Chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế đổi mới: Thị trường, đầu cơ và vai trò của nhà nước

Ngày đăng: 26/04/2018 - 15:04

chu nghia tu ban2018Nền kinh tế đổi mới khởi đầu từ phát kiến và đạt đỉnh cao bằng đầu cơ. Trong quá trình phát triển, những “bong bóng kinh tế” hay “bong bóng đầu cơ” liên tục xuất hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia, dẫn đến sụp đổ hoặc khủng hoảng kéo dài… Tuy nhiên, nhìn nhận ở một khía cạnh khác thì bên cạnh những tác động tiêu cực, những “bong bóng kinh tế” này vẫn giữ vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới và phát triển nền kinh tế.

Để giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế đổi mới: Thị trường, đầu cơ và vai trò của nhà nước của tác giả William H. Janeway.

Với 40 năm kinh nghiệm trong nghề đầu tư mạo hiểm và kinh tế tài chính, tác giả William H. Janeway viết cuốn sách Chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế đổi mới: Thị trường, đầu cơ và vai trò của nhà nước bằng chiều sâu lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn. Cuốn sách mang tới cho người đọc một câu chuyện đáng kinh ngạc về sự giao thoa giữa kinh tế và đổi mới, tiết lộ quá trình và sự tương tác sâu xa giữa nhà nước, thị trường và tài chính, từ đó giúp người đọc hiểu về khủng hoảng kinh tế hiện nay và viễn cảnh trong tương lai. Bằng những phản biện sâu sắc về các mô hình kinh tế, sự phi lý mà “bong bóng” gây ra trong thời đại công nghệ, cuốn sách đã phá vỡ hoàn toàn khuôn khổ kinh tế học tân cổ điển, dẫn dắt người đọc theo dòng chiêm nghiệm về việc xã hội chúng ta phải vươn lên như thế nào trước những những thách thức đến từ nền kinh tế đổi mới.

Mở đầu cuốn sách, tác giả đã đưa ra những lý giải phổ thông, dễ hiểu nhất nhưng cũng vô cùng sâu sắc dưới góc độ chuyên gia kinh tế về nền kinh tế đổi mới, mối quan hệ giữa nhà nước, kinh tế thị trường và tư bản tài chính.

Nhà nước chính là thực thể chính trị có đủ thẩm quyền cưỡng chế để thiết lập nên các quy tắc vận hành “trò chơi kinh tế”. Tuy nhiên, bản thân nhà nước vẫn luôn phải tiếp cận với các nguồn lực kinh tế - tài chính để thực hiện mục tiêu quốc gia như phát triển kinh tế, an sinh xã hội, thậm chí là chiến tranh xâm lược… Bản thân nhà nước cũng là đối tượng hướng tới của các nhóm lợi ích kinh tế - tài chính. Đầu tư nhà nước trong nghiên cứu cơ bản dẫn đến đầu cơ tài chính trong xây dựng kết cấu hạ tầng, việc khai thác kết cấu hạ tầng này lại tác động trực tiếp tới nền kinh tế thị trường.

Trên nền tảng những lý luận căn bản và sơ lược về nền kinh tế đổi mới và mối quan hệ giữa nhà nước, kinh tế thị trường và tư bản tài chính, tác giả đã truyền tải trọn vẹn thông điệp tri thức qua 4 phần là Tìm hiểu trò chơi, Nhập cuộc chơi, Hiểu về trò chơi - vai trò của bong bóng, và Hiểu về trò chơi - vai trò của nhà nước. Để tiện cho bạn đọc khi tiếp cận cuốn sách, xin mạn phép chia cuốn sách thành 2 nội dung lớn.

