Những hợp tác xã kiểu mới điển hình giai đoạn 2014-2016

Ngày đăng: 12/12/2017 - 09:12

hop tac xa 11122017Cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể ở nước ta ngày càng phát huy vai trò quan trọng và trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là một chủ trường lớn của Đảng và Nhà nước. Thực tiễn phát triển kinh tế hợp tác xã ở nước ta rất phong phú, đặc biệt là từ khi Luật hợp tác năm 2012 ra đời đã tạo động lực to lớn, thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển. Các hợp tác xã cũ thực hiện chuyển đổi, các hợp tác xã thành lập theo mô hình mới đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Nhằm giới thiệu, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản, phát hành cuốn sách Những hợp tác xã kiểu mới điển hình giai đoạn 2014-2016.

Cuốn sách do nhà xuất bản phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam biên soạn, xuất bản. Sách gồm hai phần, tập trung giới thiệu một số mô hình hợp tác xã kiểu mới điển hình trên cả nước trong giai đoạn 2014-2016 nhằm làm rõ phương thức và kết quả hoạt động của hợp tác xã đối với các hộ thành viên và của cả hợp tác xã, khẳng định vị trí, vai trò của mô hình kinh tế hợp tác trong sự phát triển lâu dài của đất nước; đồng thời phổ biến, cập nhật những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay.

Luật hợp tác xã 2012 quy định: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã” (tr. 49). Luật cũng đã chú trọng nhấn mạnh hơn về tính cộng đồng, hợp tác của hợp tác xã; nhất là các hợp tác xã nông nghiệp cần phải lấy mục tiêu phục vụ thành viên làm mục tiêu hoạt động chính của hợp tác xã; đồng thời làm rõ hơn về tài sản chung của hợp tác xã. Với Luật hợp tác xã năm 2012, nhận thức của chúng ta về hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng đã thay đổi căn bản, phù hợp với quy luật pháp triển hợp tác xã của thế giới. Tính đến hết năm 2015, trong lĩnh vực nông nghiệp, cả nước có 19 liên hiệp tác xã nông nghiệp, với hơn 7,3 triệu thành viên hợp tác xã, trong đó có khoảng 6,7 triệu hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã nông nghiệp (tr. 52).

Thông qua việc lựa chọn 53 hợp tác xã kiểu mới điển hình của các tỉnh, thành phố trên cả nước giai đoạn 2014-2016 bao gồm 42 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và 11 hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp, cuốn sách chủ yếu tập trung giới thiệu về vị trí địa lý; tổ chức, quy mô bộ máy hợp tác xã; mô hình của các loại ngành nghề, các sản phẩm chủ yếu; các hoạt động sản xuất dịch vụ của hợp tác xã; các loại dịch vụ hợp tác xã cung cấp cho thành viên; thu nhập bình quân của hộ thành viên hợp tác xã... của các mô hình hợp tác xã này. Từ đó, khái quát một cách rõ ràng và cụ thể về phương thức cũng như kết quả hoạt động của hợp tác xã nhằm khẳng định vị trí, vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã trong sự phát triển lâu dài của đất nước. Nguyên tắc hoạt động chung là: “cái gì hợp tác xã làm có lợi hơn là thành viên hợp tác xã tự làm, hoặc cái gì thành viên hợp tác xã không thể làm được thì hợp tác xã làm, qua đó làm cho sản xuất của các hộ thành viên hợp tác xã hiệu quả cao hơn (mua vật tư trên thị trường; dịch vụ làm đất, thủy lợi, vay vốn cho sản xuất; tổ chức dạy nghề cho người dân; nghiên cứu nhu cầu thị trường và quy hoạch trồng cây, nuôi con phù hợp với nhu cầu thị trường; tiêu thụ sản phẩm cho hộ thành viên; xây dựng nhà kho, chế biến sản phẩm, xây dựng các quỹ phòng rủi ro). Bản thân các hộ thành viên hợp tác xã vẫn là người sản xuất trực tiếp, sản phẩm cây, con mà họ làm ra thuộc sở hữu của họ, không phải sở hữu của hợp tác xã. Hợp tác xã không phủ định, thay thế kinh tế hộ, mà làm cho kinh tế hộ hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập của hộ thành viên hợp tác xã cao hơn” (tr. 22-23). Tuy nhiên, để kinh tế tập thể có thể phát triển mạnh, ngoài chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, mỗi thành viên hợp tác xã phải tự khắc phục những hạn chế của cách làm kinh tế tập thể theo tư duy bao cấp, “hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã” (tr. 49).

Thực tế đã chứng minh rằng, một hợp tác xã kiểu mới được thành lập, phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn thì mới phát triển bền vững. 53 mô hình hợp tác xã kiểu mới được giới thiệu ngắn gọn nhưng mang tính chi tiết, khái quát cao, có sự phân bố đều giữa các vùng miền, với sự đa dạng về mô hình cũng như ngành nghề và sản phẩm. Qua đó, có thể thấy, phát triển các hợp tác xã kiểu mới chính là khâu đột phá để cơ cấu lại nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.

Cuốn sách Những hợp tác xã kiểu mới điển hình giai đoạn 2014 – 2016 là một cuốn cẩm nang hữu ích dành cho bạn đọc, đặc biệt là các thành viên hợp tác xã, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách kinh tế về mô hình hợp tác xã kiểu mới tham khảo.

Phương Thảo

Bình luận