Tọa đàm khoa học Xuất bản trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày đăng: 11/04/2018 - 10:04

Ngày 10-4-2018, Đoàn Thanh niên Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức Tọa đàm khoa học Xuất bản trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với sự góp mặt của diễn giả Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc công ty cổ phần sách Alphabooks. Buổi Tọa đàm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường kiến thức thực tế cho đoàn viên, thanh niên Nhà xuất bản về thực trạng phát triển của ngành xuất bản cũng như những cơ hội, thách thức của ngành trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Tham dự buổi Tọa đàm có các đồng chí lãnh đạo, Đảng ủy Nhà xuất bản, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Nhà xuất bản, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên và toàn thể các đoàn viên, thanh niên Nhà xuất bản.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Đỗ Quang Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản đã nêu tóm lược thực trạng ngành xuất bản nói chung và thực trạng xuất bản của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nói riêng. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra thách thức với mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, trong đó xuất bản cũng không ngoại lệ.

toa dam 4.012018

Đồng chí Đỗ Quang Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Cùng trao đổi về chủ đề này, diễn giả Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc công ty cổ phần sách Alphabooks đã mang đến tọa đàm những lý giải thú vị xoay quanh lịch sử phát triển của ngành xuất bản Việt Nam, những thách thức và cơ hội cho ngành xuất bản trong thời đại công nghiệp mới, những đề xuất về định hướng phát triển cho ngành xuất bản.

anh toa dam 4.0120182

Diễn giả Nguyễn Cảnh Bình trao đổi cùng đoàn viên, thanh niên Nhà xuất bản về “sự dịch chuyển của ngành xuất bản trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, xuất bản là một quá trình hoạt động sản xuất bao gồm nghiên cứu, chọn lựa, sản xuất, in ấn, phân phối, phổ biến tri thức trên phạm vi rộng đáp ứng nhu cầu phát triển của nhiều người. Sự phát triển của ngành xuất bản luôn song hành với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhu cầu tri thức của con người, đó chính là sự phát triển của loài người. Do vậy, không nên bó hẹp xuất bản trong các định nghĩa cũ, trong các hình thức cũ mà nên tích hợp mọi hình thức công nghệ và phương tiện truyền tải tri thức mới vào nghiệp vụ xuất bản nói chung.

Để ngành xuất bản có thể phát triển bền vững trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải đáp ứng được ba yếu tố:

Một là, tri thức phải có giá trị, chất lượng cao. Bản thân xuất bản khó có thể cạnh tranh với các loại hình báo chí và các trang thông tin điện tử nếu chỉ đáp ứng được thông tin tri thức ở mức độ nền tảng. Tri thức xuất bản cần được đào sâu nghiên cứu, cung cấp cho bạn đọc giá trị thực sự để có thể phát triển bền vững trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Hai là, xuất bản cần đẩy mạnh yếu tố kịp thời, nhanh chóng và tiện lợi. Đây là một yếu tố quan trọng, mang tính cấp thiết trong vấn đề phân phối và phát hành của ngành xuất bản. Xuất bản truyền thống nên được tích hợp các công nghệ mới, không chỉ để bắt kịp tốc độ truyền tải thông tin tri thức trên thế giới mà còn bảo đảm cho sự phát triển bền vững của toàn ngành.

Ba là, chi phí rẻ, phù hợp và tương xứng. Ngành xuất bản trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 không nên định giá sách dựa trên số trang hay giá bìa mà phải định giá phụ thuộc vào tri thức.

toa dam khoa hoc4.03

Ông Nguyễn Cảnh Bình đã mang tới Tọa đàm những thông tin khoa học, cụ thể về sự phát triển ngành xuất bản thế giới đồng thời tương quan so sánh với ngành xuất bản ở Việt Nam.

Đánh giá toàn diện về sự phát triển của kênh xuất bản truyền thống, xuất bản truyền thống nói chung vốn có nền tảng để phát triển và duy trì được tốc độ phát triển đều đặn hằng năm. Tuy nhiên, tốc độ phát triển đều đặn này rất có khả năng sẽ bị thụt lùi trước sức ép từ thời đại, thị trường và nhu cầu của độc giả v.v… Để có được sự bùng nổ trong phát triển kênh xuất bản truyền thống, cần tích hợp công nghệ vào quá trình sản xuất, phân phối và truyền thông.

Cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi các tổ chức, cá nhân trong ngành xuất bản cần phải thay đổi và phát triển để có thể dịch chuyển ngành xuất bản theo xu hướng công nghệ mới, đảm bảo sự gia tăng số lượng song hành cùng chất lượng.

Trên cơ sở nội dung tọa đàm, các thành viên tham dự đã trình bày tham luận, trao đổi nhiều ý kiến đóng góp nhằm làm rõ hơn các vấn đề về thực trạng phát triển của ngành xuất bản Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như những thách thức, cơ hội mới cho ngành xuất bản.

toa dam 4.0120184

Đồng chí Chu Văn Khánh, Trưởng Ban sách Đảng phát biểu đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.

Buổi Tọa đàm là cơ hội để các đoàn viên, thanh niên Nhà xuất bản giao lưu, trao đổi xung quanh chủ đề xuất bản trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó góp phần định hướng cơ bản cho sự phát triển nghiệp vụ cũng như tri thức cần thiết để có đủ khả năng “đi tắt, đón đầu” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng vào nền xuất bản nước nhà.

Bình luận