Nội dung thứ nhất bao gồm 2 phần Tìm hiểu trò chơi, Nhập cuộc chơi. Đây là những góc nhìn từ bên trong của một nhà đầu tư mạo hiểm, trực tiếp tham gia vào quá trình đổi mới nền kinh tế, khi mà đầu cơ tài chính giao thoa với công nghệ mới. Đứng từ vị trí một nhà nghiên cứu - đầu tư mạo hiểm, William H. Janeway “đã hiểu được tinh thần của thế giới 1929-1931, một thời kỳ đã chứng minh sự phụ thuộc lẫn nhau của các hệ thống tài chính và nền kinh tế thị trường, cũng như việc mỗi hệ thống đôi khi cần phải có sự can thiệp của nhà nước tại thời điểm căng thẳng cực độ” (tr. 24).

Nội dung thứ hai bao gồm 2 phần Hiểu về trò chơi - vai trò của bong bóng, và Hiểu về trò chơi - vai trò của nhà nước. Đây là những đánh giá sâu sắc của tác giả khi đứng ở góc nhìn của một nhà lý luận, nhìn từ bên ngoài để đánh giá và tham chiếu ngược lại những cơ hội và lợi ích mà kinh tế đổi mới tạo ra cho bất cứ ai tham gia vào nó.

Qua cuốn sách, tác giả cung cấp cho người đọc những tri thức về “bong bóng kinh tế”, bản chất, vai trò tích cực - tiêu cực khi “bong bóng vỡ” và cách tận dụng bong bóng để tạo ra lợi nhuận khổng lồ, từ đó thúc đẩy nền kinh tế mới. Với những ví dụ cụ thể về “bong bóng” qua từng thời kỳ như là “bong bóng” dotcom/ telecom những năm 1990, làn sóng đổi mới và những “bong bóng” sản sinh trong giai đoạn 1999-2000 hay “bong bóng” tín dụng 2004-2007… tác giả đã minh chứng một cách rõ ràng rằng: cần thiết phải phân biệt “bong bóng” ở hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Bản thân “bong bóng” trong những thời điểm lịch sử quan trọng được đánh giá là “đem lại nguồn vốn để xây dựng và khám phá không gian kinh tế mới trước khi áp dụng bất kỳ cách tính toán hợp lý nào để xác định các khoản lợi nhuận thu được từ việc khai thác chúng. Mặc dù gây ra dư thừa lãng phí, bong bóng thị trường đã cho thấy chúng là tác nhân cần thiết của sự tiến bộ kinh tế” (tr. 218). Trong hoàn cảnh đó, nếu đối tượng đầu cơ có thể vượt qua “bong bóng” và nắm bắt được cơ hội, chắc chắn sẽ trưởng thành và phát triển không ngờ…

Về vai trò của nhà nước, thực tế lịch sử đã chứng minh, nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, đôi khi lại là phương tiện để phát triển kinh tế. Một ví dụ điển hình, nhà nước trợ cấp cho hoạt động khoa học và kỹ thuật tiên tiến để tạo ra những đổi mới, cải cách quan trọng trong nền kinh tế. Ở thời điểm hiện tại, hành động can thiệp một cách phù hợp của nhà nước được xem là cần thiết đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế quốc tế nói chung.

Có thể nói, qua cuốn sách, tác giả William H. Janeway đã truyền tải được lượng kiến thức lịch sử kinh tế phong phú đan xen với những trải nghiệm cá nhân trong suốt 40 năm làm nghề đầu tư mạo hiểm. Mỗi sự kiện trong lịch sử kinh tế nhân loại, mỗi sự kiện trong cuộc đời tác giả đều được tóm lược và diễn giải một cách rõ ràng, chi tiết, từ đó đúc rút ra những lý luận và phản biện sâu sắc về nền kinh tế đổi mới, mối quan hệ giữa thị trường, đầu cơ và vai trò của nhà nước. Đây là tài liệu tham khảo đắt giá, cũng rất dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với độc giả để trang bị vốn tri thức phong phú, ứng dụng vào thực tiễn quản lý nhà nước, hoạch định chính sách phát triển kinh tế hay đầu tư, nghiên cứu thị trường…

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả