Báo chí và bài học từ 12 chữ “phê bình” của Bác
Cách đây 60 năm, vào tháng 9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện quan trọng mang tính định hướng cả trong tư duy lẫn nghiệp vụ đối với những nhà báo. Sau hơn nửa thế kỷ, vấn đề Bác đặt ra với người làm báo cũng như với báo chí cách mạng Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự. Đặc biệt là vấn đề phê bình và tự phê bình của báo chí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu tại Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 9/1962. ẢnhTL
12 chữ phê bình của Bác
Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Đại hội III ngắn gọn nhưng vừa khái quát được chức năng, nhiệm vụ, vai trò và sứ mệnh của báo chí cách mạng vừa cụ thể về công việc, “bếp núc” của người làm báo.
Bác lấy “tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí” nói về vấn đề phê bình và tự phê bình.
Tổng cộng Bác dùng 12 chữ “phê bình”.
Đầu tiên về vai trò của phê bình, Bác dùng hai từ “phê bình”: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”.
Tiếp đến, Bác nói về phương pháp phê bình của báo chí. Trong đoạn nói ngắn gọn, bác dùng ba từ “phê bình”. Bác chỉ ra, báo chí “phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”.
Mở rộng ra, Bác nói về đối tượng tiếp nhận phê bình, Bác nhấn mạnh với bốn từ “phê bình”: “Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai thì đăng báo giải thích. Không được “phớt” lời phê bình, không “trù” người phê bình”.
Bác dùng cụm từ “được phê bình” chứ không phải “bị phê bình” cho thấy quan điểm và tính nhân văn trong quá trình nhận sai và sửa sai.
Chữ “phê bình” thứ 10, Bác nói về “căn bệnh” sợ phê bình của một vài cán bộ cơ quan: “Có một vài cán bộ, cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt đối với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án”.
Chữ “phê bình” thứ 11, Bác đề nghị các báo “khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi”.
Chữ “phê bình” thứ 12, Bác đã “xung phong” phê bình các báo. Bác đặt ra mấy vấn đề:
“Bài báo thường quá dài, dây cà ra dây muống, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng.
Thường nói một chiều, đôi khi thổi phồng các thành tích mà ít hoặc không nói đúng mức các khó khăn, khuyết điểm của ta.
Đưa tin hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng.
Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau.
Lộ bí mật.
Có khi quá lố bịch.
Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không chuẩn…”
Đó là những vấn đề quá đúng và quá trúng không chỉ với báo chí thời điểm đó mà cho đến nay vẫn là những bài học cơ bản của báo chí.
Đây chính là phê bình trên tinh thần xây dựng, giúp báo chí “sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Việc phê bình báo chí được Bác khéo léo đưa ra như một ví dụ chính xác về phê bình và người tiếp nhận cảm thấy “được phê bình” chứ không phải “bị phê bình”.
Không chỉ phê bình, với báo chí, Bác còn gợi mở cách để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Cũng trong bài nói chuyện ấy, bác đưa ra kinh nghiệm của mình:
“Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc. Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm”.
Chỉ mấy câu ngắn gọn của Bác có giá trị hơn rất nhiều giáo trình. Đó là khi viết báo phải xác định ngay đối tượng, mục đích sau đó mới đến cách thể hiện và cuối cùng là lời dạy về sự khiêm tốn, cần chịu khó học hỏi trong nghề báo, của người làm báo.
12 chữ “phê bình” của Bác trong một bài nói chuyện 60 năm về trước có giá trị và sức sống lâu bền. Cho dù báo chí, công nghệ có phát triển đến đâu thì những lời dạy của Bác vẫn là những bài học quý giá.
Tiếp thu phê bình để phát huy vai trò “đi trước, mở đường” của báo chí
60 năm qua, kể từ bài nói chuyện của Bác tại Đại hội III Hội Nhà báo, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển hùng hậu, cùng dân tộc và đất nước đi qua nhiều thành công. Người làm báo đã thực hiện đúng những mong mỏi của Bác “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, đi sâu vào thực tế đi sâu vào quần chúng lao động”.
Báo chí cũng làm tốt công tác phê bình. Đó là phê bình những thói hư tật xấu, đặc biệt là phê bình, làm rõ hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong xã hội góp phần vào thành quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, được nhân dân ủng hộ.
Tuy nhiên, vẫn có những việc, những điều mà báo chí cũng như người làm báo cần soi lại mình, cần tiếp tục tự phê bình.
Một số tồn tại, hạn chế của báo chí hiện nay đã được đồng chí Võ Văn Thương, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thẳng thắn chỉ ra tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2025, đó là: “Một bộ phận nhà báo còn thiếu tính chuyên nghiệp; thiếu tinh thần tự học, tự bồi dưỡng; thậm chí có tình trạng chữ nghĩa vụng về, cẩu thả; trình độ tin học, ngoại ngữ, hiểu biết thông lệ, luật pháp quốc tế và giao lưu quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số. Số lượng nhà báo được đào tạo để ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động báo chí chưa nhiều.
Một số cơ quan báo chí và người làm báo chạy theo thị hiếu tầm thường, lợi ích cá nhân, sa đà vào thông tin mặt trái của xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, thậm chí làm sai lệch bản chất sự việc. Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng sự phát triển của báo chí. Số lượng cơ quan báo chí tăng nhanh; nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, phó mặc cơ quan báo chí; tôn chỉ mục đích bị xem nhẹ”.
Báo chí là công việc đòi hỏi người làm báo phải có tư duy nhạy bén, có sự nhạy cảm và bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực phân tích, đánh giá đúng và trúng những vấn đề đang diễn ra và dự báo xu hướng vận động trong đời sống xã hội; người làm báo phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh nghề nghiệp, có khả năng thích ứng với thời cuộc, nắm bắt và làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, tiệm cận với báo chí, truyền thông quốc tế, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của người làm báo cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Báo chí Việt Nam cần đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Đảng, phục vụ đất nước và nhân dân; có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; biết vượt qua cám dỗ, loại bỏ được sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham và sự giả dối, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và danh dự của cá nhân trên từng trang viết.
Bản lĩnh và tâm thế của người làm báo hôm nay còn phải được thể hiện ở tinh thần tự phê bình, quyết tâm sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, tồn tại. Có như vậy mới xứng đáng vai trò tiên phong trong ổn định tư tưởng, tâm trạng xã hội, phát huy vai trò “đi trước, mở đường”. Có như vậy, người làm báo mới thực sự đảm nhận được trách nhiệm của một “chiến sĩ cách mạng” như Bác Hồ từng căn dặn.
Theo laodong.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Lan tỏa nội dung và phát huy giá trị Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước
- Nhiều hoạt động giới thiệu, trưng bày sách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
- Những chặng đường vẻ vang của Tòa án nhân dân Việt Nam
- Số phận thăng trầm của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền bổ nhiệm Phó Giám đốc
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tuyển lao động hợp đồng
- Xuất bản sách lý luận, chính trị trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
- Phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và định hướng phát triển
- Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước
- Đồng chí Phạm Minh Chính được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ
- Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước