cao toàn diện chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm cả năng lực thể chất, tinh thần, sức khỏe và trí tuệ. Điều đó, đòi hỏi cần phải có nhiều công trình nghiên cứu cơ bản, có hệ thống, không chỉ về mặt lý luận mà còn cả tổng kết thực tiễn để tìm ra những giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, cuốn sách Phát huy nhân tố con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được xuất bản, là một nguồn tài liệu tham khảo bổ ích, thiết thực cho độc giả. Nội dung cuốn sách được chia làm ba chương:

Chương I. Nhân tố con người với vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong chương này, tác giả tập trung làm rõ các phương thức tiếp cận nhân tố con người, các vấn đề xung quanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và yêu cầu của nhân tố con người trước đòi hỏi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chương II. Nhân tố con người trong sản xuất thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chương này tác giả đi sâu vào phân tích nhân tố con người đối với quá trình phát triển lực lượng và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, rút ra kết luận về mâu thuẫn giữa hai quá trình này.

Chương III. Thực trạng và một số giải pháp cơ bản phát huy nhân tố con người giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chương cuối cùng, tác giả phân tích về thực trạng nhân tố con người ở nước ta trong thời gian qua, đồng thời đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm phát huy nhân tố con người ở Việt Nam hiện nay.

Trong quá trình từng bước thực thi nhiệm vụ của Đảng nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề về nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay, cuốn sách Phát huy nhân tố nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một đóng góp vào công cuộc xây dựng “nền móng” nguồn nhân lực vững chắc, góp phần đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Phương Thảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.219.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả